Blogger Nguyễn Lân Thắng bị bắt giữ tại sân bay Nội Bài


CTV Danlambao - Cập nhật lúc 10h sáng, ngày 31/10/2013: Thượng tá Nguyễn Văn Quân (số hiệu 003-250) trả lời miệng với chị Lê Bích Vượng, vợ blogger Nguyễn Lân Thắng rằng: "Anh Thắng đã nhập cảnh không bị bắt giữ, đang làm việc với cơ quan an ninh về vấn đề an ninh quốc gia". Họ nói họ không biết gì thêm và không được phép trả lời, cũng không biết cấp nào có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy, sau một đêm bị bắt giữ, cho đến thời điểm này blogger Nguyễn Lân Thắng vẫn hoàn toàn mất tích. Phía an ninh sân bay Nội Bài vẫn đùn đẩy trách nhiệm, vòng vo. Nhiều blogger Hà Nội vẫn đang tiếp tục ở sân bay Nội Bài để hỏi thông tin về anh Thắng

*

Blogger Nguyễn Lân Thắng vừa bị CA bắt giữ lúc 20:15 tối 30/10/2013, sau khi đáp chuyến bay số VN612 về đến sân bay quốc tế Nội Bài. 

Anh Nguyễn Lân Thắng là một trong những người ký tên vào bản Tuyên bố 258. Hồi tháng 8/2013, blogger này đã cùng Mạng lưới Blogger Việt Nam sang Bangkok (Thái Lan) để trao tuyên bố phản đối điều luật 258 cho Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền khác.

Được biết, anh Nguyễn Lân Thắng trở về Việt Nam sau khóa học kéo dài nhiều tháng tại Philippine. Thông tin về vụ bắt giữ đã được xác nhận trên Facebook của anh Lã Việt Dũng với lời nhắn: "Anh Lân Thắng chỉ kịp nói "Tôi bị bắt" trước khi mất tích!"



Ngay sau khi thông tin về việc blogger Nguyễn Lân Thắng bị bắt được loan báo, khoảng 30 blogger đã lập tức đến sân bay quốc tế Nội Bài để yêu cầu thả người. Trong số này có chị Vượng là vợ anh Thắng, hiện đang mang thai đến tháng thứ 7.

Một đoạn video clip hiện đang được loan tải trên facebook, ghi lại những lời nhắn cuối cùng của blogger Nguyễn Lắn Thắng trước khi bị bắt với nội dung: "Chào các bạn, khi các bạn xem video này, tôi đã bị giữ bởi cơ quan an ninh. Nhưng các bạn yên tâm, tôi sẽ về sớm với các bạn".



Thông tin về vụ bắt giữ sẽ tiếp tục được cập nhật trên Danlambao

CTV Danlambao
danlambaovn.blogspot.com

KINH HOÀNG! CHÁNH THANH TRA SỞ Y TẾ DÙNG CUỐC BỔ ĐẦU DÂN




Chánh thanh tra Sở Y tế dùng cuốc bổ đầu một phụ nữ
29/10/2013 21:19 (GMT + 7) 

TTO - Chiều 29-10, lãnh đạo Sở Y tế Kon Tum cho biết đã bước đầu nắm được sự việc ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum dùng cuốc đánh một người dân bị thương nặng.
Xem Video Clip do người dân ghi lại:


Cùng ngày, bà Phan Kim Uyên Trâm (41 tuổi) đã được gia đình đưa vào TP.HCM tiếp tục điều trị vết thương trên vùng đầu. 
Trước đó, 8g45 sáng 25-10, đoàn cưỡng chế TP Kon Tum đến tháo dỡ bờ rào bằng lưới B40 do gia đình ông Phan Tân Tiến (45 tuổi, ngụ số 26 đường Nguyễn Huệ, P.Thống Nhất, TP Kon Tum) rào nhằm phản đối việc gia đình bà Phạm Thị Quýt (67 tuổi) đang chuẩn bị xây cất căn nhà tại số 24 Nguyễn Huệ, P.Thống Nhất. 

Sau khi đoàn cưỡng ra về, một số người nhà bà Quýt đã xô xát với gia đình ông Tiến. Bất ngờ ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum (con rể bà Quýt) - có mặt tại buổi cưỡng chế - lấy cuốc bổ vào đầu bà Trâm làm bà Trâm ngất xỉu ngay tại chỗ, máu chảy đầy mặt, được gia đình đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu. 

Theo lãnh đạo Bệnh viện, bà Trâm bị vết thương dài khoảng 4cm phía trên lông mày bên trái.

Sau khi xảy ra vụ việc, Công an phường Thống Nhất đã có mặt tại hiện trường lập biên bản. Biên bản làm việc ghi rõ: “Sau khi đoàn cưỡng chế xong, gia đình bà Quýt có mang theo cuốc xẻng, trong lúc xô xát ông Hoàng có dùng cuốc đánh vào đầu bà Trâm gây thương tích ở trán phía bên trái”. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (59 tuổi) nhân chứng cho biết: sau khi xảy ra xô xát, đẩy qua đẩy lại và thấy ông Hoàng dùng cuốc đánh vào đầu bà Trâm làm chảy máu rất nhiều…

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chánh Thanh tra Sở Y tế Kon Tum cho biết, thời điểm xảy ra xô xát ông có mặt tại hiện trường với tư cách là người nhà của bà Quýt. Lúc này hai bên xô xát qua lại, bà Trâm có những lời lẽ nặng nề và xô xát với nhiều người. Thấy vậy ông cũng lao vào. “Trong lúc xô xát tôi có cầm một cây cuốc, sự việc lúc đó rất phức tạp nên xô qua đẩy lại làm chiếc cuốc trúng chị Trâm chứ tôi không chủ đích” - ông Hoàng nói. 

Trong khi đó, một đoạn clip do người dân dùng điện thoại ghi lại cho thấy, lúc xô xát bà Trâm có cầm một hòn gạch giữa đám đông. Lúc này ông Hoàng cầm một cán cuốc dài khoảng 1,5m rượt và bổ vào đầu bà Trâm dù rất nhiều người tìm cách can ngăn. 

Theo ông Hoàng, hiện tại ông vẫn công tác bình thường, ông và người nhà cũng chưa tới thăm hỏi bà Trâm sau khi xảy ra vụ việc. 

“Đúng sai thế nào có cơ quan pháp luật làm rõ, tôi không nói được nhiều lúc này” - ông Hoàng nói.

Theo giấy tờ mua bán nhà ghi ngày 7-10-1975 và được khu phố và UBND phường xác nhận, bà Nguyễn Thị Kim Vinh (người nhà của bàTrâm) có bán nhà cho bà Quýt với giá 60.000 đồng. Trong giấy bán nhà này có ghi: “Sau này bà Quýt không ở, dỡ nhà phải hoàn trả lại đất cho bà Vinh”. 

Theo ông Tiến (con trai bà Vinh), mẹ ông chỉ bán nhà, chứ không bán đất, nên không ở nữa thì phải trả lại lô đất này. Tuy nhiên hiện lô đất đã cấp sổ đỏ cho gia đình bà Quýt. 

Biết sự việc, gia đình ông Tiến đã có đơn thư của các cấp có thẩm quyền của tỉnh Kon Tum, khiếu nại quyết định cấp đất. UBND tỉnh Kon Tum đã giao Thanh tra tỉnh Kon Tum kiểm tra, kết luận đề nghị của ông Tiến và báo cáo về UBND tỉnh để trả lời cho ông Tiến theo quy định của pháp luật.

T.NGUYÊN - T.B.DŨNG

DIỄN BIẾN TOÀN BỘ BIẾN CỐ THIÊN AN MÔN (TRUNG QUỐC) HÔM QUA Diễn biến vụ lao xe chết người ở Thiên An Môn


Chiếc xe Jeep bất ngờ đâm đổ hàng rào an ninh, húc vào cây cầu đá và bốc cháy ngay trước cổng Tử Cấm Thành, khiến cảnh sát phải phong tỏa khu quảng trường đang đông nghịt khách du lịch.

Vụ việc xảy ra vào khoảng trưa qua. TheoXinhua, trong số 5 người thiệt mạng, ngoài ba người trên xe, còn có một nữ du khách người Philippines và nam du khách người Trung Quốc. Trong ảnh, đám khói từ vụ cháy xe, nhìn từ quảng trường. Ảnh: Weibo
Tổng cộng 38 người khác bị thương, bao gồm ba du khách Philippines và một khách du lịch Nhật Bản.NY Times dẫn lời các nhân chứng cho hay chiếc SUV đã bất ngờ ngoặt lên vỉa hè dọc đại lộ Trường An và lao về cổng phía nam của Tử Cấm Thành. Nó được cố tình lái đi dọc vỉa hè hơn 300 mét, trước khi đâm vào thành cầu Kim Thủy. 
38 người bị thương trong sự cố, bao gồm ba du khách Philippines và một khách du lịch Nhật Bản.
NY Times dẫn lời các nhân chứng cho hay chiếc SUV  bất ngờ ngoặt lên vỉa hè dọc đại lộ Trường An và lao về cổng phía nam của Tử Cấm Thành. Nó được cho là cố tình đi dọc vỉa hè hơn 300 m, trước khi đâm vào thành của một trong 5 cây cầu bắc qua hào nước, nối từ quảng trường vào cố cung. Ảnh: Weibo
nguyen67d9d5de1365.jpg
Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) cháy ngùn ngụt, những cột khói bốc cao. Ảnh: Weibo
Một du khách nước ngoài mô tả cảnh tượng tĩnh lặng và nhiều người nằm bất động trên vỉa hè, chỉ ít phút sau khi vụ việc xảy ra.
Một du khách nước ngoài mô tả cảnh tượng tĩnh lặng và nhiều người nằm bất động trên vỉa hè, chỉ ít phút sau khi vụ việc xảy ra. Ảnh: Weibo
nguyen000-Hkg9140000.jpg
Theo điều tra ban đầu, cảnh sát xác định được nghi phạm là hai người đàn ông, trong độ tuổi từ 25 đến 42, đến từ khu tự trị Tân Cương.

Hai nghi phạm đi một chiếc xe thể thao đa dụng (SUV) màu sáng, có biển kiểm soát mang mã số của Tân Cương. Ảnh: Weibo
nguyen000-Hkg9139971.jpg
Cảnh sát phong tỏa khu vực. Những con phố dẫn tới quảng trường đều bị chặn. Ảnh: AFP
nguyen000-Hkg9140120.jpg
Những tấm rào chắn đặc biệt được dựng lên quanh hiện trường khoảng vài giờ sau vụ việc. Khi khu vực được mở cửa trở lại vào cuối giờ chiều, gần như không còn dấu hiệu gì về sự việc, ngoài một số vũng nước trên mặt đất. Ảnh: AFP
nguyen000-Hkg9141954-2666-1383031008.jpg
Cổng vào Tử Cấm Thành trong bức ảnh chụp hôm nay. Khu vực quanh quảng trường Thiên An Môn là một trong những địa điểm công cộng được canh gác cẩn mật nhất ở Trung Quốc. Gần quảng trường là khu vực Trung Nam Hải, nơi sống và làm việc của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, Ảnh: AFP
Trọng Giáp

Theo thông tin của Thụy My, RFI: "Công an TQ hôm nay cho là một vụ tấn công tự sát của người Duy Ngô Nhĩ, nhưng tin tức liên quan đã bị kiểm duyệt hết".

RFI đưa tin về biến cố Thiên An Môn:

Đã có ít nhất 5 người thiệt mạng hôm nay 28/10/2013 tại Bắc Kinh trong một chiếc xe jeep bị bốc cháy và lao thẳng vào đám đông du khách và công an ở quảng trường Thiên An Môn, trung tâm quyền lực Trung Quốc. Ngay lập tức, lực lượng an ninh đã được huy động đông đảo, internet bị kiểm duyệt chặt chẽ, và toàn bộ khu vực nhạy cảm bị phong tỏa.
Theo ghi nhận của AFP, thì khó thể cho đây là một tai nạn giao thông đơn thuần.

Một nhân chứng trực tiếp chứng kiến nói với hãng tin Pháp : « Tôi thấy chiếc xe quẹo sang và bất thần leo lên lề. Điều này xảy ra chỉ trong nháy mắt, nhưng hình như đã tông vào rất nhiều người. Thật là khủng khiếp ! Tôi nhìn thấy ba người nằm bất động trên mặt đất, một tiếng nổ vang lên, lửa bốc cao rồi khói đen tràn ngập xung quanh. Công an ra lệnh cho những người xung quanh không được chụp hình ».

Thông cáo của Sở Công an Bắc Kinh thoạt đầu cho biết : « Người lái chiếc xe jeep và hai người khách trên xe đã chết, nhiều du khách và công an đang làm nhiệm vụ bị thương. Công an đã giúp đỡ cho những người có mặt tại chỗ, đám cháy đã được dập tắt và những người bị thương đã được đưa đến bệnh viện gần nhất ».

Trang web Qianlong.net của chính quyền Bắc Kinh sau đó cho biết là có hai người khác bị thiệt mang - một nữ du khách Philippines và một người Trung Quốc.

Trích dẫn báo chí Trung Quốc, AFP cho biết là ngoài 5 người chết, còn có 38 người bị thương, nâng cao số liệu được Tân Hoa Xã nêu lên trước đó là chiếc xe đã làm bị thương 11 khách du lịch và công an, trước khi đâm qua một chiếc rào chắn lối vào Thiên An Môn.

Vụ việc xảy ra lúc 12giờ 05 (4giờ 05 GMT) tại quảng trường trung tâm thủ đô Bắc Kinh, được giám sát nghiêm ngặt ngày cũng như đêm. Thiên An Môn là nơi mà chế độ Cộng sản đã từng đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ mùa xuân năm 1989.

Những tấm ảnh được đưa lên mạng - và bị kiểm duyệt nhanh chóng xóa mất – cho thấy một chiếc xe đang bốc cháy, với một cột khói dày đặc ngay trước chân dung Mao Trạch Đông ở lối vào Tử Cấm Thành, phía bắc Thiên An Môn.

Quảng trường này hiện đang bị phong tỏa, cấm người đi bộ vào. Hai phóng viên AFP tiến gần đã bị câu lưu và tịch thu máy móc, sau đó được thả và trả lại đồ đạc nhưng các bức ảnh đã bị xóa. Trạm xe điện ngầm gần Thiên An Môn bị đóng. AFP nhận thấy công an dựng lên những hàng rào cao để che chắn tầm nhìn về phía chiếc xe jeep bị cháy.

Sự kiện trên đây nhanh chóng gây sôi nổi trên các mạng xã hội Trung Quốc. Một người ở gần đó tự hỏi : « Chuyện gì đã xảy ra tại Thiên An Môn ? Xe công an và cấp cứu đậu đầy ở đó ». Một số cư dân mạng nêu giả thiết người lái xe cố tình cho xe lao vào, vì rất ít khả năng xảy ra tai nạn tại địa điểm lịch sử hết sức nhạy cảm này. Một người khác đặt câu hỏi : « Thiên An Môn năm 2013 có phải là nơi lý tưởng để tự thiêu ? »

Từ năm 2009, khoảng 120 người Tây Tạng đã sử dụng đến biện pháp tuyệt vọng này để phản đối sự đô hộ của Bắc Kinh. Ngày 21/110/2011, một người Trung Quốc đã tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn. Chính quyền đã phong tỏa các tin tức về sự kiện nhạy cảm này suốt bốn tuần lễ, cho đến khi nhật báo Anh Daily Telegraph đăng tấm ảnh do một du khách chụp được, thì báo chí Trung Quốc mới bào chữa rằng đó là một hành động « không mang tính chính trị».

Trước đó vào ngày 23/01/2001, một vụ tự thiêu tập thể của những người được cho là tín đồ Pháp Luân Công đã diễn ra trước Thiên An Môn, nhưng giáo phái này lên án Bắc Kinh đạo diễn vụ việc trên để làm mất uy tín Pháp Luân Công.

Nguồn: RFI

KẾT QUẢ PHIÊN TÒA VỤ ÔNG ĐOÀN VĂN VƯƠN KIỆN UBND HUYỆN TIÊN LÃNG




Tòa bác yêu cầu đòi bồi thường của gia đình ông Vươn
30/10/2013 14:05 (GMT + 7) 
 
TTO - Kết thúc phiên xét xử vụ án “khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai” giữa ông Đoàn Văn Vươn với UBND huyện Tiên Lãng vào sáng 30-10, HĐXX TAND huyện Tiên Lãng đã quyết định bác toàn bộ các yêu cầu đòi bồi thường của gia đình ông Vươn.
 
Về quyết định thu hồi đất số 461 của UBND huyện Tiên Lãng, HĐXX cho biết trong quá trình thụ lý vụ án, UBND huyện đã có quyết định thu hồi quyết định này. Vì vậy quyết định số 461 của UBND huyện không còn giá trị pháp lý.

Về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do quyết định 461 gây ra, theo HĐXX, đại diện cho gia đình ông Vươn tại phiên tòa là ông Vũ Văn Luân (thư ký liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng), đã yêu cầu UBND huyện Tiên Lãng bồi thường thiệt hại trực tiếp là giá trị quyền sử dụng đất với các khoản chi phí đầu tư, kiến trúc, công trình trên đất… với trị giá hơn 11 tỉ đồng. 

Giá trị thiệt hại gián tiếp khoảng gần 3 tỷ đồng, bồi thường về thu nhập thực tế bị mất sau 5 năm đi kiện, hơn 1 tỷ đồng, thiệt hại về tinh thần của gia đình khoảng 10 tỷ đồng và các thiệt hại khác. 

Tổng số tiền gia đình ông Đoàn Văn Vươn (50 tuổi, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đòi bồi thường khoảng 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên tại phiên tòa, ông Luân cho biết gia đình không đòi cụ thể số tiền tổn thất về tinh thần mà để hai bên tự thỏa thuận. Vì vậy tổng số tiền gia đình ông Vươn đòi bồi thường còn 30 tỷ đồng.

Theo quan điểm của HĐXX, nhận thấy mặc dù quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng quy định của pháp luật nhưng không gây thiệt hại về tài sản của gia đình ông Vươn. HĐXX cho rằng quyết định này chưa làm mất đi giá trị sử dụng đất của gia đình ông Vươn.

Theo HĐXX, diện tích, tài sản trên khu đầm của gia đình ông Vươn vẫn còn nguyên trạng, không bị phá hủy đến trước khi diễn ra cuộc cưỡng chế vào ngày 5-1-2012. Việc tài sản bị thiệt hại trong cuộc cưỡng chế đã được xét xử trong một vụ án hình sự trước đó nên không xem xét trong vụ án này. Kể từ khi ra quyết định thu hồi đất đến nay gia đình ông Vươn vẫn sử dụng diện tích đất này. Vì vậy HĐXX tuyên không có căn cứ để gia đình ông Vươn đòi bồi thường thiệt hại giá trị sử dụng đất và bác yêu cầu này.

Về yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp, thiệt hại thu nhập thực tế bị mất… HĐXX tuyên trường hợp của gia đình ông Vươn không nằm trong các trường hợp được quy định trong các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất. 

Về thiệt hại tinh thần, HĐXX cũng không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của gia đình ông Vươn. 

Về các thiệt hại do thuê luật sư, ủy quyền người đại diện tham gia phiên tòa… HĐXX nhận thấy đây là việc bảo vệ quyền và lợi ích của người khởi kiện nên cũng bác yêu cầu đòi bồi thường.

HĐXX yêu cầu gia đình ông Vươn phải nộp án phí với tổng số tiền hơn 23 triệu đồng.

THÂN HOÀNG

THƯ KHẨN GỬI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM TRƯỚC KHI ÔNG LÊN PHÓ THỦ TƯỚNG




Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2013
  
BÀI THỨ 4:   THƯ CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI GỬI ÔNG VŨ ĐỨC ĐAM  
- BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
(Đề nghị Ông tham mưu cho Thủ tướng giải quyết khiếu nại, tố cáo của các hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng)

Kính gửi:   Ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Tôi - luật sư Trần Vũ Hải, đang trợ giúp pháp lý cho những hộ dân tại Văn Giang – Hưng Yên do việc họ bị thu hồi đất, liên quan đến dự án Ecopark gửi tới Ông lời chào trân trọng. Tôi xin chúc mừng Ông đã trở thành ứng viên vị trí Phó Thủ tướng Chính phủ để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm trong kỳ họp đang diễn ra và tin rằng Việt Nam sẽ có những nhà lãnh đạo Chính phủ trẻ tuổi, tri thức, tài ba và sẵn lòng quan tâm đến những người dân bất hạnh. Tôi cảm kích khi nhìn ảnh Ông đã không kìm được nước mắt khi được hỏi liên quan nạn nhân đã bị bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép gây chết và phi tang xác.

Vì vậy tôi hi vọng rằng, trước khi đảm nhiệm một công việc cao hơn, Ông sẽ quan tâm đến vụ việc Văn Giang mà chúng tôi đã gửi nhiều thư, kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Ông, nhưng đến nay chưa có phản hồi.

Vụ việc Ecopark - Văn Giang nếu không giải quyết dứt điểm, có tình có lý chắc chắn sẽ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng, tất cả những người liên quan, có thẩm quyền sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vụ việc này liên quan trực tiếp đến số phận của hàng nghìn người dân, cuộc sống của họ có trở lại bình thường hay không phụ thuộc vào thiện chí của nhiều người, trong đó có thiện chí giải quyết từ những thành viên cấp cao của Chính phủ.

Cá nhân tôi vẫn còn hi vọng vụ việc này sẽ được giải quyết ổn thỏa. Nhưng những người dân được tôi trợ giúpđã mất niềm tin vào các cấp chính quyền, tòa án từ địa phương đến trung ương. Họ đã gửi đủ các loại đơn khiếu nại, khởi kiện, tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, nhưng những cơ quan này đều phớt lờ, không giải quyết và cũng không phản hồi. Họ đang mất dần niềm tin vào chính chúng tôi, các luật sư trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ. Chúng tôi đã kiên trì thuyết phục họ sử dụng các biện pháp đấu tranh pháp lý, ôn hòa.

Nhưng tình hình gần đây  ngày càng phức tạp, khi mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Chúng tôi đã nhận được Thông báo đề ngày 20/10/2013 của bà Vũ Thị Vụ, một trong những người kiên quyết đấu  tranh đòi quyền lợi cho gia đình mình và các hộ dân liên quan đến Dự án Ecopark (có bản photo kèm theo). Theo thông báo này, một số kẻ được Chủ Dự án Ecopark thuê đã có hai lần đe dọa đến tính mạng của bà Vụ trong tháng 9 và tháng 10 năm 2013. Trước đó, do liên quan đến đấu tranh với Dự án Ecopark, bà Vụ và nhiều người dân Văn Giang khác đã bị hành hung nhiều lần. Gần đây, để đấu tranh với nhóm xã hội đen mà theo những hộ dân Văn Giang được Chủ đầu tư thuê, những hộ dân này đã ra Tuyên bố ngày 7/10/2013 với nội dung như sau:
TUYÊN BỐ CỦA NHÂN DÂN BA XàPHỤNG CÔNG,
XUÂN QUAN, CỬU CAO HUYỆN VĂN GIANG

Chúng tôi những người nông dân bị cướp đất cho dự án đô thị Ecopark (khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang).
Trong 9 năm vừa qua, chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại tố cáo đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng đến nay các cơ quan pháp luật đó vẫn cố tình không giải quyết. Để mặc nhà đầu tư dùng xã hội đen đàn áp nhân dân để cướp đất. Chúng tôi, 1244 hộ dân có đất bị cướp không thể chịu đựng thêm được nữa. Xin tự nguyện đăng ký mỗi hộ dân ít nhất một người quyết CẢM TỬ với bọn cướp đất để bảo vệ đất đến cùng. 
Văn Giang, ngày 7 tháng 10 năm 2013.
Cá nhân tôi không đồng ý với Tuyên bố này của các hộ dân. Với trách nhiệm của một luật sư, tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội để vụ việc được giải quyết và không để xảy ra bạo lực dưới bất kỳ hình thức gì. Tôi hi vọng rằng, cá nhân Ông cũng đồng ý với tôi về phương thức giải quyết này, nhận trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ  những ngòi nổ về đất đai tại Văn Giang, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa các hộ dân bị thu hồi đất, Chủ đầu tư và chính quyền địa phương trên cơ sở pháp luật và thiện chí của các bên liên quan.

Chúng tôi xin nhắc lại những thư, kiến nghị, tố cáo sau đã gửi đến Ông và Thủ tướng Chính phủ (có các bản photo kèm theo  Thư này)

1.   Thư đề nghị cung cấp thông tin đề ngày 08/05/2012 gửi đến Ông
2.  Kiến nghị số 01 đề ngày 22/05/2012 gửi Thủ tướng Chính phủ  đề nghị  Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban lâm thời theo Điều 20 khoản 4 Luật Tổ chức Chính phủ để xem xét những vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch Văn Giang – dự án Ecopark.
3.  Kiến nghị số 03 đề ngày 24/7/2012 gửi đến Ông, đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng và Chính phủ giải quyết những khiếu nại, tố cáo của các hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang
4.  Kiến nghị số 05 ngày 16/01/2013 gửi Thủ tướng Chính phủ (cùng tập tài liệu kèm theo, có đồng kính gửi đến Ông).
5.  Đơn tố cáo UBND tỉnh Hưng Yên ngày 28/5/2013 của những hộ dân Văn Giang gửi Thủ tướng Chính phủ.

Chúng tôi xin nhắc lại đề xuất của các hộ dân đang khiếu kiện, trong đó có những hộ dân có kinh nghiệm trồng cây cảnh (Văn Giang có một số làng chuyên cây cảnh có truyền thống và nổi tiếng ở miền Bắc), là giữ lại khoảng 130 ha đất để họ chuyên trồng cây cảnh trong (hoặc ngoài) Dự án đô thị sinh thái Ecopark. Đây là đề xuất hợp lý và thiện chí của các hộ dân, nếu chấp nhận sẽ giải quyết được toàn bộ những vấn đề của Dự án.

Mặc khác, trong tình hình khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, với khả năng tài chính yếu kém của Chủ đầu tư, rất khó thực hiện được Dự án theo như Chủ đầu tư cam kết,  việc điều chỉnh Dự án là tất yếu. Một giải pháp hài hòa sẽ là lối thoát duy nhất cho các bên, gồm cả cho các hộ dân đang khiếu kiện, Chủ đầu tư đang và chính quyền địa phương. Những người có kiến thức, kinh nghiệm và thiện ý, trong đó có Ông sẽ biết cách chỉ cho các bên lối thoát.

Lần cuối cùng, chúng tôi trân trọng đề nghị Ông quan tâm đến số phận của hàng nghìn người dân Văn Giang, tham mưu Chính phủ giải quyết vụ việc để giúp những người dân này an tâm sống, làm việc trên mảnh đất của mình, chấm dứt những ngày tháng mệt mỏi vì tranh chấp đất đai, phục hồi niềm tin vào pháp luật cho họ.

Kính đề nghị Ông sớm bố trí lịch làm việc với chúng tôi và đại diện các hộ dân để chúng tôi trình bày rõ hơn về nội dung sự việc và nguyện vọng của các hộ dân. 

Trân trọng.
Luật sư Trần Vũ Hải

Địa chỉ liên hệ: số 81 phố chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Nơi gửi: 
-    Như trên 
-    Đại diện những hộ dân bị thu hồi đất tại Văn Giang – Hưng Yên yêu cầu luật sư trợ giúp pháp lý.

Tài liệu kèm theo Thư này: ( các bản photo)
  1. Thư đề nghị cung cấp thông tin đề ngày 08/05/2012
  2. Kiến nghị số 01 đề ngày 22/05/2012
  3. Kiến nghị số 03 đề ngày 24/7/2012
  4. Kiến nghị số 05 ngày 16/01/2013
  5. Đơn tố cáo UBND tỉnh Hưng Yên ngày 28/5/2013
  6. Thông báo đề ngày 20/10/2013 của bà Vũ Thị Vụ

Án tù vẫn treo trên đầu tất cả chúng ta!


Ảnh: Võ Quốc Anh (August Anh)

Danlambao – Việc Tòa án Nhân dân tỉnh Long An cho Đinh Nhật Uy “hưởng” 15 tháng tù treo không phải là sự “xuống nước”, khoan hồng với bị cáo, cũng không nhằm xả van dư luận blogger trong nước và xoa dịu cộng đồng quốc tế. Bản án đó thực chất là một sự lấp liếm, bao che cho hành động lạm quyền của công an, cho những sai lầm và bất cập của ngành tư pháp, và càng thể hiện rõ hơn bản chất hiếu thắng của một chính quyền mãi không trưởng thành.

Ngay sau khi Tòa tuyên án, thông báo “1 năm 3 tháng tù treo” đã được chuyển ra ngoài cho các blogger - “phóng viên vỉa hè, nhà báo tự do”. Phản ứng đầu tiên là ai cũng phấn khởi, mừng cho gia đình anh em Uy-Kha: Vậy là Uy được trả tự do; có thể coi đây như một sự lùi bước của chính quyền trước sức ép của giới blogger và các nhà hoạt động nhân quyền trong và ngoài nước. 

Song, chúng ta có thể bị niềm vui che lấp mất sự tỉnh táo, để rồi không nhận ra các vấn đề mà Tòa án của Đảng đã cố tình ém nhẹm đi. 

Thứ nhất là, Tòa muốn dư luận quên đi sự tùy tiện và bạo quyền của ngành công an khi “bắt khẩn cấp” Đinh Nhật Uy vào ngày 15/6/2013, bất chấp việc Uy không thuộc diện phải bắt khẩn cấp. Vụ bắt giữ Uy diễn ra chỉ vài tháng sau khi Uy lập Facebook để bày tỏ những bức xúc của anh về chuyện công an bắt giam em trai Đinh Nguyên Kha. Chẳng còn lý do nào khác để giải thích cho hành động bắt bớ đó, ngoài một thực tế: Công an tức tối, cay cú vì bị Uy chỉ trích, nên bắt giam cho bõ ghét.

Thứ hai là, Tòa muốn chữa thẹn cho Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Tân An và tỉnh Long An vì bản cáo trạng lố bịch của họ – một bản cáo trạng cho thấy trình độ thảm hại của ngành tư pháp, dựa trên một bản kết luận điều tra cũng thảm hại như thế của ngành an ninh. 

Sự thật là, với những lập luận của bản cáo trạng ấy và với đám “tang vật vụ án” mà công an thu được, một chính quyền đàng hoàng sẽ không có cách nào kết tội Đinh Nhật Uy. Sự thật là Đinh Nhật Uy vô tội và do đó phải được trắng án và nhận bồi thường. 

Tuy nhiên, các quan tòa cũng rất hiểu điều đó. Họ ý thức được rằng nếu tuyên bố Uy vô tội, trắng án, Tòa sẽ còn phải có nghĩa vụ xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho Đinh Nhật Uy vì bốn tháng giam giữ tùy tiện. Vì thế cho nên Tòa không thể nào không kết tội Đinh Nhật Uy. Và đó là điều thứ ba tòa án của Đảng muốn ém nhẹm, với bản án bất công và vô lý của mình: Nghĩa vụ bồi thường cho người bị oan.

Phải đòi công lý – cho Uy và cho các blogger

Tòa án của Đảng muốn chúng ta quên đi thì chúng ta càng phải nhớ. Tòa muốn ém nhẹm nghĩa vụ xin lỗi và bồi thường, thì chúng ta càng phải đòi Tòa thực thi nghĩa vụ đó. Nói cách khác, không thể chấp nhận bản án lấp liếm của tòa Long An dành cho Đinh Nhật Uy. Chấp nhận “15 tháng tù treo” tức là đồng ý rằng Đinh Nhật Uy vẫn có tội – tội dùng Facebook nói và viết những điều chính quyền không thích. Án tù treo đó không phải chỉ dành riêng cho Đinh Nhật Uy, mà nó đang lơ lửng trên đầu tất cả chúng ta, những người sử dụng blog và mạng xã hội để nói lên suy nghĩ của mình. 

Bốn tháng tù oan, một đám cưới bị hủy, một công việc bị mất, một mảnh ruộng của gia đình bị bán, và bao nhiêu nước mắt mẹ chảy hàng đêm... đó là những thiệt hại có thật của một công dân, mà chính quyền công an trị, nhân danh bảo vệ “lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, công dân”, đã ngang nhiên gây ra.

Được biết, Đinh Nhật Uy cũng không đồng tình với bản án và sẽ kháng cáo. 

Nhiều người nghĩ rằng Đinh Nhật Uy là trường hợp đầu tiên trên thế giới phải ra tòa vì đã... xài Facebook. Chúng ta hãy lên tiếng để đây sẽ là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam, chính quyền phải xin lỗi và bồi thường cho một công dân bị chà đạp quyền tự do ngôn luận.

Đinh Nhật Uy: ‘Tôi sẽ tiếp tục lên tiếng trước các bất công’


VOA - Facebooker Đinh Nhật Uy tối 29/10 cho VOA Việt Ngữ biết rằng anh sẽ không ngại tiếp tục nói lên tiếng nói của mình ‘về những điều pháp luật không cấm’ sau khi bị tòa án kết án tù treo. 

“Những việc tôi làm như là lên tiếng bảo vệ lãnh thổ của Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hay là đấu tranh chống tiêu cực, hay những việc tôi đưa lên Facebook của bản thân tôi nó không vi phạm pháp luật. Tôi vẫn tiếp tục tôi làm chứ tôi không có gì phải ngần ngại cả. Những việc như bảo vệ em tôi khỏi vụ án chụp lên đầu em tôi là vụ án khủng bố thì tôi phải đứng ra tôi bảo vệ thôi. Và không chỉ riêng về bản thân của em tôi nữa. Những việc nào mà tôi thấy là bất công thì tôi sẽ tiếp tục lên tiếng. Những việc đó làm là có ích cho mọi người chứ không phải là làm xấu cho mọi người. Những gì mà pháp luật không cấm thì bản thân tôi sẽ tiếp tục làm”.

Facebooker này còn cho biết thêm rằng anh ‘rất vui và cảm kích’ khi được chào đón khi ra khỏi trại giam, và cảm xúc đó ‘không thể diễn tả được’.

“Mọi người đã tạo cho tôi một tâm lý rất là vững chắc, một ngọn lửa cháy rất là mãnh liệt. Trước lúc tôi vô tù, thì ngọn lửa đó nó cháy ở mức độ mà tôi cảm thấy là không mạnh mẽ lắm. Nhưng nó được nhân đôi gấp mười lần, hai chục lần khi tôi bước ra khỏi trại giam và gặp mặt mọi người ở đây. Sức mạnh của mọi người trên các trang mạng xã hội là không thể nào đo đếm được, và nó rất là kinh khủng”. 

Tòa án tỉnh Long An hôm 29/10 tuyên phạt 15 tháng tù treo đối với Facebooker Đinh Nhật Uy vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo Điều 258 Bộ luật Hình sự.

Ông Uy là trường hợp đầu tiên mà cáo trạng có nhấn mạnh tới việc sử dụng Facebook – hiện được coi là một trang mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam.

Thông tấn xã Việt Nam do nhà nước quản lý trích dẫn cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Long An cho rằng ông đã dùng Facebook để ‘đăng các bài viết, hình ảnh và trao đổi thông tin có nội dung xấu, sai sự thật về Nhà nước Việt Nam và nhiều tổ chức, cá nhân’.

Facebooker Đinh Nhật Uy cho biết anh ‘không đồng tình với bản án đó và sẽ kháng cáo’.

“Tôi không đồng ý với mức án như vậy, và tôi đã yêu cầu tòa án phải xử vụ này dưới góc độ dân sự. Nếu mà áp đặt tôi với trách nhiệm hình sự, chịu trách nhiệm hình sự như thế này thì tôi sẽ kháng án”.

Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều blogger và Facebooker cũng như một số tổ chức thúc đẩy nhân quyền đã lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Facebooker Đinh Nhật Uy cũng như kêu gọi hủy bỏ Điều 258, coi đây là là điều luật ‘bóp nghẹt các quyền tự do bày tỏ ý kiến trên mạng Internet’.

Facebooker này cho biết anh chỉ là ‘một người công dân bình thường, một người nhỏ nhoi trong hàng triệu người khác mà mình lại nhận được sự ủng hộ của mọi người như thế là quá lớn’.

Về những ngày ở trong trại giam, anh Uy cho biết mẹ là người anh nghĩ tới đầu tiên. 

Ðinh Nhật Uy và mẹ Nguyễn Thị Kim Liên
“Mẹ tôi là một người phụ nữ từ trước đến giờ tôi rất thương và lúc nào cũng tin tưởng vào mẹ. Mẹ là người rất là cứng rắn. Tôi biết là mẹ phải làm những gì, những việc mà phải có lợi cho con của mình. Tôi rất tin tưởng vào mẹ của mình, và cái đó không phải những thứ khiến tôi phải lo lắng trong tù nữa”.

Ông Uy bị giới hữu trách bắt tạm giam hồi tháng Sáu theo điều 258 Bộ Luật hình sự sau khi vận động trên Facebook, đòi trả tự do cho em trai là Đinh Nguyên Kha, hiện thụ án 4 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’.

Sau Điều 88 về tội tuyên truyền chống nhà nước và Điều 79 về âm mưu lật đổ chính quyền, Điều 258 đang vấp phải chỉ trích của nhiều người và nhiều tổ chức thúc đẩy nhân quyền vì bị coi là giới hạn quyền được bày tỏ quan điểm của người dân.

Một nhóm blogger ở trong nước còn ra tuyên bố phản đối điều 258 và văn bản còn được biết tới với tên gọi ‘Tuyên bố của mạng lưới blogger Việt Nam’ này đã được chuyển tới nhiều cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế uy tín.



HRW KÊU GỌI TRẢ TỰ DO CHO ĐINH NHẬT UY




HRW kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Đinh Nhật Uy
Thanh Phương (RFI)

Trong một thông cáo đề ngày 28/10/2013, tổ chức nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho nhà hoạt động xã hội Đinh Nhật Uy. Ông Uy sẽ ra tòa ngày 29/10 tại Long An với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ », chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Đinh Nhật Uy là anh ruột của sinh viên Đinh Nguyên Kha, người đã lãnh án 8 năm tù vào tháng 5 vừa qua về tội “tuyên truyền chống Nhà nước” trong phiên xử cùng với sinh viên Nguyễn Phương Uyên. Bản án đối với Đinh Nguyên Kha sau đó được giảm xuống thành 4 năm trong phiên xử phúc thẩm vào tháng 8 (còn đối với Phương Uyên thì được giảm xuống thành án 3 năm tù treo). 

Đinh Nhật Uy đã bị bắt ngày 15/06/2013 tại Long An khi anh bắt đầu một chiến dịch trên mạng xã hội Facebook đòi trả tự do cho em trai Đinh Nguyên Kha.

Trong bản cáo trạng đề ngày 06/09, Toà án Nhân dân tỉnh Long An cáo buộc anh Đinh Nguyên Kha vi phạm điều 258 thông qua mạng xã hội Facebook, vì anh đã đăng trên đó những thông tin « sai lạc, nói xấu các lãnh đạo Việt Nam », cũng như đưa tin về các hoạt động của những « tổ chức chống phá Nhà nước ».

Trong bản thông cáo, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc ban châu Á của HRW cho rằng : « Việc Việt Nam gia tăng sử dụng các điều luật vi phạm nhân quyền để trấn áp những tiếng nói chỉ trích và những hành động phản kháng ôn hòa là một sự nhạo báng cái gọi là Nhà nước tôn trọng pháp luật. Truy tố Đinh Nhật Uy chỉ vì anh ấy đòi trả tự do cho người em bị cầm tù và chỉ trích chính quyền là một hành động tàn nhẫn ».

Bản thông cáo của HRW yêu cầu Việt Nam nên hủy bỏ điều 258, được dùng để truy tố Đinh Nhật Uy và chấm dứt truy bức những người hành xử một cách ôn hòa các quyền chính trị và dân sự của họ.

HRW nhắc lại rằng trong năm nay ít nhất 61 nhà hoạt động chính trị và bất đồng chính kiến đã bị truy tố và kết án tù ở Việt Nam, tăng đáng kể so với con số khoảng 40 người bị kết án trong năm 2012.

Theo lời ông Robertson, « các nhà hoạt động xã hội dân sự và các blogger ở Việt Nam xem vụ xử Đinh Nhật Uy như là nỗ lực của chính quyền để chứng tỏ là họ có thể vi phạm nhân quyền thoải mái, cho dù Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Các chính phủ ngoại quốc phải công khai yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Đinh Nguyên Kha và những người khác đang bị cầm tù ở Việt Nam vì đã hành xử các quyền tự do được quốc tế công nhận, nếu không, nước này sẽ gặp khó khăn trong tiến trình bầu cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ». 
Nguồn: RFI Việt ngữ.