Bàn về ý kiến của GS Tương Lai


Thu-tuong-shangri-laMấy hôm nay tôi có đọc về việc Giáo Sư Tương Lai có ý kiến nêu ra khá “thú vị” về việc ông cho rằng Thủ tướng đương nhiệm Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đang có những bước đi cải cách chính trị quan trọng nhưng bị một thế lực khác phá hoại, ngăn cản. Từ khi ông nêu ra quan điểm này, có nhiều luồng ý kiến cũng muốn bày tỏ sự băn khoăn là thế lực nào mà giáo sư Tương Lai đề cập đến trong phát ngôn của ông ta.
Trước hết, tôi cũng bày tỏ rằng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm đó. Vốn dĩ đã từ lâu tôi cũng có nhiều quan sát quá trình vận động chính trị của Việt Nam, những bước đi của các hoạt động dân chủ từ bên trong nội bộ đảng cho đến các hoạt động chính trị quần chúng. Nên cũng tổng hợp ra được một quan điểm tương đồng với Giáo Sư Tương Lai.
Bàn về nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, và muốn thấy rõ vì sao giáo sư Tương Lai có quan điểm như thế, theo tôi thì cần quan sát ông Nguyễn Tấn Dũng trong 1 bối cảnh từ khi ông ta nắm quyền từ năm 2006 đến nay, nhìn và nhắc lại những điểm nhấn đáng chú ý trong hoạt động chính trị của ông ở tầm quốc gia, để có cái nhìn khách quan và xuyên suốt hơn, trong 1 bức tranh đảng toàn trị và lãnh đạo tập thể tại Việt Nam.
Hẳn những nhà quan sát chính trị đều hiểu rằng việc thủ tướng NTD đăng nhiệm khi cựu thủ tướng Phan Văn Khải đang còn dở dang nhiệm kỳ cho thấy một xu hướng là thủ tướng NTD được Phương Tây ủng hộ để ông ta lên lèo lái con thuyền Việt Nam. Trong 1 bối cảnh từ năm 2006 là Trung Quốc đã bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành 1 thế lực bành trướng tại châu Á, hơn ai hết, Mỹ và các quốc gia đồng minh hiểu rằng con bài Asean mà Mỹ ra công gây dựng tại châu Á từ lâu để trong tương lai có đủ thực lực để kiềm chế Trung Quốc cũng phải bắt đầu phát huy sứ mệnh chính trị của nó.  Trong hoàn cảnh đó, Việt Nam được Phương Tây lựa chọn như 1 con bài chủ lực của khối Asean, vì tôi nghĩ Phương Tây cũng nhận thức được rằng chỉ có Việt Nam với sự tương đồng văn hóa, sự “ma mãnh chính trị” và bề dày lịch sử đấu tranh, đối đầu với Trung Quốc mới đủ “khôn ngoan và tầm mức” để trở thành mũi nhọn của khối Asean trong việc chống lại bá quyền Trung Quốc. Và khi con cờ Asean bắt đầu phát huy vai trò của nó, thì Việt Nam, với vai trò mũi nhọn xung kích, phải đi vào chiến lược lớn này. Để làm được điều đó, các quốc gia Phương Tây cũng nhìn ra rằng, trong  dài hạn thời gian từ 1945 đến nay, sự gắn bó chính trị của Việt Nam với Trung Quốc,  cùng với hiện thực là vai trò của phong trào dân chủ trong quần chúng còn yếu, nên sự chuyển hóa chính trị tại Việt Nam cho 1 thể chế dân chủ thân Phương Tây, bài Trung Quốc ra đời nhằm dẫn dắt khối Asean thực hiện tốt nhất chiến lược trên, buộc Việt Nam chỉ có thể chuyển hóa chính trị từ trên xuống trong ngắn hạn, để chuyển dịch gần với Phương Tây hơn. Và trong bối cảnh đó, chúng ta thấy họ ủng hộ và làm nổi lên nhân vật Nguyễn Tấn Dũng, người được Phương Tây lựa chọn và ủng hộ, cho nước cờ chuyển hóa chính trị Việt Nam, là một kế sách chiến lược bài bản, quy mô.
Sau khi nhậm chức vào năm 2006, cũng đúng như kỳ vọng của các thế lực Mỹ và đồng minh Phương Tây, Nguyễn Tấn Dũng đã có 1 chuyến đi quan trọng để đưa Việt Nam xích gần với Phương Tây hơn, đó là chuyến đi đến Vatican, thủ lĩnh tinh thần của Phương Tây, và Mỹ, coi như là thủ lĩnh “vật chất” của Phương Tây, mà không sang Trung Quốc, như 1 minh chứng để ông ta khẳng định đường lối là sẽ lèo lái con thuyền Việt Nam đi theo chiến lược dẫn dắt Asean đối đầu với Trung Quốc, như Mỹ mong đợi.
Hiển nhiên là Trung Quốc cũng nhìn ra sách lược đó, và ngay từ lúc đó, “những thế lực phá hoại” bắt đầu nước đi đầu tiên trong ván cờ “minh tranh ám đấu” của họ. Năm 2007 tại Việt Nam có tin đồn là thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (sau đây xin viết tắt là NTD) bị ám sát hụt tại nhà riêng, và bức tường nhà ông sập một phần tuy nhiên ông NTD không bị ảnh hưởng.  Tin đồn này hóa ra lại hình như có gì đó, khi tôi nghe dư luận đồn rằng nhiều cán bộ sĩ quan an ninh, đa số là trung tá trở lên trong ngành công an, nhận được chỉ thị mật là bí mật điều tra về sự việc trên. Và nhiệm vụ này, tôi cũng “nghe đồn” là được giao cho 1 vị Thượng tướng rất ít khi nổi danh của ngành công an khi đó, thượng tướng Thi Văn Tám, thứ trưởng phụ trách tình báo của Bộ Công An, người từ lâu tuy ít khi ồn ào trước truyền thông nhưng có danh tiếng khá sạch sẽ, được nhiều bà con quần chúng miền Nam kính phục. Vị Thượng tướng này đã chỉ huy và tìm ra được “thế lực phá hoại” sau khi nhận được chỉ thị cho tiến hành điều tra của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Rồi điều không may cho Thượng tướng Tám Thi, khi ông sắp biết ra điều phải biết thì thế lực đó 1 lần nữa ra tay bằng cách ám sát ông. Gia đình và những cán bộ dưới quyền thân cận cố gắng đưa ông đi chữa trị ở Singapore, nhưng ngành y học ở Singapore cũng bó tay khi trong người ông lúc đó là 1 loại virus sinh học mà y học hiện đại của Singapore còn chưa biết đến. Thượng tướng Tám Thi đã vĩnh viễn ra đi ngay khi từ Sigapore về đến sân bay Tân Sơn Nhất trong sự tiếc thương vô hạn của đồng bào Miền Nam. Cái chết của một thứ trưởng tình báo quan trọng bậc nhất chỉ được công bố là mất vì bệnh.  Nếu tin đồn là đúng thì cái chết của Thượng tướng Tám Thi là sự che lấp đi nghi án thanh trừng NTD, phạt ông dám “cả gan” lèo lái con tàu Việt Nam đi theo hướng mà ông bạn 16 vàng 4 tốt không mong muốn.
Tôi nhớ lại khi sự việc xảy ra, nhiều người cũng đặt dấu hỏi cho việc vì sao Trung Quốc biết mà không cản được con bài Nguyễn Tấn Dũng lên vị trí thủ tướng ngay từ đầu, để rồi ông ta lên được mà phải đi bước đi ám sát. Để hiểu được câu trả lời này, cần đặt bối cảnh Việt Nam trong cái đà phát triển, cần tiền, cần rất nhiều tiền, điều mà ông bạn 16 vàng 4 tốt kia không bao giờ đáp ứng, mà chỉ có Phương Tây làm được. Vì thế các “thế lực phá hoại” buộc lòng phải để Nguyễn Tấn Dũng đăng nhiệm, để hài lòng Mỹ và Phương Tây. Chúng ta cần nhớ là Trung Quốc chỉ xếp thứ 13 trong các quốc gia tài trợ cho Việt Nam, và để có tiền và viện trợ, “các thế lực phá hoại” hi vọng sẽ dần dần đưa NTD vào bộ máy của họ, qua việc vừa đánh vừa xoa, để NTD “trở mặt” với Mỹ và Phương Tây. Việc bức tường sập và sự ra đi mờ ám của Thượng tướng Tám Thi như một chỉ dấu cho thấy đó là đòn đánh nếu thành công thì tốt, còn nếu thất bại thì là…dằn mặt, mang tính rung cây dọa khỉ.
Ít ai chú ý một điều là từ khi NTD đăng nhiệm đến nay, trong các bài phát biểu của ông ta, chưa bao giờ có những từ ngữ như “xây dựng nước Việt Nam thành 1 nước xã hội chủ nghĩa”, là “ngọn cờ đầu của cách mạng vô sản quốc tế…” Các thông điệp ông ta đưa ra hoàn toàn không đề cập gì đến ý thức hệ cộng sản, đó cũng là 1 nguyên nhân làm “thế lực phá hoại” cảm thấy bất an và dĩ nhiên là ông bạn 16 vàng 4 tốt không hài lòng cho lắm.
Theo dòng sự kiện tiếp diễn, trong năm 2006 đến năm 2010, tại nhiệm kỳ 1 của NTD, vấn đề bắt bớ đàn áp dân chủ diễn ra mạnh mẽ, và dư luận ghép cả Nguyễn Tấn Dũng với vai trò cầm chịch hành pháp, đã thực thi những bước đi đàn áp dân chủ tại Việt Nam. Nhưng cá nhân tôi, với góc nhìn khách quan hơn, tôi nhận định trong 5 năm đầu cầm quyền, bản thân NTD cũng chỉ là lo củng cố bộ máy, bày binh bố trận cho mình, chứ chưa thực sự bắt tay được vào cải cách, không thể đòi hỏi ông ta làm ngay được. Ngay như Mỹ, Tổng Thống Mỹ là người đứng đầu hành pháp, và quyền hạn của Tổng Thống Mỹ trong hành pháp hơn xa ông thủ tướng Việt Nam, nhưng phải đến nhiệm kỳ 2 trở đi, sau khi bày binh bố trận và chuẩn bị bộ máy xong, thì tổng thống Mỹ mới có thể làm tốt những kế hoạch của mình được.  Do đó, chúng ta trách gì và hi vọng gì về việc Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể đi nhanh như mong đợi. Quần chúng có thể chưa hiểu quy luật đó, nhưng Mỹ và Phương Tây hiểu, một mặt họ vẫn ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng bằng cách cho Việt Nam vay tiền và nhận tài trợ, một mặt họ kiên nhẫn chờ ông ta gây dựng xong bàn cờ của mình. Bằng chứng là trong nhiệm kỳ 1 của NTD, Tổng thống Bush của Mỹ qua Việt Nam, như thể hiện cho thế giới và phe cải cách bên trong đảng do NTD dẫn đầu yên tâm, là con bài NTD vẫn được Phương Tây hậu thuẫn. Và các sự kiện chính trị sau này của NTD cho thấy sự kiên trì của Mỹ và Phương Tây trong nhiệm kỳ 1 của ông ta là không uổng phí. Trong các hoạt động chính trị, và những bài phát biểu của NTD về Biển Đông, đã chỉ đích danh cho quần chúng thấy sự xâm lược của ông bạn 16 vàng 4 tốt. Rồi “lòng tin chiến lược” tại Shangri-La, như 1 sự cam kết đường dài sâu sắc của cá nhân ông ta, đáp trả cho Phương Tây hiểu rằng ông ta không quên việc mình đã được ủng hộ. Rồi những động thái như khi tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, NTD khác với các lãnh đạo khác, vẫn tiếp tục mang Biển Đông ra để gây khó chịu cho ông bạn 16 vàng 4 tốt, trong khi Lý Khắc Cường và các lãnh đạo khác của Việt Nam khi gặp nhau  đã cố tình lờ đi mâu thuẫn Biển Đông. Đó là những nét chính trong các hoạt động đối ngoại của NTD mà Mỹ và Phương Tây đánh giá cao, ít ra NTD đã giữ đúng cam kết, không phụ đi sự kiên nhẫn và ủng hộ kia.
Hẳn là chúng ta còn nhớ sự kiện sinh viên yêu nước biểu tình chống Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2009, và ít ai thấy rằng vấn đề các bạn trẻ đi biểu tình đó xuất phát từ đâu. Cần nhớ là các đảng phái vận động dân chủ cho Việt Nam bên ngoài đều hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện này, và các nhóm đấu tranh trong nước, vốn dĩ bị tan tác từ năm 2006, cũng không đủ thế và lực để đứng ra tổ chức. Như vậy ai, thế lực nào làm được những cuộc biểu tình gây tiếng vang đó, nếu không đặt nghi vấn về cho “phe cải cách trong đảng” do NTD dẫn đầu, đã âm thầm ném đá dấu tay, giật dây sinh viên và quần chúng, nhằm phát pháo cho việc mở màn kế hoạch “thoát Trung”.
Về đối nội, sau khi NTD đăng nhiệm, ở Việt Nam vẫn diễn ra những căn bệnh của chế độ toàn trị, như đàn áp dân chủ, tham nhũng và độc tài, và dư luận gắn nó vào và quy tội cho Nguyễn Tấn Dũng. Cần phải nhận thức khách quan rằng dù có hay không có NTD, thì phong trào dân chủ vẫn bị đàn áp, và tham nhũng vẫn tồn tại mà thôi, nó đã có trước khi NTD lên thủ tướng. Cần hiểu như thế để chúng ta có thể xét đoán về NTD khách quan và chính xác hơn, và trong đối nội, sau khi củng cố bộ máy trong nhiệm kỳ 1 xong, ngay nhiệm kỳ 2 là năm 2011 trở đi, chúng ta có thể thấy NTD bắt đầu nhúc nhích. Những hoạt động như ký văn bản kiến nghị Quốc Hội ban hành Luật Biểu Tình, Luật Lập Hội… như cho thấy những cải cách mà NTD muốn làm đã bắt đầu nhúc nhích. Càng về sau, từ 2011 trở đi, càng ngày NTD càng tỏ ra xu hướng cải cách nhiều hơn, như việc chỉ huy dàn nhạc truyền thông kêu gọi sửa đổi Hiến pháp theo hướng dân chủ, cho đến kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2013 thông qua hiến pháp sửa đổi, trong khi những lãnh đạo cấp cao khác hài lòng với bản hiến pháp nửa vời kia, thì NTD đã phát biểu trong Ngày Pháp Luật của Việt Nam, là nước ta nên trở lại tinh thần của Hiến pháp 1946 trong lần sửa Hiến pháp này. Trong 1 bối cảnh mà vì nhiều lý do tế nhị và khó nói, gần 500 đại biểu đều nhấn nút thông qua bản hiến pháp đầu voi đuôi chuột kia, thì cùng với lão thần Dương Trung Quốc, NTD đã không nhấn nút thông qua bản Hiến pháp, như 1 bằng chứng cho thấy quyết tâm phản kháng và cải cách của ông ta.
Cũng trong 1 khía cạnh khác, chúng ta có thể thấy rằng trong các kỳ họp chỉ đạo thường kỳ của Thủ tướng chính phủ, nhiều cán bộ an ninh của ngành công an cũng nhận xét rằng không thấy Thủ tướng NTD chỉ đạo ngành an ninh phải chống lại “diễn biến hòa bình” và “âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch”, mà ông ta chỉ lưu ý vấn đề “an ninh quốc gia”. Vậy thì ai đe dọa an ninh quốc gia của Việt Nam mà Thủ tướng lưu ý, và vì sao ông ta phớt lờ không ban hành những chỉ đạo ngành an ninh phòng chống “diễn biến hòa bình” và “các thế lực thù địch kia”. Đây là 1 vấn đề rất đáng để suy ngẫm, và nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể thấy các hoạt động đàn áp dân chủ của ngành an ninh chính trị Việt Nam, từ trước kia đến năm 2010 diễn ra khá bài bản, quy mô và nhịp nhàng, thì nay nó lại tiến hành rời rạc, được chăng hay chớ, và thiếu 1 kịch bản thống nhất. Lý do vì sao, câu trả lời xin dành cho độc giả.
Cũng trong thời kỳ cầm quyền của NTD, xảy ra hai vấn đề ồn ào dư luận, đó là vấn đề Boxit Việt Nam và các tổng công ty Vina. Đúng là dư luận đã rất bức xúc hành pháp, và quy kết cho chính phủ điều hành kém, nhưng chúng ta có thể thấy nụ cười “bí ẩn” của Nguyễn Tấn Dũng khi Quốc Hội chất vấn ông. Trong hai vấn đề này, với quần chúng am hiểu chính trị ở Việt Nam, họ hiểu nụ cười “bí ẩn” và câu nói “trách nhiệm có mức độ” của NTD. Làm sao có thể trách ông ta được khi chủ tịch của 3 tổng công ty có dây dưa đến bê bối là tập đoàn than-khoáng sản Việt Nam (TKV) và 2 ông tổng Vinashin và Vinalines được đảng bổ nhiệm chứ có phải ông. Chủ tịch các tổng công ty đó hàm ngang thứ trưởng, mà quy trình bố trí cán bộ cấp cục trưởng, vụ trưởng trở lên ở trung ương đâu phải do Thủ tướng có quyền hạn để quyết. Đầu tiên là Ban Tổ Chức Trung Ương lập tờ trình qua Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, rồi chỗ này trình Ban Bí Thư phê chuẩn, sau đó Ban Bí Thư chuyển cho Ban Cán Sự Đảng Chính Phủ, ban Cán sự đảng chính phủ chuyển cho văn phòng chính phủ, rồi Thủ tướng mới ký. Thế thì hiển nhiên việc bố trí 3 ông lãnh đạo 3 tập đoàn dính đến 3 bê bối lớn này, chúng ta hãy xem đảng và chính phủ, ai chịu trách nhiệm nhiều hơn. Thế thì khi Quốc hội chất vấn, NTD cười bí ẩn và nói trách nhiệm có giới hạn, là sai hay đúng thực tế chính trị của Việt Nam?
Một khía cạnh khác chúng ta phải xem xét. Tôi thấy nhiều ý kiến ủng hộ và cả chỉ trích thông điệp đầu năm 2014 của NTD. Tôi thì nghĩ khác các ý kiến ủng hộ hay chỉ trích đó. Chúng ta phải xét thông điệp đó trong cả một quá trình dài hơi như tôi tóm lược ở trên. Một khía cạnh khác cũng rất quan trọng, đó việc thiếu đi vị trí Phó thủ tướng thường trực tại Việt Nam trong nhiệm kỳ của Nguyễn Tấn Dũng, cũng như sự chuẩn bị cho nhân sự thay thế, đang còn là 1 dấu hỏi với dư luận. Tôi nhận thấy nhân sự Phó thủ tướng, khi được cơ cấu cho ghế Thủ tướng của Việt Nam, phải kinh qua tất cả các bộ, hoặc ít nhất là các bộ quan trọng trong chức danh thứ trưởng, ngồi ghế đó mỗi chỗ mỗi ngành một chút. Như Phan Văn Khải và NTD trước đây khi được quy hoạch, đều phải kinh qua các vị trí như thứ trưởng bộ công an, bộ thương mại, bộ ngoại giao, bộ tài chính, phó thống đốc ngân hàng nhà nước… Nhìn vào những ứng viên mà dư luận đồn đoán hiện nay, không có chỉ dấu này, và cũng như các ứng viên này về uy tín quốc tế cũng không có. Vậy thì phải chăng động thái bỏ trống chức danh Thủ tướng kế nhiệm (tức Phó thủ tướng thường trực), cùng với sự kiên trì ủng hộ của Phương Tây, và thông điệp năm 2014 đang ám chỉ 1 điều quan trọng gì? Phải chăng NTD muốn nắm ghế Tổng bí thư vào nhiệm kỳ tới, và rồi ông ta có thể chuyển hóa chức danh đó sang chức danh tương đương Tổng thống? Còn cái ghế Thủ tướng sẽ trao cho 1 phó thủ tướng “bù nhìn” nào đó, để ông bù nhìn này chỉ lo đối nội theo đường lối cải cách mà NTD thỏa thuận với Mỹ và Tây Phương, còn NTD sẽ lo đối ngoại và chỉ đạo phía sau vị Thủ tướng bù nhìn kia? Đây là một khả năng cần đặt ra. Tôi nghĩ rằng câu NTD nói “ Đảng nắm chắc ngọn cờ dân chủ” sẽ hiểu rộng ra là “còn tôi sẽ nắm ngọn cờ Đảng, và sau tôi là…Phương Tây”.
Các điểm nhấn tôi nhìn nhận ở trên trong 8 năm cầm quyền của NTD cần được dư luận lưu ý. Rồi những động thái mới đây của ông ta, như vinh danh hải quân VNCH trong sự kiện Hoàng Sa 1974, vinh danh người lính quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh biên giới 1979, hành đông bất nhất của ngành an ninh Việt Nam trong các hoạt động đàn áp dân chủ mới đây… cho ta thấy điều gì? Những động thái trên của NTD đã gây ra khó chịu cho ai, và thế lực nào vì vậy mà cản phá như Giáo Sư Tương Lai đề cập? Câu trả lời cũng xin dành cho bạn đọc.
Có thể người ta nói rằng NTD tham nhũng, cũng phải chia sẻ trách nhiệm trong vấn đề này vấn đề kia của đất nước hiện nay. Nhưng từ góc nhìn của tôi, tôi nhìn khác đi. Nếu những tiêu cực đó là có thực, cũng không quan trọng. Chẳng thà nói như người Việt mình hay nói “có ăn có làm” cũng còn hơn là “có ăn mà không làm”, và giữa cái dở ít và cái dở nhiều, trong khi cái hay cái tốt chưa ra đời, thì cũng đành “bỏ đũa chọn cột cờ”. Hãy nhìn ở góc độ như thế để hiểu rõ hơn về dấu ấn cầm quyền của Nguyễn Tấn Dũng, mà thâm tâm tôi đến giờ vẫn tin rằng sự lựa chọn của Phương Tây năm 2006 đến nay là không sai lầm. Chỉ có thể hi vọng như vậy trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay chưa thể hình thành cách mạng dân chủ từ dưới lên mà trông mong 1 sự chuyển hóa từ trên xuống. NTD đã và đang cố gắng làm điều đó. Khi chiến lược này đã và đang tiến hành, nó có hại cho ai, thế lực nào, và vì sao họ cản phá, câu trả lời cũng khá là rõ ràng. Cũng còn nhiều dấu hiệu khác, nhưng trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ nhắc lại những chỉ dấu quan trọng như trên để trả lời cho câu hỏi “thế lực nào cản phá Thủ tướng NTD?”
Nguyễn An Dân