Báo Việt Nam lên tiếng thách thức Trung Quốc http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-state-media-defied-cn-over-scs-vha-07122013161900.html



Việt Hà, phóng viên RFA
2013-07-13
Báo Đất Việt, một tờ báo chính thống của Việt Nam, hôm 12 tháng 7 có bài viết mang tựa đề “Tác chiến điện tử Việt Nam trong bảo vệ Trường Sa”. Bài báo nêu ra các phương án tấn công đánh chiếm mà Trung Quốc có thể áp dụng đối với Việt Nam tại khu vực quần đảo Trường Sa. Bài báo với lời lẽ mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa và cảnh báo Trung Quốc không nên tính chuyện gây hấn vì sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Đây là một bài báo hiếm hoi trên một tờ báo của nhà nước Việt Nam, có lời lẽ mạnh mẽ với Trung Quốc, nhất là sau chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Trung Quốc và chỉ vài ngày trước chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ. Việc đăng tải bài báo này cho thấy dấu hiệu gì trong quan hệ Việt Nam Trung Quốc?

Lên án Trung Quốc

Bài báo với tựa đề “Tác chiến điện tử Việt Nam trong bảo vệ Trường Sa” đăng trên tờ Đất Việt vào ngày 12 tháng 7 hẳn khiến không ít người quan tâm vì đây chính là khu vực tranh chấp chủ quyền căng thẳng từ lâu nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Không những thế đây cũng chính là nơi đã từng diễn ra trận hải chiến đẫm máu năm 1988 giữa hai nước khiến 64 lính Việt Nam tử trận.
Bài báo mở đầu với lời lẽ khá mạnh mẽ lên án các hành động và thái độ gần đây của Trung Quốc. Bài báo viết: “Hành động của Trung Quốc và tuyên bố của các tướng lĩnh diều hâu về biển Đông đã chứng tỏ việc chấp nhận tham vấn về COC với ASEAN chỉ là chiêu bài sau 11 năm lẩn tránh. Trung Quốc không từ bỏ ý đồ coi biển Đông là ao nhà của họ. Trung Quốc tuyên bố vùng cấm đánh bắt phi pháp, xua tàu cá của họ dưới sự bảo kê của tàu Hải giám đánh bắt trái phép trên chủ quyền quốc gia khác, đến việc tổ chức các cuộc tập trận đánh chiếm đảo trên biển Đông, phô diễn sức mạnh… làm cho các quốc gia khu vực lo ngại, cảnh giác.”
Bài báo đưa ra dĩ nhiên là nó phải được phép thành ra nó là một tín hiệu cho thấy là cái việc chuyến đi của ông Sang là bằng mặt mà không bằng lòng. 
-GS Nguyễn Mạnh Hùng
Tiếp theo lời mở đầu lên án gay gắt Trung Quốc, bài báo tiếp tục khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng. Bài báo nhắc đến hai cuộc hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, khẳng định Việt Nam không muốn chiến tranh nhưng hòa bình không thể được quyết định bởi chỉ một mình Việt Nam.
Đây là một bài báo hiếm hoi từ phía Việt Nam với giọng điệu gay gắt lên án Trung Quốc, trong khi từ trước đến nay, thế giới đã quen với những lời đe dọa mạnh mẽ từ phía các tướng lĩnh Trung Quốc đối với Việt Nam trên tờ Hoàn Cầu thời báo của nước này. Nhận xét về động thái này từ phía Việt Nam, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason nói:
“Bài báo đưa ra dĩ nhiên là nó phải được phép thành ra nó là một tín hiệu cho thấy là cái việc chuyến đi của ông Sang là bằng mặt mà không bằng lòng. Vì thế trong cái việc mà Việt Nam muốn cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc thì ông Sang đi Trung Quốc rồi thì dĩ nhiên ông muốn sang Mỹ nữa,bởi vì trong chuyến đi vừa rồi tới Trung Quốc có lẽ có sự đe dọa gì đó cho nên Việt Nam mới phản ứng ngay bằng hai cách.”
Từ ngày 19 đến 21 tháng 6 vừa qua, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm Trung Quốc. Ông Trương Tấn Sang đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kết thúc chuyến thăm, hai nước đã ký 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hôm 11 tháng 7 vừa qua, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Khổng Huyễn Hựu đã tổ chức họp báo về chuyến thăm này. Ông Khổng Huyễn Hựu cho biết vấn đề trên biển là vấn đề duy nhất còn tồn tại trong quan hệ hai nước, nhấn mạnh hai bên thống nhất những biện pháp xử lý thỏa đáng những vấn đề nảy sinh, tránh để vấn đề trên biển ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ hai nước.
Theo Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chắc chắn lời đe dọa từ phía Trung Quốc trong chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang tới Trung Quốc phải đủ mạnh để khiến Việt Nam phải lo lắng và cập rập chuẩn bị chuyến đi tới Mỹ ngay trong tháng này.
“Chắc chắn là ông phải nghĩ là ông Trung Quốc đe dọa ghê gớm lắm chứ không phải vớ vẩn thì mới đưa ra cái đó. Ngay lập tức ông yêu cầu ông Mỹ mời ông sang thì ông tổng thống Obama cũng mời ông sang. Trong tình cảnh trước khi ông Obama mời Việt Nam thì cũng có chuyện ông Obama gặp ông Tập Cận Bình và ông Obama cũng nhắn ông Tập Cận Bình là đừng có hung hăng ở biển Đông tạo ra xung đột có thể có ở biển Đông. Chúng ta thấy giữa Việt Nam và Mỹ cái quyền lợi chiến lược trong giai đoạn này bắt đầu có sự tương đồng.”
Theo thông cáo báo chí từ Nhà Trắng hôm 11 tháng 7, Tổng thống Barack Obama đã mời chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới thăm nước Mỹ vào ngày 25 tháng 7 tới đây. Một trong các vấn đề được bàn thảo giữa hai nước chính là mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia mà Việt Nam đang tìm kiếm cơ hội nhằm nâng lên tầm cao mới là “hợp tác đối tác chiến lược”.

Thách thức Trung Quốc

Bài báo trên tờ Đất Việt tiếp đó cũng thách thức Trung Quốc nếu có ý định tấn công, xâm lược Việt Nam. Bài báo đưa ra hai phương án tấn công đánh chiếm Trường Sa. Phương án đầu tiên được áp dụng giống như trường hợp Anh đã dùng với quần đảo Malvinas của Argentina hay còn gọi là cuộc chiến Falkland hồi năm 1982, phương án thứ hai là tấn công vào đất liền và tạo ra một cuộc chiến không thể kiểm soát.
Trong khi phương án thứ hai được coi là có tính khả thi cao về quân sự do tương quan lực lượng nhưng lại có thể gây phản ứng phụ bất lợi cho Trung Quốc vì sẽ phải đương đầu với cả thế giới, phương án thứ nhất được coi là có thể tạo ra một sự đã rồi với quốc tế nếu kẻ ‘địch’ thắng lợi vì phạm vi tác chiến chỉ gói gọn trong một khu vực nhỏ.
Đối với trường hợp Trung Quốc, thì Trung Quốc phải lo lắng cả về tàu ngầm lẫn lực lượng không quân của Việt Nam, và đó là lực lượng đánh chặn. 
-GS Carl Thayer
Với phương án 1, bài báo cũng nói rõ “muốn là một chuyện, được hay không lại là một chuyện khác. Thực tế tình thế khu vực, tương quan lực lượng, ý chí quyết tâm của hai bên không giống như tình hình mà nước Anh tiến hành chiến dịch đánh chiếm quần đảo Malvinas”. Tờ báo cũng nói Việt nam sẽ sẵn sàng chiến đấu tới cùng để bảo vệ chủ quyền của mình khi so sánh trận chiến sẽ chẳng khác gì một trận đấu bóng đá mà đội bóng Việt Nam là một dàn cầu thủ hừng hực ý chí quyết tâm với một tinh thần không còn gì để mất.
Cũng cần phải nói thêm là Việt Nam trong thời gian vừa qua đã gấp rút gia tăng trang bị quốc phòng bằng cách đặt mua 6 tàu ngầm kilo, các máy bay chiến đấu của Nga. Nói về tương quan lực lượng giữa hai nước nếu xảy ra xung đột trên biển, Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc nhận định:
“Tàu Trung Quốc phải đi một đoạn đường dài đến Việt Nam và tàu ngầm có thể ở bất cứ đâu và có thể gây thiệt hại cho Việt Nam. Nhưng Việt Nam thì không phải quá chậm trong việc học và đưa các công nghệ mới vào. Chúng ta cũng nhớ là họ đã dùng hệ thống đánh máy bay từ thời Liên Xô cũ như thế nào để chống lại Mỹ. Cho nên chúng ta có thể nói về sự chênh lệch nhưng để nói rõ ý của tôi thì hãy so sánh Anh và Argentina trong cuộc chiến hai nước trước kia trên biển. Chỉ có vài tên lửa Argentina đã làm chìm tàu chiến của Anh. Mặc dù Anh thống trị ở đảo Falkland nhưng vấn đề là mỗi khi họ gửi tầu chiến đến thì họ phải lo lắng về lực lượng không quân của đối phương. Cho nên đối với trường hợp Trung Quốc, thì Trung Quốc phải lo lắng cả về tàu ngầm lẫn lực lượng không quân của Việt Nam, và đó là lực lượng đánh chặn. Tất nhiên là trong trận chiến hải quân một chọi một thì Trung Quốc có lực lượng hùng hậu hơn nhưng Việt Nam cũng không hẳn chỉ là phòng thủ.”
Bài báo cũng nói đến vũ khí công nghệ cao trong tác chiến điện tử, và cho rằng Việt nam hoàn toàn có khả năng làm vô hiệu hóa các tên lửa của địch, dựa trên những kinh nghiệm mà Việt Nam đã từng học được trong cuộc chiến với Mỹ. Theo bài báo thì tác chiến điện tử không chỉ là sự đối đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật và quan trọng hơn cả là yếu tố con người.
Cuối cùng bài báo có một câu kết luận hết sức đanh thép “con người Việt Nam, khả năng Việt Nam nếu kẻ thù đụng đến Trường Sa thì nhất định chúng sẽ phải trả giá đắt”.
-----------------------------------------------------------------------
Cp nht lúc 05:58, 12/07/2013

Tác chiến đin t Vit Nam trong bo v Trường Sa

http://baodatviet.vn/quoc-phong/ky-thuat-quan-su/201307/tac-chien-dien-tu-viet-nam-trong-bao-ve-truong-sa-2350320/
(ĐVO) - Tác chiến điện tử không những là sự đối đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật, khí tài hiện đại là điều cần thiết, nhưng con người vận hành nó còn quan trọng hơn nhiều.
·  Tác chiến điện tử-sự thành bại của chiến tranh công nghệ cao
·  Quân đội Việt Nam thành lập lữ đoàn tác chiến điện tử
Hành động của Trung Quốc và tuyên bố của các tướng lĩnh “diều hâu” về Biển Đông đã chứng tỏ việc chấp nhận tham vấn về COC với ASEAN chỉ là chiêu bài sau 11 năm lẫn tránh. Trung Quốc không từ bỏ ý đồ coi Biển Đông là “ao nhà” của họ.
Trung Quốc tuyên bố vùng cấm đánh bắt phi pháp, xua tàu cá của họ dưới sự bảo kê của tàu Hải giám đánh bắt trái phép trên chủ quyền quốc gia khác, đến việc tổ chức các cuộc tập trận đánh chiếm đảo trên Biển Đông, phô trương sức mạnh…làm cho các quốc gia khu vực lo ngại, cảnh giác.
Với Việt Nam, Biển Đông là Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trung Quốc đã đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 và đánh chiếm một phần Trường Sa năm 1988, vì vậy, trong tình hình hiện nay, bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng cho rằng những thách thức đến an ninh Trường Sa là hiện thực tiềm ẩn là logic không thể khác được.
Kẻ thù hung hăng đe dọa chiếm đảo theo cách nào?
Chẳng ai muốn chiến tranh, xung đột, nhưng hòa bình không thể quyết đinh được một phía từ Việt Nam.
Nếu địch sử dụng phương án tấn công đánh chiếm Trường Sa như nước Anh đã từng sử dụng đánh chiếm quần đảo Manvinas, tức là chiến dịch tấn công sẽ huy động nhiều lực lượng bao gồm tàu chiến, tàu vận tải đổ bộ, tàu ngầm, tàu sân bay, tàu phục vụ… hình thành nhiều thê đội trong đội hình tấn công với 2 nhiệm vụ chính là bảo vệ đội hình trước đòn tấn công của đối phương và lực lượng dọn bãi đổ bộ, đổ bộ đánh chiếm các đảo.
Có thể nói, địch rất muốn thực hiện theo phương án này vì nó có rất nhiều cái lợi.
Trước hết là nó rất phù hợp với một lực lượng hải quân mạnh, khả năng răn đe lớn, tấn công tầm xa tốt, cho nên bảo vệ được đội hình tấn công chính, bao vây, chia cắt, cô lập được mục tiêu để tiêu diệt.
Tiếp theo là khu vực tác chiến của phương án này có phạm vi nhỏ, bao gồm vùng trời, vùng biển quanh Trường Sa, cho nên, tính chất cuộc chiến, do đó, được xem như là một cuộc xung đột trên biển và đặc biệt sự xung đột này không lan rộng thành một cuộc chiến tranh lớn khó kiểm soát.
Sau cùng là thời gian tác chiến nhanh, nếu thắng lợi thì tạo ra một “sự đã rồi”, dư luận, thế giới tố cáo thì đã muộn.
Tuy nhiên, muốn là một chuyện, được hay không lại là chuyện khác. Thực tế từ tình thế khu vực, tương quan lực lượng, ý chí quyết tâm…của 2 bên không giống như tình hình mà nước Anh tiến hành chiến dịch đáng chiếm quần đảo Manvinas.
Trường Sa là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam mà việc bảo vệ chủ quyền, chống xâm lược của dân tộc Việt bao đời nay đều có ý chí quyết tâm cao hơn núi.
Lực lượng địch chưa có khả năng và đủ mạnh để thách thức toàn bộ lực lượng phòng thủ biển từ đất liền của Việt Nam bao gồm không quân, hải quân pháo, tên lửa bờ… được tự do lựa chọn phương án tấn công. Huống chi, trong khi phương án đó còn quá nhiều lỗ hổng về chiến thuật, những tử huyệt “bất khả kháng” do không có địa lợi.
Không phải cứ tàu chiến địch có tầm bắn xa là không có con tàu nào của Việt Nam vào được gần…Chiến tranh không đơn giản chỉ là phép cộng trừ số học, nó có những nghịch lý riêng. Kiếm dài, kiếm ngắn không quan trọng, quan trọng là kiếm pháp.

Tên lửa Scud-B của Việt Nam có tầm bắn 500 km và liệu có xa hơn sau khi Viện Công nghệ, Quân chủng Phòng không-Không quân, đã sản xuất thành công một trong những thành phần quan trọng cho các nhiên liệu tên lửa lỏng được sử dụng bởi các tên lửa Scud-B??? Chỉ có câu trả lời khi sử dụng.
Chắc chắn kẻ địch phải tính và phải hiểu Việt Nam có bao nhiêu loại tên lửa vươn tới Trường Sa và những chiến hạm nào của Việt Nam mà tên lửa chưa thể vươn tới Trường Sa thì dựa vào chiến thuật độc đáo, Việt Nam đều biến nó thành có thể…
Chắc chắn kẻ địch phải tính toán kỹ và trên bản đồ tác chiến của địch thì không thể thiếu ký hiệu những bãi thủy lôi xung quanh Trường Sa đang và sẽ hình thành chờ đón, sẵn sàng kích hoạt mà những tàu siêu đổ bộ bằng sắt cũng chần chừ huống chi loại tàu đổ bộ đệm khí…
Rốt cuộc, ý chí Việt Nam, khả năng Việt Nam khiến cho Bộ Tham mưu địch không thể chủ quan, bất chấp như những học giả quá khích, những viên tướng hiếu chiến đã về hưu hô hào…mà liều lĩnh sử dụng phương án trên.
Sử dụng phương án này chẳng khác nào một đội bóng cậy hàng phòng thủ mạnh, thủ môn giỏi lui về phòng thủ ở vòng 16m50, nhường sân cho một đối thủ đang hừng hực ý chí quyết tâm với một tinh thần không còn gì để mất thì thủng lưới là vấn đề thời gian.
Chính vì lẽ đó, đánh chiếm đảo chỉ có thể thực hiện theo phương án khác, đó là, dùng tên lửa tầm xa, tầm trung từ tàu ngầm, khu trục tấn công vào đất liền nơi sân bay, hải cảng khu vực miền Trung Việt Nam làm tê liệt hoạt động của Hải quân, không quân Việt Nam, cắt đứt sự chi viện của đất liền cho Trường Sa. Đòn tấn công này trước hoặc cùng lúc với chiến dịch tấn công đánh chiếm Trường Sa.
Phương án này về mặt quân sự có tính khả thi cao, nhưng có những hệ lụy, “phản ứng phụ” không thuận lợi, nguy hiểm.
Đó là nó biến cuộc tấn công chiếm đảo thành một cuộc chiến tranh không thể kiểm soát. Phạm vi chiến trường lan rộng không giới hạn, ảnh hưởng nghiêm trọng không những đến tình hình kinh tế, an ninh của 2 quốc gia đối đầu mà còn cả khu vực và thế giới.
Về mặt chính trị, phương án này đã lộ rõ tính phi nghĩa của địch làm cho thế giới lên án, cô lập và ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam về chính trị và có thể không loại trừ quân sự (vũ khí trang bị).
Những hệ lụy này gắn chặt với khả năng đương đầu của Việt Nam. Việt Nam đủ sức đương đầu, buộc địch phải trả giá thì những hệ lụy này càng bộ lộ và sẽ là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thảm bại của phương án.
Như vậy, trong tình hình hiện nay, với ý chí và lực lượng hiện tại của Việt Nam thì tấn công đánh chiếm đảo như phương án đầu là không khả thi, bởi nó chỉ giải quyết được phần ngọn, trong khi chiến dịch sẽ kéo dài, hao người tốn của khiến cho địch sẽ không chịu đựng nổi. Và, phương án sau là sự lựa chọn duy nhất để đạt được mục tiêu chiến dịch (quân sự).
Bảo vệ Trường Sa, trước hết là bảo vệ các căn cứ không quân, hải quân, hệ thống chỉ huy, quan sát, TTLL trước đòn tấn công phủ đầu của địch, tổ chức phản công giáng trả kịp thời buộc địch phải trả giá, trong đó vấn đề đầu tiên là Việt Nam phải bẻ gãy được đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại, độ chính xác cao, sức hủy diệt lớn của địch từ tàu ngầm, tàu khu trục, máy bay tàng hình ở ngoài tầm bắn của các phương tiện phòng thủ biển Việt Nam.
Sư đoàn Phòng không 377 bảo vệ Trường Sa


Radar thụ động Kolchuga của Ukraine cung cấp cho Việt Nam
Bẻ gãy đòn tấn công bằng tên lửa, máy bay tàng hình địch, bảo vệ Trường Sa
Bờ có vững thì đảo mới yên. Trường Sa của Việt Nam khác với Manvinas, Trường Sa là máu thịt của Việt Nam, khi Trường Sa bị xâm chiếm thì chỉ khi không còn một “tấc sắt trong tay”, đất liền Việt Nam mới nghiến răng, nén căm hận vào tim chờ đến lúc rửa hận, còn khi dù chỉ có một “tấc sắt trong tay” thì Việt Nam quyết không chịu để yên.
Nguyên lý đó, tâm lý này của người Việt, dân tộc Việt, kẻ địch quá hiểu, cho nên, chỉ đụng vào Trường Sa, giải quyết “êm gọn” trong tình thế Việt Nam đã và đang chuẩn bị rất bài bản (vũ khí trang bị, chiến thuật, bố trí lực lượng) là hoang tưởng.
Nếu như xác định rằng, trong chiến tranh hiện đại với VKCNC thì tên lửa tầm xa, tầm trung đóng vai trò quan trọng trên chiến trường thì tác chiến điện tử đóng vai trò quyết định sự thành bại. Đây chính là nguyên tắc, phương châm, tư tưởng, quan điểm, bảo vệ Tổ quốc nói chung và Trường Sa nói riêng trong tình hình hiện nay.
Đương nhiên, sẽ có nhiều sách lược, biện pháp, hoạt động tác chiến khác để đối phó tấn công địch, nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là tác chiến điện tử, hoạt động quan trọng quyết định thành bại của cuộc chiến này như thế nào và ra sao mà thôi.
Thực ra, tác chiến điện tử là một nhiệm vụ thường xuyên của bất kỳ một đơn vị nào trong thời bình cũng như trong chiến tranh của QĐND Việt Nam ngay cả khi chưa có Cục tác chiến điện tử-Bộ TTM.
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, hơn ai hết Việt Nam đã quá hiểu vai trò lợi hại và cái giá phải trả khi hoạt động tác chiến điện tử của Mỹ khi có nền khoa học công nghệ vượt trội, và năm ấy, 1972, điều gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không bắn rơi được B-52 Mỹ?
Trong chiến tranh VKCNC, tác chiến điện tử tốt sẽ làm cho vũ khí công nghệ cao (VKCNC) của quân địch thành kẻ “mù và ngu dốt”, hạn chế sức hủy diệt của chúng. Tác chiến điện tử tốt giúp cho hải quân, không quân có điều kiện tiếp cận mục tiêu, phát hiện mục tiêu để phản công bằng lối đánh sở trường hay đối kháng.
Vấn đề là tác chiến điện tử để bẻ gãy đòn tần công bằng tên lửa tầm xa, tầm trung hiện đại của địch, bảo vệ Trường Sa như thế nào.
Trước hết là trinh sát phát hiện mục tiêu, hành động của địch, quyết không để bị bất ngờ.
Chuẩn bị một cuộc tấn công trong chiến tranh hiện đại không dễ dàng, nhanh gọn như lấy đồ chơi trong túi. Phát hiện ra âm mưu, ý đồ của địch để tổ chức, bố trí, cơ động lực lượng đến vị trí xuất phát tấn công có lợi. Đây cũng là chiêu hạn chế ưu thế tầm bắn xa của chiến hạm địch.
Mục tiêu cố định như sân bay, bến cảng…dễ bị đánh phá nhất, đều bị địch xác định tọa độ chính xác cho tên lửa, bom thông minh. Vì vậy phải làm mù các thiết bị định vị mục tiêu của địch, buộc địch phải tác chiến ở tầm gần, tạo điều kiện cho lực lượng phòng thủ phát huy hỏa lực. Trong đó, ngụy trang và gây nhiễu là hai biện pháp chính để đối phó với sự định vị và dẫn đường cho tên lửa của hệ thống định vị toàn cầu.
Rõ ràng là với sự phát triển của vệ tinh quân sự hiện nay thì một cái kim ngọn cỏ trên mặt đất vẫn bị phát hiện. Tuy nhiên bản thân hệ thống này không có khả năng nhận biết đâu là thật là giả, nó dể dàng bị đánh lừa bởi các biện pháp ngụy trang.
Sương mù, khói, thời tiết xấu, các thiết bị điện tử làm nhiễu tín hiệu khiến cho việc xác định tọa độ cũng như dẫn đường cho tên lửa trở nên kém chính xác, cho nên tên lửa “thông minh” giá hàng đống tiền của địch bay vào mục tiêu giả mà “thật hơn cả thật”, bởi khả năng cơ động, tính năng điện từ, tính năng nhiệt còn “bắt mắt” hơn đồ thật là điều dễ xảy ra. Bộ đội ta trên đường Trường Sơn đã từng “lái” không quân Mỹ đổ hàng vạn tấn bom vào chỗ không người theo phương cách đó.
Trong chiến tranh hiện đại, thiết bị gây nhiễu tích cực, định hướng có thể được coi như một vũ khí nguy hiểm của những nước có nền kinh tế thấp do giá thành rẻ, thời gian nghiên cứu chế tạo nhanh nhưng có uy lực rất mạnh đối với các thiết bị điện tử có điều khiển. Hệ thống gây nhiễu hiện đại SPN-30 của Việt Nam có khả năng không chỉ gây nhiều GPS mà có thể gây nhiẽu tất cả các thiết bị điện tử trong khu vực bảo vệ mục tiêu.
Nếu như đã tìm ra vị trí phù hợp trên bờ biển để đặt trạm phát sóng, phủ gần như toàn bộ vùng biển Việt Nam với bán kính cách bờ 100km, điều mà chỉ có trên lý thuyết chứ chưa có công ty nào trên thế giới làm được, thì với Cục tác chiến điện tử, vấn đề còn lại chỉ là chiến thuật.
Vô hiệu hóa đòn tấn công bằng các loại tên lửa chống bức xạ hay tên lửa chống radar của địch hòng làm mù hệ thống radar, chỉ dẫn mục tiêu của ta bằng cách di chuyển liên tục của các đài phát sóng và sự lẫn lộn giữa các đài giả và đài thật trong một hệ thống mạng nội bộ của các đài radar ở nhiệu cụm tác chiến, nhiều vị trí khác nhau trên một khu vực tác chiến rộng lớn sẽ làm suy giảm rõ rệt khả năng tấn công của tên lửa chống bức xạ.
Sử dụng phương pháp phát hiện mục tiêu thụ động, không chủ động phát sóng radar mà sử dụng các thiết bị thu sóng điện từ để theo dõi sự di chuyển của đối phương (Radar VERA cùng với Kolchuga của Việt Nam) và bằng phương pháp giao hội (3 phương vị) là “tóm gọn” dễ dàng máy bay tàng hình (máy bay tàng hình nhìn thấy nó khó khăn bao nhiêu thì khi nhìn thấy diệt nó dễ dàng bấy nhiêu), đồng thời định vị các mục tiêu trên không trên biển, tạo điều kiện cho radar điều khiển tên lửa (radar ngắm bắn) chỉ mở khi có thông số xác định về mục tiêu…vân vân và vân vân.
Tác chiến điện tử không những là sự đối đầu về kỹ thuật mà còn là sự đối đầu về chiến thuật, khí tài hiện đại là điều cần thiết, nhưng con người vận hành nó còn quan trọng hơn nhiều. Đó là sự kết hợp giữa ý chí sức mạnh của con người, sự thông minh sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ hoàn hảo các trang thiết bị đang khai thác sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Con người vẫn là nhân tố quyết định cho mọi sự thành bại trên chiến trường.
Con người Việt Nam, khả năng Việt Nam nếu kẻ thù đụng đến Trường Sa thì nhất định chúng sẽ trả giá đắt.
Kì trước: Tác chiến điện tử-sự thành bại của chiến tranh công nghệ cao
Lê Ngọc Thống
-------------------------------------------------------------------------------

Hu trường báo chí xã hi ch nghĩa

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/chat-with-vi-thuy-linh-ml-07112013132322.html
Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-07-13
Ngày báo chí Việt Nam năm nay có hàng trăm giải thưởng trao cho các nhà báo được xem là xuất sắc trong số hàng chục ngàn nhà báo các tỉnh thành, địa phương khắp nuớc. Mặc Lâm tìm hiểu thêm hiện trạng báo chí Việt Nam qua nhà thơ và cũng là nhà báo Vi Thùy Linh để biết thêm những gì thật sự đang xảy ra phía sau hậu trường của nền báo chí xã hội chủ nghĩa.

Gần 2 vạn nhà báo

Nhà báo Vi Thùy Linh cho biết nhận xét của chị về giải thưởng lần này qua cái nhìn tỉnh táo của một người yêu nghề và có hệ lụy với nó gần hai mươi qua, chị cho biết:
Vi Thùy Linh: Tôi đã tham gia làng báo 17 năm. Bằng những quan sát của mình, tôi nhận thấy rằng thực ra ở đâu cũng vậy thôi, tinh hoa luôn thuộc vào số ít, tinh hoa không thể là một đám đông được. Tôi thích tinh hoa trong bối cảnh của sự thi đua hăng say, sự yêu nghề. Độ lệch giữa tinh hoa và đối tượng không tinh hoa phải ít thôi, khả dĩ để cho ta hy vọng.
Tôi đã từng viết thẳng và nói thẳng: có nhiều bài phát biểu viết trước khi sự kiện được diễn ra thì bao giờ cũng có cụm từ “thành công tốt đẹp”. Thực tế không phải lúc nào cũng thành công tốt đẹp và tôi thấy có 3 điều như thế này:
Thứ nhất là về khoa học. Chúng ta có quá nhiều các giáo sư, tiến sĩ là những nhà nghiên cứu có công trình khoa học và giảng dạy. Đấy là những định nghĩa khái lược nhất nhưng nền khoa học của chúng ta lại rất thấp. Chỉ riêng hình ảnh này thôi đã gắn đến bao nhiêu đời nay rồi. Bà con vẫn còn phải cắm tay, cắm chân trong bùn lạnh để cấy lúa. Hằng nghìn năm nay vẫn không thay đổi được hình ảnh ấy. Tôi chỉ ví dụ một điều đó thôi. Bao nhiêu đời nay rồi, ở Việt Nam có bao nhiêu nhà khoa học, bao nhiêu giáo sư tiến sĩ không nghĩ được cái gì đó để thay đổi. Người nông dân quá vất vả mà đây là một đất nước nông nghiệp.
Thứ hai: có quá nhiều các danh hiệu nghệ sĩ. Tôi đi dự lễ trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ở Nhà hát lớn vào ngày 19 tháng 5 năm 2012, đông kinh khủng, hàng mấy trăm nghệ sĩ được phong”ưu tú” và hàng trăm người được phong “nhân dân”. Vậy mà nền nghệ thuật Việt Nam thì vẫn còn rất thấp trên bản đồ thế giới. Đặc biệt điện ảnh là ngành tôi rất tâm huyết thì nó gần như bị bỏ rơi. Giờ chỉ còn phim thị trường. Dòng phim chính thống và phim nghệ thuật đại diện Việt Nam mang ra thi quốc tế, như là một hộ chiếu văn hóa của Việt Nam thì đã bị bỏ mặc rồi.
Nền báo chí phải nói là đông kinh khủng. Hội nhà báo hiện nay đã có 17 ngàn nhà báo có thẻ hành nghể của bộ Báo chí và Tuyên truyền và 1.900 nhà báo được cấp thẻ hôi viên của hội nhà văn VN. 
-Vi Thùy Linh
Cuối cùng là báo chí. Nền báo chí phải nói là đông kinh khủng. Hội Nhà văn là một hội rất khó vào. Trong lịch sử tồn tại 56 năm của hội vẫn chưa có được 1.000 hội viên. Một năm trong 500 đơn xin phép thì chỉ có hơn 20 người được vào. Hội nhà báo hiện nay đã có 17 ngàn nhà báo có thẻ hành nghể của bộ Báo chí và Tuyên truyền và 1.900 nhà báo được cấp thẻ hôi viên của hội nhà văn Việt Nam.
Như vậy là gần 2 vạn nhà báo và chưa kể số lượng các lực lương khác tham gia viết báo và số lượng các đầu báo của mỗi một ngành, một cơ quan, một tổ chức. Đến mức tôi cảm thấy khái niệm nhà báo không oai như hồi trước nữa, nhiều quá, nhàm quá. Trong cái bối cảnh đông như vậy, tôi lại không thấy trăm hoa đua nở mà lại bị tình trạng hỗn tạp phong trào và số lượng bài vở hàng chợ đã trở thành phổ biến. Nhiều tờ báo, nhất là những báo mạng, trở thành những trang để giải quyết cho giới show biz rất rẻ tiền, giật gân, thấp kém về cả từ lẫn tít và trình độ đưa tin nhưng mà vẫn tồn tại.
Mặc Lâm: Người ta thuờng cho rằng báo chí Việt Nam không thể vượt qua rào cản kiểm duyệt của nhiều cơ quan trong đó có chính bản thân nhà báo, họ phải tự kiểm duyệt mình trước khi giao số phận bài viết cho Tổng biên tập quyết định. Chị chia sẻ sự thật này ra sao?
Vi Thùy Linh: Có quá nhiều người viết nhưng có quá ít người tâm huyết thì việc đầu tiên không phải tại chính thể hay sự chỉ đạo của đảng hay của ban Tuyên giáo trung ương. Tôi nghĩ không phải lý do như vậy mà chính trong nội tại của những người cầm bút. Anh cứ viết hay đi cái đã nhưng anh có viết hay được đâu! Việc anh không viết hay, anh không lăn lộn vào nghề, trước hết là ở chính anh chứ không phải tại ai khác. Tất nhiên cũng có một số các yếu tố, ví dụ như tôi đã nói ở trên.
Anh biết rồi, để viết những phóng sự hay là người ta phải chấp nhận những nguy hiểm –nào là đóng vai để lọt vào sào huyệt của những giới xã hội đen hay là đường dây ma túy hoặc là đường dây mua bán gái ... Tất cả những cái đấy đều nguy hiểm. Họ đều phải kỳ công, mà giờ người ta không muốn kỳ công, người ta muốn nhanh.
Mặc Lâm: Nếu vậy thì còn đâu ngọn lửa yêu nghề thôi thúc một nhà báo có các bài viết làm dậy làn sóng sư luận xã hội...Theo chị nguyên nhân nguội lạnh bắt đầu từ đâu?
Vi Thùy Linh: Bọn chúng tôi là 8X đời đầu hay 8X đời sau và 9X thì gần như không còn những người lửa nghề nữa vì nó có những nguyên nhân sau đây. Ngay những ngày đầu vào trường báo chí không phải là do yêu nghề, như tôi đã viết trong bài đã đăng “Khi nào có làn sóng phóng viên tài năng”. Họ vào là do tài cắm, vào do quan hệ, vào do tính đường khi ra trường xin việc, vào do mode thời thượng, vào do ý nghĩ “ừ làm báo cũng ninh nhỉ, bây giờ giới show biz nó sôi động như thế mình vào thì thiếu gì chuyện để đưa tin cho nó nhanh”. Tức là họ ngộ nhận về nghề- dễ dàng làm việc và nhanh nổi tiếng; Được vui vì đi dự cái này cái kia trong giới show biz.
Hiện nay ở Việt Nam báo chí cũng đang là ngành thời thượng vì sự bùng nổ của truyền thông, thông tin cao. Ở một mặt nào đó thì hào quang của nghề phóng viên mặc dầu không còn “oai oách” như thời xưa nhưng ở Việt Nam số lượng người háo danh ngày càng đông và đông đến mức bệnh hoạn cho nên bằng mọi giá không cần giữ danh dự, người ta sẵn sàng làm mọi thứ để được nổi tiếng.

Thiếu lương tâm nghề nghiệp

Mặc Lâm: Chị nhắc đến sự ham nổi tiếng làm tôi chợt nghĩ đến những cái tít rất gây hấn, nếu không muốn nói chính xác là quái dị...phải chăng giật một cái tít như thế cũng nằm trong mục đích muốn nổi tiếng của một thành phần nhà báo nào đó?
Vi Thùy Linh: Những cái tít ở trên báo nó man rợ quá. Chẳng hạn tôi đọc cái vụ giết người của thằng Lê Văn Luyện, “thằng ấy” không thể gọi là con người được mà phải gọi là thú cần phải loại ra khỏi đời sống của cánh rừng chứ không phải là đời sống của loài người. Tôi là một trong những người rất phẫn nộ mà máy móc theo luật khi chưa đủ 18 thì không thể tử hình.
Loại đấy thì tiếc nuối gì mà không loại bỏ ra khỏi xã hội loài người mà bảo vì thiếu vài tháng cho nên nó qua được khung tử hình. Rất nhiều báo phản ánh nó chứ không phải là không nhưng phản ánh theo cái hướng khai thác con người đó để thấy nó hoang lạc, khoái cảm, khoái chí khi miêu tả chi tiết của một thằng bệnh hoạn, man rợ vì lấy mạng sống của cả một gia đình ở Bắc Giang.
Tôi thấy cái đấy không phải tại ai chỉ huy, chỉ đạo cả mà do lương tâm và trình độ làm nghề rất thấp cũng như sự quản lý của các tổng biên tập của các tờ báo mạng đăng những cái bài mà dập những cái tít man rợ, khoái trá. Anh biết rồi, người ta có những video đen, xã hội đen, băng đen đọc những bài báo như thế với những hàng tít như thế và hàng triệu, hàng trăm người đọc. Trong những người đọc ấy có bao nhiêu người bản lĩnh, có đủ tri thức để không bị lôi kéo khi đọc những bài miêu tả rùng rợn như bị kích thích, như là cổ súy cho những việc đó. Còn lại là những số phận con người.
Mặc Lâm: Không lẽ chẳng còn một nhà báo có lương tâm nào sống sót trong cái mớ bòng bong báo chí ấy hay sao?
Do lương tâm và trình độ làm nghề rất thấp cũng như sự quản lý của các tổng biên tập của các tờ báo mạng đăng những cái bài mà dập những cái tít man rợ, khoái trá. 
-Vi Thùy Linh
Vi Thùy Linh: Có, tôi thấy như anh Đỗ Doãn Hoàng đã chịu khó đi lên Mường Nhé, Mường Tè... rồi những vùng sâu, vùng xa để viết về những đứa bé ăn mặc mong manh đi học. Cơm không đủ ăn (cơm bây giờ vẫn còn đựng trong túi nylon, buổi trưa có mùi, moi ra ăn cơm không), trèo đèo lội suối. Bao nhiêu nhà văn, bao nhiêu những người có trách nhiệm vẫn còn nghèo đã huy động nhau cùng giúp đỡ.
Những bài báo mang tính xây dựng xã hội như thế về những thân phận, những người bị oan sai, bị tù oan, bị chèn ép thậm chí là bị mổ nhầm, thậm chí bị cắt nhầm quả thận...những đối tượng ấy đều được phản ánh cả. Thế nhưng trong một cái guồng ăn xổi, chụp giật làm tôi thấy buồn vì giờ thì những chuyện giật gân lá cải gần như bằng với chính thống mặc dầu không ai tôn vinh nó cả nhưng nó đang nhiều đến mức độ nếu tính theo thói quen ở Việt Nam thì đa số hơn thiểu số. Cái đa số này đang gần như trở thành dòng chủ lưu rẻ tiền. Nó trở thành chủ lưu vì nó không bị tiểu trừng, không bị lên án và nó cứ hoành hành như thế.
Mặc Lâm: Bên cạnh những mảng xã hội tôi thấy báo chí rất thiếu thông tin về hoạt động chính trị của người dân, đặc biệt báo chí tỏ ra dị ứng với các cuộc biểu tình chống Trung Qúôc hay dân oan các tỉnh thành...
Vi Thùy Linh: Đúng là có hiện tượng ấy. Trong luật pháp Việt Nam thì được biểu tình nhưng những người biểu tình yêu nước, biểu tình lành mạn không có ném đất đá, không bạo động gì cả; Biểu tình đi qua đại sứ quán Trung quốc ở Hà Nội ở đường Hoàng Diệu thì công an Việt Nam cũng ra chặn, không muốn điều đấy. Cũng có những bà con mất hết đất đai đi thất thểu tôi đã nhìn thấy khi đi qua vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Họ cầm băng rôn, biểu ngữ, ngồi thất thểu trong nắng nôi mệt mỏi. Tất nhiên là họ không bao giờ được vào bên trong cả, chỉ ngồi ở vườn hoa đối diện. Những hình ảnh đó hay thông tin đó thì ít khi được đưa trên báo chí. Chính những hình ảnh đó làm tôi suy nghĩ, thấy thương vì họ chính là dân đen theo đúng nghĩa như ngày xưa các cụ vẫn nói là “ phận áo ngắn”. Những người lao đông thì tội thật, khổ thật.
Mặc Lâm: Trước khi từ giã thính giả chị có kết luận gì trong buổi nói chuyện hôm nay, thưa chị?
Vi Thùy Linh: Đây là câu kết của tôi. Viện Báo chí tuyên truyền là nơi tôi được học từ năm 1997-2001. Tôi học ở phân viện và là lò đào tạo báo chí lớn nhất Việt Nam và chuyên nghiệp nhất hơn 50 năm rồi. Mỗi năm ra trường hơn 200 cử nhân, gần như không ai bị trượt. Đã làm luận văn thì được 9,10, mà đã thi tốt nghiệp thì hầu như đều qua hết. Thầy cô không nỡ cho em nào trượt cả.
Tuy nhiên 200 em sinh viên ấy ra trường thì bản thân từ khi tốt nghiệp đã có sự giả dối rồi. Chúng ta không có những phần mềm để đọc, dò những luận văn ăn cắp. Có rất nhiều luận văn được viết bằng sự xào xáo của nhiều trường đại học khác chứ không riêng gì báo chí. Đi học thì có những em sinh viên tôi được biết vì chính những em đó nhờ tôi viết bài để các em mang về nộp cho đủ vì khi đi thực tập nhiệm vụ của em phải có 10 bài nhưng giờ chỉ mới có 5. Nhuận bút thì của chị nhưng chị cho em đứng tên!
Giả dối từ lúc đi thực tập. Gỉả dối từ luận văn xào xáo. Những cử nhân ấy đúng là những cử nhân giấy; Ra trường thì làm sao đủ bản lĩnh và tri thức để tác nghiệp?
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà thơ, nhà báo Vi Thùy Linh về buổi nói chuyện hôm nay.
----------------------------------------------------------

Ca múa “Đa Nàng” min Nam Vit Nam

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/traditional-music-071313-nm-07112013143813.html
Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-07-13
Địa Nàng là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật ca múa cổ truyền của người dân thôn quê miền Nam, là đặc thù của văn hóa dân tộc.

“Lễ Vía Bà”

Nếu như miền Tây, mà khi xưa gọi là Lục Tỉnh, là nơi xuất phát bộ môn nghệ thuật cải lương, để rồi phổ biến khắp cả nước, thì ở miền Đông Nam Việt là nơi xuất phát ca múa Địa Nàng. Và nghệ thuật này không phổ biến rộng rãi như cải lương, mà chỉ hoạt động quanh quẩn ở cái tỉnh như: Biên Hòa, Bà Rịa, Tây Ninh, Gia Định, Bình Dương, cùng một vài nơi thuộc tỉnh Long An như Đức Hòa, Đức Huệ.
Khi đề cập đến những nét văn hóa đặc thù dân tộc, người ta không thể bỏ quên môn nghệ thuật độc đáo này, do bởi Địa Nàng thường được trình diễn trong dịp “Lễ Vía Bà” tại các ngôi miễu ở miền thôn quê Nam
Việt.
Hằng năm vào khoảng Tháng Hai, Tháng Ba Âm Lịch thì những ngôi đình làng ở các tỉnh thuộc miền Đông có lệ cúng “Kỳ Yên” do ban hội tề, tức quí vị hương chức làng xã đứng ra tổ chức. Những năm dân làng trúng mùa thì có thêm phần rước hát bội về hát tạ ơn vị Thần đã phò trợ cho dân làng làm ăn khá. Người ta từng thấy những ngôi đình hằng năm đều có hát, và cũng những ngôi đình cả 7, 8 năm chỉ cúng mà thôi chớ không rước hát bội, do bởi dân chúng bị thất mùa.
Song song với hát bội ở đình, thì tại các ngôi miễu trong làng cũng được quí bà tổ chức “Lễ Vía Bà”, tùy theo ngôi miễu đó thờ: Bà Nữ Oa, Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, Bà Ngũ Hành, Bà Thủy, Bà Thiên Hậu, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Tiên...
Thuở xưa đình làng là nơi sinh hoạt của nam giới, phụ nữ không được dự vào việc cúng tế ở nơi thiêng liêng này; ngược lại miễu là nơi sinh họat của quí bà, các đấng mày râu nam tử cũng không được đến đây. Thế nhưng, từ đầu thế kỷ 20, trước sự thăng tiến của phụ nữ ngoài xã hội “nam nữ bình quyền” thì vấn đề phân chia này đã không còn, có nghĩa là ngày cúng đình hay cúng miễu thì nam nữ đều chung lo việc cúng kiếng, tập trung hội hè rất đông.
Cúng miễu thì không mời hát bội mà chủ yếu là mời Địa Nàng về hát, và người dân quanh năm suốt tháng làm lụng ngoài đồng, đã có dịp nghỉ đi xem buổi múa hát có tính cách truyền thống này. Vậy thì Địa Nàng là thế nào, hình thức trình diễn ra sao, có giống như cải lương, hát bội chăng?
Thật ra thì ca múa Địa Nàng không phổ biến rộng rãi như hát bội, do bởi hát bội ngoài việc hát cúng Kỳ Yên, lại thêm phần trình diễn trên sân khấu rạp hát, bán vé như cải lương. Còn Địa Nàng thì không rườm rà và đông người như gánh hát bội, chỉ có hai nghệ sĩ và duy nhứt chỉ hát cúng miễu mà thôi, và người coi thì hoàn toàn miễn phí.
Là một bộ môn nghệ thuật đặc thù của văn hóa dân tộc, rất nhiều người biết đến mà không hiểu sao trong sử sách nói về miền Nam người ta lại không thấy đề cập đến Địa Nàng, ngay cả những tác phẩm của các nhà văn rặt Nam Kỳ như: Sơn Nam, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc cũng không nói gì về Địa Nàng (hoặc có mà chúng tôi không có dịp đọc qua).
Nghệ thuật ca múa Địa Nàng không trình diễn sân khấu đối diện với khán giả, mà chủ yếu là múa hát trước miễu, do đó người xem có thể coi được 3 mặt, và như đã nói diễn viên Địa Nàng chỉ có 2 người (một nam một nữ). Người nam thủ vai ông Địa và người nữ thủ vai nàng Tiên, thế thôi! Về cách gọi thì nam nghệ sĩ được kêu là “Ông Địa” như vai trò, còn nữ nghệ sĩ thì kêu là “Con Bóng”, nếu người gọi còn trẻ thì phải kêu là “Bà Bóng” (xin đừng lầm lẫn với những người đồng bóng, lên đồng, lên cốt, mê tín dị đoan). Cốt truyện Địa Nàng như sau:
Tiên nữ Hằng Nga vâng lệnh Vương Mẫu xuống trần gian đến huê viên, nơi “cây huê giếng nước” hái lộc cầu an dân chúng, và bởi do không biết đường đến huê viên, nên tiên nữ đến nhờ cậy Thổ Địa dẫn đường. Thổ Địa sau một hồi vòi vĩnh, làm khó, rồi dẫn đường đưa tiên nữ đến huê viên để khai mạch giếng nươc, tưới cây. Hành động này mang ý nghĩa việc mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Cốt truyện chỉ đơn giản như thế thôi, nhưng tùy từng cặp nghệ sĩ đóng vai Địa Nàng, có thể kéo dài từ 2 đến 5 giờ liền (có nhạc đệm đờn cò, đờn kìm).
Sau phần chính “khai mạch giếng nước” mang ý nghĩa cầu mưa, (bởi tháng này đang là mùa nắng, nếu cái nắng kéo dài thì nông dân không thể làm mùa được). Tiếp đó Địa Nàng chuyển sang đối đáp bằng những câu vè, dân ca, bằng thơ lục bát, song thất, đôi khi dùng cả tục ngữ, ca dao. Riêng về lời văn đối thoại, thì gần như ngôn ngữ bình dân thông thường của người dân quê.
Dù là ca múa hay đối thoại, sau phần cúng kiếng thiêng liêng là hài hước, gần như hết phần thêm này là vui, là chế diễu, liên tục gây nên những tràng cười của khán giả. Nghệ thuật Địa Nàng bắt buộc phải hài hòa tất cả những gì có thể gây nên tính cách châm biếm, cười cợt, vì đó là yêu cầu. Cặp Địa Nàng nào bị cho làm kém về hài hước thì năm sau khó mà được các miễu mời đi hát.

Ứng diễn

Cái độc đáo của Địa Nàng là ứng diễn, tự chế ra lời diễn chớ không có kịch bản chính thức, những câu hát được lưu truyền từ nghệ nhân này đến nghệ sĩ khác, nối nghiệp từ đời này sang đời nọ và thêm bớt cho phong phú thêm, do vậy mà “kịch bản dân gian” này không biết ai là tác giả. Tùy theo trình độ, cặp diễn viên nếu trình độ nghệ thuật cao thì ứng diễn mạch lạc, đối đáp bằng câu vè, câu thơ, tục ngữ, ca dao rất đúng với nhân vật, tình huống được mang ra châm biếm, chế diễu.
Như đã nói ca múa Địa Nàng chỉ phổ biến nhiều ở miền Đông, nghe nói miền Tây cũng có nhưng rất ít, riêng tôi chẳng thấy bao giờ. Còn ở miền Trung từ Phan Thiết đổ ra thì hầu như không có Địa Nàng. Tại sao? Tôi có tìm hiểu, thu thập một số sự kiện và có thể đi đến kết luận: Từ thời xa xưa, đất địa miền Đông Nam Việt, là những vùng đất không có sông ngòi, cũng không có hệ thống dẫn thủy nhập điền. Người nông dân làm mùa chủ yếu trông cậy vào trời mưa, năm nào mưa muộn, thì mùa màng ruộng lúa, hoa màu bị thất thu. Hoặc nếu như hạn hán không mưa chỉ một năm thôi, thì người dân nghèo đến 3 năm (ông bà già xưa thường nói như vậy).
Người dân trăm bề khổ sở do trời không mưa, nên mới phát sinh ra hiện tượng ca múa Địa Nàng, là một hình thức cầu mưa vậy! Sở dĩ ở miền Tây ca múa Địa Nàng không phổ biến, là do miền này thuộc đồng bằng sông Cửu Long với sông ngòi chằng chịt, nước đầy đủ để làm mùa nên đâu phải “cầu mưa”, do vậy mà người ở vùng này đa số không hề biết Địa Nàng là gì.
Địa Nàng trình diễn có cặp, họ làm ăn chung, các Lễ Vía Bà người ta chỉ cần mời một trong hai người là xong hợp đồng, và trả tiền cũng thế, một người đại diện, thường là “Con Bóng” nhận tiền. Theo như truyền khẩu của thiên hạ thì “Con Bóng” hay “Bà Bóng” là những người bán nam bán nữ, mà người đời gọi họ là “lại cái” hay “loại cái” (không biết chữ nào đúng). Con Bóng không phải đồng tính bê đê, mà là do bộ phận sinh dục, nam chẳng ra nam, nữ chẳng ra nữ. Bà bóng suốt đời không có chồng con gì hết.
Cặp Địa Nàng nào mà “Bà Bóng” như vừa nói thì đắt sô, được liên tục mời đi ca múa, tiền thù lao cũng cao. Còn như bà bóng là người nữ thiệt thọ thì lại ế hàng, có nghĩa là ít được mời đi hát. Thí dụ như hai ngôi miễu tổ chức Lễ Vía Bà cùng một ngày, chỗ nào kêu trước thì được bà bóng “lại cái”. Do con bóng hay bà bóng “lại cái” bị kẹt sô, nên ngôi miễu thứ hai đành phải chấp nhận mời bà bóng người nữ thiệt. Có còn hơn không.
Số tiền thù lao cho Địa Nàng khá cao, thời điểm 1955 – 1956 bao gạo chỉ xanh 100 ký lô giá 300 dồng, mà một sô ca múa Địa Nàng phải trả mất 600 đồng. Ngoài số tiền thỏa thuận hợp đồng, (chỉ thỏa thuận bằng lời nói chứ không có giấy tờ, nhưng cả hai bên đều giữ đúng hợp đồng). Địa Nàng còn được quý bà cho thêm, nếu hát hay, người coi đông, cười nhiều, thời gian kéo dài đến 1, 2 giờ khuya thì tiền cho thêm có khi còn nhiều hơn tiền chính thức.
Không như hát bội, khán giả cho tiền đào kép bằng cách kẹp tiền vào quạt giấy quăng liệng lên sân khấu. Cách cho tiền Địa Nàng lịch sự hơn nhiều, người đại diện để tiền vào dĩa trịnh trọng trao cho Nàng, chớ không trao cho Địa (biết rằng họ chia với nhau).
Còn một cách cho tiền nữa, các bà góp tiền rồi bí mật cho riêng Nàng, dĩ nhiên là Nàng bỏ túi riêng, chứ không chia cho Địa. Tùy theo uy tín và sự ủng hộ của khán giả, của các nơi mời gọi, mà thỏa thuận làm ăn chung của Địa Nàng cũng kẻ cao người thấp, ít khi ngang bằng, mà thường chia tứ lục, hoặc tam thất, và Nàng thì lúc nào cũng cao giá hơn.
Khi bắt đầu chuẩn bị lễ vía bà, là người ta đã lo đặt sô trước với cặp Địa Nàng nào đó, mà thiên hạ cho rằng ca múa hay. Do vậy mà trong lịch trình của Địa Nàng ít thấy chỗ trống vào mấy tháng có cũng miễu Bà. Hết thời gian mấy tháng cúng miễu thì Địa và Nàng trở lại đời sống bình thường người nông dân, nhà ai nấy ở, chỉ thỉnh thoảng hẹn gặp nhau ở ngôi miếu nào đó để tập dượt kịch bản nhân gian mới. Không tập dượt ở nhà Địa hay nhà của Nàng.
Nếu Nàng là “lại cái” thì sống độc thân một mình, còn như Nàng là người nữ thiệt thì cũng có chồng con như mọi người nữ khác thôi. Về ông Địa thì ông nào cũng vợ con đùm đề, có ông có đến 2, 3 bà vợ. Có lẽ nhờ hát hay, đâu thua gì danh hề sân khấu, nên Địa rất được mấy bà góa chồng chiếu cố.
----------------------------------------------------------------------

Biu tình buc chính quyn TQ b d án

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2013/07/130713_china_uranium_protest.shtml
Cập nhật: 13:44 GMT - thứ bảy, 13 tháng 7, 2013
Cuộc biểu tình buộc chính quyền phải đóng cửa dự án xây nhà máy uranium
Chính quyền Trung Quốc đã hủy bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy chế biến uranium chỉ 24 giờ sau khi có hàng trăm người dân xuống đường biểu tình phản đối dự án.
Dự án trị giá 37 tỷ nhân dân tệ (4 tỷ bảng Anh), gần thành phố Giang Môn ở miền Nam, dự kiến cung cấp nhiên liệu và đáp ứng đủ cho khoảng một nửa nhu cầu về năng lượng nguyên tử của Trung Quốc.
Đây là một phần của nỗ lực quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào than đá và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch.
Cuộc biểu tình được tổ chức trực tuyến và được các thành viên gọi là một “cuộc đi dạo.”
Nhưng sự kiện đã tập hợp gần 1.000 người dân xuống đường trên các đường phố của Giang Môn, cách Hong Kong chỉ 100 km.
Những người biểu tình đối đầu với cảnh sát đội mũ bảo hiểm chống bạo loạn.
Họ hô vang các khẩu hiệu và mang nhiều biểu ngữ khác nhau, từ "Chống hạt nhân" cho đến "Chúng tôi muốn trẻ em, không phải là nguyên tử."
Cuộc biểu tình nổ ra sau một đợt lấy ‎ý kiến của công chúng về dự án được quy định kéo dài 10 ngày, sau sự kiện hôm 4/7, chính quyền phát hành một báo cáo đánh giá rủi ro dự án.

Động thái hiệu quả

"Chính quyền nhân dân thành phố quyết định tôn trọng ý kiến của công chúng và sẽ không xem xét dự án khu công nghiệp nữa"
Tuyên bố của chính quyền
Những người biểu tình nói chính quyền không cho người dân đủ thời gian để dân kịp bàn luận về các ưu, nhược điểm của một dự án có quy mô lớn.
Trong vòng 24 giờ kể từ khi cuộc biểu tình trên đường phố nổ ra, chính quyền địa phương đưa ra tuyên bố chỉ có một dòng về từ bỏ dự án.
"Chính quyền nhân dân thành phố quyết định tôn trọng ý kiến của công chúng và sẽ không xem xét dự án khu công nghiệp nữa," tuyên bố nói.
Theo phóng viên Jon Sudworth của chúng tôi bình luận từ Seoul có vẻ như mong muốn ổn định và trật tự đã thắng thế so với các lý do khác về mặt kinh tế.
Các cuộc biểu tình công chúng có thể bị hạn chế nghiêm trọng ở Trung Quốc, nhưng khi nào có thể diễn ra, như trong sự kiện này, biểu tình phản đối của người dân đã tỏ ra hiệu quả, phóng viên cho hay thêm.
Tuy nhiên, một số người biểu tình ở Giang Môn quan ngại rằng dự án nhà máy uranium có thể chỉ bị trì hoãn tạm thời chứ không phải là bị hủy bỏ hoàn toàn, vĩnh viễn.
Vấn đề môi trường đang trở thành một trọng tâm ngày càng gia tăng trong quan ngại và lo lắng của công chúng cũng như của giới bất đồng chính kiến.
Đầu năm nay, một cựu quan chức cao cấp của đảng cộng sản nói với các phóng viên rằng ô nhiễm môi trường đã thay thế tranh chấp đất đai và đã đang trở thành nguyên nhân chính cho tình trạng bất ổn xã hội sâu sắc ở Trung Quốc.
---------------------------------------------------------------
Dân Hà Nội rủ nhau học làm nail, mong xuất ngoại
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=169274&zoneid=1

Friday, July 12, 2013 6:13:30 PM 

Nguyên Lê/Người Việt
HÀ NỘI (NV) - Làm nail (nghề làm móng) đang là một trong những nghề thu hút được nhiều học viên nhất của các trung tâm đào tạo dạy nghề tại Hà Nội. Ða số những học viên tham gia lớp học làm nail đều có dự định học nghề để đi xuất ngoại, kiếm tiền mong đổi đời.

Biết được nhu cầu cầu này của học viên nên các trung tâm dạy nghề cũng thường xuyên mở các lớp học cấp tốc cho những người đi xuất ngoại.
Giấc mơ làm giàu
Người này truyền tai người kia, làm nail vừa nhàn vừa dễ kiếm tiền nên ngày nay, giới trẻ Hà Nội rủ nhau đi học làm nail ngày càng nhiều.

Một lớp học làm nail diễn ra trong vòng từ 2-3 tháng, học liên tục cả sáng và chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, được nghỉ ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật.

Ngoài những trung tâm đào tạo dạy nghề như Nail Star (trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), Hands Việt (trên đường Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng)... thì ở các salon làm tóc, chủ tiệm cũng dạy nghề làm nail.

Học phí cho một khóa đào tạo nghề làm móng dao động từ 5,000,000 đồng đến 6,000,000 đồng, tức khoảng $250 đến $300, khi học xong các học viên sẽ được cấp chứng chỉ dạy nghề. Ðể thu hút học viên, hầu hết các lớp học làm móng đều tặng kèm cho những người tham gia khóa học một bộ đồ nghề cơ bản để làm móng như bút làm móng chuyên nghiệp, khuôn móng tập vẽ, bột, gel, phun sơn...

Ở Việt Nam, nghề làm móng cũng khá thịnh hành và có nhiều khách hàng. Tuy nhiên những người làm thuê cho nghề này cũng chỉ kiếm được từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng/tháng, tức khoảng $150 đến $200. Còn những người làm chủ các cửa tiệm làm nail thì kiếm được nhiều hơn, có người thu về khoảng chục triệu đồng mỗi tháng nếu cửa hàng đông khách.
Với mức thu nhập chỉ đủ để sống qua ngày nên hầu hết những người thợ làm nail thuê đều nghèo, không có cơ hội làm giàu hay mở cửa tiệm để làm giàu. Còn nếu ở nước ngoài, những người thợ làm nail sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nên rất nhiều người rủ nhau đi học làm nail để xuất ngoại.

Tất cả học viên trong một lớp học của Trung Tâm Hands Việt đều đã lên kế hoạch ra nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học làm móng.

Chị Phương Linh, một học viên cho biết: “Bạn tôi đi du học ở Úc bảo nghề làm nail bên đấy kiếm ăn được lắm. Một ngày bạn tôi chỉ làm 2 tiếng, mỗi tháng sau khi chi trả các khoản phí sinh hoạt còn để ra được $2,000. Vì thế nên tôi cũng muốn học làm nail để ra nước ngoài kiếm tiền làm giàu.”
Giấc mơ xuất ngoại
Chỉ mất khoảng 3 tháng học nghề rồi tìm đường xuất ngoại, mất thêm 2 đến 3 năm nữa sẽ được đổi đời là giấc mộng của nhiều người đang học nghề vẽ móng tại Hà Nội. Nhưng không phải ai đi học làm nail cũng có thể làm giàu và không phải ai đi học xong đều sẽ vẽ móng giỏi.

Chị Quỳnh Anh, một học viên của lớp học nail chia sẻ: “Tôi thấy trên lớp cô giáo làm rất dễ, nhưng khi làm thử thì lại bị hỏng, màu lên nham nhở. Tôi làm đi làm lại nhiều lần mà không được ưng ý, lúc đấy mới biết là khó chứ không dễ như tôi vẫn tưởng.”

Còn chị Hồng Thu, quê ở Bắc Giang từng suýt bị vạ lây vì nghề vẽ móng do khi thực tập ở một tiệm salon lỡ làm hỏng móng tay của khách hàng nên bị người này bắt đền.

Chưa kể học làm móng xong, để xuất ngoại đổi đời như dự định, nhiều người còn phải chật vật vay nợ rồi phát sinh đủ chuyện bi hài cười ra nước mắt với kế hoạch “làm giàu nhờ nghề làm nail.” 


Chị Ðinh Thị Thơm, nhà ở quận Hai Bà Trưng quyết định đi học nghề làm nail xong sẽ ly dị chồng, vay tiền làm thủ tục đi nước ngoài thông qua đường kết hôn giả nhưng gia đình nhà chồng không đồng ý nên làm rùm beng ngoài phường, khiến thủ tục của chị bị chậm trễ. Do tiền đi vay phải trả lãi nên chuyện làm giàu chưa thấy đâu mà chị thì vẫn phải ì ạch trả lãi hàng tháng.

Ngoài ra, bên cạnh những người có thể xoay sở tiền để xuất ngoại mong làm giàu bằng nghề làm nail thì cũng có không ít người vừa học vừa ngồi đợi may mắn.

Chị Lan Anh cho biết: “Tôi quê ở Hải Dương, lên Hà Nội làm thuê. Nhưng làm vất vả quá mà không đủ tiền nên bạn bè rủ đi học nghề này cho đỡ khổ. Ai cũng bảo các trung tâm có những đợt giới thiệu học viên cho các công ty xuất khẩu lao động, tuyển người đi làm việc ở nước ngoài nên tôi vay tiền bạn bè đi học, tối lại làm thêm ở tiệm ăn. Tôi vẫn đang đợi cơ hội được trung tâm chọn đây, hôm nọ có người vào lớp xem rồi nhưng vẫn chưa thấy thông báo thêm gì.”

Cứ thế, giấc mộng làm giàu từ việc đi học nghề làm nail trở nên thêm phần gian nan với nhiều người lao động. Thế nhưng chẳng cần biết học nghề làm nail có phải tất cả mọi người đều có thể giàu không nhưng dân Hà Nội vẫn rỉ tai nhau nghề làm nail là cơ hội nhanh nhất và dễ nhất để đổi đời.
----------------------------------------------------------------------
Ông Trương Tấn Sang đi Mỹ kiểu “đồng sàng dị mộng”?
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=169267&zoneid=1

Friday, July 12, 2013 5:25:48 PM 

Tư Ngộ/Người Việt
WASHINGTON DC (NV) - Hôm Thứ Năm, 11 tháng 7 Bảy, Tòa Bạch Ốc ra một bản thông cáo báo chí cho hay chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ vào ngày 25 tháng 7 tới đây.
Trong bản thông báo ngắn gọn này, người ta thấy tổng thống Mỹ muốn giới hạn cuộc gặp mặt mà Hà Nội rất mong mỏi, là thảo luận “tìm cách củng cố đối tác về các vấn đề chiến lược khu vực và làm sâu sắc hơn sự hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN. Tổng thống (Obama) cũng chờ để thảo luận về nhân quyền, những thách thức đang lộ diện chẳng hạn như biến đổi khí hậu, và sự quan trọng của sự hoàn tất (đàm phán) Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TTP”.

Ông Sang chưa tới nhưng một số chuyên viên quốc tế về các vấn đề Việt Nam đã đưa ra các bình luận về nhu cầu sang Mỹ tìm kiếm sự chống lưng của Tòa Bạch Ốc trên nhiều mặt từ kinh tế đến quốc phòng, giúp chế độ tồn tại.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì chắc chắn không bỏ qua dịp này để đứng trước Tòa Bạch Ốc hô lớn các khẩu hiệu chống ông lãnh tụ CSVN độc tài đảng trị, tham nhũng và đàn áp nhân quyền. 

Ông Trương Tấn Sang là chủ tịch nước CSVN thứ hai sang Mỹ sau ông tiền nhiệm Nguyễn Minh Triết. Cũng đã có 2 thủ tướng CSVN sang Mỹ là Phan Văn Khải và Nguyễn Tấn Dũng kể từ khi hai kẻ cựu thù thiết lập bang giao năm 1995.

Một số bài bình luận đã nêu ra trở ngại để hai nước có thể trở thành đối tác chiến lược là vấn đề nhân quyền và không tuân thủ các luật lệ hay công ước quốc tế của Hà Nội, gồm cả các vấn đề tôn trọng các quyền của người dân lao động. 


Ông Trương Tấn Sang mới tới Bắc Kinh vào các ngày từ 19/6 đến ngày 21/6/2013. Bản thông cáo chung giữa Việt Nam và Trung quốc nói “Lãnh đạo hai nước đã đi sâu trao đổi ý kiến và đạt nhận thức chung rộng rãi về việc làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung trong tình hình mới, cũng như về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

“...nhất trí việc Lãnh đạo hai Đảng, hai nước duy trì trao đổi và đối thoại thường xuyên về vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, chỉ đạo và thúc đẩy giải quyết ổn thỏa vấn đề trên biển xuất phát từ tầm cao chiến lược và đại cục quan hệ hai nước”. 

Tuyên bố chung thì như vậy nhưng chỉ mới mấy ngày trước, tàu tuần Trung quốc đã cướp phá hai tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa. Ngay lúc này, cái lệnh Trung Quốc cấm đánh cá trên Biển Đông cho tới đầu Tháng 8 vẫn đang có hiệu lực mà Hà Nội chỉ phản đối suông.

Hải quân Trung Quốc đã mở nhiều cuộc tập trận đe dọa Việt Nam cũng như Bắc Kinh gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trên Biển Đông ở các khu vực cướp của Việt Nam, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa.

Hà Nội thường xuyên lập lại lời kêu gọi giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo dự trên công ước quốc tế UNCLOS và lời tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử trên Biển Đông để tránh xung đột võ trang. Nhưng Bắc Kinh vẫn nói một đàng làm một nẻo.

Giới chuyên gia phân tích thời sự không tin rằng vấn đề nhân quyền mà tổng thống Mỹ muốn nhấn mạnh sẽ là cái Hà Nội muốn nghe trong cuộc tiếp xúc. Đúng ra, ông Trương Tấn Sang sẽ “bị nghe” và đã chuẩn bị sẵn những lời chống chế như những lãnh tụ đỏ khác đã đến đây bất chấp sự thật.

Hà Nội muốn Mỹ bỏ cấm vận bán võ khí sát thương, muốn Mỹ đừng quá gắt về điều kiện đàm phán Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP) khi ép Việt Nam để Mỹ bảo vệ kỹ nghệ dệt may và giới lao động của mình.

Trên hết và bao trùm cho những vấn đề đó, Hà Nội muốn tiến đến một thỏa thuận về “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Đã qua hai vòng đàm phán ở cấp thứ trưởng nhưng không có dấu hiệu tiến triển gì đáng kể. Bà Hillary Clinton khi còn là ngoại trưởng từ tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng tiến đến “Đối tác chiến lược” với Việt Nam với điều kiện Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.

CSVN muốn có cái dù của Mỹ che chở mạnh hơn trong tranh chấp Biển Đông, muốn Mỹ hiện diện quân sự thường xuyên hơn ở khu vực để cản sự lộng hành của Bắc Kinh, muốn có những điều lợi hơn trong quan hệ mậu dịch thương mại và đầu tư, nhưng lại ngày càng tồi tệ hơn về nhân quyền. Viên chức chính phủ Obama điều trần ở Quốc hội từng nhìn nhận như thế. Hoa Thịnh Đốn áp lực Hà nội quá các cuộc đối thoại song phương đến can thiệp trực tiếp các vụ bắt giữ, bỏ tù người bất đồng chính kiến, nhưng không có bao nhiêu tác dụng.

Nhu cầu và ưu tiên số một của băng đảng ở Ba Đình là phải duy trì bằng mọi giá cái chế độ độc tài và tham nhũng hại dân để tiếp tục đục khoét. Khẩu hiệu của guồng máy công an “Còn đảng còn mình” diễn tả đầy đủ lý do tại sao chế độ Hà Nội bằng mọi giá giữ chặt lấy quyền lực chính trị. Bởi vậy, họ không ngần ngại bỏ tù những ai lên tiếng đả kích các sai trái của chế độ hay đòi đa nguyên đa đảng.

Ông Jonathan London, người Mỹ đang giảng dạy ở đại học HongKong viết trên blog “Xin Lỗi Ông...” hôm 11/7/2013 rằng ông hiểu CSVN có hai nhu cầu. Hà Nội muốn tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và thêm đầu tư Mỹ vào Việt Nam. Hà Nội cần có sự ủng hộ của Mỹ để có thế mạnh hơn hầu đối phó với Trung Quốc.

Nhưng trong khi đó, Hà Nội lại vẫn có mối quan hệ chằng chịt và vô cùng sâu rộng với Bắc Kinh. Quan hệ sâu rộng hơn với Mỹ sẽ giúp Hà Nội giải quyết các khó khăn nội tại về kinh tế và giải tỏa bớt áp lực của Bắc Kinh trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

“Vấn đề cơ bản cho Ba Đình là muốn có những bước đột phá trong hai lĩnh vực quan trọng này, phải có một số thay đổi thực sự mà chưa chắc ĐCSVN có thể làm được.” Ông London bình luận.

Tức là, muốn tiến đến đối tác chiến lược với Mỹ, Hà Nội phải lột xác. CSVN phải “cho phép toàn dân tham gia vào cuộc sống chính trị của đất nước một cách công bằng, xóa bỏ việc đàn áp, và phát triển những thể chế dân chủ, khác hẳn với các thể chế từ 1945 đến này. Làm như thế mới thành một trong những nước tiên tiến, văn mình và được thể giới tôn trọng. Hơn nữa, làm thế thì Việt Nam và Mỹ có thể hợp tác càng ngày càng tốt hơn và thoát khỏi những ký ức buồn đã qua và hướng tới một mối quan hệ lành mạnh hơn”.

Hàng chục ngàn người đã ký tên trên các bản kiến nghị hay đòi hỏi chế độ Hà Nội hỷ bỏ điều 4 Hiến Pháp dành độc quyền cai trị cho đảng CSVN. Hội đồng Giám Mục Công Giáo Việt Nam, giới nhân sĩ trí thức trong đó có rất nhiều người là đảng viên cấp cao của chế độ, đứng đầu các đỏi hỏi thay đổi, đòi chế độ trả lại quyền làm chủ đất nước cho người dân. Dù vậy, không có hy vọng gì sẽ có bản Hiến Pháp mới dân chủ thật sự như mọi người mong mỏi.

Trước chuyến đi của ông Trương Tấn Sang, tướng Đỗ Bá Tỵ, tổng tham mưu trưởng quân đội kiêm thứ trưởng Quốc phòng CSVN, tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Quốc phòng CSVN và cả Bộ trưởng Quốc phòng CSVN Phùng Quang Thanh từng tới Mỹ đưa các đề nghị vận động Mỹ chống lưng từ bán các loại võ khí đến hậu thuẫn CSVN đối phó với Bắc Kinh. Tới nay, riêng đối với Việt Nam, Tòa Bạch Ốc chưa thấy có những thay đổi căn bản và “đột phá” để nâng tầm quan hệ an ninh quốc phòng giữa hai nước, khi mà Hà Nội chỉ muốn Mỹ đổi chính sách còn Hà Nội vẫn giữ thế ù lỳ.

Theo nhận định của Giáo sư Carl Thayer viết trên web BBC, chuyến đi của ông Trương Tấn Sang là “một phần cố gắng của Hà Nội nhằm có được hiệp định hợp tác chiến lược với Washington”. Nhưng ông ta thành công hay không, tùy thuộc những gì Hà Nội sẽ nhượng bộ. Mỹ có quyền lợi của nước Mỹ trong chiến lược toàn cầu. Hà Nội có nhu cầu của mình.
Điều quan trọng là hai bên gặp nhau ở chỗ nào. Chuyến đi của ông Trương Tấn Sang sẽ mở sang một trang sử mới về bang giáo giữ hai kẻ cựu thù, hoặc chỉ là một đòn dọa ma đối với Bắc Kinh, hy vọng đọc thấy phần nào trong bản thông cáo chung ngày 25/7/2013 tới đây.
------------------------------------------------------------------

13/07/2013

Ai bảo vệ ngư dân?

http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/07/ai-bao-ve-ngu-dan.html
Nguyễn Văn Tuấn
Cứ mỗi lần ngư dân của mình bị bọn hải giám của Tàu tấn công và cướp bóc, câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu tôi: chẳng lẽ chẳng có ai bảo vệ ngư dân? Mới ngày hôm kia, một đám hải quân trong chiếc tàu gọi là “hải giám” của chúng đánh đập ngư dân ta, đập phá và ăn cướp ngư cụ, và còn chặt cột cờ. Hành động chặt cột cờ rõ ràng là một sự khiêu chiến. Chợt nhớ hôm nào có ngư dân bảo vệ lá cờ và sau này được trao huy hiệu. Không biết những người theo chủ nghĩa hình thức (trao huy hiệu đó) sẽ làm gì khi kẻ thù ngang nhiên khiêu chiến chặt quốc kỳ? Vậy mà cho đến nay, sau hai ngày sự việc xảy ra, Chính phủ chẳng hề có một phát biểu chính thức. Chỉ có “Hội nghề cá” lên tiếng một cách yếu ớt.
Những hành động đó của quân Tàu chỉ có thể mô tả bằng hai chữ: cướp biển. Bọn cướp biển này có tổ chức và được Chính phủ Tàu bảo trợ. Tiếng Anh có một chữ dành cho những kẻ này: state-sponsored piracy. Cũng có thể xem cướp biển là khủng bố, nên chúng ta cũng có thể dùng chữ state-sponsored terrorism – khủng bố do Nhà nước bảo trợ.
Điều đáng nói là những hành động cướp biển / khủng bố này xảy ra chỉ vài tuần sau chuyến viếng thăm Tàu của ngài Chủ tịch Nước và đoàn quân sự Việt Nam. Chắc có lẽ chúng ta không bao giờ
...

[Thư đã được cắt bớt]  Xem toàn bộ thư