NHẬN ĐỊNH PHÁP LUẬT THÁNG 02/2013: SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP CẦN TIẾNG NÓI ĐA CHIỀU

Đảng Dân chủ Việt Namdangky3
Văn phòng Trung ương
Ban Vận động Xây dựng Nhà nước Pháp quyền


Nhận định Pháp luật Tháng 02/2013

Sửa Đổi Hiến Pháp Cần Tiếng Nói Đa Chiều

Lời mở đầu
Sau hơn nửa thế kỷ cầm quyền của một đảng cách mạng, xã hội Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng. Khủng hoảng vì lo sợ chế độ bị sụp đổ. Khủng khoảng vì quốc nạn tham nhũng dai dẳng và vô phương cứu chữa. Khủng hoảng cho niềm tin vào tương lai. Mọi người chúng ta đều xác định được rằng nguồn gốc của những khủng hoảng đó là sự thiếu vắng của một bản hiến pháp thiết lập rõ ràng hệ thống pháp luật chuẩn mực và vô tư, một cơ chế quyền lực nhà nước được phân chia và giới hạn, và hệ thống bầu cử minh bạch và công bằng. Nói chung, bản hiến pháp đó phải xiển dương rõ ràng quyền người dân bỏ phiếu bầu lãnh đạo và hệ thống tòa án độc lập dựa trên tôn chỉ bảo vệ quyền con người và thi hành luật pháp một cách vô tư. Hiện nay, hậu quả của tình trạng khủng hoảng cơ chế và khủng hoảng luật pháp là hệ thống chính trị suy đồi, tham nhũng, bất trị; lãnh đạo nói mà không làm; nhà nước của dân biến thành nhà nước của một đảng. Trong mấy mươi năm qua, nhiều nhà lãnh đạo có tâm huyết với đất nước đã kêu gọi một thay đổi toàn diện. Nhưng hệ thống chính trị độc đoán đã nhận chìm những tiếng nói cấp tiến đó; biến cả lãnh đạo, đảng viên, và cán bộ trong Đảng Cộng sản thành nạn nhân của hệ thống. 
Nhận thức được vấn đề của đất nước như vậy, việc chung vai sát cánh là cần thiết để đưa Tổ quốc chúng ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng. Những công tác thiết yếu cần phải làm bắt đầu bằng sự thật tâm vận động cho Việt Nam có một bản hiến pháp dân chủ đúng nghĩa, một nhà nước chính danh của nhân dân, và một hệ thống pháp luật chuẩn mực. Hiến pháp dân chủ, pháp luật chuẩn mực và hệ thống nhà nước minh bạch là những điều kiện tất nhiên để tạo lập công bằng xã hội, phát triển kinh tế bình đẳng, mở đường cho các chương trình phúc lợi xã hội cho toàn dân.
Sửa đổi hiến pháp cần tiếng nói đa chiều
Quá trình sửa đổi hiến pháp ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục diễn ra sôi nổi. Điều đáng mừng là giới trí thức độc lập và thanh niên với tiếng nói của chính họ đã lên tiếng, thể hiện quan điểm thẳng thắn, vượt ra khỏi lối suy nghĩ rập khuôn mà bộ máy tuyên truyền của một đảng lâu nay cố gắng nhồi nặn.
Một số ý kiến cho rằng việc góp ý, kiến nghị hiến pháp là vô nghĩa, thậm chí không cần thiết. Đảng Dân chủ Việt Nam cho rằng im lặng, thờ ơ, hay chỉ bảo lưu ý kiến cá nhân mà không có sự cọ xát, trao đổi với các thành viên khác trong xã hội, mới là điều đáng ngại. Im lặng, thờ ơ đồng nghĩa với việc để cho giới cầm quyền độc quyền tiếp tục những luận điệu tuyên truyền, tạo dựng và thao túng “dư luận” ủng hộ bản dự thảo của họ, và có nghĩa là chấp nhận tiếp tục sống và làm việc trong môi trường ý thức hệ không còn ai tin nữa.
Chỉ bảo lưu ý kiến cá nhân mà không có sự cọ xát, trao đổi với các thành viên khác trong xã hội, là đáng ngại, bởi hai lý do. Thứ nhất, tinh thần dân chủ bao dung, tôn trọng sự khác biệt đòi hỏi thảo luận tìm ra điểm chung giữa nhiều thành phần khác nhau trong xã hội. Thứ hai, tinh thần hòa hợp dân tộc đòi hỏi sự trao đổi, đối thoại giữa nhiều lực lượng chính trị, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên các nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Thảo luận về hiến pháp là nêu lên những nguyện vọng cơ bản về cơ chế chính trị xã hội nơi mọi thành phần khác nhau cần chung sống trong hòa bình. Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam đã sai trong việc cố tình gạt bỏ ý kiến của những lực lượng đối lập và trí thức độc lập, thì chúng ta hãy làm đúng: lịch sự cho họ biết rằng các quan điểm, ý kiến trong xã hội đa dạng hơn thế, và không có cách nào khác cho sự ổn định xã hội ngoài việc cùng ngồi lại đối thoại về những nền tảng cơ bản mà hệ thống chính trị xã hội Việt Nam ngày nay đang cần, trong tinh thần hoà hợp người Việt.
Việc lên tiếng, góp ý, kiến nghị về hiến pháp không chỉ góp các tiếng nói đa chiều vào cuộc thảo luận hiến pháp – điều luôn là cần thiết và có ý nghĩa – mà còn khiến Đảng Cộng sản phải nỗ lực hơn trong việc giải thích bản dự thảo của họ và tìm kiếm sự đồng thuận của xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam đang ra sức thu thập “ý kiến” và chữ ký “đồng ý” của nhân dân. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong các lần sửa đổi hiến pháp mà Đảng Cộng sản phải huy động toàn bộ bộ máy hành chính và đảng song trùng trong việc lấy chữ ký “đồng ý” cho bản dự thảo sửa đổi hiến pháp, khiến việc sửa đổi hiến pháp – theo chính cách dùng từ của họ – trở thành “đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân”. Dù rằng giới lãnh đạo đang cố tình o ép ý kiến dư luận theo hướng có lợi cho bản dự thảo của họ, nhưng việc triển khai lấy ý kiến “sâu rộng” sẽ khiến khái niệm hiến pháp càng trở nên phổ biến, gần gũi hơn với đa số người dân. Từ việc thân thuộc với các khái niệm, đến việc mong muốn tìm hiểu nội hàm, ý nghĩa đa chiều của các khái niệm đó, đặc biệt trong giới thanh niên, là một bước gần. Nếu không có các phương tiện truyền thông xã hội độc lập, không có các kiến nghị thẳng thắn, thách thức cách suy nghĩ thông thường, phản bác các luận điệu tuyên truyền một chiều, có lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam đã không cần phải “nỗ lực” thu thập ý kiến và chữ ký đồng ý của người dân quyết liệt như ngày hôm nay, và khái niệm hiến pháp, khi đó, có lẽ chỉ dừng lại trong giới trí thức, luật gia và chính trị gia. Tuy vậy, cuộc cạnh tranh rõ ràng bất bình đẳng trong cơ chế một đảng độc quyền truyền thông và độc quyền nhà nước. Nhưng chính vì vậy mà các lực lượng trí thức và chính trị dân chủ cần đồng lòng, tìm đồng thuận cho các điểm chung và nỗ lực thúc đẩy một quy trình sửa đổi hiến pháp trung thực, công bằng, với phúc quyết hiến pháp minh bạch, thay vì đứng riêng lẻ và công kích những cách làm khác mình.
Cần nhắc lại rằng, tổ chức góp ý hiến pháp hay hội thảo góp ý hiến pháp dù “góp ý sôi nổi” như thế nào cũng chỉ là “thăm dò ý kiến”, không phải là thủ tục pháp lý. Trong khi đó, phúc quyết hiến pháp, hay trưng cầu dân ý để nhân dân phê chuẩn hiến pháp bằng lá phiếu, là thủ tục pháp lý nhất thiết để bản hiến pháp được ban hành là hiến pháp của toàn dân. Đảng Dân chủ Việt Nam chia sẻ những băn khoăn xung quanh việc liệu trưng cầu dân ý phúc quyết hiến pháp trong cơ chế chính trị hiện tại có thể có sự trung thực, minh bạch cần thiết hay không. Tuy vậy, nếu không có phúc quyết hiến pháp, càng dễ dàng hơn cho Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc ngụy tạo ý kiến dư luận – như đang thể hiện qua việc họ huy động bộ máy đảng và nhà nước tổ chức hội nghị, thu thập chữ ký ủng hộ bản dự thảo của họ. Trong tình hình chính trị hiện nay, nếu không có trưng cầu dân ý mà chỉ có đóng góp ý kiến nói chung, rõ ràng, những tiếng nói phản biện độc lập, trung thực và xây dựng có thể bị cả hệ thống song trùng lấn át.
Đảng Dân chủ Việt Nam giữ quan điểm rằng cần tập trung thúc đẩy tổ chức phúc quyết hiến pháp để Việt Nam có một bản hiến pháp chính danh và hợp thức. Nhưng nếu chỉ riêng Đảng Cộng sản Việt Nam có thể sử dụng các phương tiện thông tin và tiếp cận với quần chúng, trong khi giới trí thức độc lập và các lực lượng chính trị phi cộng sản bị ngăn trở trong việc thực hiện các quyền này, thì quá trình phúc quyết hiến pháp không thể được coi là trung thực, khách quan; và vì vậy, bản hiến pháp sửa đổi sẽ không có tính chính danh và cũng sẽ không tồn tại được lâu dài.
Bất kể kết quả về sửa đổi hiến pháp, ngay việc chúng ta lên tiếng một cách thẳng thắn về quan điểm hiến pháp, chúng ta đã và đang góp phần vào việc quyết định tương lai của đất nước. Nếu Đảng Cộng sản thức thời, mở ra cơ chế chính trị và hiến định phù hợp lòng dân, đó sẽ là điều tốt cho cả dân tộc. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục cố thủ ý thức hệ, gạt bỏ các ý kiến phản biện xây dựng và trung thực, không tổ chức cho nhân dân phúc quyết hiến pháp hiển nhiên chứng tỏ nhà cầm quyền không tôn trọng quyền làm chủ đất nước của nhân dân. Khi đó, tự họ tước bỏ không chỉ tính chính danh của bản hiến pháp được sửa đổi mà ngay cả tính chính danh chính trị của họ.
Sự cần thiết của pháp luật chuẩn mực, bắt đầu bằng bản Hiến pháp dân chủ 
Đã hơn hai thập niên từ khi sửa sai đổi mới, dù nhà cầm quyền Việt Nam hô hào xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng những đòi hỏi cơ bản của nhà nước pháp quyền vẫn chưa được đáp ứng. Công trình chuyển đổi bản chất của nhà nước, từ vai trò ban phát sang vai trò phục vụ nhân dân, là một xu thế và quy luật phát triển tất yếu. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện và có cơ chế đảm bảo thi hành hiến pháp và pháp luật hữu hiệu không chỉ ngăn chặn tình trạng lạm quyền, tham nhũng, mà hơn thế, còn thúc đẩy phát triển toàn diện, tiến tới xây dựng xã hội công bằng. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa, để khẳng định vị thế của một nhà nước, tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia trong sự tương thích với luật pháp quốc tế là một đòi hỏi hàng đầu.
Quan điểm của Đảng Dân chủ Việt Nam trước sau vẫn không thay đổi: tranh đấu cho xã hội dân chủ, công bằng, dứt khoát và trước hết phải tranh đấu cho Việt Nam có bản hiến pháp dân chủ. Hiến pháp dân chủ là điều kiện tiên quyết của nhà nước pháp quyền.

Đảng Dân chủ Việt Nam
Đại diện
Ban vận động Xây dựng Nhà nước Pháp quyền
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hường
Luật sư Trần Minh Quốc