Mỹ bất chấp « vùng nhận dạng và phòng không » của Trung Quốc


Ba đảo Uotsuri (phía trên), Kitakojima et Minamikojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
Ba đảo Uotsuri (phía trên), Kitakojima et Minamikojima, thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
REUTERS/Kyodo
Không quân Mỹ sẽ tiếp tục các phi vụ trên không phận biển Hoa Đông, không tuân thủ đòi hỏi của Trung Quốc và sẽ tự vệ khi cần thiết. Trên đây là phản ứng của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến quyết định áp đặt « vùng nhận dạng và phòng không » gây căng thẳng với Nhật Bản và Hàn Quốc.
Quyết định đơn phương của Bắc Kinh thiết lập « vùng nhận dạng và phòng không » trên biển Hoa Đông bị lên án gây bất ổn vô ích cho an ninh khu vực.
Siêu cường số một Hoa Kỳ lên tiếng cùng với Nhật không công nhận quyết định của Trung Quốc.
Hôm nay 26/11/2013, trung tá Steve Warren, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố là quân đội Hoa Kỳ không thay đổi bất cứ hoạt động nào trên trên không phận Hoa Đông và các phi công Mỹ không thông báo cho phía Trung Quốc bản đồ phi hành hay tần số liên lạc vô tuyến cũng như không mở máy điện đàm trong khi bay ngang khu vực này.
Bình luận về « vùng nhận dạng và phòng không » mà Trung Quốc thông báo có hiệu lực kể từ ngày 23/11 bao trùm phần lớn biển Hoa Đông , phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ gọi đây là một yếu tố gây « bất ổn » và cảnh báo rằng các phi công Mỹ sẽ phản ứng để tự vệ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cũng phê phán Trung Quốc gây căng thẳng một cách vô ích thay vì tìm cách giải quyết tranh chấp biển đảo bằng ngoại giao.
Chính quyền Trung Quốc đe dọa là « quân đội sẽ có biện pháp khẩn cấp » nếu phi cơ nước ngoài không tuân thủ yêu sách, nhưng không nói rõ là sẽ có biện pháp cụ thể như thế nào.
Úc phản đối Trung Quốc lập « vùng phòng không »
Hôm nay, 25/11/2013, Úc triệu đại sứ Trung Quốc để phản đối việc Bắc Kinh đột ngột tuyên bố lập một «vùng phòng không » tại khu vực biển Hoa Đông. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop khẳng định : « Úc bày tỏ rõ ràng quan điểm đối lập với mọi hành động vũ lực hoặc đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông ».
Ngoại trưởng Úc giải thích : « Thời điểm và cách thức mà Trung Quốc đưa ra tuyên bố kể trên không thuận lợi, trong bối cảnh có nhiều căng thẳng hiện nay tại khu vực, và không đóng góp gì vào ổn định tình hình tại khu vực này ».
Từ ba ngày nay, Bắc Kinh đơn phương quyết định áp đặt một « vùng phòng không » tại khu vực biển Hoa Đông bị các nước láng giếng Đông Bắc Á và Hoa Kỳ phản đối.
Phản ứng của Nhật Bản đặc biệt dữ dội, vì vùng phòng không này bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật kiểm soát, nhưng bị Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Hàn Quốc sẽ thảo luận với Trung Quốc
Ngày hôm qua, 25/11, đài phát thanh Hàn Quốc KSB dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này, theo đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ thảo luận vấn đề này với phía Trung Quốc, trong khuôn khổ cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng song phương ngày 28/11 ở Seoul. Theo Hàn Quốc, « vùng nhận dạng phòng không » mà Trung Quốc đòi hỏi lấn vào không phận Hàn Quốc tại phía tây đảo Jeju, đảo Ieodo và một bãi đá ngầm ở phía tây nam bán đảo Triều Tiên.
Theo đài KSB, « vùng phòng không » mà Trung Quốc đòi hỏi riêng tại đảo Jeju, bao phủ một khu vực rộng 20km và dài 115km tức lấn sâu vào không phận Hàn Quốc đến 2300 km vuông.
Seoul khẳng định không để cho « vùng phòng không » của Trung Quốc ảnh hưởng đến vùng trời thuộc chủ quyền Hàn Quốc và làm tăng thêm mối căng thẳng tiềm tàng giữa hai nước.