Của nợ & của giả



S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Từ đó ai nấy ra đường đều lấm la lấm lét, cái nón bảo hiểm là phương tiện bảo vệ con người giờ giống như cái của nợ …! - Nguyên Anh 

Sáng cuối tuần, đọc một bài báo ngắn được ghi lại nơi trang web của blooger Đào Tuấn mà bần thần suốt buổi:

“Nguyễn Như Phụng, sinh năm 1993, nghỉ học từ năm lớp 6 để giúp cha mẹ lo việc gia đình và chăm em nhỏ. Một ngày nào đó, cô mượn xe máy của người bà con, chở cô bạn hàng xóm 15 tuổi đi xin việc.
Không đội mũ bảo hiểm. Phụng bị CSGT bắt giữ. Không có bằng lái. Cô bị phạt 2,5 triệu đồng và giữ xe.

“Khi bị công an giữ xe, Phụng gọi điện về kể và nói 2 đứa đã xin được phụ bưng bê cho một quán phở ở thị trấn Chư Ty. Con bé nói để nó làm hết tháng, lúc nào nhận lương thì sẽ chuộc xe về trả cho người thân”- người cha đau đớn nói với PV Dân trí.


Không ai biết hai cô gái nhỏ đã khủng hoảng thế nào, chỉ biết rằng sau đó cả hai đã rủ nhau uống thuốc diệt cỏ tự tử. Dường như sau một tháng làm việc vất vả, cô đã không đủ tiền chuộc xe. Phụng đã chết tám ngày sau đó.”

Bên dưới bài báo thượng dẫn có vài chục cái phản hồi, xin trích dẫn lại đôi/ ba cho rộng đường dư luận:


Võ trung ngôn:”Người thực thi luật pháp cần phải có tâm”. Nếu có tâm thì đã không phải là CA gương mẫu của cộng sản. Nói theo kiểu Tổng Trọng,những người có tâm, kể cả CA là những người “suy thoái đạo Đức về chính trị”

 gocomay

Thưa bác Trung Ngôn! Bác có nằm mơ giữa ban ngày không mà mong “Người thực thi luật pháp cần phải có tâm” ở cái xứ thiên đường “dân chủ gấp vạn lần…” này kia chứ?

Xin hỏi bác, nếu bác đặt địa vị là một chiến sĩ CSGT kia, mỗi ngày phải lo cho đủ định mức phạt do cấp trên qui định, sau đó mới là phần ăn chia theo “chỉ tiêu” đặt ra của nhóm công tác. Khi các tiêu chí đó chưa hoàn thành thì cái “tình” và “tâm” làm gì có chỗ ở đây mà bác đòi? Bác tưởng chỉ dùng nước bọt mà “ấm chân” được ở các xuất đứng đường cầm còi (CSGT) này chắc? Không thần thế thì đều phải đầu tư (mua bằng tiền) khá đậm cả đấy thưa bác!!!

Vậy bác đừng trách những “con sâu” nhỏ bé tự sinh sôi ở hạ tầng làm gì cho mất công. Ở trên thượng tầng, TBT Trọng lại vừa phát như đinh đóng cột (lim) hôm 1/5 – Khai mạc Hội nghị 7 rằng: ” kiên định xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của đảng” là gì. Ngay như Đào tiên sinh (chủ blog) giàu lòng trắc ẩn và mẫn cán này, muốn chia xẻ với những “bi kịch của cái nghèo” mà không treo cao “Kính Đảng, trọng chế độ, yêu bác Hồ” thì các anh còn đảng còn tiền có để yên cho mà chia xẻ hay đồng cảm không?

*
An toàn xa lộ. Ảnh: tienphong

Tuy không treo bảng như blogger Đào Tuấn nhưng tôi cũng tâm niệm y như thế. Chả bao giờ dám lăn tăn vào những vùng cấm kỵ có dính dáng xa/gần với Đảng, chế độ, và Bác (kính yêu) của tất cả chúng ta. Nói dại: mất việc là còn may, thiếu gì kẻ đã mất tích hay mất mạng luôn ấy chứ. Thôi thì có kiêng có lành, cho nó chắc ăn.

Tuy nhiên, sau cái chết thương tâm của cháu Nguyễn Như Phụng như vừa kể, và cũng nhân lúc toàn dân đang nô nức đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi dự thảo hiến pháp, tôi xin phép được “ăn theo” bằng một kiến nghị (vô cùng) nhỏ là mong mỏi chính phủ hủy bỏ quy định bắt buộc người ngồi trên xe phải đội mũ bảo hiểm, khi tham gia giao thông trên đường bộ – trong điểm i, khoản 3, điều 9 của Nghị định 34/2010/NĐ-CP.

Cứ theo PGS.TS, bác sĩ Dương Minh Mẫn – trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy – trong một vài tháng sau khi quy định bắt buộc đội MBH (tháng 12-2007) có hiệu lực, tình trạng bệnh nhân bị chấn thương sọ não giảm đáng kể. Thế nhưng sau đó, và đặc biệt là gần đây, số người gặp tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não tăng trở lại, bằng hoặc chỉ kém hơn chút ít so với trước.

Và thay vào con số “kém chút ít” này là vô số nạn nhân bị công an đánh đập đến thương tật hay vong mạng chỉ vì quên đội mũ bảo hiểm. Trước khi phải vào tù (vì hay phát biểu linh tinh) blogger Tạ Phong Tần cũng đã có lần đề cập đến vấn đề này:

“... cái mũ bảo hiểm đội trên đầu người đi xe máy, suy cho cùng chỉ là bảo vệ cho cái đầu của chính người đội nó. Nếu không đội thì bản thân người đó gặp nguy hiểm mà không hề làm ảnh hưởng đến người xung quanh, thì lại bị “truy bức đội mũ” một cách quyết liệt, khiến cho không ít người thiệt mạng vì bị ‘công an ta’ đánh cho vỡ đầu do không chịu đội mũ bảo hiểm. Người dân không đội mũ bảo hiểm điều khiển xe máy 100 lần xác suất chưa chắc có 1 lần tai nạn vì không đội mũ, nhưng rủi gặp ‘quân ta’ thì lăn ra chết.”

Vấn đề (e) không giản dị là cái mũ bảo hiểm chỉ liên quan đến sự an nguy bản thân của chính chủ, như cô em Tạ Phong Tần đã tưởng. Tưởng như thế là tưởng năng thối. Đã có nhiều trường hợp rất gia trọng, gây thương tích cho cả đống người chứ không phải một – như tin (“Không Đội Mũ Bảo Hiểm Cả Nhà Bị Đánh”) của báo Pháp Luật, số ra ngày 24 tháng 1 năm 2013:

“Tối 29-12-2012, Tâm chạy xe máy trở về nhà sau khi ra ngoài đầu hẻm mua card điện thoại. Tâm không đội nón bảo hiểm và khi đi ngang qua chốt văn phòng KP 2 thì bị mấy bảo vệ dân phố (BVDP) đang ngồi nhậu ngoắc tay kêu vào. Tâm không dừng lại mà chạy luôn về nhà.

Khoảng 10 phút sau, có ba BVDP đến và định xông vào nhà. Khi đó, anh của Tâm là Võ Hoàng Sang đang dọn dẹp đồ đạc trước cửa cổng hỏi: ‘Các anh vào nhà làm gì?’ Những người này cho rằng chính Sang đã chạy xe máy không đội nón bảo hiểm lúc nãy và đòi vào khám xét nhà. Sang không đồng ý thì bị các BVDP dùng dùi cui đánh vào đầu. Sang gục xuống vì choáng váng nhưng họ vẫn tiếp tục đánh túi bụi. Bấy giờ, có người em họ đến chơi, vào can ngăn cũng bị BVDP đánh bầm mặt.”

‘Tôi và hai con gái đã vào ngăn cản không cho BVDP đánh Tâm nữa. Đúng lúc, cảnh sát khu vực đến cầm dùi cui đánh vào gáy tôi và dùng roi điện chích vào người chúng tôi. CSKV còn gọi điện thoại về công an phường kêu đem súng xuống trấn áp, họ chỉa súng vào chúng tôi và hăm dọa sẽ bắn chết. Tất cả những người này đều có hơi men. Sự việc xảy ra gây náo loạn cả khu phố, nhiều người chứng kiến nhưng chỉ đứng nhìn chứ không dám vào can thiệp vì sợ bị vạ lây. Đến nay, hộ khẩu gia đình và chiếc xe máy để gia đình đi lại cũng bị thu giữ mà không có biên bản gì cả…’ – mẹ của Tâm kể lại.”
Trước đó một tuần, vào ngày 2 tháng 1 năm 2013, báo Dân Trí cũng đi tin:

“Một sản phụ đang phải điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng chấn thương sọ não, nguy cơ hỏng thai, chị Tống Thị Sen (SN 1990) kêu cứu việc chị bị một chiến sĩ CSGT huyện Yên Dũng dùng gậy vụt thẳng vào đầu do không đội mũ bảo hiểm.”

Kể trên chỉ là đôi ba câu chuyện nhỏ có liên quan đến mũ bảo hiểm thứ thiệt mà thôi. Và phần xịn này chỉ là một phần rất nhỏ của một tảng băng sơn, phần lớn thì đều là đồ dởm – đội chơi cho nó vui thôi – như tường trình của báo báo Dân Trí, số ra ngày 26 tháng 3 năm 2013:

“70% mũ bảo hiểm không có chức năng… bảo hiểm! Đó là con số ước tính của Cục Quản lý Thị trường sau ngày ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm trên địa bàn thủ đô... Theo cơ quan QLTT, các loại mũ này được người dân ưa thích vì rẻ, bắt mắt và tiện mua dọc đường, nhưng hoàn toàn không có chức năng cơ bản là bảo vệ cho người đi môtô, xe máy… Thực tế, đoàn kiểm tra đã tiến hành ‘thí nghiệm’ ngay tại các điểm bán, kết quả cho thấy chỉ gõ nhẹ hai cái mũ vào nhau là mũ đã nứt toác.”

Thanh lịch cỡ người Tràng An mà đại đa số cũng chỉ đội lên đầu những nồi cơm điện giả thì nói chi đến đám dân chúng sống ngoài chốn kinh kỳ. Bộ Trưởng Khoa Học Công Nghệ Nguyễn Quân đã có nhận định vô cùng chính xác là thiên hạ “đội mũ chỉ để đối phó với công an, không phải để bảo vệ đầu của mình.”

Mà muốn “bảo vệ cái đầu của mình” cũng chưa chắc được đâu nha. Đã “không có chức năng” gì, “mũ bảo hiểm còn có thể gây ung thư nữa mới chết mẹ chớ – theo như “phát hiện” đọc được trên trang web Ung Thư Việt Nam:

“Ngày 5/11, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM công bố kết quả kiểm nghiệm mũ bảo hiểm (MBH) nhãn hiệu Attila của Công ty TNHH TM Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân) không đạt yêu cầu về độ an toàn và đặc biệt nguy hiểm là lớp lót trong của mũ có chất gây ung thư.”
*
Nguồn ảnh: thanhnien.com

Trời ơi, sao mà khổ dữ vậy nè? Thôi thì chi bằng cứ bỏ mẹ nó cái vụ mũ nón này đi cho nó đỡ lôi thôi và phiền phức. Tất nhiên, đây chỉ là cái nhìn rất chủ quan, và hoàn toàn có tính cách cá nhân của một anh thường dân (vớ vẩn) như tôi thôi. 

Ở bình diện quốc gia thì các đồng chí lãnh đạo còn phải xem xét vấn đề ở nhiều góc độ vĩ mô khác nữa: nhu cầu tăng gia ngân sách, quyền lợi của những nhà sản xuất, quyền uy cũng như lương/lậu của giới công nhân viên nhà nước ... Không có lý do gì để chận xe “làm luật,” hay để đánh vỡ đầu thiên hạ (cho nó sướng tay) thì mấy ai còn muốn ra đứng đường làm công an giao thông nữa – đúng không?