Giải mã khái niệm "Lòng tin chiến lược" của ĐCS VN tại Đối thoại Shangri-La



Nguyễn Nghĩa650 (Danlambao) - Trong bài phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 ở Singapore, Thủ tướng Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh về việc xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng của châu Á - Thái Bình Dương.

Sau bài phát biểu này, báo chí "lề đảng" đồng loạt ca ngợi tầm vóc chiến lược của nội dung bài phát biểu. Bạn đọc chỉ cần gõ vào cụm từ Thủ tướng VN tại Shangri-La là có kết quả, nên tôi không dẫn thêm thí dụ. Muốn hiểu khái niệm lòng tin chiến lược do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất, ta không thể tách rời cội rễ chính trị của ông ta.

Bài viết này chính là 1 cố gắng giải mã Thủ tướng Dũng, giải mã khái niệm mà ông ta đưa ra tại Shangri-La trong bài phát biểu của mình ngày 31/05/2013.

1. Cội nguồn cộng sản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Là Thủ tướng của 1 nước do ĐCS VN toàn trị, là 1 trong số 16 ủy viên BCT ĐCS VN ông Dũng không thể phát biểu khác với đường lối chính trị do ĐCS VN đã hoạch định.

Đường lối đó tựu trung chỉ có 16 chữ và 4 điều tốt do BCT ĐCS TQ ban thưởng. Dựa vào 16 chữ và 4 điều tốt là ĐCS VN sẽ kiên trì được điều 4 của Hiến pháp 1992, tiếp tục toàn trị, tiếp tục nô lệ dân tộc Việt Nam, tiếp tục tham nhũng vô hạn độ....

Thực tế, trong quá khứ, ĐCS VN đã có lòng tin chiến lược "trong sáng", không 1 chút gợn đục đối với ĐCS TQ và nước CHND TH.

Họ 1 mực tin vào lòng hào hiệp, vì lợi ích của giai cấp vô sản toàn thế giới mà tự nguyện mang dân tộc Việt Nam ta:

"Làm tên quân cảm tử đi tiên phong,
Đánh trăm trận thề trăm phen quyết thặng" (Tố Hữu)

Với lòng tin chiến lược cao cả này, ĐCS VN đã nghe lời Chu Ân Lai, ký Hiệp định Geneve năm 1954 chia cắt nước Việt Nam thành 2 Miền Nam-Bắc.

Do có lòng tin chiến lược "trong sáng" nên ĐCS VN đã khởi động cuộc chiến tranh chống Mỹ, đưa 1 dân tộc nghèo bậc nhất thế giới lúc bấy giờ vào cuộc chiến tranh với cường quốc số 1 thế giới đang ở giai đoạn sung thịnh.

Cũng nhờ có lòng tin chiến lược cộng sản mà Phạm Văn Đồng đã nhanh nhẹn ký công hàm ngày 14/9/1958, công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là lãnh hải của Anh hai XHCN TQ.

Lòng tin chiến lược cộng sản còn thể hiện khi TQ năm 1974, hải chiến giết chết 74 chiến sĩ hải quân VNCH để chiếm đoạt hoàn toàn Hoàng Sa, thì TW ĐCS VN đã gửi điện mừng và cám ơn các đồng chí cộng sản TQ đã giúp Việt Nam cộng sản thu hồi lãnh hải từ tay bọn tay sai Đế quốc.

Lòng tin của ĐCS VN vào lý tưởng cộng sản, vào đảng cộng sản TQ anh em là vô bờ bến.

Dù bị TQ gây ra chiến tranh biên giới 1979 giết hại dân thường Việt Nam tại các tỉnh biên giới một cách tàn bạo. Dù bị TQ gây ra chiến tranh năm 1984, chiếm các vùng đất biên giới thuộc Việt Nam như Thác Bản Giốc, Ải Mục Nam Quan, cao điểm 1509 Hà Giang... hay bị TQ gây hải chiến, chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa năm 1990, 1992... Thế nhưng chỉ cần Anh hai TQ vỗ về, nhắn gọi về chầu, là Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng lếch thếch bầu đoàn sang Thành Đô để khẳng định tình anh em XHCN năm 1990.

Do có lòng tin chiến lược cộng sản mà Nguyễn Tấn Dũng và BCT ĐCS VN đã cho TQ vào Tây Nguyên, cam chịu thua thiệt về kinh tế, bất an về an ninh, và tai họa về ô nhiễm môi trường...

Hôm nay tại Shangri-La, Thủ tướng cộng sản Việt Nam lại muốn làm chính khách chiến lược, giao dạy cho các nước trên thế giới về 1 lòng tin chiến lược cộng sản của mình, thật là 1 điều bỉ ổi.

Phái đoàn TQ tại Shangri-La chắc chắn hiểu ngay ý Thủ tướng Dũng muốn nói gì, khi kêu gọi về 1 lòng tin chiến lược giữa các nước Asean.

Đó là thần phục TQ vô điều kiện.

Phái đoàn của Mỹ nếu không hiểu rõ về nội dung của lòng tin chiến lược do Thủ tướng Việt Nam cộng sản đề nghị, thì tôi xin bật mí cho các vị.

Đó là yêu cầu của ĐCS VN, yêu cầu Mỹ không đặt vấn đề Nhân quyền, Quyền con người, Quyền tự do phát biểu chính kiến,... vào các thảo luận song phương với Việt Nam cộng sản.

Cách làm của họ cũng thật bị ổi. Họ bắt tù những người Việt Nam yêu nước có chính kiến chính trị khác cộng sản làm con bài mặc cả với Mỹ.

Vụ bắt một blogger Trương Duy Nhất chính là 1 gợi ý cho Mỹ về chủ kiến của Thủ tướng VN khi phát biểu về lòng tin chiến lược tại Shangri-La.

Những người cộng sản Việt Nam đã nói không với Quyền con người, với Nhân quyền, với đa đảng phái...

Ngay cả "Một góc nhìn khác" những người cộng sản VN cũng không chấp nhận.

TQ luôn luôn mong đợi Việt Nam không cải cách dân chủ và TQ luôn đồng cảm với mọi tư duy chiến lược của Việt Nam cộng sản.

Hôm nay, tại Shangri-La, phái đoàn TQ đã được nghe Thủ tướng Việt Nam khẳng định điều này dưới cụm từ "lòng tin chiến lược".

2. Thủ tướng Dũng phát biểu, như phát biểu của 1 chính khách nước ngoài, không phải là người Việt Nam.

Trong những căng thẳng thời gian vừa qua trên Biển Hoa Đông và Biển Đông, Việt Nam là nước có quyền lợi lãnh hải bị xâm phạm. Ngư dân Việt Nam bị cấm đánh bắt cá trên những ngư trường truyền thống của họ tại Hoàng Sa, Trường Sa. Tầu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị các tầu tuần tiểu TQ đâm chìm hay làm hư hại nặng.

Trưởng phái đoàn TQ tại Shangri-La lại hỗn xược tuyên bố TQ có quyền tuần tiểu trên lãnh hải của mình.

Như vậy Việt Nam bị trực tiếp ảnh hưởng về quyền chủ quyền khi TQ ngang ngược xâm phạm lãnh hải Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Hơn nữa từ 1974, TQ đã toàn chiến Hoàng Sa của Việt Nam.

Ông Dũng hãy nghe Bộ trưởng Nhật Bản nói gì về tranh chấp Senkaku tại Biển Hoa Đông.

Ông Bộ trưởng Nhật Bản tuyên bố sẽ "giữ nguyên hiện trạng".

Nghĩa là nếu TQ dùng chiến tranh, Nhật Bản sẽ chiến tranh để "giữ nguyên trạng".

Thông điệp này vừa tế nhị, vừa cương quyết, khẳng định lòng tin vào chính nghĩa chủ quyền tại khu vực tranh chấp trên Biển Hoa Đông của chính phủ Nhật Bản.

Việt Nam ta, tuy sức mạnh quân sự không hùng cường như Nhật Bản, nhưng tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, Việt Nam cần phải nêu bật được chính nghĩa quyền chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam cần phải nêu rõ là TQ đã dùng vũ lực để xâm lược lãnh hải của Việt Nam.

Điều này Thủ tướng Dũng không làm được. Ông ta đã cố tình lờ đi sự kiện TQ xâm lược lãnh hải Việt Nam.

Nếu chỉ dùng đàm phán hòa bình, cho dù Asean và TQ có C.O.C đi nữa, thì Việt Nam cũng vĩnh viễn không bao giờ đòi được Hoàng Sa và Trường Sa từ tay TQ.

Trò hề thông qua Luật Biển VN và những tuyên bố hùng hồn của các lãnh đạo cao cấp cộng sản Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa thời gian gần đây chỉ là những thủ đoạn mị dân rẻ tiền.

Nếu muốn Hoàng Sa, Trường Sa trở về với tổ quốc Việt Nam, chúng ta không được hạn chế mình trong bất cứ khuôn khổ pháp lý nào.

Đây là 1 chân lý hiển nhiên.

Mọi dân tộc trên thế giới đều có quyền tự vệ chống trả xâm lược, thu hồi đất đai, lãnh hải bị xâm chiếm.

3. Nội dung hoa mỹ của khái niệm lòng tin chiến lược.

Ngay đầu bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dùng thành ngữ Việt Nam: "Mất lòng tin là mất tất cả". Ông ta cho rằng lòng tin là nền tảng cho mọi quan hệ hợp tác. Đầu tiên, Thủ tướng có lòng tin vào tương lai tươi sáng của Asean dù có khác biệt về chế độ chính trị, đức tin,... nhưng "Đối với Việt Nam chúng tôi, lòng tin chiến lược còn được hiểu trên hết là sự thực tâm và chân thành."

Trong tất cả các quan hệ trên thế giới này, quyền lợi quốc gia mình, quyền lợi khu vực địa chính trị của quốc gia mình, quyền lợi tương lai của quốc gia mình... là những giá trị đầu tiên chi phối, tác động mạnh mẽ vào nội dung các quan hệ.

Sự "thành tâm và chân thành" như Thủ tướng nói chỉ là ngôn ngữ ngoại giao sáo rỗng, hoặc là sự ngu xuẩn không giới hạn như ĐCS VN đối với ĐCS TQ. 

"Thứ hai, để xây dựng lòng tin chiến lược, cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đề cao trách nhiệm của các quốc gia - nhất là các nước lớn và nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác an ninh đa phương."

Thế thì ta thử hỏi chính phủ Việt Nam cộng sản đã tôn trọng những gì mình ký chưa? Tại sao họ liên tục bắt bớ những người Việt Nam biểu tình ôn hòa chống TQ xâm lược, đòi quyền con người.

Cũng xin hỏi Thủ tướng rằng: Một nước cộng sản có thể hợp tác chiến lược với 1 nước tư bản dân chủ được không?

Có thể có được thực tâm và chân thành để hợp tác không, khi lý thuyết Mác Lê Nin coi giai cấp tư sản là kẻ thù không đội trời chung của giai cấp vô sản?

3. Ba câu trả lời của Thủ tướng.

Giải mã phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La không thể không phân tích 3 câu hỏi của thính giả và 3 câu trả lời của Thủ tướng.

- Tiến sỹ Christian Le Miere, nghiên cứu viên cao cấp về Hải quân và An ninh Hàng hải, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hỏi:

“Trong bài phát biểu của ngài, ngài nhiều lần nhắc tới tầm quan trọng của luật pháp quốc tế ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và tất cả các nước nên tôn trọng luật quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam đồng ý với Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế về đối với tranh chấp chủ quyên tại Bãi cạn Scraborough? Và ngài có muốn thấy có thêm nhiều nước dựa vào tòa trọng tài quốc tế như một công cụ để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình?”

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời: Thưa các bạn, vấn đề Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài của Tòa án Quốc tế về Luật Biển, về vấn đề này ngày 26/4/2013, Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố công khai quan điểm của mình, tôi xin không nhắc lại để đỡ tốn thời gian của quý vị.

Trả lời này là không trả lời. Việt Nam có ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế không, ta không được biết.

Ở đây, cũng như vấn đề "tầu lạ" đối với các khiêu khích của TQ tại Biển Đông, ĐCS VN vẫn không dám tỏ thái độ.

Ở câu hỏi này, tôi khẳng định là nếu muốn Hoàng Sa, Trường Sa về với Việt Nam, cần ủng hộ Philippines, cần tranh thủ mọi biệt pháp hòa bình pháp lý. Ủng hộ Philippines kiện TQ, không đồng nghĩa với ủng hộ nội dung kiện của Philippines, bởi vì Việt Nam và Philippines cũng có chồng chéo chủ quyền tại một số đảo tại Trường Sa.

Ta ủng hộ là ủng hộ 1 phương thức đấu tranh văn minh, hòa bình, là tận dụng mọi khả năng có thể do luật pháp thế giới qui định.

- Nữ Thiếu tướng Yao Yunzhu, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Quốc phòng Trung – Mỹ, Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc:

“Cảm ơn Ngài Thủ tướng về bài phát biểu rất khai sáng. Tôi có câu hỏi rất cụ thể cho Ngài. Trong bài phát biểu, ngài đề cập các thách thức an ninh ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt hiện nay, trong đó ngài có đề cập tới có việc tự do hàng hải bị gián đoán cũng như ảnh hưởng luồng trung chuyển thương mại quốc tế trong đó một hoặc nhiều cường quốc chính vi phạm luật quốc tế. Câu hỏi của tôi là ngài có thể nêu ra một vài ví dụ cụ thể về việc tự do hàng hải bị vi phạm và vi phạm theo luật quốc tế nào?”

Câu hỏi này rất dễ trả lời, nhưng ông Dũng trả lời thế này:

"Quan điểm của tôi, quan điểm của Việt Nam, đã nói rõ trong bài, tôi đã đề cập rõ trong bài phát biểu của mình là để thực hiện được mong muốn chung, mục tiêu chung như tôi vừa để cập thì các bên, trước hết các quốc gia, các bên liên quan trước hết cần thực hiện nghiêm túc DOC, cùng nhau tiến tới COC trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982."

Nghĩa là cũng chẳng trả lời gì cả. Vẫn là "tầu lạ".

Xin hỏi Thủ Dũng:

Ai cấm đánh bắt cá trên các ngư trường truyền thống của Việt Nam quanh Hoàng Sa, Trường Sa, ai đã dùng tầu quân sự trá hình húc đắm, húc hỏng thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam, ai gây căng thẳng tại Bãi cạn Scarborough, ai gây căng thẳng tại Senkaku...? Chính là TQ.

Tránh chỉ mặt kẻ cướp, khi chúng cướp của, giết người là nuôi dưỡng sự càn bậy của tên cướp đó, là âm thầm đồng lõa với tên cướp đó.

- Tiến sỹ Lee Chung Min, Đại học Yonsei, Hàn Quốc hỏi:

"Cảm ơn Ngài Thủ tướng. Ngài đã đề cập tới các từ "lòng tin chiến lược" tới 30-40 lần, câu hỏi của tôi rất đơn giản là vậy ngài tin tưởng Hoa Kỳ như thế nào khi so với Trung Quốc, đứng ở quan điểm của Việt Nam? Cảm ơn Ngài!"

Thủ tướng cộng sản Việt Nam đã trả lời: "Như tôi đã đề cập trong bài phát biểu của tôi là Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai cường quốc có trách nhiệm lớn nhất, tôi nhấn mạnh là lớn nhất, trong tương lai trong quan hệ của chính mình, cũng như sự đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực.

Chúng tôi tin tưởng và hy vọng Trung Quốc và Hoa Kỳ với tư cách là hai cường quốc của thế giới, của khu vực nhận rõ vai trò, trách nhiệm và lợi ích của mình mà có những chiến lược, những việc làm thiết thực, phù hợp để đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực. Xin cảm ơn các bạn."

Ở câu hỏi cuối cùng này, ông Dũng cũng chơi bài lờ huyền, ông Dũng đã không trả lời câu hỏi của Tiến sĩ Lê Chung Min.

Tôi xin phép thay mặt Thủ tướng cộng sản trả lời vị Tiến sĩ Hàn Quốc:

Nếu Hoa Kỳ cứ giúp Việt Nam, cho phép ĐCS VN cấm đoán người dân Việt Nam thực thi quyền làm người, quyền phát biểu chính kiến ôn hòa, quyền biểu tình yêu nước chống TQ, quyền phản biện các chính sách của ĐCS VN, quyền vạch những tham ô, tham nhũng,... thì nước Việt Nam vẫn cứ là cộng sản toàn trị.

Mà TQ cũng là cộng sản, nên chúng tôi có lòng tin chiến lược với nhau.

Đây là điều dễ hiểu.

Còn nếu Hoa Kỳ cứ khăng khăng kèm điều kiện nhân quyền trong đàm phán với Việt Nam, thì Việt Nam cộng sản sẽ bắt hết những người có ý kiến khác với đường lối của ĐCS VN cho Hoa Kỳ xem.

Lúc đó thì Việt Nam là của TQ hoàn toàn, Hoa Kỳ sẽ thua cuộc tại chính trường Asean này.