Anh Ba Khía (Danlambao) - Mấy hum rày dân nước Việt cứ chộn rộn lên vì được tin “Ngựa Quý” của đảng đã chết. Không quý sao được vì 'ngựa' này là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, thượng tướng, thứ trưởng bộ Côn an cơ nhá. Tin lành đồn xa tin xấu đồn xa, cái chết của Ngọ làm cho ối người khóc nấc và không ít kẻ cười thầm trong bụng.
'Sớt' trên Gu-gồ bằng từ khóa “Phạm Quý Ngọ” (có ngoặc kép) được hồi đáp 6.040.000 kết quả trong 0,17 giây đủ thấy độ nóng, độ đậm đặc những tin tức viết về ông tướng xấu số vắn đời thiệt phận này.
Một điều bất bình thường là nội cái vụ từ trần đột ngột của ông, giới truyền thông “lề không bị chặn” cứ chan chát chém nhau như chém tre. Kẻ tung hô người phỉ báng, kẻ hoan hỷ người hoang mang, tạo nên những luồng xoi mói ở đủ hướng góc cạnh của vụ việc. Điều làm cho Khía tôi buồn cười nữa là khi thi thể ông Ngọ vẫn còn đang nằm trong nhà xác bệnh viện thì rất nhiều tờ báo đã vội vã đi phỏng vấn ông này bà nọ, những luật sư, quan chức ngành tố tụng (giới đẻ ra luật, và giới luận ra tội). Rằng thì là: có đình chỉ vụ án làm lộ bí mật nhà nước hay không?Người thì viện dẫn điều luật này luật nọ phải đình chỉ ngay, người thì nói chết rồi vẫn phải quy trách nhiệm dân sự cho thân nhân... Có tờ báo khi không lại đi thống kê một loạt các vụ án đã từng phải hủy quyết định khởi tố, đình chỉ điều tra vì nghi phạm duy nhất đã chết.
Khía tôi ít học không hiểu lắm về cái “rừng luật” xứ thiên đường này nhưng thấy tức cười quá vì vụ án trên chỉ mới có quyết định Khởi tố vụ án chứ chưa giao cơ quan nào điều tra, chưa tìm ta nghi phạm, chưa khởi tố bị can. Vậy hà cớ gì mà lại hủy quyết định khởi tố, đình chỉ điều tra. Cái việc ông Ngọ ông Ngoạy ông Ngựa ông Dê hay ai đó trong số hơn 90 triệu người dân nước Việt chết thì có liên can gì.
Như lẽ thường phải có cơ quan nào đó tiến hành điều tra vụ án, khi phát hiện ra nghi phạm là ông Ngọ thì VKS mới ra quyết định khởi tố bị can, tiếp đến côn an đưa giấy triệu tập đến nhà, chẳng hạn như “mời lên phường nhờ tý việc”. Rồi thân nhân trình ra Giấy chứng tử. Hết phim.
Vậy người ta cứ đặt vấn đề rằng “có điều tra nữa hay không?” rồi cãi vã nhau loạn xà ngầu, chẳng phải là người ta đã chỉ tận tay day tận trán rằng tên Phạm Quý Ngọ đã phạm tội tày trời đúng như tử tù Dũng Hải Phòng đã khai; “Làm lộ bí mật nhà nước, tổ chức cho tội phạm bỏ trốn, xúi dục người khác phạm tội, che dấu tội phạm, nhận hối lộ....”
Đểu đến thế là cùng
Trong bài điếu văn đọc trước thi thể ông, người ta có nhắc gì đến các tội trạng ấy đâu, chỉ thấy những công trạng hiển hách, tận tụy trong công việc, sống gương mẫu, giản dị, thân tình... vân vân và vân vân. Rồi anh con trai cả của ông Ngọ cũng đáp lời rằng cha anh ta là tấm gương sáng để anh rèn luyện học tập noi theo.
Với công trạng hiển hách của ông Ngọ, vì thân nhân gia quyến họ hàng của ông Ngọ đã được ông kéo từ Thái Bình lên Hà Nội “tung hoành” thì đảng, nhà nước và gia đình đủ điều kiện thu xếp cho ông một nơi an nghỉ ở nghĩa trang Mai Dịch hay chí ít cũng ở Văn Điển. Để hàng tuần thàng tháng hàng năm, các cán bộ chiến sĩ ngành côn an đến viếng thăm đốt nhang vàng mã tưởng nhớ anh linh ông và lấy ông làm thần tượng làm tấm gương sáng để học tập rèn luyện phấn đấu. Nhưng sao người ta lại vội vàng đưa ông về tận quê nhà xa tít tắp, vùi ông dưới 3 tấc bùn đen vùng chiêm khô mùa thối.
Có lẽ trước khi chết, nguyện vọng của ông cũng muốn thi thể và gia đình ông được tránh xa cái chốn Hà Thành đầy những kẻ, phản trắc, lường gạt, xảo trá. Tránh xa những tiếng ai oán nguyền rủa phỉ báng của đám thị dân.
Cầu mong thi thể ông sớm được phân hủy cho cây lúa Thái Bình thêm xanh tốt trong vụ chêm này.