Rất Thú Vị – Chưa Rõ Ai “Tiết Lộ Bí Mật”, Làm Sao Đình Chỉ Vụ Án Vì “Người Tiết Lộ Đã Chết”?!


Chepsuviet 23.2.2014: Trong lúc thiên hạ, kể cả các luật sư, luật gia, nhà báo sôi nổi bàn luận chuyện tướng Ngọ chết rồi thì vụ án vừa được khởi tố có thể sẽ phải đình chỉ, vì ông là đối tượng chính, thì cựu Chánh tòa Hình Sự Đinh Văn Quế đã làm không ít người bật ngửa.

Như trong bài Tướng Ngọ trút hơi thở cuối, trút gánh nặng lên vai/khỏi vai bao người đã nêu, vụ án được khởi tố nhưng lại không khởi tố bị can. Có nghĩa lời khai của Dương Chí Dũng về tướng Ngọ và bản thân tướng Ngọ chỉ là một trong những yếu tố, đối tượng của quyết định khởi tố vụ án. Giờ “nó” không còn thì không có nghĩa vụ án tất nhiên phải được đình chỉ, vì còn những yếu tố, đối tượng nghi vấn khác nữa (biết đâu còn “khủng” hơn thì sao?)

Và ông Đinh Văn Quế đã mách nước, làm sao để đình chỉ vụ án (nếu như muốn).

Nhưng khôi hài là dù luật có thế nào, thì mọi quyết định lại đang/đã nằm ở … Ban Nội chính Trung ương, hoặc Bộ Chính trị. Viện luật ra chỉ giúp cho quyết định của đảng đỡ khôi hài mà thôi.

-------------------------------------------------

Pháp luật TPHCMKhởi tố vụ án rồi đình chỉ cách nào?

Chủ Nhật, ngày 23/2/2014 – 04:00

Trong những ngày qua, dư luận không còn quan tâm nhiều đến quyết định khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước” của HĐXX tại phiên tòa Dương Tự Trọng nhưng lại “râm ran” về số phận của quyết định khởi tố đó:

Có đình chỉ không và nếu phải đình chỉ thì căn cứ vào quy định nào của Bộ luật Tố tụng hình sự (Bộ luật TTHS)?

Nhiều chuyên gia pháp luật băn khoăn: Nếu có đình chỉ thì đình chỉ vụ án hay đình chỉ điều tra? Cơ quan nào ra quyết định đình chỉ?

Các quy định của Bộ luật TTHS về khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án cho thấy: Quyết định khởi tố vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” là của HĐXX nên sau khi khởi tố phải được gửi tới VKS để xem xét, quyết định việc điều tra. Thế nhưng luật không quy định trong thời hạn bao lâu thì phải gửi cho VKS trong khi Bộ luật TTHS lại quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, VKS phải gửi quyết định đó đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Tính đến nay, quyết định khởi tố vụ án của HĐXX đã hơn một tháng nhưng vẫn chưa có thông tin về việc VKS có ra quyết định điều tra và gửi quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra hay không.

Theo quy định của Bộ luật TTHS, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra nếu có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật TTHS hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự; đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Đến nay chưa có quyết định khởi tố bị can, cũng chưa biết ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cũng không thể đình chỉ điều tra vì lý do “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” (khoản 7 Điều 107 Bộ luật TTHS) được.

Trường hợp quyết định khởi tố vụ án vẫn đang ở VKS thì VKS phải xử lý. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật TTHS thì VKS chỉ ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật Hình sự. Trong các căn cứ để VKS đình chỉ vụ án đều không thể áp dụng đối với trường hợp này, chưa biết ai là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cũng không thể áp dụng khoản 7 Điều 107 Bộ luật TTHS để đình chỉ vụ án.

Đình chỉ điều tra không được, đình chỉ vụ án cũng không xong, vậy nếu muốn đình chỉ thì phải làm thế nào?

Theo Bộ luật TTHS, nếu đã khởi tố vụ án mà quyết định khởi tố đó thuộc một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của bộ luật này thì phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố và thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tố giác hoặc báo tin về tội phạm biết rõ lý do. Tuy nhiên, nếu hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, cũng tức là thừa nhận khi khởi tố HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án không có căn cứ. Điều này, chắc TAND TP Hà Nội không đồng ý.

Muốn “khép lại” vụ án “cố ý làm lộ bí mật nhà nước” thì chỉ còn một cách là VKS không ra quyết định điều tra và trả lời cho TAND TP Hà Nội biết lý do vì sao không tiến hành điều tra.

Giải pháp này chỉ có tính khả thi khi quyết định khởi tố vẫn nằm ở VKS và VKS chưa ra quyết định về việc điều tra, chưa chuyển quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra. Nếu đã ra quyết định về việc điều tra, đã chuyển quyết định khởi tố vụ án cho cơ quan điều tra thì lấy lại rồi hủy quyết định về việc điều tra.

Qua sự việc này, một mặt cần rút kinh nghiệm về việc khởi tố tại phiên tòa, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về khởi tố vụ án để áp dụng cho những trường hợp tương tự.

ĐINH VĂN QUẾ