RSF Vinh Danh Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và Lm Lê Ngọc Thanh Là "Anh Hùng Thông Tin"


Thụy My, RFI: Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) hôm nay 29/04/2014 công bố danh sách « 100 anh hùng thông tin » nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5 năm 2014. Trong danh sách này có ba nhà báo, blogger Việt Nam là Phạm Chí Dũng, Trương Duy Nhất và linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh. Đây là lần đầu tiên Phóng viên Không biên giới đưa ra danh sách « 100 anh hùng thông tin ».

Theo RSF, với lòng can đảm mẫu mực, « 100 người hùng » này bằng công việc hay cuộc chiến đấu của mình đã đóng góp vào việc xúc tiến tự do báo chí được ghi trong điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, « tìm kiếm, tiếp nhận và lan truyền mà không quan tâm đến biên giới, các thông tin và ý tưởng do dù bằng phương tiện biểu hiện nào ».

Ông Christophe Deloire, tổng thư ký RSF trong thông cáo báo chí tuyên bố : « Ngày Tự do Báo chí Thế giới, từ sáng kiến của RSF, là dịp để vinh danh lòng can đảm của các nhà báo và blogger, hàng ngày đã hy sinh sự an toàn và đôi khi cả mạng sống cho thiên chức của mình. Các anh hùng thông tin là nguồn cảm hứng cho mọi người nam cũng như nữ có khát vọng tự do. Không có quyết tâm của họ và những người như họ, thì hoàn toàn không thể nào mở rộng được tự do ».

Danh sách này gồm các nhà báo và blogger từ 25 đến 75 tuổi thuộc 65 quốc tịch khác nhau. Người trẻ tuổi nhất là phóng viên ảnh Oudom Tat của Cam Bốt, và người lớn tuổi nhất là nhà báo Pakistan Muhammed Ziauddin. Châu Á- Thái Bình Dương có 25 nhà báo được vinh danh, trong khi châu Âu chỉ có 8 người. Các quốc gia có từ ba « anh hùng thông tin » trở lên là Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Iran, Azerbaijan, Mêhicô và Eritrea.


Ts Phạm Chí Dũng  - Blogger Trương Duy Nhất - Linh mục Lê Ngọc Thanh

Tại Việt Nam, có nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người đã từ bỏ đảng để dành tâm trí cho những bài viết phản biện với chính quyền. Từng là sĩ quan quân đội, Phạm Chí Dũng có thời gian làm trợ lý cho ông Trương Tấn Sang – người đến năm 2011 trở thành Chủ tịch nước. Nhà báo Phạm Chí Dũng có các công trình nghiên cứu về chính sách an ninh chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế và tôn giáo.

Các bài báo tố cáo tham nhũng và yếu kém của chính quyền khiến ông bị bắt vào tháng 7/2012 vì các tội danh « âm mưu lật đổ chính quyền » và « tuyên truyền chống nhà nước ». Được đình chỉ điều tra, ông ra tù 7 tháng sau đó. Nhưng bằng tiến sĩ kinh tế, 11 tác phẩm đã xuất bản cùng với vô số bài viết trên các đài phát thanh quốc tế trong đó có RFI của ông vẫn không ngăn trở được việc ông bị tịch thu hộ chiếu vào tháng 2/2014 lúc chuẩn bị đi Genève tham dự một hội nghị về nhân quyền với vai trò diễn giả.

Bên cạnh đó là blogger Trương Duy Nhất, đã bỏ nghề báo để viết blog « Một góc nhìn khác ». Trong ba năm, ông đã đăng trên 1.000 bài trên mạng, trong đó có những bài do chính ông viết. Sau bốn lần được lệnh đóng blog, tháng 5/2013 Trương Duy Nhất bị bắt và bị kết án hai năm tù vì 12 bài báo.

Người thứ ba là linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, làm việc cho Truyền thông Chúa Cứu Thế từ thập niên 90. Năm 2012 ông bị câu lưu nhiều tiếng đồng hồ khi đi Bạc Liêu dự đám giỗ 49 ngày bà Đặng Thị Kim Liêng - mẹ blogger Tạ Phong Tần đã tự thiêu phản đối bản án dành cho con bà. Năm 2013 ông lại bị câu lưu lần nữa trong một cuộc biểu tình ủng hộ blogger Đinh Nhật Uy, và hiện vẫn đang bị công an theo dõi thường xuyên.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ ngay sau khi được biết tin, nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết cảm tưởng :

« Tôi thấy vui lắm ! Tại vì khi tôi được đình chỉ điều tra một năm trước đây, lúc đó tôi trở lại viết và viết phản biện. Tôi nghĩ rằng cần phải đóng góp một cái gì đó cho xã hội, và không thể không viết. Tóm lại, đã không biết viết thì thôi, trước hiện tình xã hội hiện nay, nếu biết viết mà không viết thì cảm thấy có lỗi rất lớn. Thành thử tôi ráng viết, và tôi nghĩ tới một lúc nào đó, những bài viết của tôi có thể có một hiệu ứng nào đó đối với xã hội. Đóng góp một phần nho nhỏ cho công cuộc cải tạo, dân chủ xã hội, làm cho công bằng và tốt đẹp hơn.

Với Phóng viên Không biên giới là tổ chức đã lên tiếng ngay từ đầu khi tôi bị bắt, tôi cho là tôi có duyên với họ. Đây cũng là sự tưởng thưởng nói chung cho giới báo chí ở Việt Nam – những người được coi là dấn thân, đang đấu tranh cho một nền báo chí độc lập ở Việt Nam. Tôi vui về điều đó và tôi nghĩ rằng những thế hệ cùng với tôi cũng như những thế hệ sau tôi còn có thể được nhận những niềm vui lớn hơn, nếu họ dấn thân đấu tranh nhiều hơn ».

Xin mời quý thính giả theo dõi bài phỏng vấn nhà báo Phạm Chí Dũng trên RFI Việt ngữ ngày mai.

Video Tri ân Thương phế binh QLVNCH tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn




Ngô Thị Hồng Lâm (Danlambao) - 30/4/1975 - 30/4/2014. Dù muốn quên đi quá khứ buồn của dân tộc, nhưng ngày 30/4 vẫn trở về. Ngày này của 39 năm trước, từ 2 phía của chiến hào đất nước đã im tiếng súng. Giang san đã thu về một mối. Máu đã ngưng chảy, “Bên thắng cuộc” đã hoàn toàn nắm trọn quyền kiểm soát đất nước, thế nhưng “Bên thua cuộc” họ là những người chiến sĩ đã từng tham chiến bị thương tật, họ đã bỏ lại một phần cơ thể ngoài mặt trận cho đến nay họ vẫn bị những người cầm quyền bỏ quên. Đời sống của họ nay vô cùng khó khăn.

“Ta đánh đây là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc” (Lê Duẩn).

30/4/1975 khi tiếng súng đã ngưng. Đường phố dọc 2 bên rợp cờ đỏ tung bay. Dòng người ở Hà Nội mừng vui tràn ra ngoài đường đông nghẹt từ sáng sớm cho đến 23h khuya. Hệ thống loa phóng thanh mắc trên đường phố hoạt động hết công suất trong ngày, liên tục loan đi các bản tin thời sự chiến thắng của bộ đội trên các mặt trận phía Nam đất nước gửi về. Khí thế “quân ta chiến thắng” hừng hực được phát ra từ các hệ thống loa phóng thanh ca ngợi cuộc chiến này của “Bên thắng cuộc”. Họ say mê phát những bản tin chiến thắng “quân ta hừng hực khí thế chiến thắng...” cho đến cuối năm 1975 vẫn đang còn chưa thôi.

Nụ cười rạng rỡ trên nét mặt của những bà mẹ, những người vợ, những người chị miền Bắc khi bóng những người thương yêu đã biền biệt tin tức ở chiến trường khói lửa khoác ba lô, nay đã trở về, dù có là một thương binh với đầy những vết thương trên cơ thể.

Bên cạnh đó là những dòng nước mắt tuôn trào, uất nghẹn khi những bà mẹ nhận được giấy báo tử của con mình, đã mãi mãi không trở về. Nhà buồn, nhà vui lẫn lộn trong dân chúng miền Bắc ngày 30/4/1975.

Những đoàn cán bộ từ các cơ quan ở miền Bắc được lệnh vào tiếp quản Sài Gòn ùn ùn lên đường vào Nam để rồi sau đó những chuyến xe đò vận chuyển tủ lạnh, ti-vi, dàn loa thùng Akai, quạt máy từ phía Nam chở ra Bắc hàng ngày.

Người dân thì được chính quyền tuyên truyền: “Ta đã đánh thắng 2 tên đế quốc đầu xỏ là Pháp và Mỹ. Ta là người chiến thắng”. Dân miền Bắc do bị nhiễm độc nên luôn có niềm hào đến hãnh diện vì “Ta là người chiến thắng” với chính những người anh em cùng nòi giống Lạc Hồng của mình là những bà mẹ, những người vợ, người con dắt díu nhau ra đất bắc đề nuôi thân nhân ở tù. Họ đến đất Bắc với sự tự ti và sợ sệt những người đang chiến thắng!

Để rồi hàng năm mỗi khi ngày 30/4/ trở về, tuyên huấn nước nhà vẫn say sưa trong chiến thắng với người anh em mà họ từng gán cho 2 chữ “ngụy quân, ngụy quyền” với những bản tin phát lại khí thế tiến công hừng hực của “quân và dân ta”.

30/4/2014 năm nay không khí mừng chiến thắng 30/4 thấy không còn rầm rộ nữa. Băng rôn khẩu hiệu kỷ niệm chiến thắng 30/4 hầu như rất ít trên các nẻo đường của thành phố Hồ Chí Minh. Trống dong cờ mở chỉ có ở những Ủy ban nhân dân mà thôi. Đường phố băng rôn khẩu hiệu chào mừng hầu như không có!

Điều gì đã làm nên ngạc nhiên này? Phải chăng “từ đây người biết yêu người, từ nay người biết quê người” (Văn Cao). Máu chảy đã làm mềm ruột? Những người cầm quyền của đất nước này đã thực muốn hàn gắn những vết thương “hận lòng” mà người anh em của chúng ta số đã khuất, số đã phải bỏ nước ra đi? Số anh em còn lại là những thương phế binh đã bị hắt ra ngoài lề xã hội bấy lâu nay. Vô số người bị cụt cả 2 chân. Sau cuộc chiến họ bị tàn phế, họ mất đi khả năng lao động. Thế nhưng họ vẫn di chuyển cơ thế trên 2 chiếc ghế để bán từng tấm vé số, từng chiếc bong bóng, từng chiếc bàn chải để kiếm sống qua ngày phụ giúp gia đình và phải đi mướn nhà để ở. Chúng ta đã gặp họ ở buổi lễ “Tri ân thương phế binh tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn”. Họ chính là trong số “Triệu con Tim, Triệu khối óc kiêu hùng” của cộng đồng chúng ta.

Buổi lễ mang đậm tính nhân văn. chia sẻ của cộng đồng đứng đầu là sự ủng hộ của các Cha và các bổn đạo trong cộng đồng với những anh em thương phế binh. Buổi lể Tri ân thực sự thu hút và nhận được sự đồng tình ủng hộ của xã hội đối với các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, đem đến cho các anh em Thương phế binh sự trân cảm ấm áp tình người trong khi các anh đã bị xã hội bỏ quên 39 năm qua.

Đa số anh em Thương phế binh nay tuổi đã xế chiều, họ sẽ còn có bao nhiêu cơ hội như thế nữa để gặp nhau. Mong rằng chương trình này sẽ được nhân lên nhiều lần trong năm với những anh em Thương phế binh Quân lực VNCH.

Họ là những nhân chứng còn lại mang đầy đủ nhất nỗi niềm cay đắng THỜI HẬU CHIẾN!

Dân oan Hồ Giang Mỹ Lệ kể chuyện bị 5 côn an đánh đập vì cùng các chị em tưởng niệm Ngày Quốc Hận tại Sài Gòn




Phụ đề tiếng Anh: Nguyễn Hùng (Danlambao)

Sài Gòn: Dân oan biểu tình, tưởng niệm ngày Quốc Hận 30/4 bị CA đàn áp dã man


Dân oan Hồ Giang Mỹ Lệ bị CA quật ngã, sau đó bị cưỡng chế lên xe
Facebook chị Trần Ngọc Anh vừa đăng thông báo của "Phong trào Liên đới Dân Oan tranh đấu" cho biết:

Cuộc biểu tình sáng nay 30-4-2014 do Phong Trào Liên Đới Dân Oan Tranh Đấu tổ chức tại Sài Gòn, khởi hành từ công viên Lê Văn Tám đi hết đường Hai Bà Trưng thì đoàn Dân Oan bắt đầu bị côn an an ninh hành hung rồi cưỡng chế lên xe chở đi. 

Trong lúc Dân Oan bị đàn áp, có cô Hồ Giang Mỹ Lệ là dân oan quận Tư Sài Gòn, đặc biệt bị côn an an ninh bạo hành hung tợn hơn cả, cô Lệ (mặc quần hoa áo trắng) bị xô ngã bệt xuống đất rồi sau đó bị vật ngửa cưỡng chế lên xe. 

Trần Ngọc Anh thấy cô Lệ bị bạo hành quá hung tợn bèn giơ máy chụp ghi lại những hình ảnh đó thì năm sáu tên côn an ào tới miệng nói “đập chết mẹ con Ngọc Anh này đi” rồi xông vào co giò đạp Ngọc Anh té nhủi, sau lại đá đạp bồi thêm vào mạng sườn vào thắt lưng Ngọc Anh nữa, rồi cưỡng chế lên xe. Những chỗ bị đạp đá trên cơ thể Ngọc Anh đó giờ đang xưng tấy đau đớn, riêng thương tích tại lưng đau đớn khiến Ngọc Anh không thể đứng thẳng người lên được...
Xe chở số Dân Oan bị cưỡng chế tổng cộng gần 20 người, trong lúc trời đang đổ mưa tầm tã, khi xe chạy gần tới đường Hồ Học Lãm thì côn an cho dừng xe lại, yêu cầu ai là Dân Oan ở Sài Gòn và các tỉnh khác thì xuống xe, những Dân Oan còn lại thì xe sẽ chở thẳng xuống Long An với Tiền Giang. Tại đây, cô Hồ Giang Mỹ Lệ lại bị 6 tên côn an, 1 gái với 5 trai xúm vào túm tóc đấm đá túi bụi, rồi khiêng cô Lệ lên xe chở về quận Tư - Sài Gòn. 

Ngoài các Dân Oan nạn nhân trên, còn có 4 Dân Oan tỉnh Long An là Phùng Thị Ly, Mai Thị Kim Hương, Nguyễn Mai Trung Tuấn và Mai Thị Nguyệt bị chặn xe trên đường đi Sài Gòn để tham gia biểu tình.

Dân oan Nguyễn Mai Trung Tuấn, 14 tuổi, bị côn an điểm huyệt vào vai khiến Tuấn ngất xỉu, hiện vai của Tuấn bị bầm tím đau đớn.

Dân oan Mai Thị Hương bị một côn an cái cào trầy mặt.

Dân oan Mai Thị Nguyệt xông vào kéo em Tuấn đang điểm huyệt đến ngất xỉu ra thì bị một côn an đạp vào mặt ngã chúi, chân cẳng của bà Nguyệt hiện đang bị sưng vù lên.
Riêng bà Phùng Thị Ly, côn an bịa đặt cớ bắt bà là “có một người xem trên mạng rồi tố cáo rằng, ngày hôm qua bà đi biểu tình nói xấu đảng và nhà nước nên bây giờ côn an phải bắt giam bà để điều tra”. Trong giỏ xách của bà Ly lúc đó, côn an lục xét thấy có một cái áo tang kẻ hàng chữ “30-4 NGÀY TANG CỦA DÂN TỘC” mà Trần Ngọc Anh đã mặc đi biểu tình hôm qua 29-4-2014, côn an hạch hỏi bà Ly “áo này của ai?” thì bà Ly trả lời “áo của Ngọc Anh”. Hiện giờ Dân oan Phùng Thị Ly đang bị côn an tỉnh Long An giam giữ chỉ vì một lý cớ rất vu vơ khôi hài như vậy. 

PHONG TRÀO LIÊN ĐỚI DÂN OAN TRANH ĐẤU trân trọng thông báo với công luận trong và ngoài nước sự việc như trên. Thỉnh cầu qúy Đồng bào tại Việt Nam và Đồng hương trên khắp năm châu lưu tâm và dùng khả năng của mình bênh vực cho Dân Oan chúng tôi.

Facebook Trần Ngọc Anh


Điều trần của đoàn khách mời đến từ Việt Nam


   

Theo FB Nguyễn Tường Thụy  

Chúng tôi chỉ có thời gian 1'20" đến 1'30" cho phần điều trần của mình nên không thể nói được hơn-NTT
 
Vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam - Nhà báo độc lập Tô Oanh
Tôi là giáo viên đã nghỉ hưu. Trước đây tôi từng tích cực viết bài cho các báo của Nhà nước nhằm phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội và góp ý kiến của mình về sách giáo khoa trong trường phổ thông. 
Dần dần báo giấy Việt Nam đã mất dần lượng bạn đọc vì chất lượng của những tờ báo ngày càng giảm sút. Sự can thiệp của Ban tuyên giáo các cấp, sự “định hướng” trong các cuộc Giao ban báo chí định kỳ hàng tháng cho các tổng biên tập đã làm cho các tờ báo Nhà nước dẩn mất đi cái đặc thù riêng của mình, không dám đề cập đến các vấn đề có tính chất gọi là “nhạy cảm.” Vì vậy, báo chí Nhà nước dần trở thành các tờ báo “lá cải” để đăng các tin “cướp của, giết người, hãm hiếp...” với mục đích câu khách. Không tờ báo nào dám nói lên hiện tình của đất nước.
Với thực trạng trên cùng với việc xuất hiện Internet, tôi đã chuyển sang viết bài đưa lên các trang web. Đồng thời tôi lập cho mình một số Blog cá nhân. Cũng từ năm 2007, tôi đã đưa lên trang web Diendan, Vietcatholic, Boxitvn, Nhandan... các bài đăng có bút danh là Tô Oanh và Trần Tử Hà. Những bài viết này chủ yếu phản ảnh những thực trạng xã hội. Từ đó, cơ quan an ninh đã đưa tôi vào danh sách theo dõi thường xuyên và vu cho tôi nhận tiền của người nước ngoài, và bị xúi dục để viết bài nói xâu chế độ. Cùng với việc tôi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, cơ quan an ninh “sách nhiều” tôi nhiều lần, có lần kéo dài 17 ngày liền.

Báo mạng với vai trò thúc đẩy sự phát triển của xã hội - Blogger Nguyễn Tường Thụy
Ở Việt Nam, báo chí do Nhà nước quản lý. Sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước đối với báo chí đã cho ra nhiều sản phẩm thiếu trung thực, làm thui chột tài năng của các phóng viên.
Tuy nhiên, sự ra đời và phát triển kỳ diệu của Internet đã sinh ra một hình thức báo chí mới là báo mạng (ở đây không bao gồm những trang điện tử tuyền truyền cho Nhà nước). Mạng lưới blogger đã đưa tới người đọc những thông tin đa chiều, những vấn đề lý luận về tự do, dân chủ, nhân quyền. Do sự lợi hại của Internet, nhiều blogger đã phải trả giá, kể cả đi tù với mức án nặng nề. Nhưng những biện pháp trừng phạt, cấm đoán của nhà cầm quyền đã không hạn chế được sự phát triển mạnh mẽ của báo mạng.
Báo mạng tồn tại dưới các hình thức website, blog, các trang Facebook, có những ưu điểm vượt trội như thông tin kịp thời, nhạy bén, độ tin cậy cao luôn bám sát những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống.
Khi độc giả đang nhàm chán với thông tin một chiều của báo chí Nhà nước thì báo mạng ra đời đã đáp ứng nhu cầu của họ. Báo mạng trở thành đối trọng và là sự thách thức đối với báo chí Nhà nước, thúc đẩy việc phải đổi mới lối viết, cách đưa tin của báo chí Nhà nước.
Trước vấn đề tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, Nhà nước cần, nới lỏng kiểm duyệt đối với báo chí. Cần cho phép báo chí tư nhân, đài phát thanh tư nhân hoạt động và được tự do xuất bản. Tuy nhiên về lâu dài, cần phải có một thể chế đa nguyên với tam quyền phân lập mới có thể đảm bảo tự do thực sự cho báo chí cũng như các quyền khác của con người.

Những cái giá phải trả - Phóng viên độc lập Lê Thanh Tùng
Các ký giả và blogger độc lập có tiếng nói đối lập với tiếng nói của nhà cầm quyền, họ dùng ngòi bút của mình để vạch trần các vấn nạn của xã hội. Một số trong số đó đã phải ngồi tù với những bản án nặng nề như: Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Lê Văn Sơn, Trần Minh Nhật, Đặng Xuân Diệu, Tạ Phong Tần, Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Lê Quốc Quân, và nhiều tù nhân khác tôi xin gửi đến quý ngài bản danh sách đính kèm. 
Hơn nữa, khi những con người này đang chịu hình phạt tù thì gia đình của họ củng chịu nhiều áp lực từ phía chính quyền, dẫn đến những hậu quả thương tâm. Nổi bật là trường hợp mẹ của Tạ Phong Tần đã tự thiêu vì thương con ở tù oan sai và sự sách nhiểu của nhà cầm quyền; hay trường hợp Lê Văn Sơn, Sơn đã không được biết chuyện mẹ mình sinh bệnh rồi qua đời.
Những ký giả độc lập và blogger còn lại, mặc dù chưa bị cầm tù, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, họ cũng phải chịu những chuyện sách nhiễu, làm nhục và đánh đập như trường hợp phóng viên Huyền Trang của VRNs đã bị bắt giữ và đánh đập khi tác nghiệp trong một phiên xử những nhà báo tự do hồi năm 2012.
Công an đã xâm phạm gia cư của blogger Nguyễn Tường Thụy một cách bất hợp pháp vào ngày 25/9/2013, đánh đập và bắt người.
Còn đối với tôi, tôi đã bị mất việc do sức ép của cơ quan an ninh đối với công ty tôi đang làm việc, tôi không còn được đi làm kiếm tiền nên gia đình tôi gặp nhiều khó khăn.

Việt Nam Không Được Tự Do Sáng Tác - Nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi
Ở Việt Nam từng có nhiều tác giả gặp rất nhiều hệ lụy khi viết những điều có thật thì lập tức bị người ta dán cho cái nhãn “phản động”. Mà đã là phản động thì mất hết mọi quyền tự do, quyền lợi vật chất và mất hết bạn bè. Sẽ không có tờ báo nào, nhà xuất bản nào dám in tác phẩm, vì lẽ đó người sáng tác phải sống trong hoàn cảnh khốn cùng. Nhiều bạn bè thường không dám gặp gỡ, tiếp xúc vì họ sợ liên lụy. Những văn sỹ, nhạc sỹ trong phong trào “Nhân văn giai phẩm” tại Việt Nam như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Văn Cao,… là tiêu biểu cho những người bị tước đoạt quyền tự do sáng tác. 
Hiện nay sự kiểm duyệt nội dung sáng tác không hề thay đổi mà còn nặng nề hơn. Điển hình như trường hợp nhà thơ Bùi Minh Quốc, ông dám viết những bài thơ nói lên tâm trạng thật thì ông đã bị trừng phạt rất nặng nề: Khai trừ ra khỏi đảng, cúp lương, quản thúc tại gia; công an ngăn cản không cho khách hàng tới mua những con búp bê len của vợ ông làm, hòng đưa gia đình ông vào cảnh khốn cùng.
TÔI QUYẾT ĐỊNH LÊN TIẾNG
Tất cả những nỗi đau của dân oan, sự đàn áp báo chí, sự ngăn cấm những cuộc biểu tình chống Trung Quốc bành trướng đã khiến tôi phải lên tiếng. Tôi đã bị người ta bịa đặt, vu khống đủ điều trên mạng: “Ham đô la, bán rẻ tổ quốc”, “phản động”, “bắt tay với các thế lục thù địch”, “tay sai cho giặc”, họ gọi tôi là “ đồ chó cái”. 
Nhưng tôi không sợ, tôi quyết đi tới cùng với nhân dân của tôi để đấu tranh giành lấy một cuộc sống TỰ DO, BÌNH ĐẲNG, BÁC ÁI, NO ĐỦ, VĂN MINH, KHÔNG CÒN THÙ HẬN.

Tình hình tự do Internet tại Việt Nam và kiến nghị - Blogger Nguyễn Đình Hà

Với internet, chúng ta có một thế giới thông tin thu nhỏ, tại đó mọi người có thể tự do bày tỏ, chia sẻ mọi thứ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế thì những quyền cơ bản đó của người dân lại bị nhà cầm quyền xâm hại, bởi họ muốn kiểm soát, định hướng thông tin và bóp nghẹt mọi luồng thông tin trái ý kiến của nhà cầm quyền hoặc bất lợi cho nhà cầm quyền. 
Điển hình, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP nhằm kiểm soát dịch vụ internet và ngăn cấm người dân chia sẻ thông tin; chính quyền Việt Nam đã bắt và kết tội nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội để nói lên quan điểm của mình trong nhiều năm qua bằng các điều luật hình sự mơ hồ. Những điều đó có tác động tiêu cực trong việc phát triển một xã hội minh bạch, làm giảm uy tín của Việt Nam trong các mối quan hệ quốc tế, cũng như ngăn chặn việc đấu tranh chống tham nhũng và các tiêu cực trong xã hội Việt Nam.
Do vậy, chúng tôi xin có kiến nghị như sau đối với Quốc hội Hoa Kỳ:
Quốc hội Hoa kỳ cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm thúc ép chính quyền Việt Nam tôn trọng các cam kết về nhân quyền; dỡ bỏ chế độ kiểm duyệt thông tin; chấm dứt các hành vi phi pháp đối với các nhà báo, những người sử dụng internet (như xâm phạm gia cư bất hợp pháp, chặn đánh, bôi nhọ, tấn công nhiều trang mạng, blog cá nhân); xóa bỏ hoặc sửa đổi các điều luật, các quy định xâm phạm đến quyền tự do báo chí, tự do Internet tại Việt Nam như Điều 88 và 258 Bộ luật hình sự.
Yêu cầu Chính phủ Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam mở cửa thị trường báo chí, dịch vụ truyền thông.

Hãy Cùng Nhân Dân Lên Tiếng - Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng
Chỉ vì muốn sống trong sự thật, muốn nói lên sự thật mà nhiều đồng bào của chúng tôi, trong đó có những bạn bè của tôi bị đàn áp, bị gây khó khăn trong việc mưu sinh, bị bắt bớ, bị tù đầy và thậm chí bị thủ tiêu.
Chúng tôi muốn thoát ra khỏi tình trạng đó, chúng tôi muốn được tự do nói lên sự thật. Chúng tôi cũng biết rằng chính phủ Việt Nam đã ký tên vào các Công ước Quốc tế về Quyền con người, trong đó có quyền Tự do ngôn luận và Tự do báo chí.
Chúng tôi tin tưởng rằng với khả năng của mình, quý vị có thể đưa vấn đề về Tự do ngôn luận và Tự do báo chí ở Việt Nam trở thành Nghị quyết của Quốc hội Hoa Kỳ
Chúng tôi cũng đề nghị quý vị đưa ra điều kiện tiên quyết để thực thi các Hiệp định Thương mại với Việt Nam đặc biệt là TPP đó là Nhân quyền và Tự do ngôn luận.
Quý vị hãy giúp đỡ chúng tôi không chỉ với lòng thông cảm mà còn vì lương tâm và trách nhiệm cho một thế giới cần được sống trong hòa bình và phát triển. Xin hãy đứng cùng nhân dân đất nước tôi!
Một nước Việt Nam Dân chủ là điều có lợi cho tất cả chúng ta.

DIỄN VĂN NGÀY QUỐC HẬN 2014 TẠI DALLAS


Kính Thưa Quý Vị,
Hôm nay, chúng ta tề tựu nơi đây để cùng nhau nhớ về quê hương đang tạm mất về tay Việt Cộng 39 năm qua, từ sau ngày 30.4.1975. Với lịch sử, 39 năm chỉ là một chớp mắt, nhưng với cuộc đời con người, đó là một thời gian dài. Dài nên chúng ta, Người Việt Quốc Gia không bao giờ quên.
Tại sao chúng ta không quên?
Vì mất mát đau thương vẫn còn đó, những người dân quốc nội tranh đấu cho Tự Do, Nhân Quyền, vẫn còn đang chịu đàn áp, tù đầy…
CNT
Trong những ngày đau buồn của Tháng Tư nầy, không riêng gì chúng ta nơi đây ở Dallas, mà khắp nơi trên thế giới, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản (CS) đều họp mặt để Cùng Nhắc Nhau Ghi Nhớ là Đất Nước Vẫn Còn Bị Kềm Kẹp Trong Tay Việt Cộng. Chúng ta có bổn phận phải nhớ là hơn 300.000 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, hơn 58.000 ngàn chiến sĩ Hoa Kỳ, hàng ngàn chiến sĩ Úc Đại Lợi, Gia Nã Đại, Nam Hàn, Tân Tây Lan, Phi Luật Tân… đã hy sinh, để chúng ta và gia đình được sống Tự Do ở Miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 (trong khi chống Miền Bắc CS), và sau khi mất nước năm 1975, chúng ta lại được hưởng quy chế Tỵ Nạn CS, để định cư yên lành ở hải ngoại, đến hôm nay. CNT1
Cũng trong những ngày tang tóc của Tháng Tư này, chúng ta phải nhớ đến hơn 500.000 Người Việt Miền Nam đã chết trên Biển Thái Bình Dương hoặc trong những cánh rừng biên giới; đồng bào ta đã Chết để chúng ta được Sống. Tại sao??? Vì những cái chết đau thương nầy đã thức tỉnh lương tâm của thế giới. Nên sau đó, các Trại Tỵ Nạn được Liên Hiệp Quốc lập ra và các quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Úc, Gia Nã Đại, Pháp, Đức… đã đón nhận và trợ giúp chúng ta ổn định cuộc sống mới, sau năm 1975. CNT2
Ba mươi chín năm qua, lá cờ Việt Nam, Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, vẫn tung bay, đường đường chính chính, hiên ngang và công khai, ở hải ngoại. Chỗ nào có Người Việt Nam Tỵ Nạn, nơi đó, có Lá Cờ Vàng Chính Nghĩa. Ba mươi chín năm qua, Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia được thành lập khắp nơi ở hải ngoại. Dù có bất đồng, bất hoà trong các Cộng Đồng hải ngoại, nhưng Việt Cộng (VC) chưa bao giờ giành được bất kỳ Tổ Chức CĐ Người Việt nào, trên thế giới.
Hôm nay, tụ họp nhau nơi đây ở Dallas, hãy nhớ là, Chúng Ta Vẫn Còn Nợ những người đã Chết, vì nhờ họ mà gia đình, anh em, vợ chồng, con cháu chúng ta, được Sống yên ấm, tự do. Họ đã hy sinh và ngã xuống, không đòi hỏi, vậy làm sao chúng ta trả được món nợ dân tộc này đây? Xin đừng xem đó là việc đương nhiên mà mình được hưởng.
Chúng ta hãy trả nợ bằng cách đoàn kết với nhau, cùng lên tiếng ủng hộ, cùng yểm trợ người dân trong nước. Vì tranh đấu cho Nhân Quyền, Dân Chủ, Độc Lập, mà họ phải chịu sỉ nhục, đe dọa, điều tra, tra tấn, tù đầy; thân nhân họ cũng bị mất việc làm, bị đàn áp và bức hại… từ sau năm 1975 cho tới nay.
Còn nhiều việc bất công, như trường hợp ngày 7.3.2013, công an VC tỉnh Long An bất ngờ ập vào, khám xét, cướp đi máy móc và vật dụng trong tiệm in của Đinh Nhật Uy (anh của Đinh Nguyên Kha), còn đe dọa khách hàng của anh, nên sau đó cửa tiệm phải đóng luôn. Rồi đến trường hợp các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo liên tục bị công an và côn đồ ngăn chận họ đến dự Ngày Tưởng Nhớ Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ Thọ Nạn (bị giết năm 1947), và đánh đập họ dã man, trên 30 năm nay. Như ngày 21/3/2014, công an đặc nhiệm VC và côn đồ (được thuê mướn), đã xông vào nhà ông Nguyễn Văn Vinh, 82 tuổi, ở An Giang, tịch thu các đồ đạc chúng muốn, rồi đập phá tan tành những gì còn lại, đồng thời hành hung và bắt giữ các tín đồ PG Hòa Hảo hiện diện…
∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞ ∞
Trở lại chúng ta, những Người Việt Tỵ Nạn Miền Nam, có thể đã không được ở Mỹ hoặc các nước tự do trên thế giới, nếu không có nửa triệu Thuyền Nhân Miền Nam đã chết ở biển, sau năm 1975. Vậy chúng ta hãy trả nợ họ, bằng cách không giới thiệu, không tiếp xúc với những người có ý kiến hoặc hành động phản bội, giúp quảng bá, tuyên truyền văn hóa phẩm của VC. Họ thường đi xem các chương trình văn nghệ của VC hoặc thân Cộng, do đó làm lợi cho Việt Cộng mà vẫn không biết. VC muốn quảng bá văn nghệ, đài phát thanh và những tin tức không bao giờ nói đến Các Tội Ác Của Chúng và làm người ta quên đi lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa. Chúng viết lại lịch sử Việt Nam một cách sai lầm để che đậy sự thật và để làm chúng ta quên đi lý do tại sao có rất nhiều người Việt Nam hiện diện ở ngoại quốc.
May mắn thay, trong các cộng đồng Việt Nam hải ngoại, có nhiều người tài đức đã mang thời giờ hoặc tiền bạc của họ ra, để phục vụ. Vậy chúng ta trả nợ bằng cách tôn trọng những người tài đức, để họ được yên tâm phục vụ cộng đồng địa phương, và góp phần với các cộng đồng khác ở hải ngoại, tiếp sức nhau trong nghĩa vụ phát huy Nhân Quyền, Dân Chủ, và Một Ngày Quang Phục cho quê hương Việt Nam. Rõ ràng, những người tài đức nổi bật nầy không những làm công tác tình nguyện, không lương, lại còn phải đối phó nhiều khó khăn và thử thách từ bên trong lẫn bên ngoài… Nên họ rất cần sự ủng hộ bằng lời nói và hành động của đồng bào người Việt.
Chúng ta cũng trả nợ bằng cách không ép buộc ai phải đi cùng con đường của mình, vì mỗi người có hoàn cảnh riêng tư, khác biệt, miễn là cùng đi chung một hướng. Cùng là Người Việt Quốc Gia và Tỵ Nạn CS, nếu không thể giúp nhau thì ít nhất cũng đừng vô tình hay cố ý gây thương tổn cho nhau.
Được như thế, ngày mà quê hương thật sự có tự do, độc lập với Trung Cộng, ngày Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ yêu thương sẽ tung bay trên khắp mọi ngã đường đất nước, từ Bắc vào Nam, sẽ trở thành hiện thực. Xin cám ơn Quý Vị.
Ngày 26/4/2014,
Cung Nhật Thành – Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Dallas

‘VN nên thừa nhận xã hội dân sự’


xhds
Cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nói nên thừa nhận xã hội dân sự và coi đó là sản phẩm của sự phát triển dân chủ.
Bình luận của ông được đưa ra trong ngày làm việc thứ hai với nội dung chính là bàn thảo về cải cách thể chế trong khuôn khổ một diễn đàn về kinh tế tại Hạ Long.
Đã tới lúc dân VN giành quyền giám sát?
“Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.
Ông Tuyển, người được biết đến nhiều với vai trò nhà đàm phán chính của Việt Nam khi gia nhập WTO, được Thời báo Kinh tế Việt Nam (Bấm Vneconomy) trích dẫn nhắc lại thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong đó “ông Dũng cũng đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người”.
“Mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự”, ông Tuyển nói trong bài phát biểu được mô tả là ngắn gọn nhưng nhận được nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng.
“Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật”, ông Tuyển nói thêm.
Theo VnEconomy, một số ý kiến cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Trương Đình Tuyển tuy cũng có ý kiến cho rằng, một xã hội kém phát triển như Việt Nam thì sự tham gia của xã hội dân sự vào cải cách thể chế là chưa thực sự phù hợp.
‘Tránh hiểu lầm’
Trong bài viết Bấm ‘VN cần cộng đồng dân sự’, luật sư Lê Công Định cho rằng việc “chuyển ngữ cụm từ ‘civil society’ thành ‘xã hội dân sự’ vừa không chính xác, vừa khiến chính quyền hiện tại phải lo ngại và đề phòng không cần thiết” và “để tránh hiểu lầm và lo ngại, không nên gọi là tổ chức xã hội dân sự, mà chỉ giản dị là tổ chức hay hội đoàn dân sự.
“Khi bầu không khí chính trị-xã hội dần thông thoáng, các nhóm dân sự nhỏ hình thành để bảo vệ lợi ích chung và giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong những vấn đề mà họ không được chính quyền giúp đỡ.
“Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng với nhà nước.
“Ngược lại, chúng chính là những ‘van’ xả áp lực, giúp xoa dịu sự bất bình của người dân đối với nhà nước và chế độ”, luật sư Lê Công Định, người đang bị quản chế sau khi ra tù, nhận định.
Xã hội Dân sự
Xã hội dân sự là một mạng lưới các nhóm, cộng đồng và quan hệ kết nối nằm giữa một bên là cá nhân và một bên là Nhà nước hiện đại.
Sau khi đã phát triển qua nhiều giai đoạn và có nhiều lý thuyết diễn giải, nay, xã hội dân sự được cho là “trở thành mục trung tâm của cuộc tranh luận chính trị ở Phương Tây”.
Cuộc thảo luận về xã hội dân sự “được cho là có tính chất giúp dự báo và tìm giải pháp cho một loạt căn bệnh xã hội Phương Tây hiện đại, từ tính cá nhân ích kỷ quá mức, nạn tội phạm gia tăng, làn sóng tiêu dùng và sự suy thoái của cộng đồng”.
Nguồn: Báck khoa toàn thư Anh Britanica
Trả lời Bấm phỏng vấn với BBC, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà Việt Nam học từ Đại học Maine Hoa Kỳ, mô tả điều ông gọi là “Nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đang rất quan ngại các phong trào vận động cải cách xã hội ôn hòa, mà đặc biệt là phong trào của các tổ chức dân sự”.
Giáo sư Long cho rằng việc có thực tế này là “vì chính quyền sợ rằng thiết chế chính trị – xã hội này sẽ ‘tranh giành quần chúng’ và ‘ảnh hưởng’ của Đảng”.
“Để chuẩn bị cho quá trình thay đổi thì ngay bây giờ phải bắt đầu nuôi dưỡng một xã hội dân sự, qua đó các thành phần trong xã hội có thời gian và điều kiện tranh đấu và bảo vệ quyền lợi của họ vì lợi ích chung của dân tộc và đất nước”, Giáo sư Long nói.
Trong khi đó nhà báo tự do Phạm Chí Dũng từ Tp HCM trong bài viết Bấm ‘Thách thức của xã hội dân sự VN’ bình luận rằng “Thực ra, những tiền lệ trứng nước về hội nhóm dân sự độc lập đã hình thành từ năm 2009 với sự ra đời của trang mạng Bauxite Vietnam”.
Theo ông Dũng, người đang bị chính quyền Việt Nam cấm xuất cảnh, thì đến năm 2013, nhóm Kiến nghị 72 là một bước chuyển tiếp chưa từng thấy về những đề nghị cải cách Hiến pháp và chế độ một đảng – hiện tượng có thể so sánh với phong trào Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc năm 1977 và phong trào dân chủ đối lập của Viện sĩ Sakharov ở Liên Xô vào năm 1986.
Tuy thế, trên thế giới hiện có nhiều cách giải thích ‘xã hội dân sự’.
Theo Bách khoa Toàn thư Anh, Britannica, thì “xã hội dân sự là một mạng lưới các nhóm, cộng đồng và quan hệ kết nối nằm giữa một bên là cá nhân và một bên là Nhà nước hiện đại…giúp chữa trị các căn bệnh xã hội từ tính cá nhân ích kỷ, nạn tội phạm, làn sóng tiêu dùng và sự suy thoái của cộng đồng”.
Nguồn: BBC

Dân oan biểu tình, tưởng niệm Quốc Hận 30-4 (cập nhật)


Dân oan các tỉnh xuống đường tại Sài Gòn nhân ngày 30/4

Nguyễn Thu Trâm, 8406 (Danlambao) - Trong hai ngày 28 và 29 tháng tư vừa qua, hàng trăm dân oan từ nhiều tỉnh thành đã tập trung về Sài Gòn, đồng loạt xuống đường đả đảo chế độ cộng sản lừa bịp cả dân tộc Việt Nam về ý nghĩa cao cả của phong trào giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc, để xây dựng một nước Việt Nam Độc Lập, Tự Do, Dân Chủ và Phú Cường nhưng thực chất là xâm lược Miền Nam, cướp quyền lãnh đạo đất nước của chính phủ Quốc Gia rồi tiến hành xây dựng một thể chế độc tài toàn trị, tước đoạt hết mọi quyền tự do, dân chủ và quyền làm người của mọi người dân, vơ vét của cải tài sản, đất đai ruộng vườn của những người dân thấp cổ bé họng, để tư sản hóa những quan chức cộng sản vốn là những kẻ vô sản, cùng đinh, gia tài sản nghiệp chỉ có chiếc quần nylon dầu và cây súng AK.

Hàng trăm người dân oan đã tuần hành qua nhiều đường phố và đồng loạt kéo đến trước Tòa Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ để tố giác tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam, đã lạ dụng xương máu và lòng yêu nước của nhiều thế hệ trẻ Việt Nam để thâu tóm quyền lực cai trị đất nước trên tinh thần hèn với giặc, ác với dân.










Các lực lượng an ninh, công an, cảnh sát và côn đồ XHCN có những đe dọa bắt bớ và đàn áp dã man, nhưng tất cả mọi người dân oan đều vượt qua hết mọi nỗi sợ hãi, tiếp tục xuống đường, tiếp tục hô vang những khẩu hiệu chống cộng sản độc tài đảng trị. Tinh thần bất khuất và ý chí quật cường của những người dân oan thể hiện trong suốt hai ngày qua là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao cho hàng triệu người dân Việt Nam thấp cổ bé họng đang rên siết dưới ách thống trị sắt máu của chế độ cộng sản, với một hứa hẹn ngày 30 tháng tư tới đây một cuộc xuống đường với quy mô lớn hơn sẽ tiếp tục bùng nổ không riêng tại Sài gòn mà sẽ lan rộng đến nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Ngày 29 tháng Tư năm 2014

Tổng Hợp và tường trình

30 tháng 4 - Nghe Nguyễn Hữu Cầu thấy dáng nhân bản Việt Nam



Xin Cha tha nợ cho con. Xin Me tha nợ cho con. Xin mọi người tha tội cho tôi. Tha cho tôi với. Tha cho tôi với. Vì tôi đánh mất một vật thiêng liêng tổ tiên góp máu để lại cho mình. Tha cho tôi với. Tha cho tôi với...

Với... một chữ Với thống thiết của một người lính đã bị gãy súng, đã sa cơ không thể làm trọn lời thề Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm. Với... một lời xin tha tội thiết tha của một người mà tự bản án tù đày xuyên thế kỷ của anh đã là sự hy sinh, đền ơn vô giá đối với tổ tiên và cha me - những người đã góp máu để lại cho anh Tổ quốc thân yêu.

Khúc hát trên do anh Nguyễn Hữu Cầu sáng tác đã được anh và các chiến hữu của anh hát trên một ngọn đồi tù vào mùa đông năm 1975.

39 năm. Thời gian quá nửa đời người. Mỗi chúng ta nhìn lại tưởng rằng hoàn cảnh sống trong chặng đường nghiệt ngã của mình đã quá nhiều oan khiên. Ngày đó, bạn bè còn nhỏ chúng tôi tụm nhau ở Suối Đốc Học - Ban Mê Thuột lén lút hát Vĩnh Biệt Sài Gòn, ở căn gác nhỏ khu Bàn Cờ - Sài Gòn thì thầm với nhau Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên. Tưởng cuộc đời như thế là đen như hố thẳm sâu nhất, biết đâu rằng đã có những người lính đang lao đao kiếp tù ở chốn rừng thiêng nước độc, cũng hát, nhưng không hát cho những nuối tiếc Sài Gòn hoa lệ, những con đường tình ta đi, những Duy Tân cây dài bóng mát. Họ hát trong gió buốt, trong sương căm lời tạ tội với núi sông - Một người lính mà để cho đất nước như vậy, sa vào cảnh như vậy thì mình phải chịu trách nhiệm: Xin mọi người tha tội cho tôi.

Những người lính ấy là Đại úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Hữu Cầu.

39 năm. Anh chỉ "được ăn mừng ngày chiến thắng" của các cai tù đỏ một lần duy nhất vào năm 1981. 38 năm còn lại anh "ăn mừng chiến thắng" với muỗi, rệp, muối và rắn độc màu đỏ trong tù - hết trại này đến trại kia.  39 năm sau anh được chủ tịch trại tù "khoan hồng" thả về nhà tù lớn đang chứa 90 triệu người. Những ngày cuối tháng 4, anh khoác lại chinh y người lính, cùng với các chiến hữu của anh sau 40 năm lưu lạc cùng nhau làm lễ tưởng niệm cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam - người anh cả Tư lệnh Quân đoàn IV đã tuẫn tiết vì đã không thể bảo vệ được "vật thiêng liêng tổ tiên góp máu để lại cho mình".



39 năm. Tù đày không làm anh chùn bước. Tuổi già không làm anh nhụt khí. Lần đầu tiên trong lịch sử độc tài đỏ, hình ảnh những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hiên ngang xuất hiện tại Sài Gòn. Khắp nước, khắp thế giới, nhiều người dân Việt nghe tiếng đàn violin truy điệu, nhìn di ảnh của tướng Nguyễn Khoa Nam mà xúc động ứa nước mắt. Hơn thế nữa, hành động việc làm của anh đã gửi một thông điệp hùng hồn, bất khuất đến với mọi người: bất cứ việc gì có chính nghĩa, chúng ta đều làm được - cho dù bởi một người tù ngày nay đã già, sức đã yếu.

39 năm. Tù đày không làm anh trở thành con người mang nhiều cay đắng và hận thù. Nếu những gì anh làm ngay sau khi ra khỏi tù như hành động tưởng niệm tướng Nguyễn Khoa Nam, như cầm đàn hát "khỏe re như con bò kéo xe" đã nói lên tính dứt khoát của trên con đường anh đi trước mặt, thì bên cạnh đó là nụ cười nhân ái và những lời nói hiền hòa lúc nào cũng đến từ anh. Anh kể về những ngày tù lạnh giá bằng những nụ cười. Anh kể về các quản giáo trại tù bằng những nụ cười. Anh nhìn về cuộc đấu tranh gian nan trước mắt bằng những nụ cười.

39 năm. Nhìn anh - người tù xuyên thế kỷ, nhìn những chiến hữu của anh với những phần thân thể đã mất, nhìn hình ảnh những người lính can trường ngày xưa bây giờ lê lết đi bằng đôi tay và đôi ghế đẩu dã chiến mới thấy tội ác 39 năm của tập đoàn "giải phóng". Và sôi sục căm hờn. Nhưng anh khác. Anh gửi đến những đồng đội thương phế binh của anh lời hát vươn lên với lúa vàng và thông ngàn, với giấc mơ đại bàng vỗ cánh:

Một ngày nào, một phần thân xác của anh đã ra đi, 
đã ra đi, 
từ một cuộc chiến vô tình.
Phần thân xác kia, anh bỏ quên,
anh bỏ quên trên quê hương tràn đầy đau thương
và đầy núi buồn.
Rồi giờ này, 
từ phần thân xác bỏ quên,
có thể vươn lên thành đóa hoa hồng,
hay cùng lúa vàng,
hay gốc thông ngàn.
...
Muôn trái tim,
ngóng trông chờ những đêm nằm mơ,
mơ ngày nào đó,
hỏa châu đêm hoa đăng
sáng hạt mưa phùn.
Đời dạy mình, người nào cười cho, cười dai,
nuốt vào trong tim buồn tủi căm hờn,
nhưng rồi có ngày tan núi băng bùn.
Tràn đầy hồn thơ,
đại bàng ngồi mơ,
ngắm trăng và sao, ước mơ ngày nao,
mang lại chiến bào,
vỗ cánh bay cao,
vỗ cánh bay cao,
vỗ cánh bay cao...

30 tháng 4, 2014. Nguyễn Hữu Cầu trở lại với chúng ta bằng ánh mắt hiền hòa, nụ cười nhân ái, nhưng với trái tim bốc lửa. Đảng cầm quyền và những dư luận viên của đảng luôn vu cho những gì nói về VNCH là những mưu đồ khôi phục lại chế độ cũ. Anh Nguyễn Hữu Cầu đã gián tiếp trả lời giùm cho chúng ta: Những gì chúng ta muốn khôi phục, muốn có lại là những giá trị tốt đẹp đã có của Miền Nam tự do từ những ngày trước 30 tháng 4. Đó là lòng nhân ái giữa người và người; đó là tinh thần Tổ Quốc - Danh Dự - Trách nhiệm giữa con người và đất nước; đó là thái độ sống dứt khoát, rõ ràng giữa dối trá và sự thật, giữa thiện và ác.

Chúng ta nhìn thấy những giá trị đó từ một con người.

Từ Nguyễn Hữu Cầu - một người lính Việt Nam Cộng Hòa.




Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com