Thư gửi một nhân viên an ninh



Em thân mến,

Chị không gọi tên em, nhưng em biết thư này chị gửi em, phải không? 

Chị đang ở châu Âu, trong một chuyến đi ngắn ngày để tham gia các sự kiện bên lề phiên Kiểm điểm Định kỳ (UPR) của Việt Nam ngày 5/2/2014. Các sự kiện đó là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các phái đoàn đại diện ngoại giao của một số nước, và một số tổ chức quốc tế. Nội dung trao đổi là về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. 

Những thông tin ấy các thành viên trong đoàn, trong đó có chị, đều đã phát biểu công khai trên một vài cơ quan truyền thông đại chúng - tất nhiên là ''lề dân'' như Dân Làm Báo, hoặc ''hải ngoại, tư bản'' như BBC, VOA, RFA. Nhưng những lời trong thư này thì chị chưa từng nói với ai, và em biết không, em là người chị muốn chia sẻ những suy nghĩ đó hơn cả.

Em có tin là, khi ở trong nước và cả ở nước ngoài, đã nhiều lần chị phải cắn môi, bám chặt tay vào mép bàn... để không bấm số của em, gọi điện cho em? Chị muốn gọi để nói thẳng với em những việc chị đang làm, những suy nghĩ của chị về em và về cuộc sống của mỗi chúng ta, thẳng thắn và rõ ràng, hy vọng ''sự thật sẽ giải phóng chúng ta''. Quả thật, đã có lần chị nháy vào số của em rồi, nhưng rồi lại dập máy trước khi em trả lời. Vì... chị sợ. Không phải sợ em, mà vì chị sợ sẽ không đủ khả năng để diễn đạt hết những điều chất chứa trong lòng bấy lâu nay, mà đến khi ra bên ngoài, chứng kiến một xã hội khác, một thế giới khác, những điều ấy càng quay cuồng trong đầu chị nhiều hơn.

Cái xã hội ấy, thế giới ấy khác với nơi chúng ta đang sống biết bao nhiêu, em ạ.

Em có nhớ tháng 11/2012, khi chị trở về Việt Nam sau một tuần sang Bangkok học (em chắc biết chị vẫn đang theo học cao học ngành quản trị), chị tặng em một hộp kem đánh móng tay? Chị vẫn nhớ vẻ mặt em lúc ấy: Gương mặt em rực sáng lên, với một nụ cười đầy ngỡ ngàng, vui thích - vẻ mặt mà chị không bao giờ quên được. Chừng như em cảm động, vì chưa bao giờ nghĩ một ''thành phần phức tạp'' như chị lại có thể tặng quà cho em. Chị cũng vậy, vì ngay lúc đó, chị cảm nhận rằng em giống chị ở một điểm: không biết ăn diện. Sau này nhiều lúc nghĩ lại, chị vẫn tự trách mình đã tặng em kem đánh móng tay. Lẽ ra nên là một thứ khác thực tế hơn, ví dụ đồ chơi cho con em, hoặc cái quần, cái áo gì đó. Vì người như chúng ta, có bao giờ dùng kem đánh móng tay đâu. Với cách trang phục giản dị, thậm chí xuềnh xoàng, của em và chị mà móng tay lại màu hồng bóng thì quả thật là không hợp. 

Chị luôn nghĩ, nếu không có cái rào cản ''an ninh quốc gia'', hay nói đúng hơn, ''lợi ích của Đảng và Nhà nước'' ngăn trở, rất có thể chúng ta sẽ là hai chị em rất thân. Vì chúng ta giống nhau: nghèo, tiết kiệm, không biết ăn diện, và có lẽ cả hai đều có tinh thần trách nhiệm ngang nhau đối với công việc. Chúng ta sẽ nói với nhau những chuyện hay hơn nhiều so với các chuyện chúng ta vẫn từng phải trao đổi. Em sẽ hướng dẫn chị dùng sữa chua để làm sạch da mặt, sẽ khoe với chị thằng cu con khỏe mạnh, thông minh; còn chị sẽ kể với em những cuộc đi phỏng vấn với các nhân vật thật là hài hước, sẽ chia sẻ với em thông tin về giới văn nghệ sĩ, nhà khoa học, trí thức - một thế giới đa dạng và sinh động - mà bọn phóng viên thì thường thích kể về công việc phỏng vấn và nhân vật được chúng phỏng vấn lắm.

Cũng như bây giờ chị muốn kể với em về thế giới bên ngoài này biết bao.

Em biết không, có một chuyện cười: Hôm vào Hạ viện Mỹ, chị khụng khiệng trên đôi giày cao gót dọc một hành lang để vào phòng hội nghị. Vì không quen đi giày cao gót nên chị trượt chân ngã lăn quay trên thảm. Nghe tiếng ''huỵch'' rõ to, cả đám bảo vệ đứng ngoài cổng và quan chức phía trong phòng họp đều đổ xô ra. Khi thấy người gây ra tiếng động là một cô gái châu Á vừa bị ngã, đang lập cập ngồi lên, họ lao cả đến để... đỡ chị dậy. Ai cũng hỏi ''bạn có sao không'' một cách nhẹ nhàng, lịch sự và nhân ái đến mức chị đã bối rối lại càng bối rối. Họ hỏi rất thật lòng và cố gắng để mình không có cảm giác ngượng ngùng. Và ngay lúc ấy chị nghĩ, nếu ta đang ở Việt Nam mà bị ngã như thế thì sao? Chắc là sẽ có ngay hàng tràng cười hô hố: ''Chưa đến giường cơ mà em ơi'', ''thọt chân à em''...

Sự tôn trọng con người, nó thể hiện ở những điều nhỏ nhặt như thế. Nhân quyền đâu phải cái gì xa xôi đâu em, nó chỉ đơn giản là ''treat people with equal respect'', tất cả mọi người đều được đối xử với sự tôn trọng mà thôi.

Bảo vệ, vệ sĩ, và cả công an ở Việt Nam, có bao giờ có được thái độ trân trọng với từng con người, từng công dân như thế đâu, phải không em?

Giờ này chị đang ở châu Âu. Chị đã đến Stockholm, Brussels, Budapest, và Geneva. Những thành phố thanh bình, bồ câu và quạ bay rợp trời, thiên nga bơi lấp lánh trắng mặt hồ. Lần đầu tiên chị thấy ''Danube lơ'' êm đềm như thế nào, và nó lại gợi cho chị nhớ tới những lời ca mẹ chị vẫn hát ngày xưa, về một dòng sông khác ở châu Âu, Volga:

''Nép bên nhau, thiết tha lời ân tình
Bờ cỏ vắng, bóng đêm dần buông.
Họa mi hót khúc ca rừng êm đềm
hòa theo tiếng sóng vỗ dạt dào.
Sông Volga, những đêm thơ mộng ơi
Thời gian hỡi, hãy khoan, ngừng trôi''.

Thật sự là có những giây phút chị chỉ mong thời gian ngừng trôi.

Cuộc sống thanh bình đến mức những người như chúng ta, nếu cứ giữ mãi cái nhìn trước nay của chúng ta, với tư duy rõ ràng về ''thế lực thù địch chống phá Nhà nước'', thì sẽ chẳng thể hiểu nổi vì sao ''bọn tư bản giãy chết'' lại cứ phải quan tâm đến ''công việc nội bộ'' của một nước xa xôi, nghèo, chậm phát triển, như Việt Nam, dưới ''chiêu bài'' nhân quyền. 

Họ quan tâm để làm gì? Có rất nhiều lý do vụn vặt, nhưng lý do bản chất của sự quan tâm ấy, là vì họ ở một xã hội văn minh, nơi mà người ta tin rằng nhân quyền là một giá trị phổ quát, dù là của người châu Âu, châu Á hay châu Phi, dù là của công dân Mỹ, Thụy Sĩ hay Việt Nam. 

Còn chuyện ''nhân quyền và chủ quyền, cái nào cao hơn'' thì dài lắm, chị sẽ nói nhiều về nó ở một bài viết nào đấy sau.

Điều mà bây giờ chị muốn nói bây giờ, là càng đi xa, chỉ càng thấy nhớ và thương Việt Nam hơn.

Chị vốn không thích nước Mỹ, có thể vì một mặc cảm tự ti và ghen tị thầm kín trong lòng: Tại sao cũng là con người mà dân Mỹ không phải trầy trật... học tiếng Anh, lại có thể cầm hộ chiếu đi lại thoải mái khắp thế giới, không như công dân Việt Nam đi đâu cũng bị dò xét, nghi ngờ, bị ách lại hỏi giấy tờ, làm khó dễ, v.v. Nhưng khi ở Mỹ, chị cũng phải thừa nhận, những người Mỹ tạo nên một cộng đồng thân thiện và yêu nước – theo cái nghĩa, họ tự hào về quốc gia của họ. Và đặc biệt là sự thân thiện. Ở đó, dù là anh gác cổng người da đen hay chú bồi bàn da trắng tóc vàng, hay cô bán hàng gốc Á trong siêu thị, tất cả đều cởi mở và lịch thiệp với khách. Họ chẳng tiếc gì một nụ cười với khách, đến mức có lúc chị nghĩ hay đó là sự chuyên nghiệp mà họ học được, tức là họ được huấn luyện để lúc nào cũng tươi cười như vậy? Chứ chẳng nhẽ họ yêu công việc của họ, trân trọng khách hàng của họ đến thế được? 

Song có lẽ cách hành xử hòa nhã ấy là thật, xuất phát từ thái độ của họ đối với công việc và con người, chứ không phải họ tập được.

Ngay ở Hungary, một xứ Đông Âu mà dân trong nước lâu nay vẫn nhiều người bảo là ''nghèo'', thì gia đình người Việt nào chị gặp cũng có xe hơi riêng và nơi ở, nếu không phải một ngôi nhà đẹp như biệt thự với vườn cây xanh mướt vào mùa hè, thì cũng là một căn hộ chung cư xinh xắn, ấm áp suốt cả mùa đông. Dân Hung cũng cởi mở, thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ như dân Mỹ, Bỉ hay Thụy Điển. Hôm ở Thụy Điển, chị bước vào xe buýt và ngồi đúng vào hàng ghế dành cho người cao tuổi (hình như vậy). Khi thấy một bà già tóc trắng như cước lại gần, quen phản xạ của người Việt Nam là cứ thấy ai bước tới là phải cảnh giác, chị suýt đứng dậy... bỏ chạy, thì bà già đã kêu lên: ''Ấy ấy, bạn cứ ngồi. Tôi chỉ định chỉ đường cho bạn đi thôi. Vừa nãy tôi có nghe thấy bạn hỏi đường mà''. 

Em ơi, bao giờ thì người Việt Nam đối xử với nhau thân ái được như vậy?

Chị thấy xót xa cho thế hệ bố mẹ của chúng ta - những người sống trải qua bao năm tháng chiến tranh bom đạn, rồi tới thời bao cấp đói khổ, và trên tất cả, cứ sống mãi trong một xã hội người với người đối xử với nhau hung hãn như chó sói. Chị thấy xót xa cho những bạn trẻ Việt Nam thế hệ 7x, 8x, 9x - những người mà, như chị nói, đã không bao giờ có cơ hội được đào tạo đàng hoàng, tử tế trong môi trường giáo dục ở Việt Nam, để đến nỗi giờ này khoảng cách về kiến thức và kỹ năng giữa họ và người trẻ ở các nước khác, ngay cả trong khu vực, đã là quá xa. 

Và chị thấy xót xa cho những người như em.

Chị vẫn nhớ câu chuyện em kể cho chị, về những đêm em giả làm người đi đường để rình bắt cướp ở Hải Phòng. Em bảo, dù biết có đồng đội ở quanh đó yểm trợ, nhưng em vẫn ''sợ chết đi được''. Chị nhớ đôi mắt em sáng ngời, vui thích, khi cầm hộp kem đánh móng tay chị tặng. Chị nhớ vẻ mặt bực bội của em nhìn chị, khi em phải hy sinh ngày chủ nhật cùng chồng đưa con trai đi chơi công viên, chỉ để phải gặp ''con mụ phản động'' là chị. Chị nhớ em thật thà bảo, lương thưởng của em, tính tổng cộng tất cả lại, chỉ có 8 triệu đồng thôi - mà là ''em vừa được tăng đấy nhé''. Và chị bảo, ô cao thế, vẫn còn hơn chị đến 2-3 triệu.

Em à,

Bao giờ thì chúng ta có thể nói chuyện với nhau bình thường như hai người bạn, như hai chị em? Bao giờ thì chúng ta không còn bị những cơm, áo, gạo, tiền ám ảnh? Không còn những đề tài chị phải viết để có tiền nhuận bút, những dự án ''chống phản động'' em phải tham gia, những gương mặt phản động em phải gặp? Bao giờ cái thế giới của chúng ta được thanh bình, hay là bình thường hóa, để không còn vô vàn hình ảnh đen tối loang loáng trong đầu mỗi ngày đêm: an ninh quốc gia, phản động, dư luận viên, thế lực thù địch, chống phá...?

Bao giờ em có thể cầm cuốn hộ chiếu của em ra nước ngoài, đến Mỹ và châu Âu, để nhìn những dòng sông lững lờ trôi, với đàn thiên nga như rắc hoa trắng trên mặt nước? 

Điều làm chị xót xa hơn cả khi nghĩ về em, là trong những đêm năm xưa em đi bắt cướp, hay trong những lần em phải bỏ chồng con ở nhà để đi làm việc ngoài giờ, để đấu tranh với bọn phản động, và chẳng bao giờ có hy vọng đi sang Mỹ hay châu Âu, thì vẫn có những vị tướng công an đi nước ngoài như đi chợ, thậm chí còn dư tiền tậu nhà cửa, xe hơi ở Mỹ. Con cái họ được du học tại trường xịn, tương lai được đảm bảo. Nếu họ có lo gì, chắc chỉ là phải lo làm sao cho chế độ ăn uống của họ được ''healthy'', nghĩa là ăn sạch uống sạch, đầy đủ chất, không gây tiểu đường, ung thư, xơ gan, suy thận... Kể ra điều này cũng hơi khó thực hiện ở nước ta, nhưng biết đâu đấy, có khi bọn mình quen tư duy kiểu dân nghèo nên tưởng thế thôi, chứ nhiều tiền thì mua tiên cũng được, kể cả mua sừng tê giác, vây cá mập, tay gấu ở Việt Nam. 

Bây giờ, viết đến những dòng này, chị cũng lại cảm thấy lo sợ: Biết đâu lá thư này của chị lại sẽ làm hại em? Có thể đồng nghiệp, rồi cấp trên của em, sẽ đánh giá em là thân thiết với ''con phản động'' quá, sơ hở quá, mất cảnh giác quá.

Nhưng chị hy vọng họ sẽ hiểu đây là những suy nghĩ thật lòng của chị, và nếu họ ''xử lý'', nhắc nhở hay có lời này nọ về em chỉ vì em là người được chị gửi lá thư này, thì chị thấy họ không có tư cách để làm đồng nghiệp hay cấp trên của em. Tuy nhiên, chị tin là họ không ngu ngốc như thế.

Chị mong sớm gặp lại em, em yêu mến.