[*] Họ đã đổi trắng thay đen như thế nào?
An ninh và công an đứng đầy, nhưng cướp giật vẫn thoải mái hoành hành trước tấm biển "Vì an ninh tổ quốc"
Nguyễn Văn Thạnh - Như các bạn đã biết, ngày 10.12.2013, tôi và người bạn Nguyễn Duy Quang bị những kẻ lạ mặt đánh trước trụ ở công an Phường Hòa Minh - Quận Liên Chiểu - Tp Đà Nẵng. Trong vụ này, nhiều người bị đánh nữa, nhưng tôi xin tập trung vào tôi và bạn tôi. Chi tiết vụ việc, các bạn có thể xem ở đây và ở đây.
Trong bài viết này, tôi xin kể thêm một số chi tiết cụ thể hơn và đưa ra một số bình luận, nhận định dưới góc nhìn cá nhân.
Khi một nhóm người lạ mặt, mặc thường phục hô “thằng kia, thằng kia nãy giờ đứng quay phim, chụp ảnh, lấy máy của nó…”, rồi họ xông vào giật túi sách mang bên người của tôi. Tôi la lên: cướp, cướp… Họ bảo: cướp gì? Tao lấy để thu lại hình ảnh mày đã chụp. Tôi nói: tôi đứng xem, chụp ảnh gì đâu. Họ bảo: không cần biết, vô đồn công an lấy, sau khi tụi tao xóa hết ảnh”. Nghe vậy tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Vì trước kia, khi làm việc với công an và an ninh tại xã Tây Mỗ, Hà Nội, cuối ngày họ cũng khống chế tôi để lấy cho bằng được máy tính bảng để xóa hết file ghi âm, lần đó tôi cũng vùng quẫy phản đối dữ dội nhưng sau đó nhận ra chỉ có thiệt thân vì file ghi âm là vật sinh tử nên họ không buông tha. Tôi biết, họ rất sợ những hình ảnh nên họ cố lấy cho bằng được, nếu chống lại có thể họ sẽ đánh. Thấy mặt họ rất côn đồ, liên tục đưa ra cú đấm dọa nạt nên tôi để cho họ lấy với suy nghĩ cứ để họ tìm cái họ cần rồi họ trả máy lại cũng được.
Sáng ngày hôm sau, tôi lên đồng côn an phường Hòa Minh để hỏi về tình hình bạn tôi thì được ông Trung Tá Nguyễn Đắc Mười-Trưởng công an phường Hòa Minh trả lời là đang tạm giữ anh Nguyễn Duy Quang ở đây. Tôi hỏi lý do tạm giữ thì được ông ta trả lời là “đánh nhau, gây rối trật tự”. Tôi hỏi tình trạng sức khỏe Quang thì được ông ta nói “tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm”. Tôi hỏi giữ trong bao lâu, ông ta nói “tôi làm theo qui định của pháp luật, tôi sai tôi chịu”. Tôi hỏi bao giờ thả, thì ông ta bảo tôi về xem qui định của pháp luật để biết quyền hạn trưởng công an phường được giữ người bao lâu”.
Ông ta có vẻ tự tin như một người thực thi quốc pháp quang minh chính đại. Tôi hỏi: có quyết định tạm giữ không, tôi có quyền có nó không để thông báo cho gia đình Quang. Ông ta bảo chỉ có người nhà Quang thì công an mới đưa, còn bạn bè thì không được, nếu có số điện thoại ba má Quang thì đưa cho ông ta gọi điện thông báo. Tôi bảo, tôi thuê luật sư cho Quang được không? Ông ta bảo cứ làm theo qui định của pháp luật. Tôi bảo tôi muốn gặp cậu ấy để bàn việc này. Ông ta bảo không cho gặp được. Ông ta hỏi tôi còn hỏi gì nữa không? Tôi đang suy nghĩ làm cách nào báo tin ba má Quang biết vì sợ có chuyện gì thì rắc rối to nên tôi trả lời không. Ông ta đi vô trong.
Sau đó, tôi hỏi người trực ban là hôm qua có người giật máy tính bảng của tôi, bảo vô đồn công an lấy, giờ tôi lấy được không. Anh ta hỏi cướp giật ở đâu? Tôi hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ anh ta không biết việc xảy ra hôm qua? Tôi trình bày lại sự việc cho anh ta rõ thì được anh ta thản nhiên trả lời: anh bị cướp giật thì phải làm đơn trình báo công an mới xử lý được. Nghe đến đây, tôi chợt lờ nhờ nhận ra vấn đề. Công an xem đây như một vụ cướp, họ không có liên quan. Còn Quang bị giam giữ vì đánh nhau. Tôi giật mình khi nghĩ đến thủ đoạn này. Về tình thì ai cũng biết đó là ai nhưng về lý thì chúng tôi bị những người lạ đánh, cướp. Nghĩ đến thủ đoạn này, tôi thấy nó kinh khủng quá. Tôi chợt nhớ đến nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Đây là một người giàu có, thông minh nhưng hết sức nham hiểm, hắn ta đã lợi dụng pháp luật như một công cụ để khép tội, đẩy Chí Phèo đi tù, hủy diệt cuộc đời một con người lương thiện.
Nghĩ đến đây tôi bắt đầu cảm thấy sợ, rất sợ. Tôi bắt đầu thấy rõ chân tướng sự việc. Tôi cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói, không khéo bị khép tội vu khống thì chết.
Cùng chiều hôm đó, tôi quay lại đồn công an phường Hòa Minh với lá đơn trình báo bị đánh, bị mất cắp mà trong lòng chán nản vô cùng. Tôi biết rằng trình báo cho có chứ vô vọng trong việc lấy lại tài sản mình bị mất. Vô vọng để công an tìm ra hung thủ đánh tôi, giật máy tính bảng của tôi. Họ đâu có ngu dại để làm cái việc tóm kẻ đánh tôi, giật máy tính bảng của tôi.
Là một người quan tâm đến vấn đề chính sự, tôi cũng biết chuyện công an mượn tay côn đồ đánh người rồi xem như mình không liên can, kịch bản này xảy ra khắp trong nam ngoài bắc, không có gì lạ lẫm nhưng khi trực tiếp chứng kiến và mình bị nạn thì tôi mới giật mình vì sự nhuần nhuyễn trong việc phối hợp và phi tang chứng cứ (họ đánh nặng những trường hợp chụp ảnh để lấy cho bằng được máy ảnh).
Hẳn nhiều người chép miệng: việc này cũng bình thường thôi, chuyện này ai mà không biết, lâu nay công an họ vẫn làm vậy, làm gì được nhau? Họ nói đúng, tôi thấy bất lực quá.
Trong các sự suy đồi, tráo trở, đổi trắng thay đen thì sự suy đồi quyền lực chính trị là nguy hiểm nhất. Một con người suy đồi có thể gây hại một vài người, một vài lĩnh vực còn suy đồi chính trị gây họa cho cả dân tộc, cho cả 90 triệu dân hiện tại và tương lai giống nòi. Một người suy đồi họ còn sợ luật pháp trừng phạt chứ hệ thống quyền lực chính trị suy đồi thì họ còn sợ ai?
Hàng ngày, chúng ta đang khốn khổ vì vấn nạn xã hội suy đồi như trộm cướp, lừa đảo, giết người cướp của… mà đỉnh điểm là sự hôi của trước thanh thiên bạch nhật giữa tiếng kêu cứu tuyệt vọng của người bị nạn mà không một ai thèm đếm xỉa đến họ (vụ hôi bia). Sống trong một xã hội như vậy thật kinh khủng. Nhiều người lo lắng, cố gắng tìm ra nguyên nhân để giải quyết. Người chỉ ra nguyên nhân đến từ giáo dục, người chỉ ra nguyên nhân là do dân tộc tính, bản chất xấu của con người Việt Nam… Theo tôi, nguyên nhân lớn dẫn đến tha hóa, suy đồi con người, suy đồi xã hội chính là sự tha hóa, suy đồi của quyền lực chính trị. Lịch sử cho thấy, khi hệ thống quyền lực chính trị bị suy đồi sẽ làm cho xã hội đảo điên, lòng người thay đen đổi trắng mà cứ như không. Đây mới là cái gốc của vấn đề, nếu không giải quyết được cái gốc này mà chỉ lao vào giải quyết cái khác thì như bỏ hình bắt bóng mà thôi.
(Bài tiếp “Trao trọn niềm tin, nên không?”)