9h sáng chủ nhật ngày mai, 28/7/2013: Blogger Hà Nội tổ chức giao lưu với người nhà Điếu Cày

Thư mời: Giao lưu với chị Dương Thị Tân và cháu Nguyễn Trí Dũng

Kính thưa mọi người,

Vào 9h sáng Chủ Nhật, ngày 28/07/2013, chúng tôi có tổ chức cafe giao lưu cùng chị Dương Thị Tân (vợ anh Điếu Cày) cùng con trai là cháu Nguyễn Trí Dũng với chủ đề:

ĐIẾU CÀY - NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CÔNG LÝ, NHÂN QUYỀN VÀ NHÂN ĐẠO

Trân trọng kính mời những ai quan tâm tới giao lưu cafe với chị và cháu để nghe lại những câu chuyện về anh Điếu Cày, về quá trình đấu tranh tuyệt thực trước đó của anh, cũng như những vất vả của chị và cháu trong quá trình thăm nom; để tìm hiểu về tình hình nhân quyền, nhân đạo mà những "tù nhân lương tâm" như anh đã trải qua và cùng bàn về việc đấu tranh / đòi quyền lợi chính đáng của anh tuần tới!

Địa điểm: một quán cafe ở gần Hồ Gươm sẽ báo sau.

Một số anh em No-U Hà Nội trân trọng kính báo!

CA trại giam Hà Nam đánh gãy chân tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn

Lê Văn Sơn (đeo kính, đứng thứ 2 từ trái sang) trong phiên tòa phúc thẩm tại Nghệ An

CTV Danlambao - Blogger Lê Văn Sơn – một tù nhân lương tâm bị kết án 4 năm tù giam đã bị chuyển trại từ Nghi Kim (Nghệ An) đến trại giam Nam Hà (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) vào hôm 10/7 vừa qua.

Khi vừa đến trại giam mới, Lê Văn Sơn đã bị hai cán bộ CA trại giam Hà Nam dùng dùi cui hành hung, đánh đập hết sức dã man chỉ vì 'không chào cán bộ'. Sau trận đòn tàn ác của CA, Lê Văn Sơn bị thương rất nặng ở phần chân đến mức đi lại phải chống gậy. Dù vậy, anh tiếp tục bị giám thị trại giam trả thù, hành hạ bằng cách ra quyết định 'kỷ luật biệt giam'.

Hôm nay, 25/7/2013, ông Đỗ Văn Phẩm - cậu ruột Lê Văn Sơn đã lặn lội về trại giam Nghi Kim (Nghệ An) để thăm gặp cháu mình. Khi đến nơi thì nhận được tin CA đã chuyển Sơn về trại giam Nam Nam từ hôm mùng 10, nhưng đến nay vẫn không thông báo đến gia đình. Ông Phẩm đành phải tiếp tục đến trại giam Nam Hà (thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) để thăm gặp cháu.

Sau khi làm thủ tục tại trại giam Nam Hà xong, Lê Văn Sơn xuất hiện với một thân hình tiều tụy và phải chống gậy để bước đến gặp cậu. Mỗi bước chân đều nặng nhọc và đau đớn sau trận đòn thù của CA trại giam.

Sau một thời gian bị kỷ luật biệt giam, khuôn mặt Sơn trông rất xanh xao, tay chân run rẩy, sức khỏe suy yếu thấy rõ. 
Lê Văn Sơn trong một lần bị CA bắt trước đây
Trong buổi thăm gặp kéo dài khoảng 20 phút, Lê Văn Sơn cho biết: Lúc mới chuyển trại, do còn lạ lẫm và không quen biết ai nên Sơn đã bị hai cán bộ công an trại giam kéo đến gây sự với lý do 'không chào cán bộ'. Chưa kịp phản ứng thì Sơn đã bị hai viên CA trại giam đánh tới tấp bằng dùi cui, trong đó nặng nhất là phần chân. Sau đó, CA trại giam tiếp tục lôi Sơn vào 'phòng kỷ luật' để hành hạ tiếp. 

Được biết, có một tù nhân khác đã lên tiếng bảo vệ Lê Văn Sơn, đồng thời phản đối hành vi dã man của CA trại giam. Hậu quả là người tù nhân này cũng bị đưa đi kỷ luật biệt giam để trả thù.

Trao đổi với Danlambao, ông Đỗ Văn Phẩm (cậu ruột Sơn) cho biết: Tại buổi thăm gặp chiều cùng ngày, một giám thị trại giam Nam Hà tên Thịnh cũng đã xác nhận việc Sơn bị hai cán bộ công an đánh. Ông giám thị này cũng thừa nhận việc cán bộ đánh đậu tù nhân là sai, đồng thời cho biết hai cán bộ này đã bị đình chỉ công tác.

Điều đáng nói, chính trại giam Nam Hà đã thừa nhận việc hai cán bộ CA đánh đập Lê Văn Sơn là hành động sai trái, như vậy thì tại sao sau đó trại giam vẫn ra quyết định kỷ luật biệt giam đối với Sơn? Rõ ràng, đây là hành vi bao che của cán bộ trại giam Nam Hà nhằm hãm hại những người tù lương tâm.

Lê Văn Sơn năm nay 27 tuổi, quê tại Thanh Hóa, bị kết án 4 năm tù giam tại phiên tòa phúc thẩm tại Nghệ An hồi tháng 5/2013. Trước khi bị bắt, anh là một blogger được biết đến với tên Paulus Lê Sơn. Qua trang blog http://paulusleson.wordpress.com/, anh đã viết nhiều bài viết về chủ đề chính trị - xã hội, đặc biệt là những đề tài liên quan đến tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, trong đó có loạt bài về các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn chủ quyền ở Biển Đông.

Lê Văn Sơn bị Bộ CA bắt khẩn cấp hôm 3/8/2011 khi đang tham gia tường thuật về phiên tòa tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tại Hà Nội. Trong thời gian bị giam giữ, mẹ của Sơn đã qua đời mà không kịp nhìn mặt con lần cuối. Phải đến hơn một năm sau, gần sát ngày xử phúc thẩm vào tháng 5/2013 thì Sơn mới biết tin mẹ qua đời, điều này đã khiến anh hết sức đau buồn và suy sụp.

Chúng ta sẽ không bao giờ mất anh



Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Nhà tù không hẳn là địa ngục nhưng phận tù đày là kiếp đày đọa nhất của mọi kiếp người.

Và trong kiếp đày đọa ấy, vẫn có thêm một sự đọa đày.

Nếu anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn bị biệt giam trong buồng kỷ luật thì có nghĩa, anh đã bước sang ngày thứ 32 tuyệt thực trong “nhà tù của nhà tù”.

Còn tôi, ngồi đây để gõ mấy con chữ vô nghĩa này, để nói về sự may mắn của mình.

Tôi may mắn cả khi là một người tù.

Tôi đã không phải bỏ mạng như người tù lương tâm Nguyễn Văn Trại, Trương Văn Sương sau hàng chục năm bị giam cầm. Hay người tù lương tâm, linh mục Nguyễn Văn Vàng, khi chết vẫn đang bị cùm và bị bỏ đói.

Tôi không phải thoi thóp để nhìn quỹ thời gian của mình đang dần vụt mất như người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu gần bốn mươi năm trời không nhìn thấy ngày trở về.

Tôi may mắn hơn rất nhiều những người trong một khoảnh khắc bại trận đã bị biến thành tù nhân chỉ vì không biết dùng thủ đoạn và sự tàn ác với dân tộc mình để chiến thắng. Trong số những cựu quân nhân cán chính dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, có người bị cầm tù đến tận hôm nay, đã hàng chục năm trời sau cái lần gọi là “giải phóng” ấy. Có người đã gửi lại thân xác (nguyên vẹn hoặc không nguyên vẹn) nơi chốn ngục tù. Nhiều đồng đội của họ vẫn còn bị cầm tù nơi nghĩa trang lạnh lẽo.

So với những người tù hình sự (có tội hoặc không có tội), tôi cũng may mắn hơn. Họ, hầu hết không dám nhìn thẳng vào mặt những tên cai tù.

Và nhìn sang những đứa trẻ phải theo mẹ vào tù để chung kiếp đọa đày, nhiều bé đã ra đời trong bốn bức tường giam, vẫn còn may mắn hơn nhiều bào thai khác không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời dù trong chốn ngục tù. Tôi may mắn hơn các bé vì tôi là người tù đã ngoài ba mươi tuổi.

Còn trước anh, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tôi thấy mình tầm thường và nhỏ bé.

Trong buồng biệt giam, nơi có thể nghe rõ cả tiếng thở dài của người bạn tù buồng bên cạnh, Điếu Cày đối mặt với sự tĩnh lặng đến ghê người. Và lắng nghe cơ thể của mình - một hình hài đã trở nên quá mong manh - thay đổi qua từng ngày tuyệt thực. Nhưng anh đâu chỉ đối mặt với nỗi cô đơn tinh thần. Để đánh bại anh, chúng sẽ “lôi” Điếu Cày ra khỏi những suy tưởng của riêng mình, bắt anh chấp nhận một cuộc đấu cả bằng sức (vốn đã không còn) lẫn bằng trí. Một người luôn “dị ứng” và mẫn cảm với mọi sự sỉ nhục như Điếu Cày, hẳn sẽ không tiếc dù là chút sức lực cuối cùng để ném sự khinh bỉ và ghê tởm vào những tên cai tù, đang lăm lăm dùi cui và bản nhận tội viết sẵn dành cho anh.

Tất cả chúng ta đang hướng về anh, tôi cũng như bạn. Nhưng tôi sẽ làm cái việc lần đầu tiên tôi làm: Kết thúc bài viết khi nó vẫn đang dang dở. Và tin rằng, chúng ta sẽ không bao giờ mất anh. Anh đã chiến thắng và anh sẽ sống.

Nhà tù đã quỳ gối quy hàng trước anh, một người tù kiên gan và bền chí.

Và chính anh, đang nâng đỡ chúng ta trong những phút giây yếu đuối này. 


Chia sẻ bài viết:

RSF kêu gọi hành động khẩn cấp cứu tính mạng blogger Điếu Cày



Trọng Thành (RFI) - Ngày 23/07/2013, Tổ chức Phóng viên Không biên giới – RSF, có trụ sở tại Paris, ra tuyên bố cùng với blogger Người Buôn Gió, kêu gọi hành động khẩn cấp để cứu nguy tính mạng của blogger Nguyễn Văn Hải, biệt danh Điếu Cày. RSF đặc biệt kêu gọi các sứ quán tại Việt Nam có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với thân nhân ông Hải.

Người tù lương tâm Nguyễn Văn Hải đang tuyệt thực sang ngày 31 tại một trại giam ở tỉnh Nghệ An, miền trung Việt Nam, để phản đối các đối xử bất công. Các nhân chứng cho thấy sức khỏe của ông đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ, nhiều người lo ngại kết cục xấu nhất có thể xảy ra. 

Trong cuộc phỏng vấn đặc biệt dành cho Tổ chức Phóng viên Không biên giới, ngày 19/07/2013, blogger Bùi Thanh Hiếu (tức Người Buôn Gió), đã bày tỏ nỗi lo ngại trước tình trạng sức khỏe của Điếu Cày trong nhà tù ở Việt Nam. Người Buôn Gió mô tả các điều kiện cụ thể liên quan đến cuộc tuyệt thực của người tù lương tâm, do gia đình của blogger cho biết. 

Tổ chức Phóng viên Không biên giới tuyên bố: “Tình trạng sức khỏe của Điếu Cày đòi hỏi phải có một phản ứng khẩn cấp của cộng đồng quốc tế, lên án việc đối xử phi nhân tính của chính quyền Việt Nam đối với Điếu Cày và gia đình ông và làm mọi việc có thể để blogger được trả tự do. Chúng tôi yêu cầu các đại sứ quán lần lượt có các biện pháp hỗ trợ các thân nhân của ông Điếu Cày trong các yêu cầu của họ để được thăm gặp ông thường xuyên”. 

Cuối năm 2012, blogger Điếu Cày bị kết án 12 năm tù vì bị buộc tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” (điều 88 bộ luật Hình sự Việt Nam), khi công bố nhiều bài viết chỉ trích chính quyền trên trang web “Câu lạc bộ nhà báo tự do”. Điều 88 là điều luật thường được sử dụng để đàn áp những người khác chính kiến. Trước đó, ông đã bị buộc tội “trốn thuế” và bị chính quyền bỏ tù hai năm rưỡi.

Bui Thanh Hieu (Wind Trader) speaks to RSF on Dieu Cay's situation


THƯ GỬI CTN TRƯƠNG TẤN SANG NHÂN CHUYÊN CÔNG DU HOA KỲ SẮP TỚI





Kính gửi Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang nhân chuyến công du Hoa kỳ sắp tới

Chúng tôi, những người Việt Nam trĩu nặng ưu tư về vận nước, đang băn khoăn theo dõi những diễn biến mới về thời cuộc trong nước và trên thế giới, bày tỏ với Chủ tịch Nước nhân chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới một số suy nghĩ sau đây:
1. Cuộc công du của Chủ tịch Nước lần này diễn ra trong bối cảnh của những hoạt động quốc tế dồn dập ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á, Châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới, đặc biệt là cuộc hội đàm riêng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Obama, rồi chuyến công du của Chủ tịch Nước đến Trung Quốc và k‎ý‎ kết Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc.
Những cam kết đưa ra trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc chưa ráo mực thì ngay lập tức trên Biển Đông, các tàu hải giám của Trung Quốc đã rượt đuổi và hành hung tàu cá của ngư dân ta đang hành nghề trên vùng lãnh hải của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa. Hành động ngang ngược này diễn ra đồng thời với việc họ tổ chức cấp phát giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người Trung Quốc ở cái gọi là “thành phố Tam Sa”, mà ngay khi họ thành lập, Việt Nam đã tuyên bố rõ ràng rằng việc làm này của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hoàn toàn vô giá trị.


Đây là một hành động có tính toán thể hiện rõ âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của giới cầm quyền Bắc Kinh, cho nên không thể trông mong vào điều mà người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ta tuyên bố “khi đường dây nóng đi vào hoạt động, hai bên sẽ có thể nhanh chóng, kịp thời trao đổi thông tin và biện pháp xử lý các vụ việc phát sinh đột xuất liên quan đến nghề cá”. Làm sao có thể tin vào giới cầm quyền Trung Quốc khi họ nói một đằng, làm một nẻo? Vì vậy, tuyệt đối không thể để cho những “cam kết”, những “tuyên bố” với Trung Quốc trong thời gian vừa qua phủ bóng và ảnh hưởng xấu tới cuộc công du của Chủ tịch Nước đến Hoa Kỳ lần này.
Chừng nào các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn còn lướng vướng trong vòng kiềm tỏa của “mười sáu chữ”, “bốn tốt” nhằm che đậy thủ đoạn của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán, chừng ấy Việt Nam vẫn bị đẩy vào quỹ đạo Trung Quốc, đất nước sẽ vẫn còn trầm luân. Nếu lại chỉ dựa vào những giải pháp như kiểu “đường dây nóng” thì e chỉ có thể dẫn tới việc trói tay trói chân người yêu nước đang quyết liệt đấu tranh vạch mặt mưu đồ đen tối của kẻ xâm lược, khác nào những thỏa thuận ngầm nhằm làm suy giảm ý chí quật cường bất khuất của toàn dân Việt Nam, đang phẫn nộ vạch trần những thủ đoạn xấu xa, lừa mị.
2. Chuyến công du của Chủ tịch nước diễn ra trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Thực trạng kinh tế rất đáng lo ngại. Nhiều hoạt động kinh tế bị đình đốn, nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động thiếu việc làm, nông dân và ngư dân gặp vô vàn trở ngại, đời sống các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người sống ở vùng sâu vùng xa hết sức khó khăn. Nhiều giải pháp tháo gỡ đang được đặt ra và xúc tiến mạnh mẽ, trong đó việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần được xem như một hướng ra, một giải pháp quan trọng. Đây là vấn đề được đưa ra trong chương trình nghị sự của Chủ tịch Nước với người đồng cấp Hoa Kỳ.
Tuy nhiên những điều kiện tham gia TPP không đơn thuần chỉ là những cam kết về kinh tế mà bao gồm cả những vấn đề dân chủ và nhân quyền. Báo chí và truyền thông Mỹ những ngày gần đây liên tục đưa tin về chủ đề này. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear đã không ngần ngại nói rõ: “Sẽ có rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam khi chúng tôi trình hiệp ước đó (TPP) lên, chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó”. Tuy thế, dân biểu Frank Wolf của Đảng Cộng hòa vẫn quyết liệt: “Người dân Việt Nam và hàng triệu người Mỹ gốc Việt xứng đáng được hưởng điều kiện tốt hơn những gì mà Đại sứ Shear và chính quyền này mang lại. Chính quyền Obama đã làm thất vọng mọi công dân Việt Nam và mọi công dân Mỹ gốc Việt vốn quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo”.
Phải chăng đó cũng là lý do tại sao gần đây hai văn bản về nhân quyền đối với Việt Nam lại gấp rút được soạn thảo và trình lên Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Mỹ. Trong đó, có nội dung ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, thêm vào đó có điều khoản về đóng băng và cấm chỉ giao dịch liên quan đến tất cả tài sản và lợi ích của những đối tượng vi phạm luật này. Tổ chức Phóng viên Không biên giới mới vừa đưa ra một danh sách 35 blogger bị giam cầm ở Việt Nam là một cảnh báo về sự vi phạm một cách trắng trợn điều 19 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, khi Việt Nam đang ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng và biểu đạt. Quyền này bao gồm sự tự do tư tưởng mà không bị cản trở, được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới”. Không phải ngẫu nhiên Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc tuyên bố: “Tất cả các nạn nhân của việc vi phạm nhân quyền có thể trông cậy vào Hội đồng nhân quyền như một diễn đàn và một bàn đạp cho các hành động”.
Ấy vậy mà, trong khi đời sống kinh tế bị đình đốn thì giới cầm quyền nước ta lại tăng cường bắt bớ, trấn áp người yêu nước; những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa chống Trung Quốc xâm lược vẫn bị khủng bố, đe dọa theo điều 258 của Bộ luật Hình sự, điều đó đã tạo một áp lực đè nặng lên tâm trạng xã hội. Chừng nào mà cái gọi là “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đang được vận dụng hết sức tùy tiện và tràn lan chưa bị xóa bỏ, thì gương mặt Việt Nam về dân chủ và nhân quyền chưa thể được cải thiện trong ánh mắt của công luận trong khu vực và trên thế giới. Không thể nhập nhằng khái niệm “nhân đạo” như cách mà báo chí nhà nước đưa tin với việc khẳng định thực thi quyền con người, thực thi dân chủ. Tình trạng ấy làm cho việc tham gia vào TPP không thể thuận buồm xuôi gió được.
3. Đó là hai trở ngại to lớn mà Chủ tịch Nước đang đối diện. Tuy vậy, đây lại là thời cơ để thể hiện bản lĩnh của người gánh vác trọng trách trước Tổ quốc và nhân dân. Và đây cũng là thời cơ thuận lợi để đẩy tới công cuộc “giải Hán hóa” mà dân tộc ta bao đời nung nấu, quyết thoát khỏi quỹ đạo Trung Quốc hội nhập vào thế giới dân chủ, văn minh. Ông cha ta từng răn dạy, bỏ lỡ thời cơ là sự bỏ lỡ tệ hại nhất mà rồi cái giá mà dân tộc phải trả là không sao lường hết. Chính vì vậy mà cách đây hơn năm trăm năm, Nguyễn Trãi đã cảnh báo: “Thời! Thời! Thực không nên lỡ”. Chúng tôi hy vọng rằng Chủ tịch sẽ không phụ lòng mong mỏi của ông cha để xứng đáng với đòi hỏi của nhân dân đang chăm chú dõi theo chuyến công du quan trọng này.
Xin gửi Chủ tịch Nước lời chào trân trọng.
Ngày 19.7.2013
DANH SÁCH NHỮNG NGƯỜI GỬI THƯ ĐẾN CHỦ TỊCH NƯỚC
  1. Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện IDS, Hà Nội
  2. Bùi Tiến An, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên cán bộ Ban Dân vận Thành ủy TP HCM, TP HCM
  3. Lại Nguyên Ân, nhà nghiên cứu phê bình văn học, Hà Nội
  4. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  5. Nguyễn Nguyên Bình, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hà Nội
  6. Nguyễn Trọng Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tại chức TP Hải Phòng, Hải Phòng
  7. Nguyễn Huệ Chi, GS, nguyên Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Văn học, Hà Nội
  8. Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao động, TP HCM
  9. Nguyễn Trung Dân, nhà báo, TP HCM
  10. Nguyễn Đắc Diên, bác sĩ, TP HCM
  11. Nguyễn Xuân Diện, TS, nhà nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội
  12. Hoàng Dũng, PGS TS, TP HCM
  13. Phạm Chí Dũng, nhà báo tự do, TP HCM
  14. Hà Dương Dực, Hoa Kỳ
  15. Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hồ Chí Minh khóa 4, 5, TP HCM
  16. Nguyễn Đình Đầu, nhà nghiên cứu, TP HCM
  17. Phạm Văn Đỉnh, TSKH, Pháp
  18. Nguyễn Ngọc Giao, GS, nhà báo, Paris, Pháp
  19. Lê Công Giàu, nguyên Phó Bí Thư thường trực Thành Đoàn TNCS TP HCM, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch TP HCM
  20. Chu Hảo, PGS TS, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  21. Đặng Thị Hảo, TS, nguyên Phó ban Văn học Cổ Cận đại, Viện Văn học, Hà Nội
  22. Võ Thị Hảo, nhà văn, Hà Nội
  23. Phạm Duy Hiển, GS TS, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  24. Hồ Hiếu, cựu tù Côn Đảo, nguyên Chánh văn phòng Ban Dân vận Mặt trận, Thành uỷ TP Hồ Chí Minh, TP HCM
  25. Võ Văn Hiếu, nguyên cán bộ Đài phát thanh giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục Miền Nam
  26. Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế
  27. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh
  28. Nguyễn Thế Hùng, GS TS, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Cơ học Thủy khí Việt Nam, Đà Nẵng
  29. Hà Thúc Huy, PGS TS, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, TP HCM
  30. Nguyễn Thị Từ Huy, TS, TP HCM
  31. Phạm Khiêm Ích, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
  32. Trần Hữu Kham, thương binh mù, cựu tù chính trị Côn Đảo trước 1975
  33. Trần Hữu Khánh, cán bộ hưu trí, TP HCM
  34. Lê Xuân Khoa, GS, nguyên Phó Viện trưởng Ðại học Sài Gòn, Hoa Kỳ
  35. Nguyễn Khuê, cán bộ hưu trí, TP HCM
  36. Viễn Kính, nhà báo, TP HCM
  37. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Viện IDS, TP HCM
  38. Cao Lập, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Giám đốc Làng Du lịch Bình Quới, TP HCM
  39. Lương Văn Liệt, nguyên cán bộ Thanh niên Xung phong, nguyên cán bộ Chi cục thuế, TP HCM
  40. Trần Văn Long, nguyên Tổng thư ký Ban vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam (trước 1975), nguyên Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM, TP HCM
  41. Nguyễn Văn Ly, nguyên Phó phòng PA 25 CA thành phố HCM, nguyên thư ký của Bí thư thành ủy TP HCM Mai Chí Thọ
  42. Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương, Hà Nội
  43. Huỳnh Tấn Mẫm, bác sĩ, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, TP HCM
  44. André Menras – Hồ Cương Quyết, cựu tù chính trị trước năm 1975, Pháp
  45. GB Huỳnh Công Minh, Linh mục, Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  46. Phạm Gia Minh, TS, Hà Nội
  47. Trần Tố Nga, cựu tù chính trị trước 1975, Pháp
  48. Kha Lương Ngãi, nguyên Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP HCM
  49. Nguyên Ngọc, nhà văn, nguyên thành viên Viện IDS, Hội An
  50. Hạ Đình Nguyên, cựu tù chính trị Côn Đảo trước 1975
  51. Nguyễn Xuân Ngữ, cựu chiến binh, TP HCM
  52. Hồ Ngọc Nhuận, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc chính trị nhật báo Tin sáng, TP HCM
  53. Trần Đức Nguyên, nguyên thành viên Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên thành viên Viện IDS, Hà Nội
  54. Phan Thị Hoàng Oanh, TS, TP HCM
  55. Nguyễn Hữu Phước, nhà báo, TP HCM
  56. Nguyễn Kiến Phước, nhà báo, TP HCM
  57. Đoàn Chí Phương, nguyên cán bộ Ban Giao bưu Trung ương cục Miền Nam
  58. Ngô Văn Phương, Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP HCM khóa 5, Ủy viên MTTQ TP HCM khóa 6
  59. Phạm Xuân Phương, Đại tá, cựu chiến binh, Hà Nội
  60. Đào Xuân Sâm, nguyên thành viên Tổ chuyên gia tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  61. Tô Lê Sơn, kỹ sư, TP HCM
  62. Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên Phó Tổng Biên tập tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế giới trong ta, Hà Nội
  63. Lê Văn Tâm, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khóa VII, Nhật Bản
  64. Trần Công Thạch, hưu trí, TP HCM
  65. Nguyễn Quốc Thái, nhà báo, TP HCM
  66. Trần Thị Băng Thanh
  67. Jos Lê Quốc Thăng, Linh mục, Tổng Giáo phận Sài Gòn, TP HCM
  68. Lê Thân, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP HCM
  69. Trần Văn Thọ, GS, Đại học Waseda, Nhật Bản
  70. Võ Văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, TP HCM
  71. Trần Quốc Thuận, luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TP HCM
  72. Phan Văn Thuận, Giám đốc công ty TNHH Phú An Định, TP HCM
  73. Phạm Toàn, nhà giáo, Hà Nội
  74. Nguyễn Thị Ngọc Toản, GS, bác sĩ, Đại tá, cựu chiến binh, Hà Nội
  75. Nguyễn Thị Ngọc Trai, nhà văn, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
  76. Nguyễn Thị Khánh Trâm, nghiên cứu viên, TP HCM
  77. Phạm Đình Trọng, nhà văn, TP HCM
  78. Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, Hà Nội
  79. Hoàng Tụy, GS, Viện Toán học, nguyên Chủ tịch Viện IDS, Hà Nội
  80. Hà Dương Tường, nguyên GS Đại học Compiègne, Pháp
  81. Trần Thanh Vân, kiến trúc sư, Hà Nội
  82. Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, Huế
Nguồn: BoxitVN

Cuộc tuyệt thực bước sang ngày thứ 28: Điếu Cày khẳng định sẽ đấu tranh đến cùng, dù có phải chết!


Người nhà blogger Điếu Cày đấu tranh trước cổng trại giam số 6 để yêu cầu được thăm gặp.
Danlambao - Hôm nay, 20/7/2013, bà Dương Thị Tân và con trai Nguyễn Trí Dũng đã trực tiếp đến trại giam số 6 (Bộ CA) để đấu tranh yêu cầu được thăm gặp blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải - người hiện đang tuyệt thực đến ngày thứ 28 liên tiếp nhằm phản đối chế độ lao tù CS.
Trước sự đấu tranh quyết liệt của hai mẹ con, lúc 16 giờ chiều cùng ngày, công an trại giam đã buộc phải để con trai blogger Điếu Cày là Nguyễn Trí Dũng gặp bố. Ngay khi vừa trông thấy bố, Nguyễn Trí Dũng tỏ ra hết sức bàng hoàng đến mức 'con không thể nhận ra bố'. Sau 28 ngày tuyệt thực trong hoàn cảnh bị kỷ luật biệt giam, tình trạng của blogger Điếu Cày hiện nay cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng.

Được biết, buổi thăm gặp kéo dài chưa đến 5 phút, hai bố con chỉ nhìn thấy nhau qua một lớp kính dày, có vài lỗ nhỏ để nói chuyện. Blogger Điếu Cày suy kiệt đến mức không thể tự đi lại được mà phải có người dìu. Thậm chí khi ngồi anh vẫn phải dùng tay để đỡ lấy cằm.

Qua giọng nói thều thào, Điếu Cày xác nhận với con trai rằng anh đã tuyệt thực được 28 ngày, đồng thời khẳng định 'sẽ tuyệt thực đến cùng, dù có phải chết' để đấu tranh chống lại những hành vi sai trái dưới chế độ lao tù cộng sản.

Buổi thăm gặp bị giám sát chặt chẽ bởi 3 cán bộ công an và 2 người tù. Những người này luôn miệng quát tháo, la lối nhằm phá vỡ cuộc nói chuyện của hai bố con. Ngay khi Điếu Cày vừa nhắc đến từ 'tuyệt thực', nhóm cán bộ CA này đã quát rất lớn với nội dung: Không phải 'tuyệt thực', mà là 'không ăn đồ trại giam' (!?)

Blogger Điếu Cày dù đang rất suy yếu nhưng vẫn kiên quyết lập lại lời khẳng định bằng một thái độ cứng rắn: "Tôi tuyệt thực!".

Được biết, trước đó CA trại giam số 6 (Thanh Chương - Nghệ An) đã dùng nhiều thủ đoạn, bằng mọi giá phải ép buộc Điếu Cày ký vào lá đơn 'nhận tội'. Điếu Cày đã kiên quyết từ chối, không ký vào lá đơn 'nhận tội này'. Hậu quả là anh đã bị CA trại giam trả thù bằng cách ra quyết định kỷ luật biệt giam 3 tháng.

Đây cũng chính là thủ đoạn của CA trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An) nhằm mục đích hủy hoại tinh thần, tàn phá sức khỏe của blogger Điếu Cày - một trong những tù nhân lương hàng đầu tại Việt Nam.
Xin được nhắc lại: Hồi tháng 2 và tháng 3 năm ngoái (2012), Điếu Cày đã tuyệt thực tổng cộng 28 ngày để phản đối chế độ lao tù CS tại nhà tù B14 (Bộ CA). Hậu quả là anh đã phải nhập viện trong trạng thái hôn mê. Khi được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện 30/4 (bệnh viện thuộc bộ công an), phải mất 4 ngày sau Điếu Cày mới bắt đầu hồi tỉnh. Khi ấy, cơ quan CA đã hoàn toàn giấu nhẹm vụ việc và không thông báo đến gia đình. 

* Bản tin đang tiếp tục cập nhật

CA bao vây nhà riêng của gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức


Trích thông cáo báo chí của Phong Trào Con Đường Việt Nam: Do bị ngăn cản không ra được khỏi nhà, gia đình ông Trần Văn Huỳnh buộc phải chụp hình trước bàn thờ mẹ của anh Trần Huỳnh Duy Thức vừa mất với một khẩu hiệu yêu cầu trả tự do cho anh Trần Huỳnh Duy Thức.

CTV Danlambao - Sáng nay, 20/7/2013, công an bất ngờ huy động lực lượng bao vây nhà riêng của những người thân trong gia đình anh Trần Huỳnh Duy Thức tại Sài Gòn. Đây là động thái mới nhất của cơ quan CA TPHCM ngay sau khi gia đình anh Thức công bố lá đơn kêu cứu đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Trao đổi với Danlambao, ba ruột anh Thức là bác Trần Văn Huỳnh cho biết: Ngay từ sáng sớm, nhà riêng của bác Huỳnh tại số 439F8, Phan Văn Trị, Phường 5, Quận Gò Vấp đã xuất hiện rất đông an ninh đủ loại. Tình hình khá căng thẳng khiến bác Huỳnh và gia đình không thể rời khỏi nhà.

Đồng thời, nhà riêng của vợ chồng anh Trần Huỳnh Duy Thức tại quận 5 cũng bị công an kéo đến bao vây, cô lập. Từ khi anh Thức bị bắt giam đến nay, chỉ còn vợ anh Thức là chị Lê Đinh Kim Thoa cùng hai cô con gái sống trong ngôi nhà này. Chị Thoa sau đó cũng phải 'làm việc' với công an nhiều tiếng đồng hồ.

Cũng trong buổi sáng hôm nay, một số thành viên khác của Phong trào Con Đường Việt Nam tại Sài Gòn cũng bị công an tăng cường theo dõi và sách nhiễu, có trường hợp bị ngăn cản không cho ra khỏi nhà.

Về lý do công an bất ngờ huy động lực lượng nhằm cô lập gia đình, ba ruột anh Thức là bác Trần Văn Huỳnh cho biết:  Có thể CA đã nghe lén điện thoại về dự định của gia đình sẽ trực tiếp đến nhà riêng ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang để đưa đơn kêu oan cho Trần Huỳnh Duy Thức.

Bác Trần Văn Huỳnh năm nay đã 76 tuổi, là người cha đã đấu tranh không mệt mỏi kể từ khi con trai mình là anh Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt giam từ năm 2009 đến nay. Được biết trước đó, bác Huỳnh đã 4 lần gửi đơn kêu oan đến chủ tịch nước nhưng chưa lần nào nhận được phản hồi.

Trước những hành vi nghiêm trọng như trên, Phong trào Con Đường Việt Nam - phong trào do anh Trần Huỳnh Duy Thức sáng lập đã ngay lập tức lên tiếng "cực lực phản đối hành vi vô cớ sách nhiễu, cô lập, giam lỏng này, yêu cầu chính quyền, an ninh địa phương lập tức trả lại quyền sống sinh hoạt bình thường cho gia đinh các công dân Trần Văn Huỳnh, Lê Đình Kim Thoa".

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức hiện đang bị giam giữ tại trại giam Xuyên Mộc với bản án 16 năm tù giam. Sau vụ nổi dậy của tù nhân Z30A Xuân Lộc, anh Thức bị chuyển trại một cách hết sức đột ngột. Hành động này đã dấy lên lo ngại về những âm mưu trả thù đối với với anh Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm khác sau vụ tù nhân Z30A nổi dật phản đối chế độ lao tù CS.

Vừa qua, thay mặt cho gia đình, bác Trần Văn Huỳnh đã tiếp tục gửi đơn kêu cứu đến chủ tịch nước Trương Tấn Sang về trường hợp của anh Trần Huỳnh Duy Thức. Nội dung lá đơn đã được phổ biến trên Danlambao tại bài: Thân phụ Trần Huỳnh Duy Thức: Đơn kêu cứu lần 4
CTV Danlambao

Thứ bảy, ngày 20 tháng bảy năm 2013 Bà Dương Thị Tân: ÔNG ĐIẾU CÀY SẼ TUYỆT THỰC ĐẾN CHẾT ĐỂ ĐÒI CÔNG LÝ




Bà Dương Thị Tân: 
Điếu Cày sẽ tuyệt thực đến chết để đòi công lý 

Thụy My

Hôm nay 20/07/2013 sau khi lặn lội đến trại giam ở Nghệ An và chờ đợi suốt một ngày từ sáng sớm đến cuối buổi chiều, bà Dương Thị Tân vẫn không được cho tiếp xúc với chồng là ông Nguyễn Văn Hải tức blogger Điếu Cày, đã tuyệt thực đến hôm nay là ngày thứ 28. 

Chỉ có con trai bà Dương Thị Tân là Nguyễn Trí Dũng được gặp cha trong vòng 5 phút. Điếu Cày sức khỏe rất suy kiệt, cho biết ông tuyệt thực để phản đối lệnh biệt giam ba tháng vì ông không chịu ký vào bản nhận tội, và sẽ tiếp tục tuyệt thực để đòi công lý cho dù có phải chết. 

Vừa từ trại giam số 6, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An về được hai phút, bà Dương Thị Tân cho RFI Việt ngữ biết như sau:

Tôi lặn lội gần hai ngàn cây số để đến được đất Thanh Chương, Nghệ An, mà ngày 16 họ cũng đành đoạn để mẹ con tôi chờ hơn bốn tiếng đồng hồ ở ngoài cổng, sau đó họ đuổi về. Đến ngày hôm nay tôi chờ từ 9 giờ sáng cho đến tận 4 giờ chiều. Họ cũng giả vờ cho tôi qua cái cổng đấy. Mọi hôm thì họ để tôi đứng ở ngoài, nhưng hôm nay trời mưa rất là to. Tôi nghĩ là họ cho hai mẹ con tôi vào, nhưng tôi đâu biết là vào trong có một cái phòng làm việc, họ giam lỏng tôi ở đấy. Họ giải thích vòng vo việc này việc nọ, xong họ đi ra ngoài.

Chỉ có một mình cháu Dũng, tức con trai tôi được vào thăm bố, mà thời gian thì cũng không lâu. Tôi nghĩ là tối đa được 5 phút, vì tôi ngồi đấy với hai người kia được khoảng 15 phút thì tôi đã thấy con tôi ra rồi, mà từ cái chỗ cháu vào gặp bố cháu là đi khoảng một cây số.

Từ hôm 16 đến giờ thì họ giở ra rất nhiều trò để bưng bít những thông tin về việc ông Hải tuyệt thực. Cho nên khi vào gặp thì bố cháu nói ngay là, cuộc gặp này sẽ rất ngắn, nên con lắng nghe bố đây - mặc dù sức khỏe rất yếu, ông nói với giọng nói thều thào thôi. Chắc cô biết là khi một người tuyệt thực tới gần ba chục ngày thì đâu còn sức lực nữa.

Anh nói là, bố tuyệt thực vì một cái quyết định biệt giam ba tháng. Lý do là không ký vào bản nhận tội mà họ đưa cho.

Khi ông Hải nói đến đấy thì họ cắt, họ ồn ào nói là « Ông Hải không tuyệt thực, Ông Hải không tuyệt thực ! ». Nhưng ông Hải vẫn kiên quyết nói là « Bố tuyệt thực » - mặc dù giọng nói yếu ớt nhưng cực kỳ kiên quyết. Ông nói là đơn ông đã gởi lên Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 24/6, tức là cách nay đã gần một tháng rồi, nhưng không thấy phản hồi. Ông chỉ còn cách phản kháng duy nhất là tuyệt thực. 

Và trước khi đứng lên ông nói rõ với con ông là bố sẽ vẫn thực hiện việc tuyệt thực này cho đến khi có phản hồi chính thức từ Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An. Nếu họ không đáp ứng, bố sẵn sàng chết chứ không thay đổi quyết định. 

Mặc dù cháu rất là đau xót khi thấy cái tình cảnh của bố cháu như thế, cháu nói là bố phải nghĩ đến sức khỏe của mình. Nhưng ông Hải thì tôi nghĩ là chắc tất cả bạn bè cũng như người Việt gần xa đều biết tính cách của con người đó. Ông vô cùng cương trực và sẵn sàng thực hiện ý định của mình, khi biết việc này là đúng đắn. 

Cháu cố gắng lắng nghe, nhưng khi ông Hải nói, tiếng nói thì rất yếu ớt nhưng xung quanh ông bốn người công an liên tục la hét, thậm chí nói lớn để át đi cho cháu khỏi nghe, cháu phải áp tai vào. Và bên cạnh ông Hải có hai tù nhân khác luôn luôn trừng mắt để hăm dọa con trai tôi. 

Xin nói một điều nữa là sức khỏe của ông Hải đang gần cạn kiệt. Ông ngồi không thể thẳng người lên được, hai tay ông phải chống để đỡ lấy cái đầu. Con trai tôi khi đi ra, câu đầu tiên nói với tôi là : « Con không nhận ra bố con, mẹ ơi ! » Ông hoàn toàn khác hẳn sau 28 ngày tuyệt thực – ngày hôm nay là đúng 28 ngày. 

Tính mạng ông Hải đã nguy hiểm. Nguy hiểm đến mức con tôi lúc bấy giờ ra cũng không thể nói được. Tôi vừa dừng chân khoảng hai phút thôi thì cô gọi đó. 

Tôi mong mỏi mọi người hãy cùng gia đình tôi lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ mạng sống của ông Hải.
Nguồn: RFI Việt ngữ
 

Thứ bảy, ngày 20 tháng bảy năm 2013

 

Tài liệu tuyên truyền trong Cải cách ruộng đất 1953 - 1956 và nhiều năm sau đó!
Bài trên báo Giáo dục Việt Nam:
Mao Trạch Đông chỉ đạo đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974

Thứ ba 14/08/2012 13:31 

(GDVN) - Thực chất bài báo này của Tân Hoa Xã là một sự thừa nhận công khai, Mao Trạch Đông chỉ đạo quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. 

Ngày 6/8 vừa qua, Tân Hoa Xã dẫn nguồn tin tờ Nhật báo Tế Nam giật tít: “Quyết định đánh trận cuối cùng trong đời Mao Trạch Đông: Đồng ý đánh Hoàng Sa” nói thẳng, việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 là quyết định “đánh trận cuối cùng” của Mao Trạch Đông và là quyết định “đánh trận đầu tiên” của Đặng Tiểu Bình khi được phục chức.

Ảnh chụp màn hình bài báo "Quyết định đánh trận cuối cùng trong đời Mao Trạch Đông: Đồng ý đánh Hoàng Sa" Tân Hoa Xã xuất bản ngày 6/8 vừa qua dẫn nguồn Nhật báo Tế Nam. Hình ảnh phía dưới là Đặng Tiểu Bình (bên phải) chỉ huy tác chiến đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Trong thời điểm Biển Đông liên tục căng thẳng do những động thái leo thang lấn lướt trên thực địa Bắc Kinh đã và đang gây ra, phía Trung Quốc còn tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch truyền thông bóp méo sự thật về cái gọi là "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông. Thực chất bài báo này của Tân Hoa Xã là một sự thừa nhận công khai, Mao Trạch Đông chỉ đạo quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974.

Nhằm rộng đường dư luận và cung cấp đến độc giả thông tin về các hoạt động tuyên truyền bóp méo sự thật về Biển Đông của truyền thông nhà nước Trung Quốc, xin trân trọng đăng tải một số nội dung chính trong bài báo này của Tân Hoa Xã.

Theo Tân Hoa Xã, năm 1974 Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình đã nhóm họp bàn mưu đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà hiện nay giới truyền thông nhà nước Trung Quốc vẫn đang bóp méo sự thật lịch sử với tên gọi “cuộc chiến phản kích tự vệ trên biển”?!

 
Mao Trạch Đông chỉ đạo quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974
Lúc này Mao Trạch Đông đã 81 tuổi, ông ta cũng tự thấy sức khỏe yếu hơn trước nhưng theo Tân Hoa Xã, đầu óc vẫn còn tỉnh táo và chính Mao Trạch Đông là người ra quyết định đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Tân Hoa Xã tuyên truyền, ngày 11/1/1974 Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cảnh cáo (phi lý, phi pháp – PV) đối với chính quyền miền nam Việt Nam là thực thể đang quản lý, thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Theo đó, phía Trung Quốc nhận vơ Hoàng Sa, Trường Sa là của mình. Chính thể miền nam Việt Nam lúc đó đã bác bỏ thẳng thừng những cáo buộc phi lý, vô hiệu của Bắc Kinh.

Trước âm mưu của Bắc Kinh xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày càng lộ rõ, theo tài liệu tuyên truyền của Tân Hoa Xã, ngày 15/1/1974 chính thể miền nam Việt Nam lúc đó đã phái 3 tàu khu trục và một tàu hộ vệ ra nhóm đảo Lưỡi Liềm (gồm Trăng Khuyết và Nguyệt Thiềm) mà phía Trung Quốc gọi là Vĩnh Lạc thuộc quần đảo Hoàng Sa để tăng cường phòng thủ và dội pháo vào đảo Hữu Nhật (phía Trung Quốc gọi là Cam Tuyền), nơi phía Trung Quốc vừa cắm trộm cờ.

Tàu chiến Trung Quốc kéo ra đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 (ảnh tư liệu được giới truyền thông Trung Quốc sử dụng tuyên truyền bóp méo sự thật về Biển Đông)
Ngày 17/1/1974, các chiến hạm của miền nam Việt Nam đã giành lại quyền kiểm soát đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh (phía Trung Quốc gọi là Kim Ngân). Ngay trong đêm 17/1/1974, Chu Ân Lai nhận báo cáo tình hình từ Trường Lý Lực, Cục phó Cục tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân Trung Quốc, sau đó cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị phái quân ra quần đảo Hoàng Sa.

Mao Trạch Đông phê vào bản báo cáo của Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh: “Đồng ý!”, đồng thời nói thêm, “trận này không thể không đánh”. Mao Trạch Đông giao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy quân Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.

Thời điểm này Đặng Tiểu Bình mới được phục chức sau 7 năm đi "cải tạo" đã lập tức bắt tay vào chỉ huy đánh chiếm Hoàng Sa. 10 giờ 25 phút sáng 19/1 quân Trung Quốc nổ súng đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa.  11 giờ 32 phút cùng ngày, quân Trung Quốc tăng viện và bắn chìm chiến hạm hải quân miền nam Việt Nam.

Tàu chiến Trung Quốc tấn công quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 (ảnh tư liệu truyền thông Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền bóp méo sự thật lịch sử Biển Đông)
Theo tuyên truyền của Tân Hoa Xã, trong trận hải chiến này 4 chiến hạm Trung Quốc bị bắn trúng, 18 lính Trung Quốc bị bắn chết, 67 lính bị thương. Đặng Tiểu Bình được Tân Hoa Xã miêu tả, lúc đó đang “ngồi hút thuốc thơm” tại sở chỉ huy Bắc Kinh, sau khi nghe báo cáo tình hình đã chỉ thị cho đại quân khu Quảng Châu tiếp tục đánh chiếm các đảo Hoàng Sa, Hữu Nhật và Quang Ảnh.

Cũng trong bài báo này, Tân Hoa Xã cho biết, sáng sớm ngày 14/3/1988 quân Trung Quốc đã bất ngờ tấn công Đá Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và chiếm đoạt bãi đá này. Từ năm 1988 đến nay, quân Trung Quốc đặt lực lượng chốt giữ tại đây để phục vụ âm mưu độc chiếm biển Đông thành ao nhà.

Hồng Thủy (nguồn Tân Hoa Xã)