Chuyện giáo dục tào lao xịp bộp


Huỳnh Ngọc Chênh - Vừa rồi gặp lại mấy thằng bạn là đồng nghiệp của tôi trong ngành giáo dục từ những năm sau 75, chúng nó vẫn bám trụ cho đến tận ngày về hưu, còn tôi từ năm 92 đã tự mình làm cho mất dạy. Mấy thằng bạn ấy nói: Mầy mất dạy từ hơn 20 năm rồi nên mầy lạc hậu với những thay đổi to lớn của ngành giáo dục lắm. Tôi hỏi thay đổi đi lên hay đi xuống? Chúng nó nói: Để bọn tao kể một số chuyện xảy ra trong giáo dục về sau nầy để tự mầy tự đánh giá.

Một thằng kể: Trong một lớp học 50 học sinh thì thông thường chỉ có 20 đứa rất giỏi, 10 đứa tầm tầm bậc trung và 20 đứa đại ngu, không biết một chút gì hết. Học lên đến lớp 12 rồi mà hỏi chúng -2 + 1 -2 bằng bao nhiêu mà chúng chịu. Gọi chúng lên hỏi bài chỉ hỏi cái đề bài học hôm trước là gì chúng cũng không biết. Nghĩa là vừa học xong thì không có cái gì đọng lại trong đầu chúng, và qua 12 năm đi học hình như vừa đủ cho chúng biết đọc và biết viết. Ngành giáo dục có cái lệnh là không cho phép để hs ở lại lớp và không cho phép đuổi học nên những đứa ấy vẫn đều đặn lên lớp rồi tốt nghiệp phổ thông. Với tỉ lệ đậu trên 99% thì làm sao mà rớt được, những đứa rớt chỉ là những đứa bị tâm thần hoặc bản thân hắn cương quyết không muốn lấy bằng tốt nghiệp. Thế nhưng 20 thằng đại ngu ấy bẳng đi một thời gian vẫn thấy chúng nó có bằng nầy cấp nọ, có thằng làm lên đến ông này bà nọ mới kinh.

Một thằng kể: Một lớp học mà có đến 20 hs đại ngu như vậy thì việc dạy không phải là chuyện đơn giản, giáo viên thiếu kinh nghiệm và mất bình tỉnh chỉ thấy mặt chúng nó là đã nổi điên lên làm ảnh hưởng đến cả tiết dạy, ảnh hưởng đến 30 hs còn lại, chứ đừng nói là kêu chúng lên hỏi bài. Kêu mấy đứa đó lên hỏi bài thì có khi hộc máu mồm chết đứng như Chu Du chứ không phải chơi. Giáo viên có kinh nghiệm, vào tiết dạy cho hết 20 đứa ấy xuống các bàn cuối muốn làm gì thì làm, kể cả nằm ngủ, miễn đừng gây ồn ào ảnh hưởng đến lớp học. Có thế mới không tổn thọ sau mấy mươi năm đứng lớp.
Một thằng kể: Thi tốt nghiệp phổ thông thì cứ trong phòng thi có một đứa làm bài ra là cả phòng đều làm ra y hệt. Chúng quay cóp với nhau gần như công khai nhưng không giám thị nào buồn làm biên bản vi phạm, làm hết cả phòng sao? Cả hội đồng thi sao? Những gì mà lão thầy gàn Đỗ Việt Khoa tố cáo đều đúng sự thật đến 200% trên toàn quốc. he he. Nhưng thỉnh thoảng cũng có một, hai biên bản vi phạm. Mà hội đồng thi trường A có hai biên bản thì bên hội đồng thi trường B cũng có y chang 2 biên bản. Mầy biết tại sao không? Hiệu trưởng trường A thì đổi qua làm chủ tịch hội đồng coi thi trường B và ngược lại. Khi nghe giáo viên bên trường mình điện báo cáo trường A của mình bị 2 biên bản, tức thì hiệu trưởng trường A ra lệnh quất liền 2 biên bản tại trường B. Vừa để trả thù, và quan trọng hơn là để trường mình không bị mất điểm thi đua so với trường B vì có học sinh đi thi quay cóp. Hề hề.

Một thằng kể: Làm bài kiểm tra trong lớp thì sau khi chấm điểm và làm thống kê bao nhiêu trên trùng bình, bao nhiêu dưới trung bình rồi đưa lên cho ban giám hiệu duyệt. Nếu ban giám hiệu thấy tỉ lệ dưới trung bình nhiều quá thì bắt phải làm kiểm tra lại, chấm lại, thống kê lại cho đến khi nào đạt yêu cầu thì thôi. Mầy thấy lớp học 50 đứa chấm bài 1 lần đã ná thở rồi, làm gì có chuyện chấm lại lần hai, bọn tao cứ thế về phết điểm lên cho đạt yêu cầu. hề hề.

Một thằng kể: Tao là tổ trưởng chuyên môn, nhưng chỉ có mình tao là có bằng đại học. Còn hơn 10 giáo viên dưới quyền tao, đứa nào cũng có bằng thạc sĩ. Tao hỏi tụi bây làm gì mà lấy bằng thạc sĩ nhanh như vậy, chúng nó nói: Thi thạc sĩ còn dễ hơn thi tốt nghiệp phổ thông nữa sếp ơi. Cứ nộp tiền cho đủ là thi đậu ngay, chẳng cần phải học hành gì, đậu 100% chứ không phải 99% như phổ thông. Hì hì.

Một thằng kể: Đầu năm học, ban giám hiệu rà hết lý lịch hs đầu cấp, mới trúng tuyển vào trường, xem đứa nào là con quan chức, con đại gia xếp vào 1 đến 2 lớp VIP. Giáo viên nào muốn vào dạy các lớp đó phải lo điếu đóm chung chi ban giám hiệu. Hề hề.

Hí họa trên báo Pháp luật Tp HCM

Cũng thằng vừa rồi kể: Tao làm tổ trưởng chuyên môn không có quyền phân giáo viên của tao vào các lớp VIP đó, nhưng tao có quyền phân chúng vào lớp đầu cấp hay cuối cấp. Đứa nào cũng thích vào lớp đầu cấp nên xun xoe tao giữ lắm. Mầy biết vì sao không? Vào lớp đầu cấp thì dễ ép học sinh học thêm hơn. Lớp cuối cấp, hs lo đến các trung tâm luyện thi hoặc đến các giáo viên có tiếng để luyện thi đại học nên giáo viên đứng lớp chẳng kiếm được gì. Còn đầu cấp thì tha hồ bắt mấy em học thêm. Tôi hỏi chẳng hạn như môn hóa thì mới vào lớp 10 toàn những khái niệm phải học thuộc lòng thì dạy thêm cái nỗi gì. Hắn nói: Mầy giỡn chơi, mới lớp tám, môn hóa bắt đầu vào học có vài chữ mà chúng vẫn bắt học sinh đi học thêm được là mày biết rồi. Tôi chợt nhớ lại con tôi từ năm lớp một đã phải ở lại trường học thêm rồi, chuyện ấy kéo dài suốt năm năm tiểu học. Cháu học bán trú, sáng học nội dung theo chương trình, chiều ở lại ôn bài đã học khi sáng thế mà sau giờ học còn bị giữ lại trường học thêm từ 1 đến 2 giờ đồng hồ nữa. Chuyện đó diễn ra suốt 5 năm tiểu học. Nhiều lúc tôi bực mình đòi cho nghỉ học thêm, thế là mẹ cháu nhảy xổ vào: Ông có tiền cho gái ăn mà tiếc tiền với con hả? Không cho con học thêm để cô giáo đì nó hả? Để cho nó mất học sinh giỏi hả? Từ đó tôi đâm ra nghi ngờ, con tôi được liên tục 5 năm học sinh giỏi là do nó giỏi thật hay do tôi sợ mang tiếng nầy nọ mà nó giỏi. Một thằng bạn nghe tôi nói chuyện con tôi như vậy liền nhảy vào: Rứa là đỡ rồi, cháu ngoại tao hiện nay đang học lớp một mà tối nào cũng phải đi học thêm đến 9 giờ tối mới về, tao cấm không cho hành xác trẻ con thì mẹ nó là con gái tao cũng nhảy đựng lên phản đối tao ầm ỉ. Hì hì.

Một thằng kể: Chuyện đổi mới sách giáo khoa thì tiền vô thiên lũng. Cách đây 7 năm cứ mỗi khi hè về giáo viên bọn tao được triệu tập ra Hà Nội hoặc vào Sài gòn để học bồi dưỡng về sách giáo khoa mới. Mẹ kiếp, chúng sỉ nhục bọn tao. Bọn tao hay như mầy thì có thể tự soạn ra sách giáo khoa để dạy được, thế mà chúng soạn sẵn ra rồi lại còn sợ bọn tao đọc không hiểu sách giáo khoa nên tập trung bắt bọn tao học. Tôi hỏi thế tại sao chúng mày không thấy nhục mà năm nào cũng vác mặt đi học, hắn cười hề hề: Nhục đéo gì, mỗi lần đi học như vậy được cấp vé máy bay, được ở khách sạn 3,4 sao, được bao ăn, rồi vào trốn đi chơi thoải mái, đếch học hành gì, thế mà đến ngày ra về còn phát cho mỗi thằng 15 triệu đồng thì ...hì hì. Đó là cái cấp giáo viên quèn của bọn tao, chứ bọn ở sở, ở bộ, bọn gọi là chuyên gia đi báo cáo, bọn soạn sách, bọn in sách... thì không làm chi cho hết tiền. Dự án đổi mới sách giáo khoa hồi đó không biết bao nhiêu ngàn tỉ mà tiền đã vung ra như vậy, huống chi cái dự án sắp tới dự định 34 ngàn tỉ mà thông qua trót lọt thì tiền phải chảy ra như nước sông Hồng mùa lũ.

Đúng là chuyện tào lao xịt bộp của giáo dục, nghe đích thân những giáo viên lâu năm trong ngành kể ra không bao giờ hết, không có sức mà ghi. Chúng kể cho tôi nghe thao thao bất tuyệt như vậy rồi cuối cùng hỏi tôi:

- Mầy thấy thời mầy còn đi dạy làm chi có những chuyện như vậy phải không? Mầy có công nhận rằng nền giáo dục nước nhà đã thay đổi một cách to lớn từ 20 năm qua không? Mầy có tin những chuyện bọn tao kể là có thật không? Mấy thấy như vậy là đi lên hay đi xuống?

Tôi nghĩ lại từ trên nóc của ngành giáo dục từ lâu nay đã lòi ra bao nhiêu chuyện động trời. Nào dự án đổi mới sách giáo khoa 34 ngàn tỉ đồng "chỉ lén soạn ra trong mấy ngày bộ trưởng đi nước ngoài" để khi bô trưởng về phải lên truyền hình phân bua chuyện đó bô trưởng không hề hay biết gì, trong khi trước đó các thứ trưởng và các chuyên viên cũng lên truyền hình gân cỗ giải bày vì sao dự án lên đến 34 ngàn tỉ. Rồi sở giáo dục HCM với sự tiếp tay của bộ giáo dục bày ra chuyện Cambridge để moi tiền học sinh cho đã đời trong nhiều năm rồi tuyên bố chương trình ấy là tào lao xịt bộp phải đổi chương trình khác. Rồi cũng sở nầy dưới sự bảo kê của bộ bày ra dự án trang bị máy tính bảng bắt buộc cho toàn thể hs tiểu học, mua máy về với giá 500 nghìn, tính lên cho hs đến 3 triệu...

Toàn những chuyện chẳng tào lao xịt bộp chút nào từ trên nóc đang lồ lộ ra, thì những chuyện tào lao xịt bộp từ mỗi trường học, mỗi lớp học, mỗi giáo viên...như các bạn tôi vừa kể mà không có thật mới là chuyện lạ động trời.

Qua đó các bạn trả lời giùm tôi là sự nghiệp giáo dục XHCN đang thay đổi lớn trong mấy chục năm qua theo hướng nào? Đi lên hay đi xuống... hố thẳm?

Hu Hu Hu. Trên cái nền như vậy mà những nhà giáo nghiêm túc như TS Vũ Thị Phương Anh bạn tôi, giáo sư Ngô Bảo Châu và nhiều nhà giáo đáng kính khác lại đi tranh luận nhau một cách hết sức nghiêm túc về chuyện nên bỏ thi tốt nghiệp hay bỏ thi tuyển đại học. Rất thương xót cho các vị vì các vị không thấy rằng mình đang bàn cãi một cách... tào lao xịt bộp.

Hu hu hu.

Viết nhân kỷ niệm 69 năm ngày ra đời nước Việt Nam XHCN.


Huỳnh Ngọc Chênh