Tường An (RFA) - Hàng trăm công nhân hảng giầy thể thao Diamond tại khu công nghiệp Bình Dương đang bức xúc về việc công ty bắt công nhân ký giấy cắt hợp đồng với lý do mà theo họ không chính đáng. Ngoài ra họ cũng không đồng ý với số tiền bồi thường của công ty.
Công ty Diamond VN, thuộc tập đoàn Diamond của Đài Loan, toạ lạc tại khu công nghiệp Mỹ Phước 1, Bến Cát, Bình Dương. Bắt đầu hoạt động từ tháng 6 năm 2003, sản xuất chủ yếu là các loại giày thể thao mang nhản hiệu PUMA, MIZUNO, NB, ASICS.
Không đuổi nhưng cắt hợp đồng
13 và 14 tháng 5 phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng lãnh hải thuôc thềm lục địa Việt nam, đã có ít nhất 460 công ty , phần lớn của Đài Loan bị đập phá và 15 công ty bị đốt cháy . Công ty giầy Diamond cũng bị đốt cháy một phần. Hiện phần bị cháy đó đang được sửa chửa và xây cất lại . Tuy nhiên, vừa qua, công ty đã đưa ra thông báo ký ngày 18/7 gọi 139 công nhân lên để thông báo cắt hợp đồng với lý do là vì công ty không còn đơn đặt hàng nhiều nữa.
Vào ngày 19 tháng 7, tại nhà ăn của công ty, gần 150 công nhân đã có mặt để nghe quyết định cắt hợp đồng của công ty . Công ty chỉ bồi thường từ 1 tháng đến 45 ngày công kể từ ngày 19/7, chị Nga một công nhân đã có 5 năm thâm niên nói :
« Nói chung, từ ngày 19 nó cho nghĩ, ai đi làm thì nó không có chấm công vô nữa. Mình được hưởng 45 ngày sau. Ý là nó bồi thường cho mình 1 tháng rưỡi đó »
Họ làm giấy tờ sẵn hết họ bắt mình ký vô. Họ làm giấy tờ sẵn, hôm nay vô là họ ép buộc công nhân …Tại vì nó cho công an vô quá nhiều mà và bên sở lao động vô nữa. Họ ép buộc công nhân phải ký vô cái giấy cắt hợp đồng. Họ nói là nếu như không hợp tác với công ty là họ sẽ bồi thường gì hết
Chị Xuân
Điều 38 của Bộ luật Lao Động về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định chủ sử dụng lao động phải báo trước :
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Điều bất cập ở đây là công ty đã không áp dụng thời gian báo trước như điều 38 quy định, họ họp công nhân ngày 19/7 và công ty đã có sẵn giấy cho thôi việc bắt đầu ngay hôm đó, tức ngày 19/7 và ép công nhân ký vào đó. Trước sự hiện diện đông đảo của công an cơ động lăm le dùi cui, đa số công nhân là nữ đã phải ký vào những giấy cắt hợp đồng và hẹn ngày 4/8 đến lấy tiền bồi thường. Chị Xuân làm việc tại đây gần 9 năm cho biết :
« Họ làm giấy tờ sẵn hết họ bắt mình ký vô. Họ làm giấy tờ sẵn, hôm nay vô là họ ép buộc công nhân …Tại vì nó cho công an vô quá nhiều mà và bên sở lao động vô nữa ..Họ ép buộc công nhân phải ký vô cái giấy cắt hợp đồng. Họ nói là nếu như không hợp tác với công ty là họ sẽ bồi thường gì hết, chỉ bồi thường có 1 tháng rưỡi lương thôi. Công nhân thì nó nghèo, nó cũng cần tiền để mà sinh sống, tiền nhà trọ, ăn, sinh hoạt hàng ngày. Mấy đứa đó nó thấy công an nhiều quá nó sợ, rồi nó ký hết ! Họ cho công an vô quá trời luôn mà ! Họ cho mấy thằng cơ động cầm mấy cây côn , công nhân sợ muốn chết luôn, công nhân phải ký vô giấy cắt hợp đồng »
Công nhân cũng không được quyền phát biểu ý kiến của mình. Chị Nga nói :
« Nó nói nếu không ký đơn, anh nào ngoan cố đứng lên phát biểu….người ta không cho phát biểu ý kiến luôn, người ta không giải thích những thắc mắc của mình luôn. Ai ngoan cố thì người ta đuổi ra khỏi nơi làm việc »
Theo sự giải thích của công ty thì do nhà máy bị phá huỷ, phải xây lại nên không có đơn đặt hàng, vì vậy họ phải đuổi bớt nhân viên. Tuy nhiên, công nhân nghi ngờ lập luận này, vì trên trang nhà của công ty Diamond, người ta vẫn thấy quảng cáo tuyển dụng nhân viên, vã lại, khu Puma không bị cháy, tại sao lại đuổi công nhân, trong khi khu bị cháy đang xây lại mở rộng thêm 4-5 tầng và công nhân bên đó lại được tăng ca. Ngoài ra, Theo chính sách đền bù của Uỷ ban Nhân Dân tỉnh Bình Dương , công ty Diamond cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê cơ sở hạ tầng hơn 1 tỉ đồng, ước miễn một số loại thuế lên tới 23 tỉ đồng. Chị Xuân bức xúc nói :
Nếu mà không có đơn đặt hàng thì xây xưởng mới làm gì ? Bây giờ nó giảm quy chế của công nhân, họ giảm công nhân, họ không nói đuổi mà họ cắt đứt hợp đồng
Chị Xuân
« Tại sao xưởng bị cháy thì công nhân không bị thiệt thòi, thiệt hại gì hết. Mà hãng Puma không bị cháy mà họ cắt hợp đồng của công nhân. Họ nói là công ty mình phải trả giá nặng nề cho nên là đơn đặt hàng giảm, họ nói lý do là họ không có hàng cho công nhân làm. Nếu không có hàng sao xưởng bị cháy không thiệt thòi ? mà công nhân không bị cháy tại sao thiệt thòi ? Nếu mà không có đơn đặt hàng thì xây xưởng mới làm gì ? Bây giờ nó giảm quy chế của công nhân, họ giảm công nhân , họ không nói đuổi mà họ cắt đứt hợp đồng »
Sa thải các công nhân thâm niên, lương cao
Theo công nhân lý do sâu xa không được nói ra là vì công ty muốn đuổi những công nhân thâm niên, lương cao để mướn người trẻ vào, lương thấp hơn. Chị Nga nói :
« Nói chung làm lâu năm thì bây giờ lương cũng cao rồi. Một người lâu năm bằng hai người mới nên nó khôn lắm, nó đuổi người cũ. Nói chung người nào làm lâu năm thì nó cố tình đuổi, nó chấm dứt hợp đồng. Công nhân thì toàn phụ nữ không , họ ký đơn hết. Chỉ còn khoảng mười mấy người không ký đơn thôi »
Nói chung, để tránh phải trả lương cao, nhất là vào dịp cuối năm, để khỏi phải trả phụ cấp Tết, thì các công ty tìm cách đuổi công nhân bằng nhiều cách, một trong những cách đó là cho công nhân thử lại tay nghề .Thử tay nghề để định lại mức lương chỉ là một cách gạt công nhân. Thực tế, dù tay nghề giỏi hay dỡ thì công nhân đều bị sa thải. Chị Nga nói :
« Trước khi thử tay nghề, người ta không nói thử tay nghề để loại, người ta nói thử tay nghề, nếu ai trượt thì người ta hạ thấp tiền kỹ thuật xuống thôi chứ người ta không nói thử tay nghề để mà loại trừ. Bên phòng dân sự người ta vẫn phát biểu những công nhân lâu năm, không có làm công việc cố định, chỉ có làm thủ công, thi tay nghề không đậu thì người ta cắt hợp đồng luôn. Trong khi đó có người gò mũi đã mấy năm, đi thi họ vẫn đậu mà vẫn có danh sách cho nghĩ luôn đó…. »
Nói chung làm lâu năm thì bây giờ lương cũng cao rồi. Một người lâu năm bằng hai người mới nên nó khôn lắm, nó đuổi người cũ. Nói chung người nào làm lâu năm thì nó cố tình đuổi, nó chấm dứt hợp đồng
Chị Nga
Công nhân cho biết đợt đầu sẽ sa thải 460 công nhân và đợt sau 1400 công nhân. Chị Xuân cho biết ý kiến :
« Chị làm tốt, không bị phạt, bây giờ nó đòi cắt hợp đồng của chị, chị không đồng ý, chị không chấp nhận, chị nói muốn cắt hợp đồng phải có lý do. Nó không nói ra nhưng mình biết là công nhân làm lâu năm lương cao quá, còn công nhân mới lương thấp. Như lương của chị là bằng hai lương công nhân mới rồi. Nó không nói ra, nhưng mình biết, nó cắt một tốp vài trăm người, vài trăm người, nó cắt từ từ rồi nó sẽ tuyển công nhân mới vô »
Chị Bích làm việc tại đây đã ba năm, khi thi lại tay nghề, chị không làm sai, nhưng vẫn bị sa thải. Chị nói :
« Cái này không có nói em thi chuyên nghề , em hợp tác với cán bộ em làm đủ thứ công việc hết , rồi tự nhiên ghi…ghi vô rồi có danh sách sa thải em ! »
Công đoàn nhà nước cũng có mặt trong buổi họp ngày 19/7, công đoàn nói gì hôm đó? Chị Nga cho biết :
« Công đoàn cũng nói công ty không làm sai, nó đọc luật lao động điều 48, công nhân im phăng phắc, chỉ có 1-2 người phản đối mà người ta đâu có cho nói »
Theo Bộ luật lao động có hiệu lực từ ngày 1/5 năm 2013. Điều 48 ghi những quy định về trợ cấp thôi việc (tức hết hợp đồng) , theo đó công nhân làm việc từ 12 năm trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng lương.
Điều 49 thì quy định công nhân đã làm trên 12 tháng bị mất việc ( tức bị đuổi việc) mỗi năm làm việc phải được đền bù 1 tháng tiền lương.
Rõ ràng công nhân Diamond trong trường hợp này phải được đền bù theo điều 49 chứ không phải 48 và phải được trợ cấp 1 tháng lương theo mỗi năm thâm niên chứ không phải đổ đồng ai cũng được 1 tháng đến 45 ngày tiền lương.
Dĩ nhiên là công nhân không hài lòng với quyết định này !
« …Thì đâu có hài lòng, nghe nói công nhân ở dưới thành phố họ đền 3 tháng lương. Lương của em 4 triệu, họ đền cho 1 tháng rưỡi . Nói chung là công nhân từ 3-6 năm là họ đền bù cho 1 tháng rưỡi »
Và họ cũng không có niềm tin vào công đoàn nhà nước
« Tháng nào mình cũng đóng tiền công đoàn, mỗi tháng mình đóng 20.000 mà bây giờ công đoàn không bênh công nhân, bênh công ty không hà ! Chị nói tại sao không bênh công nhân ? Họ nói công ty giải quyết như vậy là hợp tình hợp lý ! Em nghe công ty giải quyết như vậy có hợp tình hợp lý không ? Công đoàn ở đây là nó không có bênh công nhân đâu em ơi ! Cái thằng giám đốc sở lao động ở đây nó cũng không bênh công nhân đâu, nó bênh công ty luôn ! »
Chị Nga nghĩ rằng có một sự thông đồng từ trên xuống dưới để ép họ vào đường cùng, chị nói :
« Nhiều người rủ nhau lên phòng lao động trên Bến Cát, nhưng mà nói chung là công ty này đã ăn khớp với nhau từ trên xuống dưới rồi hay sao nên hôm đó có người trên sở lao động về họ đọc điều 48 tự nhiên thấy công nhân im phăng phắc hết, nhốn nháo lên 1 chút rồi ký đơn »
Chị Bích có hai con đang đi học, chị còn chỉ còn biết khóc trước tương lai đen tối trước mắt :
« Em làm em không muốn nghĩ, gia đình cũng khổ nên em muốn làm lâu dài ở công ty, ngày nào em cũng lại công ty khóc. Tuy nhiên sa tháy em ra, em khóc lần nầy không biết mấy lần. Bữa nào em cũng lại công ty nước mắt em tuôn trào mà em cứ xin hoài. Em không muốn bồi thường em như vậy, em muốn ở lại làm với công ty. Nếu công ty cho lương em rẻ lại một chút em ở lại làm với công ty cũng được nữa chị, tại vì hoàn cảnh em khó khăn lắm. »
Chúng tôi sẽ theo dõi sự việc và gửi đến quý thính giả những diễn biến về công ty giầy Diamond tại Bình Dương.
Tường An, thông tín viên RFA, Paris