CẬY THẾ ĐỘC QUYỀN


Minh Tâm

Theo báo Lao động, từ năm 1995 đến 7/2013, có hơn 5.000 cuộc đình công, có cuộc huy động đến 10.000 NLĐ, không có cuộc nào do Công Đoàn lãnh đạo. Ảnh minh họa
(VNTB) “Đối tượng đóng kinh phí công đoàn (CĐ) theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật CĐ là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) mà không phân biệt cơ quan, tổ chức, DN đó đã có hay chưa có tổ chức CĐ cơ sở” (Trích Nghị định 191/2013/NĐ-CP, Điều 4).

Luật không quy định

Theo Nghị định 191/2013/NĐ-CP ban hành ngày 27-11-2013, hiệu lực từ ngày 10-01-2014, tại Điều 4 viện dẫn quy định tại Khoản 2 Điều 26 Luật CĐ, để yêu cầu DN thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt là đã có hay chưa có tổ chức CĐ cơ sở vẫn phải nộp kinh phí CĐ.

Viện dẫn này cho thấy không hề đúng về căn cứ pháp lý. Theo Luật CĐ, Điều 26 về Tài chính CĐ, không có khoản quy định nào buộc các nơi chưa thành lập CĐ nộp CĐ phí. Ngoài ra, Luật CĐ, Điều 6 về Nguyên tắc tổ chức và hoạt động CĐ, ghi: “1. CĐ được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ”.

Với quy định cụ thể này, cho thấy “CĐ được thành lập trên cơ sở tự nguyện”, do đó vẫn có thể suy ra tại nhiều DN, người lao động (NLĐ) tự nguyện không thành lập CĐ là chuyện bình thường. Và một khi họ đã không thành lập CĐ, làm sao buộc họ nộp kinh phí CĐ cho được?

Phí CĐ: hình thức bóc lột NLĐ và chủ DN

Bất hợp lý tiếp theo, hình thức hợp tác xã (HTX), nơi xã viên có sự bình đẳng với nhau chứ không phải dưới hình thức chủ-thợ nên hoạt động CĐ hầu như không cần thiết và không phù hợp. Thế nhưng HTX, và cả đơn vị vũ trang nhân dân đều là đối tượng phải nộp CĐ phí bất kể có hay không có tổ chức CĐ như yêu cầu của Nghị định 191/2013/NĐ-CP là không hợp cả lý lẫn tình.

Đơn cử, một DN siêu nhỏ chỉ có 5, 7 công nhân nên không thành lập CĐ cơ sở mà người chủ vẫn phải trích 2% quỹ lương để đóng phí CĐ thì làm sao thuyết phục được họ (quỹ lương ở đây là quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ)?

Hay một DN có vốn đầu tư nước ngoài trong năm đầu tiên hoạt động chưa tổ chức CĐ cơ sở trong DN của mình vì nhiều lý do, nay bắt nhà đầu tư phải trích 2% quỹ lương để nộp CĐ phí, làm sao giải thích cho họ hiểu và chấp nhận nộp?

Cái khó lý giải khác ở nội dung Điều 4 Nghị định 191/2013/NĐ-CP là khi chưa có CĐ cơ sở thì số tiền bắt buộc phải nộp sẽ được chi dùng ra sao, khi mà NLĐ ở nơi buộc phải đóng khoản phí này nhưng không hề được thụ hưởng chút an sinh gì từ khoản chi phí đó?

Liệu đây là hình thức lạm thu/tận thu để phục vụ cho lợi ích nhóm nào đó?

Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) đã quy định bảo đảm kinh phí hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có CĐ. Như vậy, khi đóng thuế là DN đã gián tiếp hỗ trợ kinh phí CĐ thông qua NSNN. Nếu các đối tượng phải nộp kinh phí CĐ bao gồm cơ quan, tổ chức DN thì rõ ràng NSNN đã cấp trùng hai lần cho CĐ: một lần là Chính phủ cấp theo Luật NSNN; một lần người sử dụng LĐ nộp 2% quỹ lương.

Phải chăng chuyện “thích thì thu”, bất chấp có đúng luật định hay không ở đây chỉ có một cách trả lời: ỷ thế là tổ chức độc quyền dưới sự lãnh đạo của một Đảng cũng độc quyền, nên bất chấp luật pháp lẫn công luận?

Cách hiểu đơn giản hơn: cả chủ DN lẫn NLĐ đều bị bóc lột đúng nghĩa cả về tiền bạc lẫn các quyền tự do trong chọn lựa tổ chức, đoàn thể cho chính mình.

Minh Tâm
Nguồn VNTB
Bài 1: PHÍ CÔNG ĐOÀN: THUẾ THÂN ĐÁNH VÀO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Bài 3:Công đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam