Đòi đa đảng – vẫn thủ đoạn “chia để trị”


Đôi lời
: Một bài mới thứ 2 của ông GS Nguyễn Lang trên Đại đoàn kết,
 Đòi đa đảng – vẫn thủ đoạn “chia để trị”khét lẹt mùi thù địch ngay từ cái tựa, chứ không kiểu “diễn biến hòa bình” như bài trên Tầm nhìn mà chúng tôi đã vội mừng trong bình luận sáng nay, mục điểm tinVậy đây là bài thứ 17 trong chiến dịch bảo vệ sự độc tôn của đảng CSVN.  
.
Mới liếc qua đã thấy một điều dối trá và đánh lạc hướng dư luận trắng trợn, nguy hiểm trong bài viết của ông GS ít nghe tiếng này: “Ở phạm vi thế giới, một số cường quốc đang thực thi, áp đặt chính sách bá quyền, bành trướng của họ lên các nước khác …”, tưởng ông ám chỉ Trung Quốc, thì hóa ra ông lại cho rằng “một nội dung của sự áp đặt đó đối với Việt Nam là đòi hủy bỏ Điều 4 của Hiến pháp, thực hiện chế độ đa  đảng …”nên ai cũng có thể hiểu không thể có thằng “bạn vàng” Tàu Cộng của cái đảng mà ông đang bảo vệ ở trong đó được.
.
Sau màn dối trá là sự tự mâu thuẫn rất rõ khi ông đề xuất “cần kiên quyết giao cho MTTQ Việt Nam (gồm các thành viên) và các phương tiện thông tin đại chúng chính thống nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn, có tình có lý …”nhưng ngay trong chính bài “phản biện” này của ông lại chẳng hề có chút “căn cứ khoa học”, “có tình có lý” gì, mà vẫn sặc mùi Ban Tuyên giáo.
28-8-2013
1LTS: Những ngày gần đây, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích những vấn đề được ông Lê Hiếu Đằng nêu ra trong bài “Viết trong những ngày nằm bệnh”. GS. Nguyễn Lang – Ủy viên Hội đồng tư vấn Kinh tế của MTTQ Việt Nam cũng đã có bài viết gửi tới Đại Đoàn Kết trao đổi, chủ yếu tập trung vào đề nghị đa đảng mà ông Lê Hiếu Đằng đã đưa ra trong bài viết của mình. ĐĐK xin giới thiệu nội dung chính của bài viết.
Trước hết cần phải thấy việc có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề nào đó trong cuộc sống hay trong học thuật là một tất yếu khách quan. Đây, theo tôi, còn là điều cần thiết. Bởi, có ý kiến khác nhau sẽ tạo điều kiện để mỗi chúng ta khắc phục bệnh chủ quan duy ý chí, độc đoán. Vấn đề chính cần đặt ra ở đây là phải cọ xát các ý kiến khác nhau để tìm lời giải có căn cứ khoa học và thực tiễn sao cho có tình, có lý. Qua đó, tạo điều kiện để phát triển tư duy, thống nhất hành động. 
Hiện đang có một thực trạng xã hội nảy sinh, kể từ khi Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tổ chức lấy ý kiến toàn dân tham gia góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Thời điểm này cũng là lúc một số chính kiến khác nhau (hoặc có thể gọi thẳng là một số bất đồng) đã có dịp bộc lộ công khai và rộng rãi hơn nhiều so với trước đây. Những bất đồng này, quả thực hiện vẫn còn tồn tại, chưa được giải quyết thật sự triệt để. Cũng vì thế đã nảy sinh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này. Đây, theo tôi là cuộc đấu tranh để đi tới thống nhất tư tưởng, quan điểm nhằm củng cố và phát triển hơn nữa sự đoàn kết toàn dân. 
 
Ở phạm vi thế giới, một số cường quốc đang thực thi, áp đặt chính sách bá quyền, bành trướng của họ lên các nước khác. Thực trạng đó dẫn đến các nước khác, nhất là các nước nhỏ, đang đứng trước nguy cơ biến thành nước chư hầu (dưới những hình thức và mức độ khác nhau) của các cường quốc đó. 
 
Một nội dung của sự áp đặt đó đối với Việt Nam là đòi hủy bỏ Điều 4 của Hiến pháp, thực hiện chế độ đa  đảng. Trong lĩnh vực này, cần thấy sự khác biệt của cơ chế vận hành chế độ đa đảng tại các nước phương Tây với việc cơ chế vận hành mà họ áp đặt vào Việt Nam. Điển hình là tại Mỹ, chỉ có hai đảng xuất hiện trên chính trường là Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa; tuy đối lập nhưng chỉ là đối lập về chủ trương, chính sách còn mục tiêu vẫn là nhằm áp đặt chủ nghĩa bá quyền nước lớn lên các nước khác. Đối với Việt Nam, đòi hỏi áp đặt chế độ đa đảng là để dựng lên một (hoặc nhiều đảng) đối lập với mục tiêu đối lập là đưa Việt Nam vào quỹ đạo phụ thuộc và các nước ngoài, qua đó triệt tiêu khả năng thực hiện định hướng XHCN. Vì thế, một chế độ đa đảng vận hành theo ý đồ của các thế lực phản động nước ngoài chỉ nhằm vào việc phá vỡ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền của dân tộc. Do đó để tiếp tục nhiệm vụ đấu tranh để bảo vệ độc lập và chủ quyền; với Việt nhiệm vụ cấp bách, trước mắt là phải bảo vệ, củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân. Cũng vì thế nên không thể chấp nhận cơ chế đa đảng đối lập về mục tiêu tại Việt Nam. Về phương diện này, tôi nghĩ, Việt Nam cần vận dụng kinh nghiệm truyền thống – đó là phải phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân để giữ vững nền độc lập chủ quyền của dân tộc. Mất đoàn kết là nguy cơ trực tiếp dẫn đến việc đưa Việt Nam quay lại vị thế của một nước thuộc địa dưới hình thức phụ thuộc vào một cường quốc nào đó.
 
Muốn làm được điều đó, theo tôi, trước hết, chúng ta phải hiểu rõ vấn đề của chính mình; hiểu rõ con đường mà chúng ta đi hiện đang tới đâu? Câu trả lời đã được các ĐH Đảng toàn quốc xác định rõ khi chỉ ra: Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ lên CNXH. Trên con đường đi đến xã hội XHCN ấy, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng đã có những sai lầm. Điều này, ngay tại ĐH VIII, Đảng ta đã thẳng thắn ghi nhận là đã có sự chệch hướng mục tiêu của con đường đi lên CNXH. Cũng vì thế, trong tình huống này, các thế lực thù địch đã thực thi âm mưu diễn biến hòa bình để thực hiện việc làm cho đội ngũ cán bộ ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vấn đề đa nguyên, đa đảng cũng đã xuất hiện tại Việt Nam cùng giai đoạn này; cụ thể là sau khi Liên xô (cũ)  sửa đổi Hiến pháp của mình theo hướng xóa bỏ điều quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từ đó đến nay, để phản bác lại quan điểm sai lầm cũng như những bước đi sai lầm do một số cá nhân đưa ra, chúng ta đã có những đấu tranh nhất định. Nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân là do ta chưa làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của vấn đề này nên đã chưa giải quyết dứt điểm được những tranh luận kéo dài ấy và đây cũng chính dịp để chúng ta tập trung phản bác lại những quan điểm, cái nhìn phiến diện khi tập trung sửa đổi Hiến pháp 1992.
 
Có một thực tế không thể phủ nhận: Trong quá trình thực hiện bước quá độ lên CNXH, chúng ta đã đạt được những thành tích to lớn như đã đưa nước ta ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển. Nếu so sánh tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay với tình hình trước cách mạng tháng 8-1945 thì phải khẳng định là chúng ta đã có những bước phát triển toàn diện và to lớn. Thế nhưng trong quá trình phát triển, chúng ta cũng đã có những sai lầm, khuyết điểm- đó là những lực cản bước phát triển của nền kinh tế nói riêng, của đất nước và xã hội ta nói chung. Xuất phát từ đó, nhiều người đã bàn đến các giải pháp nhằm đề cao vấn đề dân chủ và nhân quyền; đề cao vai trò của dân tộc cũng là phủ định vai trò của giai cấp; đề cao vai trò của chủ nghĩa xã hội dân chủ của các nước Bắc Âu… Nhưng xét cho cùng tất cả những phương án trên đều có những mặt hạn chế nhất định. Trong bối cảnh ấy mà lại đòi đa nguyên, đa đảng thì thật không thích hợp. Nếu xét kỹ việc hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với một số cường quốc đang áp dụng chính sách bá quyền, bành trướng để đưa nước ta quay về trở thành một nước phụ thuộc vào họ thì mới thấy hết sự không thích hợp của cái xu thế đòi đa nguyên, đa đảng. Trong điều kiện hiện nay, Việt Nam phải phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền của dân tộc. Thực hiện đa nguyên, đa đảng sẽ phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời cũng xa lầy vào thủ đoạn truyền thống “chia để trị” nên không thể chấp nhận được giải pháp này.
 
Vậy, chúng ta cần và nên làm gì? Đầu tiên, cần tiếp tục công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như đã được ghi tại Điều 4 của Hiến pháp. Nhưng, bản thân Đảng vào lúc này cũng cần tự đổi mới mình để củng cố vai trò lãnh đạo. Muốn làm được như thế, Đảng phải tự vươn lên để có đủ sức khắc phục những sai lầm, khuyết điểm đã mắc phải. Trong lĩnh vực này, cần thấy là nhiệm vụ tự vươn lên, tập trung trước hết vào đội ngũ cán bộ, đảng viên chiến lược tham gia vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Một định hướng tự vươn lên là đội ngũ này phải tự rèn luyện, phấn đấu tự cải tạo mình để chuyển thành những con người mang đầy đủ bản chất của giai cấp công nhân như đã đề cập ở trên. Đó cũng là quá trình đấu tranh để hình thành những con người XHCN để xây dựng CNXH như lời dạy của Hồ Chủ tịch.
 
Bên cạnh đó, cần kiên quyết giao cho MTTQ Việt Nam (gồm các thành viên) và các phương tiện thông tin đại chúng chính thống nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội một cách có căn cứ khoa học và thực tiễn, có tình có lý để khắc phục sự không đồng thuận xã hội đối với một số chủ trương, chính sách, quyết định cụ thể của Đảng, Nhà nước. Đồng thời giao trách nhiệm cho chủ thể và đối tượng giám sát, phản biện trách nhiệm phải tổ chức đối thoại để đi tới sự thống nhất đánh giá. Trường hợp không thống nhất được thì BCT phải có giải pháp xử lý thích hợp.
 
Về phía mình, đứng trước diễn biến của một số dư luận tạo nên sự không đồng thuận xã hội, một biểu hiện của việc suy giảm sự đoàn kết toàn dân, MTTQ Việt Nam phải chăng cũng nên xem xét đánh giá lại về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân trên các mặt trận không có tiếng súng.
GS. Nguyễn Lang