BIỂN ĐÔNG

Tình hình Biển Đông: Trung Quốc biến Hoàng Sa thành nhà trọ

Phunutoday.vn - 8 tháng trước
(Phunutoday) - Trung Quốc xây phòng trọ trên Hoàng Sa, Philippnes nhận viện trợ tàu tuần tra từ Nhật, tàu cá Việt Nam và Trung Quốc đối mặt ở Trường Sa là những thông tin nóng trong ngày 30/7.
Tờ Nhân dân nhật báo Trung Quốc xuất bản ngày 30/7 đưa tin, chính quyền cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Bắc Kinh vừa lập ra để thực hiện các hoạt động quản lý phi lý, phi pháp và vô hiệu đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam đang lên kế hoạch xây dựng trái phép 83 căn phòng trọ giá rẻ trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa.
Bài báo phản ánh cuộc sống và các hoạt động của người dân Trung Quốc đưa ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm. Hiện tại, Trần Vận Hoa, trưởng thôn Phú Lâm- nơi Bắc Kinh đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, cho hay toàn thôn có 38 hộ dân với 159 nhân khẩu được đưa ra Hoàng Sa cư trú trái phép từ các địa phương Văn Xương, Quỳnh Hải và Vạn Ninh thuộc đảo Hải Nam.
Được biết, cuộc sống của nhóm dân cư Trung Quốc được chính quyền nước này vận động ra sinh sống trái phép trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa mà Bắc Kinh chiếm đóng trái phép của Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc khá nhiều vào viện trợ của chính quyền và từ đất liền. Ảnh chụp màn hình bài báo "Tam Sa xây dựng 83 căn phòng trọ giá rẻ trên đảo Phú Lâm" của tờ Nhân dân nhật báo được nhiều tờ báo Trung Quốc đưa lại
Trong một diễn biến khác, một tin nhắn phóng viên Tân Hoa Xã tải lên blog cho biết, 30 tàu cá Trung Quốc khi đang chạy trên biển Đông đã bắt gặp khoảng 40 tàu cá Việt Nam mà phóng viên Tân Hoa Xã rêu rao rằng đó là vùng biển đang nằm trong khu vực Bắc Kinh ra lệnh cấm đánh bắt cá (phi lý và phi pháp).
Tuy nhiên, theo phóng viên Tân Hoa Xã tàu cá hai bên tránh nhau và không xảy ra va chạm. Hiện thông tin này chưa được kiểm chứng và phía Trung Quốc cũng không đưa ra hình ảnh nào về 40 tàu cá Việt Nam.
Cùng ngày, tờ nhật báo Inquirer (Philippines), công sứ Shinsuke Shimizu cho biết Nhật Bản và Philippines đã bắt đầu các thủ tục hành chính để Đội phòng vệ bờ biển Philippines được nhận 12 tàu tuần tra này. Những tàu này sẽ được bổ sung trang thiết bị hiện đại khi chuyển cho Philippines, dự kiến trong năm 2014.
Tuy nhiên, ông Shimizu nhấn mạnh sự hỗ trợ tàu không có nghĩa Nhật Bản giúp đỡ Philippines xây dựng một khả năng quốc phòng đáng tin cậy tối thiểu để tăng cường cho các giải pháp ngoại giao của Philippines khi giải quyết tranh chấp trên biển Đông với Trung Quốc. "Bản chất việc hỗ trợ khác hẳn với ý định xây dựng quốc phòng của Philippines, cũng như không nhắm vào vấn đề cụ thể nào trong khu vực. Đây là thỏa thuận giữa hai nước nhằm hợp tác trong nhiều vấn đề an toàn và an ninh hàng hải như công tác tìm kiếm và cứu nạn hoặc chống cướp biển". Ông nói.
Hôm qua 29/7, báo Thái Lan The Nation đăng bài xã luận kêu gọi các nước thành viên ASEAN không có tranh chấp trên biển Đông cần chủ động hơn nữa để giải quyết vấn đề này. Theo The Nation, đến nay mới chỉ có Indonesia chứng tỏ sự quyết tâm giải quyết bất đồng về biển Đông của ASEAN, nhờ vào nỗ lực ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Báo này cho rằng đã đến lúc cả Thái Lan và Singapore cũng cần đóng vai trò tương tự như Indonesia.
Ở phạm vi quốc tế, chuyên gia Roby Arya Brata, nhà phân tích luật và chính sách Ban thư ký nội các Indonesia cho rằng: LHQ cần cải cách quyền lực tài phán của Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS) và thay đổi các điều khoản giải quyết tranh chấp trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Một cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ rõ ý định muốn mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Indonesia đã đồng lên tiếng ủng hộ tự do hàng hải tại biển Đông. Bộ trưởng ngoại giao Indonesia Natalegawa nói: sự tăng trưởng của các nước trong vùng phải “có lợi” cho hòa bình và an ninh khu vực. Ông khẳng định các nước ASEAN sẽ tiếp tục những nỗ lực để ra một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông sau thất bại mới đây tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh, Campuchia.