Tuyên ngôn
của những người tự do yêu nước
Lời tuyên bố khẳng khái của Nguyễn Đắc Kiên ném vào mặt Nguyễn Phú Trọng, TBT đảng CSVN hôm 26/2 nổ tung như một quả bom gây hiệu ứng dây chuyền dẫn theo một loạt phản ứng đến nay không thể bị dập tắt được nữa.
Xin tóm tắt lại, ‘công dân tự do’ Nguyễn Đắc Kiên tuyên bố muốn (1) bỏ điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới, (2) ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước, (3) ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập, phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn... các đoàn thể… tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc; (4) ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào; (5) khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế; khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản ban cho, nên đảng cộng sản không có quyền tước đoạt hay phán xét.
Điều quan trọng là lời tuyên bố khẳng khái “tôi là người tự do, tôi có quyền tuyên bố, có quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, quyền tự nhiên của mỗi con người, không phải của đảng CS ban cho nên đảng CS không có quyền tước đoạt hay ngăn cấm!” Lời tuyên bố của Nguyễn Đắc Kiên như tiếng chuông vang rền thức tỉnh những người đã bấy lâu biết nhưng cam chịu sự áp bức đè nén của cường quyền (và để tự đè nén chính mình) hợp lại cùng đồng thanh lên tiếng. Họ không ‘sát cánh’ đi theo Nguyễn Đắc Kiên, mà là ‘những công dân tự do’ cùng lên tiếng khẳng định ước muốn của mình, vì đất nước, vì dân tộc.
Tính đến 1 giờ đêm Thứ Năm 7/3/2013, giờ Việt Nam, danh sách những người ký tên vào “Lời tuyên bố của các công dân tự do” đã lên đến 5200 người.
Đọc qua danh sách những người ký tên, rút ra được đôi điều đáng chú ý:
- 174 chữ ký đầu tiên vào lời tuyên bố này, trong bản danh sách đều là nguời trong nước, nhưng từ người thứ 175 trở đi bắt đầu số người Việt sống bên ngoài VN ký tên bắt đầu tăng dần.
- Địa chỉ của những người ký tên cho thấy họ có mặt khắp năm châu.
- Cả trong lẫn ngoài nước, những người ký tên thuộc đủ mọi thành phần, giai cấp –nam nữ, trẻ già, trí thức, công nhân, chuyên viên … cả người còn đi học lẫn đã về hưu …
- Đáng kể ở đây, rất nhiều người trong nước ký tên minh định cả nghề nghiệp, nơi làm việc. Điều này cho thấy họ đã không còn sợ nữa.
- Phần những người ký tên trong nước, hầu như danh sách có tên gần hết những người được biết đến thường xuyên lên tiếng bày tỏ quan điểm về tự do dân chủ, trong khi số người ký tên ở bên ngoài thì hầu như chỉ là những cá nhân, không phải những người được công chúng biết đến. Và cũng không thấy đại diện, hay thành viên của một tổ chức đấu tranh nào ở hải ngoại (kể cả những cá nhân, tổ chức từ rất lâu đã cổ động cho việc ‘đòi hỏi đảng và nhà nước CSVN phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp, quy định quyền độc tôn lãnh đạo của đảng CS!’ Tại sao thế? Hẳn là có rất nhiều lý do để trả lời cho câu hỏi này.
Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề cấp bách để tìm hiểu và chú ý ngay lúc này.
Nếu chỉ so sánh rất đơn giản số người ký tên (5200) với dân số Việt Nam trong nước hiện nay, thì có thể nói, tập hợp ‘những công dân tự do can đảm công khai khẳng định quyền làm người chân chính’ của mình mới chỉ là một giọt nước trong biển cả. Có người còn hoài nghi rằng, ‘tiếng nói ấy cũng chỉ là một hòn đá ném xuống mặt ao, dấy lên vài gọn sóng rung rinh mặt nước, có làm dậy lên vài gợn sóng, nhưng rồi sẽ chìm nghỉm xuống đáy và trả lại sự yên lặng cho mặt nước mà thôi’. Và để chứng minh cho lập luận này, họ còn nói ‘trước Nguyễn Đắc Kiên từng lắm người thuộc hàng khai quốc công thần của chế độ CS cũng đã từng nói những điều như vậy nhưng rồi có đi đến đâu?’
Xin chớ vội! Có rất nhiều điều khác biệt giữa Nguyễn Đắc Kiên và những người đã lên tiếng; và cũng có rất nhiều khác biệt giữa thời điểm phát sinh của những lời tuyên bố trước kia với thời điểm hiện nay.
Điều quan trọng nhất, Nguyễn Đắc Kiên không thuộc vào thành phần những người đã ôm ấp, gắn bó với cái lý tưởng huyền hoặc ‘thiên đường của chủ nghĩa CS, chủ nghĩa xã hội’và cũng không ảo tưởng với cái gọi là ‘chủ nghĩa xã hội với bộ mặt người’. Anh xác định dứt khoát ‘mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản ban cho’. Đảng CSVN đối với Nguyễn Đắc Kiên không phải là chân lý như những văn nô đã ca tụng ‘cho ta sáng mắt, sáng lòng’ mà đảng CSVN, theo Nguyễn Đắc Kiên, “Điều tốt đẹp hạng nhất mà Đảng có thể làm bây giờ là tuyên bố tự giải tán, trả lại quyền lực tối cao cho nhân dân Việt Nam”. Vì con người và quan điểm của Nguyễn Đắc Kiên như thế, chính là hình ảnh tiêu biểu cho con người và quan điểm của tuyệt đại đa số người Việt trong nước nên như một mồi lửa châm vào đống củi đã đỏ, bốc lên lời đồng thanh tuyên bố của hàng ngàn người khác chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.
Thời điểm cuối tháng Hai 2013 ngay khi Nguyễn Đắc Kiên vừa dõng dạc lên tiếng tại Hà Nội thì tiếng nói anh đã vang đi đến khắp nơi trên thế giới. Phương tiện mạng lưới truyền thông internet ngày nay đã giúp anh không còn là người cô đơn lên tiếng lẻ loi như nhiều trường hợp trong quá khứ nữa. Thời điểm này không còn là thời điểm cho phép nhà cầm quyền CSVN dễ dàng vồ lấy anh để kết án tống giam vào ngục thất -như đã làm với bao người lên tiếng trước anh-, dù anh đã lựa chọn và cho họ biết đã sẵn sàng “nếu một ngày tôi phải vào tù, thì chắc chắn là nhà tù Cộng sản,bởi vì tôi khao khát Tự do”. Đơn giản vì ‘sự hưởng ứng của khối người Việt, những công dân tự do khắp nơi, nhất là ngay trên đất nước Việt Nam’ đã cảnh cáo nhà cầm quyền chớ vọng động.
Sự hưởng ứng của mọi người, theo nhận định của 1 nhà báo tự do đã bày tỏ trên trang Dân Làm Báo là “Phải chăng những dấu hiệu của một cơn bão đang nổi lên rồi?”
Tác giả Trần Việt Hoàng, trong bài Bão Nổi Lên Rồi cho rằng:… tôi thấy vạn niềm vui trong ánh mắt của dân tôi đang khát khao đợi chờ. Tôi cảm nhận một sự háo hức, nức lòng của anh em tôi trên những trang báo điện tử vì họ đang thể hiện tiếng nói tự do của mình mà bao năm qua vẫn còn rụt rè, e sợ. Đúng vậy! Cơn bão đòi hỏi dân chủ nhân quyền cho dân tôi đang đến. Nó đang còn là những cơn gió tụ họp lấp ló từ xa, nhưng tôi đã cảm nhận được sức mạnh vô cùng của nó. Đó là những cơn gió của “Triệu con Tim, Một Tiếng Nói”, của “Kiến Nghị 72”, của “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do”, của “Nhận Định và Góp Ý Sửa Đổi Hiến Pháp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam”, và của những gì mà ta chưa biết đến. Chỉ trong vòng một, hai ngày mà số người ký tên đồng tuyên bố đã tăng thêm… một con số kỷ lục mà tôi chưa được thấy trong những năm qua. Nó đã nói lên một điều là hình như chúng ta đã tìm được một đáp số cho bài toán đồng thuận mà trong bao năm qua nhiều người đang mải mê tìm kiếm…
Đáp số cho bài toán đó, theo Trần Việt Hoàng, là “ …một đáp số chung vì nó chỉ khẳng định một hướng đi đúng đắn cho dân tộc và xác định những quyền căn bản của con người đã được Liên Hiệp Quốc và nhân dân Việt Nam công nhận. Nó không chứa đựng những gì thuộc về quá khứ mà có thể là nguyên nhân của những nghi kỵ hay bất đồng. Nó là thể hiện một tình yêu quê hương và một ý nguyện trong sáng cho tương lai dân tộc, dựa trên kinh nghiệm phát triển thực tế của cộng đồng nhân loại. Bài toán thật sự khó khăn vì trên căn bản nó là một đề tài đã được hóa giải ở nhiều nơi trên thế giới nhưng lại là vùng cấm ở một vài xứ độc tài Cộng Sản mà thật không may đang có Việt Nam ta. Lời giải của nó thật không có gì khác hơn là mỗi công dân mạnh dạn thể hiện ý chí của mình bằng những lời khẳng định về ước vọng sống và quyền hạn của mỗi cá nhân, bất chấp những đe dọa và sự trù dập…”
Thế nhưng liệu cơn bão vừa nổi lên có đủ sức mỗi ngày mỗi mạnh để thành trận cuồng phong đủ sức đánh đổ chế độ độc tài toàn trị hay không?
Câu trả lời rất đơn giản: tùy thuộc vào hành động của mỗi người còn cho mình là công dân Việt Nam, cả trong và ngoài nước.
Trần Việt Hoàng đề nghị:
Hành động đầu tiên là ký tên vào “Lời Tuyên Bố Của của các Công Dân Tự Do” để mạnh dạn khẳng định ước vọng và quyền hạn của mình. Số người ký tên càng đông thì sức mạnh của sự liên kết cho một lý tưởng càng trở nên to lớn, và những đòi hỏi chính đáng của mình càng sẽ dễ dàng biến thành hiện thực. Số đông sẽ làm cho người dân bình thường mới hôm nào đây còn e sợ, thì giờ đây đã trở nên mạnh bạo và dũng cảm. Đừng quên rằng mỗi một cá nhân dù cho nhỏ bé đến đâu cũng có thể làm cho cả một chế độ độc tài run sợ vì cái chính nghĩa của mình và nhờ những phương tiện truyền thông đang nối kết con người gần lại với nhau. Cho nên một ngàn người mà kiên quyết liên kết với nhau thì cũng làm nên chuyện lớn, và một triện người cùng chung lý tưởng thì dân tộc chắc chắn sẽ thoát khỏi cảnh bị đọa đày và đất nước sẽ thoát khỏi nguy cơ bị xâm chiếm.
Từ sự thành công của “Lời Tuyên Bố của các Công Dân Tự Do”, chúng ta có thể dùng chung một phương tiện để tiến hành những bước kế tiếp, chẳng hạn rủ nhau xuống đường để đòi quyền lập hiến. Khi một ngày đã được xác định, thì mọi người cùng gởi emails về 3 địa chỉ đáng tin cậy để cùng hẹn nhau xuống đường. Số người đồng ý tham gia sẽ được cập nhật và đăng tải trên ba trang mạng độc lập mà không cần đăng tên tuổi. Như vậy tuy chúng ta sẽ không có yếu tố bất ngờ nhưng sẽ có ưu thế số đông mà không một lực lượng nào có thể đàn áp nổi.
Đây chỉ là một thí dụ của một chiến lược đơn thuần, nhưng chắc chắn các công dân tự do sẽ tìm ra nhiều cách để đi những bước kế tiếp.”
Tác giả cũng nhắc nhở ban lãnh đạo của đảng và nhà nước CSVN rằng họ cần phải tự hiểu thời điểm cho một sự thay đổi đã đến.
“Nếu họ biết thức thời và tìm con đường hòa hợp tốt nhất thì hãy chịu sự thay đổi như những đòi hỏi của các công dân tự do hay ít nhất cũng bắt đầu những đổi thay như đã và đang xảy ra ở Miến Điện. Cái thời điểm cho sự thay đổi tốt nhất là ngay từ khi thấy có những khởi đầu của một cuộc cách mạng. Còn nếu cứ bám giữ sự độc tài toàn trị và mạnh tay đàn áp nhân dân thì phần nhiều cái kết cục sẽ rất bi thương như đã thấy trong các cuộc cách mạng mùa Xuân Ả Rập, hay ở các nước Đông Âu ngày nào.”
Đây là thời điểm cho một sự thức tỉnh như lời Nguyễn Đắc Kiên đã nói trong bài thơ “Vì Người Ta Cần Ánh Mặt Trời”
Tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
bốn ngàn năm, giờ lại ngót trăm năm.
hết phong kiến độc tài, đến lũ bạch tuộc thực dân,
hết quân, hết vương, đến lũ tượng thần chủ nghĩa.
bao thế hệ siết rên trong gọng kềm nô lệ.
chuyên chế dã man đục rỗng chí con người.
cha tôi, ông tôi, bao thế hệ ngủ vùi.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế.
không ánh mặt trời, bóng tối chí tôn,
lũ quỷ ám thừa cơ toàn trị,
khủng bố dã man, reo rắc những kinh hoàng,
biến lẽ sống thành châm ngôn “mày phải sợ”.
mày phải sợ mày ơi mày phải sợ,
sợ nữa đi có sợ mãi được không,
cốt tủy mục rỗng rồi trí óc cũng tối đen,
mày lại đẻ ra lũ cháu con “biết sợ”.
bao thế hệ đã ngậm ngùi mắc nợ,
lũ chúng ta lẽ nào lại mắc nợ mai sau,
còn chần chừ gì mà không tỉnh dậy mau,
sống cho xứng danh xưng con người trên mặt đất.
tôi chưa thấy một đêm nào dài thế,
cũng chưa thấy có ngày mai nào không thể.
vì người ta cần ánh mặt trời,
tỉnh dậy đi lũ chúng ta ơi!
*
Chúng ta là tất cả những người đến hôm nay vẫn còn thấy, hay vẫn tự coi mình, là một người Việt Nam…
Chúng ta đây là tất cả những phong trào, đoàn thể, hội đoàn, tổ chức, liên minh, mặt trận, đảng phái … vẫn xác định “chủ trương đường lối tối hậu là xóa bỏ chủ nghĩa Cộng sản, khôi phục một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, nơi mọi người dân đều có quyền sống bình đẳng, có phẩm giá và đầy đủ quyền làm người”.
Phạm Thạch Hồng
Nguyễn Đắc Kiên