Ari Nakano, Giáo sư tại Đại học Daito Bunka (The Asashi Shimbun, Asia and Japan Watch)
Nguyễn Hùng, Trần Hoài Nam (Danlambao) lược dịch - Trong hơn 20 năm quan sát đất nước (Việt Nam) này, tôi biết rõ khuynh hướng của chính phủ Việt Nam là cố gắng che đậy sự thật bất lợi cho chính phủ về cơ bản là không có gì thay đổi. Dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, được bọc kín trong một môi trường chính trị hạn chế việc tiết lộ đầy đủ thông tin trung thực và sự đàn áp tự do ngôn luận, cùng lúc luôn bị quấy rầy bởi những khó khăn nghiêm trọng trước khi các dự án đó thậm chí có thể tạo ra kết quả về kỹ thuật hay kinh tế. Nhật Bản cần phải hiểu tình hình Việt Nam và sau đó xem xét lại cách thức hợp tác với một đối tác như vậy...
*
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 40 năm mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam. Nhân dịp Thủ tướng Shinzo Abe sang thăm Việt Nam vào tháng Giêng, hai nước đã tái khẳng định rằng mối quan hệ của họ đã trở thành "đối tác chiến lược" lớn mạnh hơn và nhất trí về việc hai quốc gia cùng tiếp tục hợp tác về chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân và phát triển nguồn tài nguyên đất hiếm.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn vừa xuất hiện liên quan đến vấn đề khai thác tài nguyên và phát triển năng lượng tại Việt Nam. Đơn giản là chỉ cần nhìn vào tiến độ của các chương trình này cho đến nay, hiện đang có mối quan tâm rất lớn về dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại nước này (Việt Nam).
Công tác khai thác quặng bauxite đang diễn ra và dự án sản xuất alumin được tài trợ bởi Trung Quốc ở vùng Tây nguyên của Việt Nam là một dự án có quy mô lớn ngang tầm với kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, dự án này đã được đồng thuận trong vòng bí mật bởi các nhà lãnh đạo của hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, và được vội vã thực hiện mà không có bất kỳ cuộc thảo luận và biểu quyết công khai trong Quốc hội Việt Nam.
Không có báo cáo đánh giá tác động đến môi trường của dự án được chính quyền công bố, và một số người quan tâm về tác hại đến môi trường đã tố cáo rằng dự án đó trắng trợn vi phạm luật (đầu tư). Do sự thiếu minh bạch trong quá trình đưa ra quyết định, cũng như bất kỳ trách nhiệm về phía chính phủ phải giải thích chi tiết của dự án, một phong trào phản đối có tổ chức của các nhà trí thức và chuyên môn Việt Nam đã được phát sinh, và những tổ chức dân sự có cùng mối quan tâm về việc khai thác quặng bauxite đã kết hợp với nhau và cùng lên tiếng đòi hỏi thực thi dân chủ và minh bạch về những hồ sơ ký kết liên quan đến dự án khai thác Bauxite và tinh luyện Alumin.
QUÁ ÍT GIẢI THÍCH VỀ DỰ ÁN KHAI THÁC BAUXITE
Tôi phỏng vấn cư dân tại các làng nông nghiệp ở các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, nơi nguồn tài nguyên bauxite đang được khai thác, nhưng không ai trong số các cư dân tại đây đã nhận được bất kỳ lời giải thích rõ ràng nào về dự án này và chương trình xây dựng cùng mở rộng các nhà máy tinh luyện Alumin, cũng không có kế hoạch trưng thu đất canh tác, bồi thường và các vấn đề liên hệ đến dự án. Mặc dù dân làng đã phàn nàn với các công ty chịu trách nhiệm xây dựng nhà máy và các cơ quan chính phủ về tác hại phát sinh từ việc xây dựng các khu nhà máy, thí dụ như dòng chảy của các chất thải cặn bã, nước thải của nhà máy, tiếng ồn và độ rung chuyển, nhưng không có biện pháp đáng kể nào được nhà máy thực hiện.
Các công ty xây dựng nhà máy cũng không thể thanh toán được tiền lương cho một số công nhân xây dựng vì "tình trạng thiếu ngân sách." Nhiều người trong số họ là lao động nhập cư từ các khu vực cách xa nhà máy, và một số lớn công nhân đã không quay trở lại nơi làm việc sau kỳ nghỉ lễ Tết vì công việc tại đó không được ổn định. Theo lập luận của chính phủ, họ bảo rằng phát triển khu kỹ nghệ nhằm tạo công ăn việc làm và cơ hội đào tạo nghề nghiệp cho cư dân và góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhưng đã không có được bằng chứng cụ thể nào về những lời tuyên bố này. Bộ Công nghiệp và Thương mại, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát dự án, nhấn mạnh rằng chủ dự án đang "tôn trọng lối sống và phong tục của người dân địa phương," nhưng không còn nghi ngờ gì với thực tế những gì đang xảy ra thì rất khác xa với những lời tuyên bố của các quan chức.
Trong khi đó tại các nhà máy tinh luyện Alumin ở tỉnh Lâm Đồng, lúc khởi đầu dự án được dự trù bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2010, kế hoạch bắt đầu khởi công xây dựng đã bị lùi lại thêm hai năm. Cho đến hôm nay, thời điểm dự trù bắt đầu đi vào sản xuất của dự án nhà máy tinh luyện Alumin đã bị trì hoãn hai lần.
Theo giãi bày của văn phòng quản lý dự án, lý do của sự chậm trễ là các yêu cầu kỹ thuật phức tạp của công đoạn sản xuất alumin, "các sai sót" trong một số quy trình đã làm cho sản xuất không ổn định và do tốc độ chậm của việc trưng thu đất. Việc mở rộng cảng Kê Gà ở bình Thuận cũng được lên kế hoạch để vận chuyển alumin, nhưng công tác xây dựng cảng Kê Gà đã không tiến hành được, thậm chí năm năm sau khi chính phủ cấp phép, năm 2007, và tháng Hai vừa qua, dự án này cuối cùng đã bị hủy bỏ. Cũng không có tiến bộ về kế hoạch mở rộng các tuyến đường và củng cố các cây cầu nối liền các nhà máy tinh luyện Alumin với cảng (Kê Gà). Dự án khai thác quặng Bauxit rõ ràng là một thất bại, tuy vậy không ai (chính quyền) biết rõ những quan chức nào sẽ phải nhận lãnh trách nhiệm về những thất bại này.
Phê phán về sự thất bại của nhiều dự án quy mô lớn đã gia tăng, chẳng hạn như dự án khai thác bauxite, cũng như tình trạng tham nhũng của các doanh nghiệp nhà nước. Điều này đã gây áp lực lên chính phủ để họ phải có lời giải thích thỏa đáng, vì vậy vào tháng ba chính quyền đã triệu tập một cuộc họp trong đó "Bộ trưởng sẽ trả lời các câu hỏi của dân." Khi được hỏi về dự án khai thác bauxite bị đình trệ, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết những lý do của sự thất bại là: "dự án này là một dự án thử nghiệm đầu tiên tại Việt Nam," rằng Việt Nam "chưa có kinh nghiệm quản lý một khối lượng lớn quỹ đầu tư công nghệ (trị giá hàng chục tỷ đô la)", và dự án này " có nhiều yêu cầu kỹ thuật rất phức tạp." Cũng có thể nói những điều tương tự như thế cho dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (tại Ninh Thuận).
Vào đầu năm nay tôi đã tổ chức một cuộc hội nghị ở Hà Nội về đề tài phát triển tài nguyên và chính sách về môi trường, với sự giúp đỡ của Bộ Công Thương Việt Nam kết hợp cùng với các trường đại học Nhật Bản và các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã thẳng thừng từ chối đưa vấn đề phát triển bauxite vào chương trình nghị sự và cũng không cho phép các chuyên gia hay trí thức quan trọng của dự án Bauxite đến tham dự. Bộ này thậm chí không chấp nhận sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, mà Bộ này được nhà nước giao nhiệm vụ giãi quyết các vấn đề về môi trường. Tôi muốn tạo ra một cơ hội cho các nhà ủng hộ khai thác quặng mỏ và các nhà phê bình về các dự án này ngồi cùng một bàn và cùng tham gia vào một cuộc thảo luận mở, nhưng, ngay từ giai đoạn lên kế hoạch cho cuộc hội nghị, nỗ lực của chúng tôi đã bị chết yểu.
PHẢN ĐỐI DỰ ÁN XÂY DỰNG NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ NHỮNG VỤ BẮT BỚ PHI PHÁP
Các nhà trí thức Việt Nam tiếp tục phản đối dự án phát triển khai thác boxit cũng đang cùng nhau chia sẻ thông tin về tai nại tại hai nhà máy điện hạt nhân Chernobyl và Fukushima số 1, và lên tiếng phản đối dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà Nga và Nhật Bản đang thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, một vài nhân vật khởi xướng phong trào phản đối dự án điện hạt nhân đã bị an ninh Việt Nam theo dõi. Một vài vị bị bắt giữ một cách bất hợp pháp và nhà ở của một số vị khác bị công an lục soát.
Xu hướng phổ biến tại các nước trên thế giới là cố gắng nhằm đạt được sự đồng thuận từ nhiều phía bao gồm việc giải quyết các vấn đề liên quan đến các dự án quan trọng nhằm phát triển tài nguyên và năng lượng. Điều này liên quan đến việc hợp tác giữa chính phủ và các công ty thực hiện dự án, với người dân địa phương và dân tộc thiểu số, cũng như các chuyên gia, trí thức, công dân, Tổ chức Phi Chính phủ (NGO), các tổ chức quốc tế, trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên trong khi chính phủ Việt Nam nói rằng họ có một chính sách đối ngoại "tham gia tích cực trong cộng đồng quốc tế", nhưng thực tế là họ đang đi hướng ngược lại. Trong hơn 20 năm quan sát đất nước (Việt Nam) này, tôi biết rõ khuynh hướng của chính phủ Việt Nam là cố gắng che đậy sự thật bất lợi cho chính phủ về cơ bản là không có gì thay đổi. Dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, được bọc kín trong một môi trường chính trị hạn chế việc tiết lộ đầy đủ thông tin trung thực và sự đàn áp tự do ngôn luận, cùng lúc luôn bị quấy rầy bởi những khó khăn nghiêm trọng trước khi các dự án đó thậm chí có thể tạo ra kết quả về kỹ thuật hay kinh tế.
Nhật Bản cần phải hiểu tình hình Việt Nam và sau đó xem xét lại cách thức hợp tác với một đối tác như vậy.
(Ari Nakano là giáo sư tại Đại học Daito Bunka. Bà đã làm công tác nghiên cứu hậu đại học tại Đại học Keio và được cấp bằng Tiến sĩ. Lĩnh vực chuyên môn của bà là tình hình chính trị của Việt Nam, ngoại giao và nhân quyền.)
Bản tiếng Việt: