NGƯỜI CỘNG SẢN NAY CẦN PHẢI Ý THỨC HƠN KHI TRƯỚC TẤM GƯƠNG CỤ VĨNH.

Phản hồi bài viết của cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh

Tôn Thất Khanh (Diễn Đàn Công Nhân) - Bài viết này của cụ thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh chia đảng CS ra làm hai thời kỳ, thời kỳ đầu thì có công cứu nước, thời kỳ sau thì bán nước hại dân. Mới đọc thì lớp người sau chưa kinh qua thời kỳ đầu tưởng thế là thật. Nhưng nhiều vị cao niên, (trong đó có nhiều đảng viên là các vị cách mạng lão thành) lại có cái nhìn hơi khác. Các cụ hoàn toàn không phải là những người chống cộng cực đoan, mà cũng không phải là những người chống cộng không cực đoan. Các cụ chỉ nói lên quan điểm "Nhận xét đảng phải căn cứ vào thực tiễn, vì thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý". Đúng như cụ Vĩnh đã nói.

Theo nhiều cụ thì ta phải có thái độ trân trọng tất cả những người đã xả thân chứu nước không phân biệt CS hay không CS. Điều này rất đúng, phải dạy cho thế hệ sau như thế. Nhưng khi xét đảng CS thì cũng cần khách quan, cái sai lầm của đảng CS chính là rước cái chủ nghĩa CS vào nước ta, nhiều khi lợi bất cập hại. Trước kia đánh vào tâm lý giải phóng dân tộc, đảng CS đã lừa dối toàn dân và từ khi lên nắm chính quyền năm 1945, Hồ và những người CS chưa một ngày đem lại độc lập cho dan tộc mà chỉ đổi hình thức mẫu quốc thành huynh quốc, thoát ách đô hộ của Pháp thì quàng vào ách nô lệ của Liên xô và Trung quốc. Thực tế khách quan là như vậy.

Trước kia những người CS thường rao giảng "Không có cách mạng tháng Mười (Nga) thì không có CM tháng Tám (Việt Nam)". Thế nhưng cùng thời điểm sau thế chiến II thì nhiều nước khác như Ấn Độ, Philippni và Indonexia không nhờ cách mạng tháng Mười Nga, họ vẫn làm cách mạng giải phóng dân tộc. Sau khi giành độc lập từ tay người Pháp thì "nhờ" cách mạng tháng Mười Nga, ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp. Đây cũng là môt sai lầm nữa. Năm 1947, Pháp đã trao trả độc lậo cho vua Bảo Đại và đặt VN độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, giống như Úc độc lập trong khối Liên hiệp Anh và "Việt Nam độc lập trong phe XHCN do Liên xô lãnh đạo". Kiểu độc lập do Liên xô lãnh đạo đã tới CCRĐ với khẩu hiệu "nợ máu phải trả máu" giết tới nửa triệu người, trong đó giết cả những người đã từng theo kháng chiến. Sau đó Hồ cũng chỉ xin lỗi một lời cho xong.

Nếu ta không nhận độc lập trong khối Liên hiệp Pháp thì năm 1960 do Liên hiệp quốc can thiệp, Pháp cũng phải trao trả độc lập cho ta như trao trả độc lập cho một loạt nước châu Phi. Đây là một thực tế khách quan, như vậy ta tránh được đổ máu.

Cũng cần nhớ là có 4 thứ anh hùng. Nhiều người hy sinh xương máu để đấu tranh giành độc lập cũng anh hùng. Nhưng nếu như Thái Lan, dùng kẻ thù này đánh kẻ thù khác, dân tộc mình không đổ máu cũng anh hùng. Hoặc như Trung quốc, nếu mạnh hơn kẻ thù thì đánh, nếu yếu hơn kẻ thù thì để chúng vào rồi dùng văn hóa đồng hóa lại, sử dụng kẻ thù có lợi cho mình, cũng trở thành anh hùng. Hoặc như Thụy Sĩ, dùng ba tấc lưỡi của những nhà thuyết khách (ngoại giao) đẩy chiến tranh ra khỏi đất nước mình. Thế cũng là anh hùng. Ta đã chọn con đường trở thành anh hùng bằng máu.

Sau này ta giương ngọn cờ “chống Mỹ cứu nước”, nhưng thực chất ta đã chọn con đường biến “nước ta thành chiến trường thử vũ khí của hai phe”. Đem đất nước và sinh linh linh của dân tộc mình thành vật thí nghiệm cho vũ khí của nước ngoài. Trong cuộc chiến tranh Bắc-Nam thì phía Bắc có Liên xô và Trung quốc cùng nhiều chuyên gia quân sự của nhiều nước trong phe XHCN, còn phía Nam có quân Mỹ, quân Hàn quốc, quân đội Úc và quân đội nhiều nước khác, kể cả quân đội một vài nước châu Phi. Nên nhớ có một thời quân đội Trung quốc đóng quân ở hầu khắp các tỉnh phía Bắc như quân Mỹ đóng quân ở miền Nam, nhưng ta không nói quân Trung quốc xâm lược miền Bắc, mà chỉ đổ lỗi quân Mỹ xâm lược miền Nam.

Như vậy thì CS chẳng có công lao gì trong cuộc giải phóng dân tộc mà chỉ gây chết chóc. Còn tội ác của CS thời nay thì ai cũng rõ. Cái tội để mất đất liền và hải đảo thì rõ nhất. Miền Nam và miền Bắc là anh em một nhà, đánh nhau chí chết mà lại để bàn tay ngoại bang vào cướp trắng quần đảo Hoàng Sa, đay là tội của "cụ" Hồ và ông thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Nay thì đàn áp đồng bào yêu nước, tiếp tay cho ngoại bang. Còn các tội khác như tham nhũng và chỉ có “tăng” và “cấm” như cụ Vĩnh nói thì ai cũng biết, không thể cãi được.

Còn về quan niệm về “chống cộng cực đoan” thì cũng nên bàn lại. CS cứ hàm hồ đổ lỗi cho mọi người vạch ra cái sai của chế độ là tội chống nhà nước hay chống cộng. Đây là vu khống. Nhiều người không hề chống nhà nước, cũng chẳng chống cộng, chỉ vạch ra những hiện tượng tiêu cực và phê phán đường lối chủ trương hay phê phán chính những người lãnh đạo (giống như ông Nguyễn Phú Trọng mà thôi) cũng bị gán cho tội phản động.

Khi xét "công lao" của những người CS giành lại độc lập tự do cho dân tộc thì cũng cần nhắc lại câu nói của ông Hồ, đại ý độc lập và tự do nhưng đời sống vẫn nghèo khổ thì độc lập tự do không có ý nghĩa. Cũng cần nhớ lại một thực tế khách quan là khi thực dân Pháp trao trả độc lập cho một dân tộc ở một đảo thuộc Ấn độ dương thì người dân bản xứ nói: các ngài cứ ở lại dạy cho chúng tôi thêm vài năm nữa. Có lẽ dân quốc đảo này (chỉ có chưa đầy một vạn dân) thông minh và khôn hơn dân tộc ta.

Dân ta có câu "làm đầy tớ đứa khôn còn hơn làm thầy đứa dại". CNCS chỉ xâm nhập được vào những dân tộc lạc hậu, thiếu giác ngộ chính trị. Còn thực tế ở nước ta hiện nay thì trên lý thuyết ta theo CNXH do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng trong thực tế các quan chức lãnh đạo chẳng có ai thuộc giai cấp công nhân. Còn khẩu hiệu "công nông liên minh" thì bị chính những người khoác áo CS xé rách rồi. Chính quyền CS đang bắt tay với giới tư bản lưu manh (tư bản cao bồi) cướp đất của giai cấp nông dân. Chính quyền CS cũng bảo vệ quyền lợi cho giới chủ, đàn áp cả chính giai cấp công nhân.

Vậy những nhà lãnh đạo CS giải thích sao về thực tế khách quan này? Lại còn một thực tế khách quan là nội bộ giai cấp công nhân bị phân hóa, có công nhân quốc doanh, có công nhân trong các công ty trách nhiệm hữu hạn, có công nhân trong công ty 100% vốn nước ngoài, vậy công nhân nào lãnh đạo cách mạng để xây dựng CNCS? Cái lý thuyết CNCS đang phá sản mà các nhà lãnh đạo hoặc nhắm mắt mò mẫm hoặc là lừa dối nhân dân? Dân càng giác ngộ thì lý thuyết này càng bộc lộ là thứ rác rưởi cần phải gọt bỏ. Nếu theo nó thì không những kinh tế bị lụn bại mà đạo đức cũng suy tàn.

Chế độ thì càng ngày càng lộ rõ bản chất độc tài, chỉ lấy đàn áp làm biện pháp duy nhất. Điều này càng lộ rõ sự thối nát và bất lực cũng như báo hiệu thời kỳ suy tàn của chế độ.