Cựu TNLT Chu Mạnh Sơn phản đối việc làm sai trái của công an xã Phúc Thành


VRNs (02.08.2014) – Nghệ An - Cựu tù nhân lương tâm (CTNLT) Chu Mạnh Sơn lên án:“Công an Trần Văn Công, phó công an xã Phúc Thành [nơi anh Sơn cư trú] đã tự ý ghi biên bản lời khai và yêu cầu tôi ký vào [biên bản đó]. Công an tự ý ghi vào biên bản lời khai với những nội dung không đúng câu trả lời của người được hỏi. Không lẽ bộ máy làm việc của cả một hệ thống công an đều làm như vậy khi hỏi cung bị can, bị cáo??? Câu trả lời đó dành cho tất cả mọi người tự suy đoán và những ai đã trải qua chốn lao tù.”

Chiều ngày 28.07.2014, tại UBND xã Phúc Thành, huyện Yên Thành – Nghệ An, CTNLT Chu Mạnh Sơn có buổi làm việc với công an tên Công – yêu cầu anh Sơn khai báo các hoạt động từ ngày 22 – 25.07.2014.

CTNLT Chu Mạnh Sơn kể lại: “công an Công hỏi: trong thời gian từ ngày 22 – 25.07 cháu đã ở đâu? Làm gì? Và yêu cầu cháu ghi rõ vào bản tự khai.

Tôi trình bày lại sự việc như sau: vào lúc 22g00 ngày 21.07, tôi bắt xe đi Hà Nội. Đến 07g00 ngày 22.07 tôi có mặt tại Hà Nội như dự định. Trong thời gian ở Hà Nội, tôi đã làm những việc như sau: Thứ nhất, vào lúc 07g30’ ngày 22.07, theo lời mời của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc (LHQ) về tự do tín ngưỡng Tôn Giáo, tôi đã tới gặp họ tại địa chỉ số 17, đường Trần Hưng Đạo. Nội dung tôi trao đổi là trình bày những điều mà tôi đã chứng kiến, trải qua trong suốt thời gian trước khi, trong khi tôi bị bắt và sau khi mãn hạn tù. Tôi làm việc với Họ đến 08g45’kết thúc.

Thứ hai, vào lúc 10g30’ cùng ngày, tôi đến gặp Đại sứ quán Hoa Kỳ theo lời mời của họ, tại đường Cát Linh, Hà Nội. Tôi gặp Bà Jennifer – Đặc phái viên nhân quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tôi đã trình bày những sự thật mà tôi đã chứng kiến, trải qua trong suốt thời gian trước khi, trong khi ở Tù và sau khi mãn hạn tù. Phía bà Jennifer đã tiếp nhận những thông tin mà tôi đã cung cấp và hứa sẽ đàm phán với [nhà cầm quyền] Việt Nam, để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Khoảng 11g30’ cùng ngày thì cuộc gặp của chúng tôi kết thúc.

Sau đó, tôi đến Bến xe Nước Ngầm, đón xe về Nghệ An. Khoảng 20 giờ ngày 22.07, tôi có mặt ở nhà tôi.”

CTNLT Chu Mạnh Sơn kể tiếp: “Sau khi tôi ghi biên bản tự khai [với nội dung trên], công an Trần Văn Công liền lấy biên bản ghi lời khai và bắt đầu hỏi tôi: “Anh Sơn hãy khai báo rõ ràng trong khoảng thời gian từ ngày 22 – 25.07 anh đã đi đâu?” Yêu cầu anh Sơn hãy khai báo rõ mục đích của việc đi ra Hà Nội để giải quyết vấn đề gì? Anh đã gặp ai?”.

Nội dung CTNLT Chu Mạnh Sơn hồi đáp với công an Công như những gì anh đã viết trong biên bản kể trên.

Sau đó, “công an Công tiếp tục hỏi: yêu cầu anh Sơn trình bày rõ quan điểm, việc bản thân tự đi khỏi địa phương xã Phúc Thành ra Hà Nội không xin phép tạm vắng trong thời gian anh đang bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cú trú là đúng hay sai?” Tôi đáp lại như sau: “Tôi đi Hà Nội là để trình bày những sự thật mà trong suốt thời gian tôi đã trải qua cho phái đoàn Liên Hợp Quốc và tất cả mọi người trên thế giới biết sự thật. Theo tôi nhận định điều tôi làm không sai trái với lương tâm và công ước Quốc Tế mà Việt Nam đã ký kết”.

Thế nhưng, công an Công lại yêu cầu tôi là: “anh chỉ trả lời, có hay không sai trái với pháp luật Việt Nam?”. Tôi liền bảo: “Câu hỏi này tôi có quyền không phải nói rõ mục đích như ý của chú và câu trả lời vừa nêu trên là thể hiện rõ quan điểm của bản thân tôi. Còn mọi thứ theo chú tự xét đoán.” Thế là ông Công tự ghi vào biên bản như sau: “việc tôi rời khỏi địa phương không xin phép tạm vắng là sai với quy định pháp luật Việt Nam.”

Cuối cùng công an Công bảo tôi ký vào biên bản lấy lời khai trên. Nhưng tôi quả quyết: “Nếu chú xóa bỏ câu “việc tôi rời khỏi địa phương không xin phép tạm vắng là sai với quy định pháp luật Việt Nam”, thì cháu sẽ ký vào biên bản vì câu đó không phải là cháu nói mà chú tự ghi vào biên bản nên cháu không ký.” Công an Công đã không xóa câu viết trên và bảo tôi hãy ký vào biên bản ghi lời khai, vì vậy tôi đã kiên quyết không ký vào biên bản ghi lời khai trên.

Sau khi đôi co một hồi, công an Công lại lấy ra một Biên Bản với nội dung như sau: “kể từ nay về sau (trong khoảng thời gian bị quản chế) nếu bản thân có nhu cầu đi khỏi địa phương Xã Phúc Thành phải trực tiếp đến công an xã Phúc Thành để xin phép tạm vắng; Nếu anh Sơn không chấp hành hoặc có ý làm trái thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm theo quy định của pháp luật.” Công an Công yêu cầu tôi ký vào đó.”

CTNLT Chu Mạnh Sơn bị nhà cầm quyền kết án 30 tháng tù giam với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN VN” theo Điều 88 BLHS. Anh bị bắt vào ngày 02.08.2011, tại Nghệ An, cách đây đúng 3 năm.

Trong những ngày bị giam cầm trong trại giam, CTNLT Chu Mạnh Sơn cùng với những người bạn gồm anh Trần Minh Nhật, anh Trần Hữu Đức, anh Hồ Văn Oanh (đã mãn hạn tù), anh Nguyễn Văn Thanh (đã mãn hạn tù) cùng chí hướng và bị giam cùng phòng, đã nhiều lần làm đơn tố cáo cán bộ trại giam vi phạm Quyền tự do Tôn giáo cũng như xúc phạm đến nhân phẩm của các tù thường phạm.

CTNLT Chu Mạnh Sơn từng là sinh viên Cao Đẳng Y Tế, một sinh viên nhiệt thành và tham gia nhiều hoạt động trong công việc của Giáo Hội cũng như trong các phong trào sinh viên ở Nghệ An.

Tại Tuyên bố báo chí về chuyến thăm Việt Nam của Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp Quốc (LHQ) về tự do tín ngưỡng- tôn giáo , Ông Heiner Bielefeldt có nêu rõ: “Tôi tin rằng Chính phủ sẽ thực hiện đúng những yêu cầu bảo đảm cho tất cả những ai đã làm việc cùng tôi trong chuyến thăm này và những ai đã gặp và tiếp xúc với tôi trong chuyến công tác này sẽ không bị đe dọa, sách nhiễu, trừng phạt hoặc phải chịu các thủ tục tố tụng tư pháp sau chuyến thăm quốc gia này. Tôi sẽ tiếp tục liên hệ với họ và theo dõi sự an toàn của họ. Bất kỳ sự cố nào có tính trả thù đều sẽ được báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc”. Hy vọng trường hợp của CTNLT Chu Mạnh Sơn chỉ là trường hợp cá biệt, “nhầm lẫn” của công an xã Phúc Thành. Vì, như nội dung câu chữ ghi trên nhiều Bộ luật, Luật…của Việt Nam, “…áp dụng pháp luật Việt Nam, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt nam là thành viên (hay/đã ký kết) có qui định khác”. Cần nhắc lại, Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016.