Trần Hồng Tâm – Ngày oan trái


Tác giả Trần Hồng Tâm là một bộ đội Miền Bắc trước 1975
http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2014/04/bo-doi.jpg
      Trước năm 1975, ở miền Bắc, Đảng tiêu diệt tất cả những ngả nhận thức khác. Đảng bóp chết ngay từ trong trứng nước những kênh thông tin khác. Chỉ cần một câu thơ hay một bài báo có hương vị lạ, lập tức nó được mang lên dàn hỏa thiêu, và tác giả của nó bị rút phép thông công.
Mặt khác Đảng ra tay truyền bá nhiều thứ chủ nghĩa lạ: Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Marx – Engels – Lenine, Chủ nghĩa Staline, Chủ nghĩa Mao, Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Chủ nghĩa quốc tế vô sản… Rồi Đảng cao đơn hoàn tán chúng thành một thứ tôn giáo riêng. Trong đó, Đảng là giáo chủ, nhân dân là những tín đồ, mà khoảng cách từ tín đồ đến cuồng tín là rất ngắn.
Đảng dạy rằng: Mỹ chiếm miền Nam làm thuộc địa. Chính quyền miền Nam là bù nhìn, để cho dân miền Nam đau đớn dưới gót giầy xâm lược. Thế là những thế hệ cuồng tín tử vì đạo ở miền Bắc quê hương tôi đã tầng tầng lớp lớp xẻ dọc Trường Sơn, vào Nam cứu nước. Đảng lại phong cho họ một mỹ danh “nhân dân anh hùng”, cộng với những lời hứa hão. Thế là những tín đồ thi nhau nhảy vào những thung lũng tử thần, chém giết đồng loại, mà có mấy khi dừng tay để tự vấn lương tâm.
Thời gian là những cơn mưa tháng Sáu, khi rả rích, khi xối xả, kiên nhẫn gột rửa hết những lớp phấn son loè loẹt, làm sạt lở những đồi núi giả, đánh sập những miếu mạo, đền đài linh thiêng ngụy tạo. Thời gian cũng là thứ dược liệu để giải độc cho những con người cuồng tín, thoát ra khỏi chứng thôi miên, phục hồi lại những bán cầu đại não đã mất khả năng tư duy độc lập từ lâu.
Giờ đây, chỉ cần người có trí tuệ trung bình cũng có thể tự hỏi: Tại sao Mỹ chiếm miền Nam Việt Nam làm thuộc địa, nhưng họ lại không làm như vậy với Nhật, hay Nam Hàn? Miền Nam là một quốc gia có chủ quyền tương đương với chính quyền ở miền Bắc tại sao lại gọi họ là ngụy? Dùng vũ lực để bức tử một chính thể hợp pháp, do dân bầu lên, đó là hành vi gì? Xâm lược hay giải phóng? Sự thực, người dân miền Nam có cần phải giải phóng không? Nếu mang hai chính phủ của hai miền Bắc và Nam trước 1975 ra so sánh, thì chính phủ nào ưu việt hơn, văn minh hơn, nhân bản hơn?
Để trả lời được những câu hỏi trên, không cần phải có đầu óc thông thái hay uyên bác, không cần có học vị hay học hàm, chỉ cần là một người tử tế, và chỉ có lòng tử tế mới giúp tìm ra câu trả lời. Khi những câu hỏi trên được trả lời đúng, thì chuyện hòa giải hòa hợp sẽ không đến nỗi khó khăn, tốn kém. Bởi vì, nếu sự thực không được tôn trọng, thì lòng cao thượng hay sự vị tha cũng chẳng nghĩa lý gì.
Đảng kêu gọi Việt kiều về quê ăn Tết. Đảng mở Đại hội Việt kiều mỗi năm. Đảng đưa Việt kiều đi thăm Hoàng Sa, Trường Sa. Đảng mời gọi Việt kiều giữ quốc tịch Việt Nam. Đảng cho thiền sư về lập trai đàn giải oan, cầu siêu trên mọi miền đất nước. Đảng giang rộng vòng tay đón những khúc ruột ngàn dặm. Nhưng hôm nay Đảng lại tát vào mặt Việt kiều trên báo Nhân Dân: “Sụp đổ của chế độ bù nhìn, thất bại của đội quân đánh thuê”. Trong văn bản chính thức của Đảng vẫn chất chứa đầy những cụm từ hàm ý mạ lỵ, hạ nhục “ngụy quân”, “ngụy quyền”, “ác ôn”, “bè lũ”. Đảng vẫn trịch thượng và ngạo mạn nói đến “lòng khoan dung” về “sự cao thượng”.
Tôi không tin Đảng muốn “hòa hợp hòa giải” trên cơ sở công bằng và lẽ thật. Nhưng tôi tin mỗi cá nhân có thể làm được. Một giáo viên bớt thao thao bất tuyệt về những “chiến công hiển hách” trên bục giảng. Một người cầm bút bớt đi những cụm từ trơ trẽn trong bài viết của mình. Một nghệ sỹ bớt đi những lời hoan ca nhảm nhí “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”. Một tướng tá cộng sản viết hồi ký trận mạc không gọi đối phương là “bọn”, là “thằng”. Đó chẳng phải là những công việc thiết thực góp phần làm vết thương của dân tộc mau lành sao?
http://www.danchimviet.info/wp-content/uploads/2014/04/dau-thuong.jpg
Với những anh em Việt Nam Cộng Hòa: Nỗi đau của các anh là nỗi đau của đất nước. Thất bại của các anh là thất bại của Việt Nam. Các anh phải vào trại cải tạo, thì hàng triệu người dân Việt Nam ở ngoài trại cũng chẳng tự do hơn. Các anh mất nhà, thì giờ đây hàng triệu người Việt đang mất đất. Công xưởng của các anh bị tịch thu, thì tài nguyên của đất nước cũng đang bị cướp. Các anh bị bỏ đói trong tù, thì hàng triệu trẻ em trong nước cũng đang suy dinh dưỡng. Con cái các anh bị xét lý lịch không vào được đại học, thì hàng triệu thanh niên tài năng khác cũng bị gạt ra rìa. Các anh mất 16 tấn vàng, nhưng người dân nghèo xứ Việt cũng chẳng được một phân.
Người chịu thất bại đau đớn nhất trong cuộc chiến này, suy cho cùng, là nhân dân miền Bắc. Thử làm một phép tính: Dân số miền Bắc trước 1975 khoảng 30 triệu (làm tròn số, thực tế thì thấp hơn). Có 3 triệu thanh niên ở độ tuổi 18 đến 30 đã chết ở chiến trường miền Nam. Như vậy cứ 10 người dân, thì có một người chết trận.
Đảng thí 1/10 dân số của một quốc gia để đổi lấy chiến thắng, thử hỏi Đảng nhẫn tâm đến mức nào, và cái giá của chiến thắng mà Đảng giành được bằng xương máu của dân đắt đến mức nào.
Quê tôi, những gia đình không có liệt sỹ chỉ rơi vào một trong hai hoàn cảnh: Hoặc neo đơn góa bụa, hoặc gia đình cán bộ. Bạn thử nhìn vào gia đình tướng Giáp. Con ông đi bộ đội, nhưng đóng ở sân bay Gia Lâm hay làm trong viện nghiên cứu. Làm sao ông hiểu được nỗi đau của người mất con. Bản thân ông chưa đặt chân vào đến chiến trường, chỉ quanh quẩn trong hầm chỉ huy ở Hà Nội, nhưng ông lại tắm gội trong ánh hào quang của chiến thắng.
Sau cuộc chiến những người dân quê tôi được gì? Từ cực Bắc, Trung bộ, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, lên miền trung du Vĩnh Yên, Phú Thọ. Từ dãy núi đá vôi Ninh Bình, trải dài xuống vùng đồng bằng châu thổ Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Từ vòng cung Đông Sơn đến miền đông gian lao hùng vĩ Yên Tử, Quảng Ninh. Nơi đâu cũng có dân oan, nơi đâu cũng mất nhà mất đất, nơi đâu cũng có tiếng gào khóc, nơi đâu cũng cảnh Bá Kiến – Chí Phèo.
Ba Mươi Tháng Tư là một bi kịch khổng lồ và thương đau không phải của riêng các anh em Việt Nam Công Hòa, mà là của cả dân tộc chúng ta.
Nhưng ánh sáng đã le lói phía cuối đường hầm. Những con người tử tế đã bắt đầu lên tiếng. Nhà văn Dương Thu Hương khóc cho ngày 30 tháng Tư là ngày của man rợ đã chiến thắng văn minh. Nhà văn Nguyên Ngọc tâm sự: “Miền Nam thắng có lẽ sẽ tốt hơn”. Huy Đức viết: “Bên cần được giải phóng phải là miền Bắc”. Nhà văn Phạm Đình Trọng sám hối: Chúng tôi chỉ là những công cụ mang học thuyết Mác – Lê áp đặt cho miền Nam để cả nước cùng bị nô dịch.
Cơn dâu bể đã qua. Lửa chiến tranh đã tắt, nhưng lửa trong lòng người Việt vẫn đang rực cháy. Nỗi căm hận và lòng luyến tiếc về một nền Cộng hòa non trẻ của Việt Nam đã bị bức hại vẫn khôn nguôi. Nhưng có cuộc sinh thành nào mà không đau đớn. Chúa Kitô trước khi tái lâm cũng từng bị kẻ dữ hành quyết, đóng đinh trên khổ giá.
Tôi không nhớ câu thơ này của ai, đã thuộc nó tự bao giờ, chỉ chép ra đây để mặc tưởng cái ngày chẳng thể quên này:
“Tháng năm cứ đến ngày oan trái
Đốt nén nhang lòng để nhớ thương”
Cuối tháng Tư 2014
© Trần Hồng Tâm