BAO NHIÊU TIỀN CỦA ĐÃ ĐỔ VÀO ĐẶC KHU PHÚ QUỐC?


Ông Nguyễn Thanh Nghị nói về phát triển đặc khu Phú Quốc

Bao nhiêu tiền đã đổ vào đầu tư đặc khu Phú Quốc?

Hiện trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc có 136 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn 140.215 tỷ đồng, với tổng diện tích hơn 5.000ha.

Theo Ban quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, năm 2014, UBND tỉnh Kiên Giang cấp 53 giấy chứng nhận đầu tư, trong đó có 4 dự án FDI, tổng vốn gần 65.000 tỷ đồng, với tổng diện tích khoảng 1.400ha.

Những dự án trên đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, thương mại-dịch vụ, khu đô thị, sân bay, cảng biển, giao thông-vận tải, cấp điện, cấp nước, tài nguyên-môi trường, nông- lâm-ngư nghiệp…

Nhiều dự án, công trình trọng điểm đã và đang đầu tư xây dựng, bước đầu đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả như cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng biển Quốc tế An Thới.

Trên lĩnh vực du lịch, nhiều dự án, công trình quan trọng quy mô lớn, nhất là nhiều khách sạn cao cấp được các nhà đầu tư tích cực triển khai ở khu du lịch Bãi Trường, Bãi Dài, Bãi Khem, Bãi Sao.

Hệ thống nhà hàng, khách sạn đầu tư xây dựng, nâng cấp đạt chuẩn có khả năng phục vụ hơn 7.500 khách lưu trú/ngày.

Theo số liệu của UBND huyện Phú Quốc, năm 2014, kinh tế của huyện phát triển ổn định, GDP tăng gần 27% so với năm 2013; bình quân thu nhập hơn 4.000 USD/người/năm.


 Tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh phát triển đặc khu Phú Quốc

Ngày 3/8/2014, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cũng bày tỏ quan điểm khi nói về chiến lược phát triển và quy hoạch chung xây dựng huyện đảo Phú Quốc:

"Để phát triển Phú Quốc trở thành một trung tâm dịch vụ du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á, cần thiết phải có những chính sách ưu đãi vượt trội về thuế, tài chính, ngân hàng, đất đai, nhà ở, đầu tư, thương mại, thu hút nguồn nhân lực... đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế để thu hút mạnh đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực, thương hiệu và uy tín vào đầu tư phát triển Phú Quốc".

Nếu được Trung ương chấp thuận đề án, theo ông Nghị đây sẽ là một bước ngoặt lớn đánh dấu bước phát triển mới mạnh hơn, nhanh hơn của Phú Quốc trong tương lai.

Theo chiến lược này, Phú Quốc sẽ là trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; là trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp, trung tâm tài chính của khu vực và là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chuyên ngành.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận quá trình triển khai các cơ chế chính sách ưu đãi phát triển Phú Quốc bộc lộ nhiều bất cập, chưa tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư nhất là các nhà đầu tư nước ngoài.

"Mặc dù được các cấp ủy Đảng và chính quyền từ Trung ương đến địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để Phú Quốc có được nhiều chính sách ưu đãi đặc thù, song phát triển của Phú Quốc vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh", ông Nguyễn Thanh Nghị nói.

Đây là một trong ba đặc khu kinh tế ở ba miền Bắc-Trung-Nam đang được chính phủ Việt Nam xây dựng.
Trước đó, ngày 16/8/2014, trong chuyến thăm, làm việc tại huyện đảo Phú Quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: "Việc xây dựng Đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc hình hài đã rõ nhưng cần nghiên cứu kỹ về cơ chế, chính sách, luật pháp, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, khẩn trương chuẩn bị Đề án".

Thái Linh (Tổng hợp)