Hạ Đình Nguyên
Sau 10 năm ngồi tù với cái “án giết người”, ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do, vì kẻ giết người thật sự – Lý Nguyễn Chung – tự ra đầu thú, mọi sự đã phơi bày ra ánh sáng.
Án oan sai của nền tư pháp thì quốc gia nào cũng có, nhưng đặc điểm ở đây là sự ép cung quá điển hình mà lại đồng bộ.
Ngày 15/8/2003 định mệnh ấy, khi người nông dân tên Chấn đi lấy nước, đúng lúc có người phát hiện xác phụ nữ tên H ở cùng thôn, bị giết hại. Thế là ông trở thành kẻ giết người sau những màn ép cung, trên cơ sở vết dấu chân gần giống nhau.
Vì ngu dốt và đúng hơn, vì bệnh thành tích của điều tra viên đãchuyển hóa thành lập trường kiên định, họ dùng bạo lực để ép cung, bất kể sự phân trần phải quấy, buộc ông Chấn phải nhận tội, phải nói theo, làm theo chỉ dẫn và còn tập cho ông thuần thục những động tác để tái diễn hiện trường y như thật! (Có lẽ giống người Bắc Triều Tiên khóc thương lãnh tụ).
Hai phiên tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm vẫn thản nhiên kết luận y án “giết người”. Vì ngu dốt, vì thành tích của hệ thống tòa lại đã chuyển hóa thành lập trường kiên định?
Vợ ông 10 năm kêu oan cho chồng. Nhưng những lá đơn khiếu nại của người đàn bà khốn khổ vẫn bị gạt bỏ, không đếm xỉa tới. Tất cả họ đều kiên định lập trường!
Cái ngu dốt, cái thành tích để tiến lên cõi quan trường bây giờ đã nâng lên một tầng cao và trở thànhniềm tin. Và niềm tin đó được cùng nhau củng cố trong một hệ thống. Sự lừa dối đã mặc bộ y phục công lý hoàn chỉnh, sự bất lương thì ẩn dưới niềm tin.
Bất ngờ 10 năm sau, cái luận lý biện chứng hùng hồn như đinh đóng cột vang lên ở các chốn công đường, bây giờ bỗng đổ vỡ ra từng mảnh. Có lấp liếm sửa thế nào thì mọi chuyện cũng đã bay qua, ông Chấn đã 10 năm cơ thể hao mòn, sinh lực cạn kiệt, gia đình điên đảo. Cái tụt hậu toàn diện ấy của gia đình ông không thể gỡ nổi.
Ông Vũ Đức Khiển, nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, đòi hỏi phải tiến hành thủ tục để minh oan! Không, vì chưa đủ. Đúng ra phải là lời thú tội chân thành làm gương cho kẻ khác! Và lời thú tội phải diễn ra trên diện rộng, toàn ngành tư pháp. Vì hệ thống ấy đã tạo nên những con người không đủ lương thiện và không đủ chuyên môn. Cái cốt cách thiển cận không mang nổi sự lếu láo của “hồng và chuyên”.
Thử lắng nghe tiếng quanh co phát ra từ bản chất, dù sau mọi đổ vỡ:
“Giờ bị cáo oan sai thì trách nhiệm là do Quốc hội chứ biết sao được?”. Và: “Chúng tôi xử sơ thẩm mà cấp phúc thẩm y án thì chứng tỏ có đủ căn cứ kết tội bị cáo về tội giết người. Cấp phúc thẩm tuyên y án có nghĩa chúng tôi xử đúng rồi và chúng tôi cũng không có trách nhiệm gì. Giờ vụ án có sai thì trách nhiệm thuộc về cấp phúc thẩm của tòa tối cao”.
Ai có thể lay chuyển để khơi dậy lương tri của những con người như thế? Và để làm gì chứ? Họ nói họ đã quên rồi, họ đã chuyển “công tác” khác… Thật đơn giản! Sở Khanh dù lẩn trốn hay ngồi tù, Tú Bà vẫn y án đòn roi.
Cái oan của Nguyễn Thanh Chấn, cũng đơn giản như cái sai của Dương Chí Dũng, vốn là điển hình trong muôn một của ngành Tư pháp và ngành Hành pháp, vì có cùng một nguồn gốc, và hậu quả như nhau. Vì ông Chấn có ra tù, ông Dũng có vào tù, thì đau khổ ông kia cũng đã nhận, tiền ngàn tỉ của quốc gia cũng đã mất.
Và ngành Lập pháp – các ông bà nghị hôm nay đang hùng hổ trong Quốc hội – tiếp tục kiên định lập trường thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp – một bản án có tính thời đại trên hồ sơ ép cung dân tộc –đã được sắp đặt và dàn dựng, mặc cho đơn khiếu nại, phản đối và tiếng gào thét kêu oan của dân chúng diễn ra khắp nơi. (*)
Mai kia, đất nước có tụt tận đáy loạn ly, thì họ – những kẻ bạo hành ép cung dân tộc – vẫn ngồi trong căn phòng nhỏ của ngôi nhà to của mình, mắt mờ chân run, chẳng đáng để làm gì (như đã và đang thấy)!
Và họ chẳng cần quan tâm hậu thế phê phán ra sao, mụ mẫm ngồi trơ ra đấy, dù lịch sử có ghi lại vết nhơ.
Họ vẫn sắp nhấn nút “y án”!
Một bản án định mệnh của dân tộc!
H. Đ. N.
9–11–2013
(*) Trích vài dòng “đơn khiếu nại” và cảnh báo tiêu biểu:
– Kiến nghị 72: “Nếu hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân và ngược với bản chất của một nhà nước pháp quyền.”
– Nguyễn Sĩ Dũng (trả lời phỏng vấn của báo Tuổi trẻ, ngày 04/11): “Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác. Tôi có cảm giác là hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.”