Kỳ Duyên
06-09-2014
Người Việt không chỉ cần tập cách đi khi tham gia giao thông. Mà quan trọng hơn, cần tập cách đi trên hành trình tiến tới những giá trị văn minh, khoa học, văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại. Con đường này xa hay gần, phụ thuộc vào cách thay đổi tư duy của nước Việt.
I-Không có ai hình dung hết được, trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, lại xảy ra liên tục những mất mát đau đớn với con người, gây sốc cho xã hội. Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông xảy ra tại con đường rừng thuộc địa phận xã Tòng Sành, huyện Bát Xát (Lào Cai), khiến cùng lúc 12 người tử nạn, 41 người bị thương, khi chiếc xe biển kiểm soát 29B- 08582 của công ty Sao Việt chở 53 người, va quệt với một chiếc xe con 04 chỗ, rồi lao xuống vực sâu 200 m.
Chiếc xe nát bét và…một chuyến đi du lịch vùng cao chờ đợi, đầy hoan hỉ của 53 con người, bỗng biến thành một chuyến xe tang của 12 người vô tội.
Tiếp đó, ngày 2/9, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, xe khách 53S-5326 của hãng An Huy chạy với tốc độ cao (78km/h) do không kịp phanh, đã đâm vào chiếc xe 07 chỗ biển số 80A-01259 làm 03 người chết, 01 người bị thương. Trong số người chết, có một vị trung tướng công an.
Trước đó nữa, ngày 30/8, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, một chiếc xe khách va chạm với xe máy 74K1 – 024.74 chạy ngược chiều làm 03 người trên xe máy tử vong tại chỗ.
Xe khách- loại xe từ lâu đã được mệnh danh là hung thần có vẻ như đang “diễn” vai của nó.
Tai nạn giao thông đường bộ, từ lâu đã quá quen thuộc, đến cay đắng với xã hội. Đó là sự vi phạm quen thuộc những quy định chung của ngành, lại gặp sự sao nhãng, tắc trách của cơ quan chức năng. Những “cái tâm vô tình” cộng hưởng thành tội lỗi với sinh mạng người dân.
Quen thuộc, như chiếc xe khách chỉ có sức chứa 46 giường nằm. Nhưng thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe có 53 người, vượt 06 người so với quy định.
Quen thuộc, như chiếc xe này, theo quy định chỉ được chạy theo tuyến cố định Mỹ Đình- Lào Cai. Nhưng thực tế, xe đã “chạy chui” lên Sapa. Vì đồng tiền hay vì cái gì?
Quen thuộc, như chiếc xe không được phép cấp luồng tuyến lên Sa Pa, vậy mà nhà xe vẫn ngang nhiên ghi bên ngoài xe: Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa và không bị lực lượng chức năng nào kiểm tra xử phạt. Điều lạ này sẽ phải hỏi ai? Hỏi công ty Sao Việt hay hỏi các cơ quan chức năng ở Lào Cai?
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Hài – Giám đốc Sở GTVT Lào Cai phân bua: Chẳng qua ở đây thanh tra giao thông, công an tỉnh không phát hiện được thì không xử phạt. Nếu phát hiện thì lực lượng sẽ phạt và thu giấy phép thẳng cánh chứ không có chuyện xe được chạy thoải mái như vậy! Khi đó, các ngành chức năng Lào Cai đang ở đâu, vào lúc gần 6 giờ chiều? Hay các vị đang… thoải mái “nâng lên đặt xuống” ở đâu đó?
Từng ấy cái sự vi phạm, cho thấy quản lý Nhà nước, chỉ xoay quanh mỗi một chiếc xe chạy “chui”, chạy “trộm” lên Sa pa, đã không tròn vai. Vậy chiếc xe gây tai nạn có phải là chiếc duy nhất của công ty Sao Việt vi phạm các quy định hoạt động nghề nghiệp?
Cũng phải nói rằng, như mọi lần, Bộ trưởng GTVT “Triệu Tử Thăng” lại xung trận, có mặt tại hiện trường xảy ra tai nạn. Trước sự bất ngờ của lực lượng cứu nạn, ông còn bám dây xuống tận nơi xem xét, tìm kiếm người bị nạn, khiến cho các quan chức địa phương cũng phải xuống theo. Một việc làm đầy tấm lòng, và trách nhiệm, mà một cảnh sát cơ động đã tâm sự với nhà báo rằng, địa hình cứu nạn thường khó đi, nguy hiểm, ít lãnh đạo xuống hiện trường lắm.
Tuy nhiên, cho dù vị Tư lệnh ngành tả xung hữu đột đến mấy, thì một thực tế là “lỗi hệ thống” của quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT đang đặt ra quá nhiều vấn đề nan giải. Cho thấy, cho dù hàng nghìn “giấy phép cha”, “giấy phép con”, “giấy phép cháu” hành hạ các doanh nghiệp, thì ngược lại, các doanh nghiệp cũng chẳng coi pháp luật, các điều kiện kinh doanh là … cái đinh gỉ gì. Đâu có tiền là ta cứ đi?
Cho thấy, quản lý giao thông ở đất nước “vạn còi”- một biệt danh hài hước mà một ký giả người Đức từng đăng trên trang mạng Welt online Đức đã viết năm 2010 về giao thông VN, xin đăng lại một đoạn, để thấy 04 năm đã trôi qua- vẫn chưa chuyển được bao nhiêu trong vấn nạn tai nạn giao thông, trong văn hóa giao thông:
“Bạn cảm thấy mình rất chịu chơi ư? Bạn thấy chưa việc gì có thể thoả mãn tính thích hung hiểm, hay bạn thấy sức khoẻ của mình tốt như kim cương không gì tàn phá được? Vậy mời bạn tham gia giao thông tại Việt Nam, bạn sẽ được mở rộng tầm mắt.
Bóp còi là nghĩa vụ công dân tại VN. Còi dùng để cướp đường, cũng có khi chỉ vì tay đang rảnh rỗi, cũng có khi do cả hai. Thậm chí, vì vô cớ, muốn chơi trội giữa trời đất. Tiếng còi khắp mọi nơi, đằng sau, đằng trước, trái, phải, đâu đâu cũng inh ỏi còi, 24/ 24 giờ, bảy ngày trong tuần… Người Việt hay gọi Lào là nước “vạn tượng”, nên tôi cũng xin được mạn phép gọi VN là đất nước “vạn còi”!
Tôi cho rằng, người Việt, ai cũng nghĩ mình phải có vài ba mạng sống, nếu không thì chẳng ai dại gì tham gia giao thông, bởi lúc nào cũng phải đem mạng mình ra cá cược. ..Nếu bạn bị tai nạn giao thông thì sao? Câu trả lời chỉ có một: Chết là cái chắc. Cấp cứu khẩn cấp ư? Ai điên mà lao đầu xuống đường đầy xe để cấp cứu bạn?”
Người viết bài này, từng phải viết rằng: Người Việt nói (chém gió) giỏi, làm dở và chưa biết…. đi. Giờ là lúc cả xã hội cần tập đi.
Bởi chỉ trong 04 ngày nghỉ lễ, cả nước đã có tới 186 vụ TNGT, làm chết 114 người, bị thương 145 người. Cũng theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 04 ngày nghỉ lễ, các lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 28.791 trường hợp vi phạm trật tự ATGT, thu nộp kho bạc Nhà nước 14 tỷ 150 triệu đồng; tạm giữ 109 xe ô tô, 4080 xe mô tô (VietNamNet, ngày 03/9)
Hàng trăm con người vô tội, khi đi đâu đó, cũng thường chỉ mong đi đến nơi về đến chốn. Tiếc thay “cái chốn” họ về lại hoàn toàn bất ngờ đến tội nghiệp. Và hàng tỷ đồng nộp phạt cho Kho bạc Nhà nước đó, lại chỉ nói về một “cái nghèo” khốn khổ của người Việt- nghèo văn hóa tham gia giao thông.
Được biết, công ty Sao Việt tạm thời bị rút “phép thông công” có thời hạn. Nhưng còn bao nhiêu công ty như Sao Việt vẫn đang biến hóa thần thông, chỉ vì … hơi đồng?
*******************
II- Ấn tượng đặc biệt nhất trong tuần này là kỷ niệm Ngày lễ Quốc khánh 2/9. Ngày cách đây gần 70 năm Hồ Chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ với câu nói về quyền con người, (được trích trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776), mang tính phổ quát, cũng thực là bất hủ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.Tạo hóa cho họ những Quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Những quyền thiêng liêng ấy của con người, muốn có được trọn vẹn, không chỉ cần có độc lập dân tộc, mà còn cần có cả một thể chế quản lý với những giá trị văn minh, văn hóa tốt đẹp, bảo đảm được thực hiện đúng nghĩa.
Các bậc tiền nhân xưa đã hoàn thành sứ mệnh của họ, khởi nghiệp, xây dựng và bảo vệ, gìn giữ Tổ quốc Việt Nam độc lập tự do, sạch bóng ngoại xâm. Nhưng để thực hiện những quyền con người cao cả, thì trách nhiệm đó, sứ mệnh đó, thuộc về hậu thế chúng ta.
Có điều, phát triển đất nước thật sự là một hành trình cực kỳ gian nan, không kém công cuộc bảo vệ gìn giữ độc lập tự do. Bởi sự khác nhau căn bản này: Kẻ thù ngoại xâm có hình hài, diện mạo cụ thể. Còn kẻ thù “nội xâm”, có khi là sự dốt nát, ấu trĩ, lại nằm ngay trong chính tư duy chúng ta.
Nước Việt đã từng dũng cảm chiến thắng kẻ thù “nội xâm” như thế, khi năm 1986, chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế- xã hội bao cấp sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường có định hướng XHCN. Một sự chuyển đổi làm hồi sinh đất nước. Hồi sinh cuộc sống hàng triệu triệu gia đình. Và hồi sinh niềm hy vọng trên mỗi gương mặt người Việt vốn nhẫn nại chịu đựng, bền bỉ đức hy sinh.
Nhưng quy luật muôn đời của thế giới văn minh, là không có quốc gia nào có quyền thỏa mãn, dừng lại trước bức tiến của nhân loại phát triển mạnh hơn, giỏi giang hơn và thông thái hơn mình. Và nếu không cẩn trọng, dù ý chí cao, quốc gia đó không thoát ra khỏi cái bẫy thu nhập trung bình. Mãi mãi là người…. đi sau.
Chính ở quy luật muôn đời này, nước Việt đang lúng túng, đang tìm đường để vượt lên chính mình.
Có nhiều điều kiện để trở thành một quốc gia phát triển. Nhưng căn cốt nhất có 03 điều tiên quyết. Đó là về tiềm lực, có nền kinh tế vững mạnh; về thể chế quản lý, có pháp luật thượng tôn; trên nền tảng một tầm nhìn xa về chiến lược, khôn ngoan về chiến thuật, nhưng đặc biệt, cần biết tôn trọng sự khác biệt của con người- bí quyết kích thích năng lượng sáng tạo của đồng loại.
Muốn có tầm nhìn chiến lược đó, tư duy nước Việt phải trẻ hóa, mềm dẻo, chống lại sự xơ cứng, bảo thủ, trì trệ. Đặc biệt nhất, chống lại nỗi sợ sự thay đổi, vì gắn với lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, không vì dân tộc, vì nhân dân.
Làm sao không thay đổi, nếu như nhìn vào thực trạng kinh tế nước Việt hiện nay? Sau những hoan hỉ của thành qủa công cuộc đổi mới những năm 80, nay kinh tế nước Việt, theo TS Nguyễn Đức Thành (thành viên Nhóm tư vấn Kinh tế vĩ mô của Thủ tướng), đang như một cái cây… nho nhỏ trong rừng cây kinh tế thế giới.
Nếu biết rằng, GDP của VN hiện nay chỉ khoảng 200 tỉ USD. Trong khi đó, con số này của Indonesia là gần 900 tỷ, Hàn Quốc là 1.200 tỷ, Nhật Bản khoảng 6.000 tỷ và Mỹ lên tới 16.000 tỷ. Tính theo đầu người, con số GDP còn thấp nữa vì quy mô dân số của ta lại đứng khá cao trên thế giới (Tuần Việt Nam, ngày 27/8).
Lý giải sự “khiêm tốn” này hẳn có nhiều nguyên nhân, mà các chuyên gia kinh tế đã từng lên tiếng cảnh báo. Nhưng trong đó, tư duy kinh tế lạc hậu không thể vô can. Sự độc quyền và được ưu ái nhất mực của các tập đoàn, các DNNN không thể vô can. Chính sự độc quyền đã khiến cho khu vực kinh tế này tha hồ làm mưa làm gió trong XH, giá xăng, giá điện lúc thụt lúc thò…
Trong khi đó, tài năng kinh bang tế thế của các tập đoàn, DNNN sức dài vai rộng này ra sao? Nếu biết rằng các DNNN sử dụng tới 70% đất đai và 70% viện trợ chính thức ODA trong khu vực sản xuất kinh doanh, 60% tín dụng của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp vỏn vẹn… 32% tổng GDP cả nước.
Điều tệ hại là ở chỗ, tiếng là kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng thực chất, cung cách quản lý của các tập đoàn, các DNNN vẫn là cơ chế bao cấp, ban phát xin- cho. Cái sự bình mớirượu cũ này, đã nuôi dưỡng béo bở các lợi ích nhóm, làm say sưa các… con sâu tham nhũng. Và đó cũng là một nguyên nhân trầm trọng khiến bước chân tái cơ cấu kinh tế đi rất chậm, nặng nhọc, cản trở sự hội nhập với các quốc gia văn minh, có nền kinh tế thị trường vững chắc và bình ổn, mức sống cao.
Làm sao không thay đổi, nếu như nhìn vào nền luật pháp của nước Việt, cũng rất cần liều thuốc kháng sinh mạnh- cải cách tư pháp, xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự vững mạnh?
Tư tưởng nhà nước pháp quyền đã từng được Hồ Chí Minh, từ năm 1919, lúc đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, đề cập tại “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Chính phủ Pháp, nội dung đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương, bảo đảm cho người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người châu Âu, trong đó có câu bất hủ: Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.
Thần linh pháp quyền- là cơ sở bảo đảm các quyền hiến định của người dân được thực hiện, không phân biệt sang hèn, vị thế thấp cao, bảo đảm mọi công dân bình đằng trước pháp luật. Đó là cách quản lý XH, quản lý con người, quản lý đời sống công minh, minh bạch và hiệu nghiệm nhất, đem lại niềm tin cho lòng người, thiết lập sự an ninh, trật tự xã hội, bảo đảm pháp luật được tôn trọng và người dân tự giác thực hiện.
Với thần linh pháp quyền, không thể tồn tại các tòa án tổ chức theo đơn vị kiểu hành chính, chịu áp lực đủ đường của địa phương, chịu “sự cầm tay chỉ việc” như một người có lớn mà không… có khôn.
Nhưng con đường từ nền tư pháp xơ cứng, già nua, trở thành thần linh pháp quyền cũng là con đường đòi hỏi sự thay đổi dũng cảm trước hết là nhận thức, tư duy. Con đường mà bản thân nền tư pháp phải thực sự “dọn mình” để tương xứng với đòi hỏi của những giá trị văn minh ở nhà nước pháp quyền. Ở đó, chỉ pháp quyền, pháp quyền và pháp quyền thực sự thượng tôn như thần linh, uy nghiêm như thần linh, và công minh như thần linh. Có thế, mọi công dân mới thật là công dân, không phải là “thần dân” (Tuổi trẻ, ngày 2/9).
Bỗng nhớ đến mấy câu thơ của thi sĩ Việt Phương:
Sẽ có một thời mọi hòn đá được tôn trọng là đá/ mọi cọng rơm được tôn trọng là rơm/ mọi ngọn cỏ
được tôn trọng là cỏ/
mọi con người được tôn trọng là người.
Không phải ngẫu nhiên, trên báo Tuổi trẻ, TS Phạm Duy Nghĩa trích dẫn một câu rất hay của một triết gia: Đường về nô lệ thì rất rộng, và đường lên pháp quyền thì rất hẹp. Để đi con đường ấy, mỗi chúng ta phải có một ước mơ và cố gắng vì nó.
Mới hay, người Việt không chỉ cần tập cách đi khi tham gia giao thông. Mà quan trọng nhất, người Việt cần tập cách đi trên hành trình tiến tới những giá trị văn minh, khoa học, văn hóa mang tính phổ quát của nhân loại. Con đường này xa hay gần, phụ thuộc vào cách thay đổi tư duy của nước Việt.
Một con người đã cần phải cố gắng. Một đất nước muốn thực sự vì dân càng cần phải nỗ lực đến thế nào?