Chuyện lạ - “Cấm” công dân và nhà báo ghi hình CSGT làm nhiệm vụ?


(Văn bản này để đối phó với bài viết của blogger, nhà báo Đoan Trang!?: Hãy biết quyền của mình (1): Chụp ảnh công an)

Công Tâm (GiadinhNet) - Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ra văn bản gửi Trưởng phòng CSGT các tỉnh, TP chỉ đạo về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”. Nội dung văn bản này đang khiến bất kỳ ai đọc cũng có thể hiểu là từ sau khi có chỉ đạo này thì công dân, nhà báo sẽ không được ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ?

Nội dung văn bản của Cục CSGT đường bộ, 
đường sắt đang gây khó hiểu cho PV khi tác nghiệp.

Ngày 26/4, Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) đã ký văn bản số 1042/C67-P3 gửi Trưởng phòng CSGT công an các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về việc “Giả danh nhà báo ghi hình CSGT”. Trong văn bản này có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản, nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Văn bản nêu trên mục đích nhằm “xử lý” hành vi giả danh nhà báo tuy nhiên, ngôn ngữ trong văn bản thiếu rõ ràng gây khó hiểu. Theo đó, quy định “đối tượng”, “quay phim chụp ảnh hoạt động TTKS, XLVP khi chưa được sự đồng ý của CSGT đang làm nhiệm vụ” cần phải làm rõ. Theo đó, “đối tượng” được nêu ở đây là ai? Là những người “có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ” hay bất kỳ người dân nào chứng kiến và ghi nhận lại sự việc? 

Theo tham khảo của PV Báo GĐ&XH, công ty TNHH Luật YouMe khẳng định: “Về nguyên tắc, công dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Cán bộ, công chức, chiến sỹ công an trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ được giao chỉ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ở đây, cần xác định rõ việc công dân thực hiện “quay phim, chụp ảnh hoạt động TTKS” của CSGT có bị pháp luật cấm? Hoặc được thực hiện trong phạm vi khu vực cấm hoặc hạn chế quay phim, chụp ảnh hay không? Nếu không thuộc các trường hợp này mà CSGT cấm người dân hoặc phóng viên quay phim, chụp ảnh là đã thực hiện những việc ngoài nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Việc quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang thi hành công vụ không thể hiểu ghi hình ảnh riêng tư của một hay một vài cá nhân cụ thể, mà là ghi hình ảnh thi hành công vụ của cơ quan, cá nhân đại diện cho Nhà nước tại nơi công cộng (công khai) nên không cần phải được CSGT (hay bất cứ cá nhân nào) ở có mặt ở nơi công cộng này “đồng ý”, hoặc “không đồng ý”. 

Cùng đó, với quy định: “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản…” cũng là khái niệm khó hiểu. Phải chăng trong trường hợp nhà báo (có thẻ nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp) thực hiện nghiệp vụ ghi hình, chụp ảnh CSGT làm nhiệm vụ thì phải được “sự đồng ý” của CSGT thì mới có quyền tác nghiệp? Động thái yêu cầu “tập hợp, thông báo cho cơ quan chủ quản” do Đại tá Hà đưa ra là nhằm mục đích gì? Phải chăng, trong trường hợp này, nhà báo vừa phải được sự đồng ý của CSGT, được lực lượng này tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản xong thì mới được tiếp tục tác nghiệp? 

Luật sư Phạm Ngọc Minh, Công ty TNHH Luật YouMe cho rằng, theo quy định của Luật báo chí, thì nhà báo: “Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước” (khoản 1 Điều 8 Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/04/2002 hướng dẫn thi hành chi tiết Luật Báo chí). Như vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin không thuộc bí mật Nhà nước là trách nhiệm (bắt buộc) của cơ quan, tố chức. Do đó, hướng dẫn của Cục CSGT Đường bộ, đường sắt tại công văn số 1042/C67-P3 yêu cầu chỉ khi CSGT “cho phép”, “đồng ý” thì nhà báo mới được quay phim, chụp ảnh là trái quy định của pháp luật”. 

Ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, nhà báo hoạt động theo Luật Báo chí và khi nhà báo tác nghiệp đúng Luật Báo chí thì không ai có quyền ngăn cản. Ngày 20/8, ông Hà Minh Huệ sẽ có trả lời cụ thể PV Báo Gia đình và Xã hội trước nội dung ông văn số 1042 của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an)