CHÚC MỪNG HAI NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN NGHĨA - PHẠM VIẾT ĐÀO ĐƯỢC TỰ DO



Xin chúc mừng hai Anh Nguyễn  Xuân Nghĩa, Phạm Viết Đào vừa được trả tự do!
Xin các Anh nhận ở chúng em lòng biết ơn về những hy sinh của các Anh và gia đình cho chủ quyền của Tổ Quốc và tự do của Đồng bào!

Chúc Anh Phạm Viết Đào càng VIẾT, càng ĐÀO thêm được nhiều sử liệu cho hồ sơ chiến tranh biên giới 79 mà người ta đã cố công vùi dập.

Chúc Anh Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ đem chính NGHĨA hiến dâng cho những mùa XUÂN Tổ quốc!
__________

Nhà văn Phạm Viết Đào được tự do sau khi mãn hạn tù 

Thanh Phương
RFI Việt ngữ
Nhà văn Phạm Viết Đoàn đã được tự do hôm nay, 13/09/2014, sau khi mãn hạn tù 15 tháng. Ông Phạm Viết Đào đã bị công an Hà Nội bắt ngày 13/06/2013 và đã bị đưa ra tòa ngày 19/03 vừa qua, với tội danh « lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân », chiếu theo điều 258, bộ Luật Hình sự Việt Nam.  

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay sau khi về nhà, nhà văn Phạm Viết Đàovẫn khẳng định ông viết blog chỉ là để trình bày quan điểm, đóng góp với Nhà nước, chứ không hề có ý đồ chính trị gì.  

Lý do là vì ông Phạm Viết Đào đã lập ra ba trang để viết và đăng tải những bài có nội dung bị xem là « nói xấu, xuyên tạc, bôi nhọ, công kích Đảng, Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân»  

Với tội danh nói trên, nhà văn Phạm Viết Đào đã bị kết án 15 tháng tù giam, thời hạn thi hành án tính từ lúc bị bắt, tức là từ ngày 13/06 năm ngoái và hôm nay là đúng ngày mãn hạn tù.  

Trong một thông cáo đề ngày 19/03/2014, tức là ngay sau phiên xử, tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), trụ sở tại Paris, đã chỉ trích bản án 15 tháng tù dành cho blogger Phạm Viết Đào. Theo Phóng viên không biên giới, bản án này cho thấy Việt Nam « dấn sâu vào chế độ độc tài ».  

Theo một nguồn tin từ Hà Nội, khác với những tù nhân khác bị giam tù vì những tội liên quan đến an ninh, công an không đưa nhà văn Phạm Viết Đào về giao lại cho địa phương quản lý, mà để cho gia đình lên tận trại giam ở Phủ Lý, Hà Nam để đón ông về. Trên nguyên tắc, ông sẽ về đến Hà Nội tối nay 13/09/2014.  

Thứ năm vừa qua, ngày 11/09/2014, một nhà văn khác là Nguyễn Xuân Nghĩa cũng vừa mãn hạn tù và được tự do, sau 6 năm bị giam cầm vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». Ông bị bắt giữ cùng nhiều nhà hoạt động khác trong đợt đàn áp vào tháng 09/2008.  

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, nhà văn Phạm Viết Đào cho biết tâm trạng của ông sau khi được tự do :


Nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa mãn hạn tù

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 
2014-09-12

Nhà văn bất đồng chính kiến Nguyễn Xuân Nghĩa vừa mãn hạn tù sáu năm về tội danh bị gán ghép là tuyên truyền chống Nhà Nước. Sau khi được đưa về nhà ở Hải Phòng từ trại giam An Điềm, Quảng Nam, ông dành cho Gia Minh của Đài Á Châu Tự do cuộc nói chuyện sau đây.
Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa tất cả quí vị, tôi rất nhớ quí vị. Tôi cám ơn tất cả quí vị nghe đài đã nắm được tình hình của anh em dân chủ nhân quyền ở trong nước và đã quan tâm đến chúng tôi.

Hôm nay sau 6 năm được gặp lại quí vị tôi rất vui và tôi cảm thấy có đủ sức khỏe, đủ minh mẫn để nói chuyện với quí vị. Còn sức khỏe của tôi, tôi xin nói đùa là ‘không đủ sức khỏe để làm việc, nhưng thừa sức khỏe để ăn vạ chính quyền’ vì ở trại giam qua hai lần bị biệt giam và một lần bị đánh thì sức khỏe của tôi đã bị giảm sút một cách trầm trọng. Sắp tới tôi phải nghỉ một thời gian để chữa những căn bệnh sinh ra trong thời gian bị giam giữ là bị đau giây thần kinh số 5 và khối u tiền liệt tuyến.

Gia Minh: Xin ông có thể cho biết lại những nhà tù mà ông bị đưa qua trong suốt thời gian vừa rồi?

Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi bị đưa qua 4 nhà tù. Nhà tù lấy cung là ở 1 năm rưỡi. Khi đã thành án rồi thì bị đưa ra ba nhà tù.

Họ biệt giam tôi hai lần, mỗi lần ba tháng. Ở Việt Nam thì nhà tù nào cũng khổ, nhưng tôi muốn nói với quí vị rằng việc biệt giam thì đặc biệt hơn. Nếu bị biệt giam như trong tình trạng của tôi lâu ngày thì bị stress khủng khiếp. Bởi vì tôi bị giam 24/24 giờ một mình trong một buồng chỉ có 4 mét vuông. Khi bị giam chung hai người thì có thể tâm sự, nghe tiếng họ nói cười, đi. Bước chân đi của họ có thể làm ta giảm stress. Trong khi đó tôi bị giam 24/24 giờ một mình ba tháng trời, trong khi đó không có một tin tức, quà cáp gì từ gia đình gửi đến.

Hai lần giam riêng họ vẫn không lay chuyển được ý chí của tôi, họ đưa tôi vào trong trại giam Nghệ An. Trại giam này cách gia đình tôi trên 300 cây số nữa. Ở đó tôi có một người bạn tù mà tôi khá kính trọng: Nguyễn Văn Hải- blogger Điếu Cày. Anh cũng mới từ một trại giam trong Sài Gòn ra. Anh em chúng tôi gặp nhau tại trại giam số 6 của Bộ Công an, chúng tôi kết hợp nhau để đòi quyền lợi của an hem tù nhân ở đó, kể cả thường phạm và chính trị. Họ đã dùng một biện pháp rất rẻ mạt và hèn hạ là vu cáo anh Hải vào tù rồi mà còn tuyên truyền chống nhà nước. Người vu cáo là hai tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc. Họ tin vào hai tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc tố cáo anh Hải nên anh Hải đã tuyệt thực kéo dài 33 ngày.

Điều mà tôi lưu ý quí vị là truyền thông của nhà nước cộng sản. Tôi biết anh Hải tuyệt thực từ ngày đầu tiên cho đến ngày thứ 33. Cả Trại 6, tù nhân thường phạm và chính trị đều biết. Thế mà khi họ ‘thả’ anh Hải ra được 4 hôm thì họ đưa lên TV một video anh Hải ăn cơm và (cho rẳng) anh Hải không tuyệt thực. Quả thực anh Hải ăn cơm với chúng tôi, nhưng đó là sau khi tuyệt thực xong rồi, vụ việc đã giải quyết rồi thì họ lại lấy hình ảnh anh Hải vui vẻ đang ăn cơm sau khi tuyệt thực xong rồi để minh chứng anh ta không tuyệt thực.

Tôi không thấy cơ quan truyền thông nào xảo trá như các cơ quan truyền thông của chính quyền Việt Nam hiện hành.

Gia Minh: Xin ngắt lời ông, chính ông là người đưa thông tin ông Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tuyệt thực ra ngoài, sau đó ông gặp trở ngại gì ngay ở nhà tù đối với bản thân ông?

Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi bị một anh tù gián điệp cho Trung Quốc đánh vào mặt.

Tôi nghĩ rằng việc để cho nhóm người tù làm gián điệp cho Trung Quốc vu cáo người lương thiện, đấu tranh cho quyền lợi của tù nhân theo đúng luật pháp, đến nỗi bị giam riêng, và tin tưởng vào nhóm tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc thì rõ ràng chế độ này có vấn đề.

Tin vào tù nhân làm gián điệp cho Trung Quốc, trong khi tù nhân đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho đất nước như anh Hải lại bị vu cáo còn tôi bị đánh với một lý do lãng nhách.

Người đánh tôi nói một cách công khai rằng: chúng mày nói có BBC, RFA, Chân Trời Mới thì tao đánh mày để xem chúng nó có làm được gì tao hay không.

Đó là nguyên văn mà người ấy nói mà tôi nhớ mãi và sẽ kể mãi sau này.

Gia Minh: Sau trại gian ở Nghệ An, ông còn bị đưa đến một trại giam xa hơn nữa là trại giam An Điềm, Quảng Nam. Tại đó ông có những ấn tượng nào cho đến lúc này mà có thể chia xẻ?

Cựu tù nhân lương tâm nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa: Tại trại giam An Điềm Quảng Nam tôi may mắn gặp luật sư Lê Quốc Quân. Tôi vào đó thì 8 tháng sau, luật sư Lê Quốc Quân vào. Chúng tôi kết hợp hai người đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của phạm nhân. Chúng tôi đòi được dùng phần nhỏ của ‘chuồng cọp’ để trồng những cây hoa và rau có thể ăn tươi nhằm cải thiện điều điện ăn uống cho tù chính trị.

Điều thứ hai là anh Quân không mặc đồ tù, anh nói rằng anh không có tội; dù có khủng bố hay tước đoạt quyền lợi cho đi gặp gia đình, anh vẫn không bao giờ mặc đồ tù. Mặc dù bị đe dọa nhiều lần, anh ấy vẫn sằng sàng không đi gặp gia đình, không gọi điện thoại; cuối cùng trại giam họ phải chấp nhận để anh không mặc đồ tù để đi gặp thăm nuôi, để đi gọi điện thoại. Điều đó làm chấn động trại giam An Điềm vì từ xưa đến nay chưa có phạm nhân nào dám làm điều ấy.

Tôi muốn tâm sự với anh và với tất cả quí vị là trong 6 năm họ mua chuộc tôi nhiều lần lắm. An ninh nhiều lần đến mua chuộc tôi làm việc cho họ; mặc dù họ biết tôi không chấp nhận với xác xuất rất cao nhưng không hiểu sao họ vẫn đến mua chuộc tôi làm việc cho họ; đó là đánh vào hàng ngũ anh em hoạt động dân chủ- nhân quyền.

Điều họ làm rất là lố bịch vì chúng tôi có phải là một tổ chức bí mật nào đâu, chúng tôi là công dân phát biểu chính kiến của mình và ai cũng công khai phát biểu chính kiến của mình thì tại sao còn đánh vào một tổ chức bí mật và không có bí mật!

Thứ hai nữa tôi là một nhà văn và tôi đã không nhận tội, mà họ cứ nghĩ là tôi có thể thay đổi ý kiến để mà làm việc cho họ, đó là một sự lố bịch.

Tôi đã làm văn 30 năm nay và tôi chưa bao giờ là một nhà văn ‘cung đình’, thì ở thời điểm nay tôi không bao giờ là một ‘nhà văn cung đình’. Đó là khẳng định của tôi như vậy.

Gia Minh: Xin thay mặt quí thính giả của Đài Á châu Tự do chúc mừng nhà văn đã trở về với gia đình.