SỰ KHỐN NẠN CỦA CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN

Hồi ký 5 tháng trong hang Sói ( kỳ 9) NHỮNG CUỘC ĐỐI ĐẦU VÀ CÁI TẾT XA NHÀ

Họ không thèm đếm xỉa đến luật pháp và quy định thì mình sẽ chẳng bao giờ để cho họ được "bình yên" mà muốn làm gì thì làm.
Lại làm đơn tố cáo và đấu tranh từ ngày 17/1/2012. Ngày 21 tháng 1 năm 2012 thì gặp trực tiếp cán bộ giáo dục Lê Thị Hằng Nga. Nhưng cô này còn thù vặt mình khi bắt viết "thu hoạch" bị mình từ chối nên cô ta trả lời: 
- Tôi vào đây không phải để nghe chị trình bày, mà là để thăm hỏi chuyện Tết nhất của tập thể đội.
Tôi hỏi : Thế đơn khiếu nại tôi gửi ngày 17/1/2012 thì sao?
-  Sẽ có người khác giải quyết.
A ha, chính sách "câu giờ"? thế thì chắc chắn phải qua tết rồi vì hôm ấy đã là 29 tết. Vào ngày này, họ tổ chức cho trại viên gọi điện về gia đình. Mỗi người được đăng ký 2 số điện thoại. Tôi chẳng thể nhớ ra số ai ngoài 1 số của con trai tôi có trong đơn từ và một số của Nguyễn Xuân Diện. Khi tôi vào gọi (có sự giám sát của cán bộ giáo dục tên Hiệu và cả mụ quản giáo Ngọc Hà). Gọi cho con tôi không thể gọi được (?). Tôi đề nghị gọi số thứ hai là của Xuân Diện thì nghe Diện bắc máy lên. Tôi chỉ vừa kịp Alô và nghe Xuân Diện trả lời là tay cán bộ giáo dục dập máy không cho nghe.
Cuối cùng, tất cả ai cũng gọi được cho gia đình, chỉ mình tôi không được, mà tôi biết rằng đây là một sự cố tình. Họ thật nhẫn tâm khi mấy ngày trước đó họ đã tổ chức khám xét và cố tình thu giữ hết giấy bút của tôi, họ muốn chặt đứt mọi liên hệ của tôi với gia đình và bên ngoài dưới bất cứ hình thức nào. Mặc dù, việc thu giữ này hoàn toàn vi phạm pháp luật, bởi giấy bút là tài sản riêng do tôi mua sử dụng và trong quy định không có bất cứ sự cấm cản nào. Nhưng trước đó, lấy lý do "có nhiều thư từ ngoài luồng" nên họ đã tổ chức lục soát và lấy đi của tôi cả nhật ký cá nhân tôi viết từ ngày 28-11-2011 cho tới ngày 6-1-2012 (Và đến nay họ cũng chưa trả lại), cùng toàn bộ 2 tập giấy và một cuốn tập trắng + bút viết mà không hề có biên bản xác nhận việc thu giữ này. Ngay sau đó, tôi liên tục phản ứng và họ chỉ trả từng tờ giấy cho tôi viết đơn, sau khi nộp lại thì họ mới trả tiếp cho lần viết sau. Như vậy, họ ngang nhiên chiếm đoạt tài sản riêng của tôi và bắt tôi phải trở thành kẻ đi xin mỗi khi cần dùng tới nó (Hình như cái này có trong "giáo án" của chế độ về chuyện biến tài sản của người khác thành độc quyền "xin cho" của mình).

Ngày 22 cho đến hết ngày 27 tháng 1 năm 2012, tôi cố quên đi mọi chuyện và cùng chị em đón một cái Tết trong tù. Dù đã xác định tinh thần và luôn muốn khẳng định bản lãnh, xong chắc chắn không một ai có thể nói bình thường vui vẻ trong bối cảnh đó. Tôi nuốt nước mắt vào lòng và hứa với chị em cùng phòng rằng hôm nay tôi sẽ "vui tết" với họ. Rằng, tôi sẽ không khóc để giữ tinh thần cho mọi người... Cho tới giờ phút giao thừa tôi đã làm đúng như vậy.

Tết năm nay, vì có trại viên "đặc biệt" nên chị em trại viên đều khẳng định rằng "thay đổi cả bộ mặt trại", thế nên dù "thối ruột thối gan" tôi cũng dặn lòng phải "giữ tư cách".

Tôi cùng 2 chị em chung mâm đi "sắm tết" ở căng tin, chẳng được gọi điện, chẳng được viết thư, tôi còn biết làm gì trong những ngày tết mà nhà nhà sum họp. Nghĩ đến các con tôi và việc bàn thờ tổ tiên không ai chăm sóc nước mắt tôi ứ nghẹn nơi cổ họng.

Tôi lập gia đình từ khi mới 21 tuổi đầu, rồi tự lập, rồi sinh con, nuôi con, rồi một mình làm chủ cái gia đình không người đàn ông từ năm tôi 28 tuổi đến giờ. Các con tôi chưa một lần xa mẹ trong những ngày Tết. Cho dù chừng đó năm, mẹ con tôi không nhiều lần sum họp đủ đầy cả 4 con người. Nhưng có lẽ, đây là cái Tết đầu tiên tôi không có mặt trong căn nhà riêng của mình và tôi biết các con tôi sẽ cô đơn lạnh lẽo lắm, bởi chúng đâu đã biết làm gì ngoài chuyện đi học nếu có mẹ đóng tiền. Còn ở nhà thì mẹ sai gì làm nấy, nhưng có Mẹ thì chúng cũng biết lau dọn sắp xếp bàn thờ dưới sự chỉ dẫn của tôi...

Thôi! dù gì tôi cũng phải cứng cỏi lên. Bởi tôi không thể sống cả đời với các con được, tôi tự an ủi mình rằng: Biết đâu đấy lại là lúc tập sự cho các con tôi mạnh mẽ hơn bao giờ, và biết đâu sau những biến cố này các con tôi sẽ trưởng thành để tôi hoàn toàn có thể yên tâm, khi một ngày nào tôi không còn trên đời này nữa. Các con tôi phải quen dần với những đứa trẻ sẽ không còn Cha, còn Mẹ trên đời... Bao năm qua, các con tôi chưa rơi vào cảnh này, bởi tôi luôn luôn làm thay cả vai trò người Cha lẫn người Mẹ... tôi thấy thoáng "ân hận" về suy nghĩ này. Đáng ra, tôi phải tập cho các con mình tự lập sớm hơn nữa.

Suy nghĩ về các con cứ chìm đắm suốt những ngày Tết trong tù. Rồi tôi nhớ đến tất thẩy bạn bè, đồng đội của tôi. Tôi hình dung ra mọi người cũng đang nhớ đến tôi. Tôi cảm nhận đến cháy bỏng tất thảy tình cảm của mọi người dành cho tôi khi mà mấy ngày trước, mọi người còn gửi cả cho tôi cành đào vào trong trại (tuy rằng họ không cho tôi nhận). Tôi cứ thế bần thần trong nỗi nhớ rồi gom nhặt những tờ giấy còn xót lại hay cả những tờ giấy đã viết rồi còn trống một mặt, thậm chí bạn tù còn giấu được, tặng lại cho tôi để viết những dòng thư ngăn bớt đi cảm xúc "quằn quại" trong lòng.
Biết viết ra rồi họ cũng không cho gửi, tôi cố sắp xếp ý tứ làm sao để gom vào một bức thư gửi cho con tôi thì mới có thể đến tay con trai tôi cho mọi người biết tin. Còn như những lần trước tôi viết cho bạn bè như Xuân Diện- Phương Bích, Hiếu và Dũng thì họ đều không cho gửi.

Thậm chí, thư viết cho con tôi hay cậu mợ mà chỉ nhắc tên bạn bè nhờ nhắn gửi họ cũng không chuyển đi (đây là luật gì? chắc chỉ chế độ này mới có thứ luật "quái gở" họ dùng cho những "tù nhân chính trị" mà họ coi như KẺ THÙ).

Rồi cái đêm giao thừa đau khổ nhất đời tôi cũng qua đi. Vui với chị em bạn tù xong tôi nằm thiếp đi trong nỗi nhớ nhà, nhớ con... Tôi mơ màng trong những vần thơ tự ru tôi vào giấc ngủ chứa chan nước mắt... Tôi đã hứa với mọi người rằng sẽ không khóc nên tôi "vờ" như đã ngủ say. Tôi thoáng nghe mấy chị em gọi tôi dậy "nhảy nhót" nhưng tôi lấy cớ rằng uống nước trái cây pha C sủi và Can xi làm tôi "say choáng váng". Vậy là, tôi được "lặng yên" với nỗi nhớ nhà, nhớ con... nhớ những người thân thương bằng hữu... Khi trong lòng được "toàn quyền " nỗi nhớ, đấy chính là lúc tôi trào lên một niềm tự hào kiêu hãnh trong lòng. Hồi tưởng lại thời gian bị đưa vào trại cho tới những gì đang diễn ra trong giờ phút ấy, tôi thấy TỰ HÀO vì bản thân mình, rằng tôi đã không một giây phút thỏa hiệp hay hèn nhát trước những trò hèn hạ của bạo quyền, tà quyền, của những kẻ "nhỏ nhen, ti tiện".

Tôi kiêu hãnh khi mình luôn ngửng cao đầu trước họ, trước những gì diễn ra xung quanh tôi... Mấy ngày Tết, tôi luôn vui vẻ cùng mọi người và không ngại ngần ra sân chung chơi. Tôi muốn cho nhiều người trong khu biết về tôi hơn, để chuẩn bị tinh thần cho những tháng ngày đấu tranh kế tiếp bởi trong những lần đi xuống y tế khám bệnh, tôi quan sát những ánh nhìn của các trại viên dành cho tôi chứa đựng mối thiện cảm nhất định nên không bỏ qua cơ hội "dân vận". Và điều này thật sự đã có tác dụng dù nhỏ...

Lại nói về thái độ của cán bộ cơ sở. Những người bình thường nhất như cô Hòa bán căng tin, như thầy Giang bác sĩ thì họ luôn nhìn tôi bằng con mắt "ái ngại", bởi trong lòng họ luôn muốn giúp tôi, tôi cảm nhận được điều này khá rõ. Nhưng với nhiều người trong cơ sở thì họ lãnh "nhiệm vụ hành hạ" tôi nên có khi họ "buộc" phải hành xử không đúng pháp luật và không đúng cả lòng mình.

Riêng con mụ quản giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà và tên Tú "đao phủ" thì nhìn tôi như kẻ thù. Chẳng biết chúng nhận thông tin "chỉ thị " từ ai mà chúng đi rêu rao rằng "Tôi có tội tày trời", rằng "tôi chửi cha mắng Mẹ", rằng "tôi là phản động", bị dụ dỗ mua chuộc vv. và ..vv (Phản động mà phải đưa vào nhốt chung với đám xì ke ma túy ư? Đầu óc họ có biết phân tích không? hay họ là những cái đầu đất có ai nói sao nghe thế và luôn nghĩ rằng với vai trò quản tù họ là những "ông vua" với đám tù nô lệ?)
Những câu nào chúng hở ra mà tôi nghe được thì không nói ai cũng biết là "kịch chiến" sẽ xảy ra. Dù có chết ngay tôi cũng không để chúng vu khống, xúc phạm tôi. Lúc ban đầu, nói móc máy, rồi bị tôi phản ứng cãi ngang mặt với trại viên nên con này không dám nói công khai nữa mà chuyển sang nói "lén".

Nhưng, lần nào bị tôi tố cáo thì nó cũng hèn hạ chối đây đẩy. Có lần, tôi nói nó: "Cô có thể chối với tôi, nhưng cô không thể chối với những trại viên mà họ đã nghe, đã chứng kiến. Vậy thì, chỉ cần mọi người thấy rõ con người cô giả dối, đê tiện là đủ rồi. Cô đâu cần xấu hổ với tôi, nhưng chắc chắn cô biết rằng trại viên họ khinh cô thế nào khi cô nói mà không dám thừa nhận".

Thời gian sau này, con mụ quản giáo đã "biết sợ". Nó bắt đầu tránh tôi, ai cũng nhận thấy điều đó.

Tôi đã thề rằng tôi không bao giờ thỏa hiệp với cái xấu, cái ác. Chính vì vậy, mà chị em đều nói rằng tôi và quản giáo như "gái lấy chung chồng". Còn ông Thái Hòa - Người đã " biển thủ" lẵng hoa hôm 8-3 của bạn bè Hà Nội gửi tặng tôi thì nói rằng: "Chẳng thấy bất kỳ ai giống chị., người ta thì "nịnh" quản giáo vì cần được giúp đỡ và luôn gần nhau, còn chị thì cứ gây căng thẳng".

Ô hô! thế hóa ra trong đời này, các ông bà coi tù đều tự coi mình là những "vị vua không ngai" bên cạnh đám nô lệ tội phạm không bao giờ dám ngẩng đầu à? Cũng bởi một phần họ là kẻ có tội, nhưng họ không hiểu rõ pháp luật cũng như quyền con người của họ thôi.

Còn tôi! Tôi chưa bao giờ CÓ TỘI. Vả chăng đã có lần tôi chỉ mặt cái mụ quản giáo Ngọc Hà mà rủa vào cái đầu to với cái bản mặt nhiều thịt, che lấp hết liêm sỉ của mụ rồi đấy, rằng: "Nếu có tội, thì những người tù họ có tội với pháp luật- với nhà nước chứ không phải họ có tội với cô, yêu cầu cô cấm xúc phạm nhục mạ họ". Mụ ta đã phải "vằn mắt" nhưng cúi mặt trước lập luận đanh thép này mà không tiếp tục những lời miệt thị xúc phạm những người tù hơn tuổi mụ ta và  cả tôi nữa.

Để phản đối những chính sách hà khắc vô luân - vô luật của cơ sở đối với tôi, tôi lại tiếp tục tuyệt thực từ ngày 28/1/2012. Chuyện này cứ tiếp diễn tới lui và lại tái diễn màn chụp hình, quay phim... Tôi đã "bình thản" hơn trong những việc này. Họ muốn làm gì là quyền của họ, tôi sẽ làm gì là quyền của tôi. Nhưng, mỗi lần tuyệt thưc sau này tôi đều chủ động làm đơn gửi lên lãnh đạo, ban giám đốc thông báo rõ nguyên nhân, lý do vì sao tôi tuyệt thưc, nhằm phản đối ai? chuyện gì?

Họ buộc phải cho người vào gặp tôi. Thường thì ông Đào Hữu Đông hay tiếp xúc với tôi.

Với con người này, cho đến bây giờ tôi cũng không thể đánh giá và nên nói về ông ta ra sao cho "chân thực" Nhưng, chắc chắn một khẳng định của tôi rằng bản chất của công an thì chẳng có kẻ nào đáng tin cả, nhất là khi họ chỉ biết làm theo "mệnh lệnh".

Khi tiếp nhận tôi vào trại ngày đầu, tôi đã từng nói rằng tôi có cái nhìn rất "thiện cảm" với ông này, quá trình tôi ở trong trại ông ta giống như người được "phụ trách hồ sơ" về tôi... Tôi cũng tỏ ra cởi mở suy nghĩ và tin cậy ông ta hơn những kẻ khác. Xong, càng ngày tôi càng phát hiện ra vai trò của ông ta trong việc "làm theo mệnh lệnh cấp trên" đối với tôi. Và đúng là đối với những kẻ chỉ biết "trung với đảng" và "còn đảng còn mình" thì chớ có hy vọng rằng họ biết đến tình người và chính nghĩa, lẽ phải... Thế nên, tôi mới cay đắng biết rằng cái chỗ nằm dành cho tôi, kẹp giữa 2 bệnh nhân HIV giai đoạn cuối chính là kế hoạch hành hạ tra tấn ban đầu dành cho tôi, do chính bàn tay sắp đặt của ông này. Và rồi, không hiểu với những gặt hái gì trong công cuộc cải tạo tôi mà đã có lần ông ấy gọi điện "khoe" với con trai tôi rằng: Chú mới được lên chức (?).

Trong cái xã hội và môi trường mà họ luôn lấy hình thức, lấy bệnh thành tích đi kèm giả dối làm đầu thì chẳng thể nào biết đâu là thật - giả, đúng - sai. Sau này về nhà, nghe được những phát biểu của ông Đông trên truyền hình Hà Nội thì tôi mới hiểu rằng 5 tháng đi tù đã cho tôi thêm một lời khẳng định: không còn "nghi ngờ" rằng: Công an khó có thể làm người tốt. Khó có thể sống bằng tình người, một khi họ luôn giữ lời thề "trung với đảng" thì họ chỉ có thể là BẤT HIẾU với nhân dân mà thôi.

Ngày 2 tháng 2 năm 2012, trước nhiều sự kiện quản giáo liên tục dồn ép, hành hạ tôi bằng đủ trò, cho trại viên gây chuyện, dùng lời lẽ nhục mạ, tính đưa tôi ra đấu tố... Tôi tiếp tục có đơn yêu cầu cho gặp lãnh đạo. Ngày 3/2/2012, họ lại tiếp tục cho chụp ảnh, quay phim và lập biên bản chuyện không ăn của tôi. Lần này, thì nhận hay không nhận suất ăn họ cũng buộc tôi phải đứng ra trước bàn với suất ăn chia sẵn để chụp ảnh. Đã xác định tinh thần nên họ muốn quay chụp gì tôi cũng kệ, chỉ cần viết rõ ràng lý do ngay dưới biên bản họ lập mà thôi.

Cho tới ngày 6 tháng 2 năm 2012 thì trại bố chí ông phó giám đốc Bùi Khánh Chúc, người ký giấy thông báo gửi về gia đình tôi trước đây vào làm việc. Gọi là làm việc giải quyết đơn tố cáo, kiến nghị của tôi, nhưng thực chất đây là cuộc "trấn áp ". Buổi  làm việc này có thêm cán bộ giáo dục Lê Thị Hằng Nga.

Họ bố trí cho một trại viên ra "đấu tố" tôi bằng những lý do chẳng ăn nhặp gì, đúng với bản chất chụp mũ, vu khống bỉ ổi của họ. Mà đê tiện hơn, là chính kẻ từng được tôi giúp đỡ khi tôi vào cơ sở, chị ta than chưa có gia đình lên thăm nuôi, nên muốn vay tôi thùng mỳ và được tôi hào phóng mua tặng. Giờ chính chị ta lại trở mặt nói rằng: "Tôi muốn dùng thùng mỳ giúp chị ta để làm "bàn đạp". (Trời! khái niệm gì đây? Văn tù ư?). Và sau màn quy chụp đấu tố đến ngạc nhiên, sững sờ như một "chiến thuật dọn đường" làm tôi "ớ" người trước sự "phản thùng" ấy thì tay phó giám đốc bắt đầu lên giọng: 
-" Chị không cần nói gì cả, chúng tôi thông báo cho chị không được gửi đơn từ gì nữa, chúng tôi sẽ không chuyển và không giải quyết gì thêm". Rồi ông ta còn nói rằng:" Không có văn bản pháp luật nào hướng dẫn việc luật sư được tham gia việc khiếu nại. "
Tôi giận dữ chất vấn ông ta rằng: Vậy khoản 1 điều 17 luật tố cáo khiếu nại đã bị vô hiệu hóa từ khi nào? Chữ ký xác nhận việc ủy quyền cho luật sư của tôi được ban giám đốc ký ngày 15/12/20211 là "vô giá trị"? Rồi tôi hét lên: Các người thật hèn hạ vì đã cố tình bất chấp pháp luật để trả  thù tôi.
Ông ta nhìn tôi tôi cười khẩy theo ý rằng: Biết bị trả thù rồi thì im miệng lại đi.

Tôi cũng tỏ ngay thái độ khinh miệt mà rằng: Một màn kịch quá vụng về đối với tôi. Nói rồi, tôi không ký vào cái gọi là " biên bản làm việc" của họ. Nhìn cái bản mặt đểu giả đê tiện, với cái kiểu ăn nói ngu dốt, nói cùn, nói lấy được của cái tên Bùi Khánh Chúc, kẻ mang tới chức danh Phó GĐ phụ trách giáo dục kia mới thấy nó bỉ ổi làm sao? Chẳng trách mà thuộc cấp của ông ta mới có những loại như con mụ Nguyễn Thị Ngọc Hà và thằng Tú "đao phủ". Một thể chế khốn nạn với những con người vô giáo dục và ngu dốt mà lại làm công tác giáo dục - Chua xót và mỉa mai quá!

Không đầu hàng và thỏa hiệp. Họ càng chèn ép bức hại, tôi càng dũng mãnh muốn vùng lên. Tôi cứ căn cứ vào những điều luật và quy định mà tiếp tục thực hiện cho bằng được cái QUYỀN CON NGƯỜI của mình. Họ sẽ phải phá sản cái ý đồ bóp nghẹt ý chí, tinh thần của tôi trong cái trại giáo dục trá hình này.

CÒN TIẾP...