TỔNG SỐ CHỮ KÝ THU THẬP: 28480 chữ ký.



Nông Dân Không Còn Tin Cộng Sản

16 th. 3
Tư miệt vườn, Danlambao - 16.3.2013: Qua cái Tết nguyên đán 2013, sau mà nhiều nỗi lo. Trước Tết vụ Đông - Xuân trúng mùa, giá rớt. Không bán thì nợ đòi trước cửa nhà, bà con nông dân đành bấm bụng mà bán lúa tươi để kịp trả nợ cho ngân hàng, đại lý phân bón... lỗ so với giá thành sản xuất gần 10 % hoặc hay lắm thì cũng huề vốn. Nếu ai mà thuê đất để làm thì lỗ sặt gạch, gia đình coi như không có Tết. Biết rằng vụ Xuân - Hè này có thể rơi vào tình trạng như vụ Đông - Xuân nhưng còn biết làm gì hơn. Lại vay ngân hàng, mua thiếu phân bón thuốc trừ sâu rồi tiếp tục xuống giống. Làm nông thời nay cũng giống như đổ xí ngầu. Cái vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá giống như cái vòng kim cô ngày càng xiết thì cái đầu của người nông dân có lúc cũng không còn nữa.
Anh Tư Bé mới đi thăm người quen ở phía Bắc, anh kể, bà con nông dân ngoài đó nghe anh nói làm 10 mẫu đất (tương đương 100 công, 100.000 m2) lúa ruộng thì họ nghĩ anh ngon lành lắm, thán phục lắm. Nhưng nằm trong ruộng thì mới biết trong ruộng có sâu, lúc nào mà thóc có giá nhất thì cũng lãi khoảng vài triệu/mẫu. Còn không thì trả lãi ngân hàng, tiền thuê đất xong thì coi như trắng tay. Bao nhiều công sức của người nông dân trong ba tháng trở thành nước lũ trôi sông. Tư tui có một câu hỏi, hỏi hoài mà không có câu trả lời: Tại sao nhà nước không thu mua dự trữ lúa vào dịp thu hoạch trước Tết cho bà con nông dân được nhờ? Nhà nước hỗ trợ cho ngân hàng, công ty thu mua lúa mà sao không hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân làm ra lúa? Với giá lúa thu mua hiện nay, nói người nông dân lãi 30% là nói láo.

Để tôi kể chuyện trong Tết cho bà con Dân Làm Báo nghe chơi, số là Tết năm nay, Tư tui không có trồng lúa vụ Đông - Xuân mà trồng bắp cải. Thương lái đặt cọc chục triệu bạc để bao hết bắp cải của Tư tui. Mà có ai xa lạ, nói là thương lái cho oai chứ là thằng Tám ngó ngang sông nhà Tư tui. Gần đến ngày thu hoạch mà Tư tui chẳng thấy thằng Tám qua nhà bàn chuyện, gọi điện cho nó thì cứ ò e í e, rồi ngoài vùng phủ sóng. Tư tui mới chống xuồng qua sông, đến nhà thì thấy nhà thằng Tám im như chùa Bà Đanh. Tư tui lân la hỏi thăm bà con thì mới té ngửa ra, bắp cải xuống giá quá thằng Tám đành bỏ của chạy lấy người, chém vè qua bên nhà bà Má vợ. Tư tui mới lặn lội qua đó gặp nó. Gặp Tư tui nó không nói được lời nào chỉ biết xin lỗi vì không giữ lời hứa, nó mà ôm mớ bắp cải này thì cầm chắc lỗ thêm hàng chục triệu như chơi. Thật tội nghiệp cho thằng Tám. Tư tui mới bàn với nó là cứ về bên đó, thu hoạch xong đem bán, nếu lỗ thì Tư tui trả lại tiền đặc cọc, còn nếu có lãi thì Tư tui với nó cùng chia 50/50. Tư tui chịu công thu hoạch, vận chuyển, còn nó ra công mà đi bán. Nhà có sẵn nhân công, mấy đứa nhỏ học trên Sài Gòn về, có ghe cũng chở được vài chục tấn. Coi như lấy công làm lời. Ngày 28 Tết, thằng Tám nó chạy ghe về vẻ mặt hồ hởi phấn khởi lắm. Tính ra chuyến này cũng kiếm được vài chục triệu tiền bắp cải, xem như là win - win. 29 Tết, thằng Tám qua tính sổ sách với Tư tui, nó con mang một cặp rượu Tây (chắc cũng cả triệu bạc) để biếu cho Tư tui. Nó nói sang Tết, nó dự tính bán nhà bán đất theo thằng con qua Miên. Hai vợ chồng nó chỉ có một đứa con trai, thằng nhỏ học xong Tú tài thì đi nghĩa vụ quân sự, ra quân nó theo bạn lên Nam Vang làm lò bánh mì, bây giờ tay nghề nó cứng lắm, có thể đứng ra mở lò bánh mì. Nghe thằng Tám nói mà Tư tui xót xa, đến giờ này vẫn còn có người phải tha phương cầu thực, bỏ nước ra đi. Thôi thì cũng chúc vợ chồng, con cái thằng Tám thành công nơi xứ người.

Sáng nay, Tư tui xem VTV trong mục Chào Buổi Sáng, thấy ông Phó Tổng cục Thủy Hải sản trấn an bà con nông dân, bình tĩnh, đừng có "no"....trước cái tin Chính phủ Hoa Kỳ sẽ áp đặt thuế chống phá giá sản phẩm cá basa, cá tra của Việt Nam. Khoảng mấy chục phút sau, thấy anh Tư Bé hớt hải chạy qua. Chưa kịp uống ly trà Tư tui rót anh ta thốt lên: "đ...é...o có tin mấy thằng cộng sản". Anh phân bua, năm rồi anh xém mất nhà mất ao cũng vì tin mấy thằng chính quyền địa phương và nhà máy chế biến cá. Đến mùa bán cá, chúng ép giá người nuôi, mua rồi thì không trả tiền, trong khi đó người nông dân phải vay ngân hàng mua con giống, mua thức ăn... Chính quyền thì nói sẽ có hỗ trợ bà con nuôi cá, chờ hoài cũng không thấy. Nhà máy thì cứ nói mai trả tiền nhưng đợi hoài cũng không thấy ngày mai. May mà con nhỏ anh gả cho cái thằng Việt kiều năm xưa bán cái tiệm nail bên Mỹ được vài chục ngàn đô gởi về cho anh trả nợ, nếu không thì gia đình anh chắc bây giờ phải cất chòi ra đồng mà ở. Sau cơn khủng hoảng đó, anh treo ao quay sang thuê đất làm ruộng. Uống xong ly trà, anh Tư Bé xin phép về nhà vì con phải ủ thóc để xạ. Vừa đi anh vừa lẩm bẩm: "đ..é...o có tin mấy thằng cộng sản". Mà bà con có biết anh Tư Bé gốc gác ra sao không? Anh vốn là Việt Cộng, bị lùa vô bưng từ năm mười lăm tuổi, năm 1975 thì anh trở về địa phương, làm công an xã, huyện một thời gian, rồi anh trả thẻ đảng, bỏ chức vụ về nhà làm nông mà sống. Tính tình anh Tư Bé thẳng ngay nên mấy tay chính quyền địa phương cũng nể.

Trở lại ông Phó Tổng cục Thủy Hải sản, ông kêu gọi bà con nông dân an tâm, đã có đảng "no", nhà nước "no", sẽ làm đơn kiện Chính phủ Hoa Kỳ, kiện Bộ Thương mại Mỹ. Không lo làm sao được? Một ao nhỏ nuôi cá basa cũng hàng trục chiệu, ao lớn thì hàng trăm triệu, còn bè cá thì hàng tỷ đồng, trắng tay như chơi. Hoa Kỳ là thị trường lớn thứ hai sau EU, họ mà không mua nữa thì bán cho ai? Có gì thì ngân hàng nó xiết bè, xiết ao... người nông dân, còn mấy thằng chính quyền địa phương hay nhà máy có chết đâu mà sợ. Đúng là như anh Tư Bé nói: "đ...é...o có tin mấy thằng cộng sản".

Tư tui cũng xin lỗi đã làm mất thời giờ bà con. Trong lúc mọi người đang tưng bừng vạch mặt mấy cái vụ lừa bịp kêu gọi góp ý sửa đổi Hiến pháp thì Tư tui chỉ biết nói chuyện nông dân. Nhưng vì kiến thức có hạn Tư tui đâu dám lạm bàn mấy cái vĩ mô đó. Tư tui chỉ xin nếu mà có làm Hiến pháp mới, các nhà Dân chủ cho nông dân được làm chủ sở hữu cái ruộng cái đất của mình là chúng tôi sướng lắm rồi.