HÃY XEM TẬP CẬN BÌNH - LỜI NÓI HÔM TRƯỚC VÀ HÀNH ĐỘNG HÔM SAU
Trung Quốc bắn tàu cá Việt nhưng lại nói muốn hòa bình!
Ngày 23/3, tàu của thuyền trưởng Bùi Văn Phải (xã An Hải, Quảng Ngãi) cập về Lý Sơn trong cảnh tơi tả, cabin của tàu cùng nhiều đồ đạc cháy nham nhở.
Tàu cá QNg 96382 của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa bị tàu tuần tra của Trung Quốc bắn cháy rụi nóc cabin khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động côn đồ xẩy ra vào ngày 20/3, nhưng mãi đến cuối tuần qua, 23/3, khi tàu cá của thuyền trưởng Bùi Văn Phải (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) cập bờ về Lý Sơn trong cảnh tơi tả, cabin của tàu cùng nhiều đồ đạc cháy nham nhở thì thông tin trên đây mới được cập nhật.
Trước đó, tàu cá QNg 50949 do thuyền trưởng Bùi Văn Trung (xã Bình Châu, Bình Sơn) điều khiển cũng đã trình báo với với Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thận, cán bộ đồn Biên phòng Bình Hải về việc bị Hải giám Trung Quốc xua đuổi và cướp tài sản. Các ngư dân cho tàu trụ bám tại đảo Xà Cừ để lặn bắt tôm và hải sâm. Ngày 17/3, tàu Trung Quốc mang số 306 đã đuổi bắt tàu của anh Trung. Một nhóm lính Trung Quốc nhảy lên boong khống chế tàu chạy vào một cồn cát gần đảo rồi đập phá, lục soát, lấy đồ đạc. Dây lặn hơi bị chặt nát, máy định vị, máy dò bị lấy, nhiều đồ đạc bị quăng xuống biển. Tôm cá - thành quả 17 ngày đêm đánh bắt - bị hốt đổ sang tàu tuần tra Trung Quốc.
Được biết, ngày 19/3, Đại diện Ủy ban Biên giới quốc gia đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu Trung Quốc không cản trở tàu cá Việt Nam. Đại diện Ủy ban đã phản đối Trung Quốc về các hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa/Trường Sa, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh/truyền hình và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”, cử Biên đội Hải giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các Hải giám 262/263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi các tàu cá Việt Nam đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này.
Không thể nói một đằng làm một nẻo!
Ngày 17/3, phát biểu sau khi kết thúc kỳ họp Quốc hội, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường bác bỏ mối quan ngại quốc tế rằng Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa và nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ không chủ trương theo đuổi bá quyền ngay cả khi trở nên hùng mạnh hơn. Tuy nhiên, tân thủ tướng nhấn mạnh, tuy cam kết phát triển hòa bình, nhưng Trung Quốc quyết tâm bảo vệ lãnh thổ của mình. Theo giới quan sát, tuyên bố này của ông Lý thể hiện lập trường quyết đoán hơn của Bắc Kinh trong tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng, gồm cả Hoa Đông và Biển Đông.
Những phát biểu này dường như trùng khớp với các tuyên bố trước đó của ông Tập Cận Bình trong một diễn văn công khai đầu tiên về các quan điểm đối ngoại của mình kể từ khi trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Tập cho hay, Trung Quốc sẽ không bao giờ thương lượng những gì mà họ cho là “lợi ích cốt lõi”. Vào thời điểm những căng thẳng với Nhật Bản và các láng giềng châu Á khác, trong đó có Việt Nam và Philippines, qua những tuyên bố về chủ quyền, ông Tập đã đặt ra một số nguyên tắc cho Bộ chính trị mang tính định hướng đối với ngoại giao Trung Quốc. Ông Tập tìm cách cân bằng những cam kết theo đuổi hòa bình với lời cảnh báo rằng có những yêu cầu của Bắc Kinh là bất khả xâm phạm.
Điều này khiến dư luận nhớ lại cách đây 25 năm, Trung Quốc đã bất ngờ tung hải quân tấn công vào lực lượng Việt Nam trấn giữ một số vị trí trong vùng quần đảo Trường Sa. Cuộc hải chiến đẫm máu ấy đã giúp Trung Quốc thôn tính nhiều vị trí do Việt Nam kiểm soát từ trước. Trong bối cảnh Bắc Kinh không che giấu ý muốn thống trị hoàn toàn Biển Đông, giới phân tích đang tự hỏi là liệu Trung Quốc có thể tái lập kịch bản đánh úp Việt Nam như vào năm 1988 hay không? Bởi trận đánh úp ở bãi đá Gạc Ma mang ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Bắc Kinh. Nó cho phép Trung Quốc chiếm cứ 6 vị trí đầu tiên trong vùng Trường Sa, đặt những công sự phòng thủ kiên cố vẫn rất quan trọng vào lúc này, chẳng hạn như trên đá Chữ Thập – Fiery Cross, với một giàn radar cảnh báo sớm.
Liệu có thể cắt nghĩa như thế nào về những cam kết hòa bình của ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh với việc để cho các tàu Hải giám Trung Quốc bắn phá và cướp bóc một cách trắng trợn các tàu cá của ngư dân Việt Nam? Không thể cam kết trên lời nói Trung Quốc muốn hòa bình nhưng trên thực địa lại cho bắn vào các táu cá ngư dân Việt Nam hoạt động ở ngư trường truyền thống hàng bao đời nay của bản thân và cha ông mình./.
Kim Thoa