Triển Lãm Chúng Tôi Muốn Biết


Trần Khải
14-09-2014
H1Đó là cuộc triển lãm Cải Cách Ruộng Đất, nhưng thực ra là một cuộc triển lãm tàng hình của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết.
Cuộc triển lãm bây giờ đã bị đóng cửa vô thời hạn… Cuộc triển lãm Cải Cách Ruộng Đất ở Hà Nội bị dân khắp nước chỉ trích là sơ sài, là đánh bóng chế độ… thực ra là một hưởng ứng tuyệt vời của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết.
Trong cương vị các nhà khoa học trong ngành bảo tàng, những cán bộ dàn dựng triển lãm đã làm rất tuyệt vời khi nghĩ ra mưu kế mở cuộc triển lãm Cải Cách Ruộng Đất để giúp hé lộ một phần ánh sáng, dù là chỉ he hé và vờ như lớn tiếng bày tỏ lòng sám hối của chính phủ CSVN, và giúp đẩy thêm cuộc tranh luận về khả năng lãnh đạo sai lầm, về tính lệ thuộc của ông Hồ đối với Liên Sô và Trung Quốc…
Có mấy ai làm hay hơn như thế khi giúp các báo chính thống có cớ mở lại hồ sơ kinh hoàng về đấu tố này. Bởi vì, nếu chỉ để báo lề trái nói, tất nhiên báo lề phải đành phải tránh né. Nhưng khi mở ra cuộc triển lãm, làng báo cả nước trong mọi lề đều có cớ bàn luận.
Đó là độc chiêu của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết, xuất chiêu trong cương vị cán bộ ngành bảo tàng, ngành khoa giáo… và có thể ở cấp cao hơn trong Bộ Văn Hóa – Thể Thao – Du Lịch.
Và cũng sẽ là đòn hy sinh, vì có thể sẽ có cán bộ trong ngành bảo tàng bị kiểm điểm, bị điều tra, thậm chí bị lột chức.
Sách xưa gọi cuộc triển lãm này là mưu kế “Ám độ Trần Thương” – nghĩa là, chọn con đường, chọn cách thức tấn công mà không ai nghĩ tới. Đột ngột đánh úp, làm cả Đảng CSVN không kịp ém tội ông Hồ trong Cải Cách Ruộng Đất.
Đây cũng là mưu kế cổ nhân gọi là “Tiếu lý tàng đao,” khi cán bộ ngành bảo tàng cười nụ giấu dao, lập mưu kín kẽ– đây là nụ cười tàng hình của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết.
Sách xưa cũng gọi đây là độc chiêu “Chỉ tang mạ hòe” — chỉ cây dâu để mắng cây hòe, còn có biến thể khác là chỉ chó mắng mèo. Mắng ông Hồ và Đảng CSVN, mà Bộ Chính Trị đành phải ú ớ, cho đóng cửa ngay.
Đây cũng là đòn Hy Sinh trong võ thuật của Chúng Tôi Muốn Biết, xuất chiêu và chấp nhận bị lãnh đòn.
Cuộc triển lãm cũng là lời tố cáo vang dội quốc tế, khi cho thấy chính phủ bịt miệng tức khắc một cuộc triển lãm về những chuyện xưa hơn nửa thế kỷ… Chúng Tôi Muốn Biết, và rồi Chúng Tôi Bị Bịt Miệng.
Bản tin RFA kể hôm Thứ Sáu 12-9-2014:
“Cuộc triển làm Cải Cách Ruộng Đất được mở ra từ sáng ngày 8 tháng 9 và được nói sẽ kéo dài đến cuối năm nay; thế nhưng hôm nay ngày 12/09/2014 Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch, Bảo tàng lịch sử tại Hà Nội đã ra thông báo đóng cửa.
Lo ngại dân oan xem triển lãm?
Lý do đóng cửa được thông báo là “Phòng trưng bày chuyên đề cải cách ruộng đất 1946 – 1957” đang gặp sự cố điện, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tạm thời đóng cửa để sửa chữa và khắc phục.
Trong khi đó một nhân viên của bảo tàng khi được hỏi thì lại nói:
“Hiện giờ đã đóng cửa, tôi chưa biết được khi nào mở cửa, vì chỉ đạo ở trên xuống thứ trưởng chỉ đạo xuống mà cho nên chưa biết đâu.”…”(hết trích)
Tại sao? Trước đó vài giờ, trang web Xuân Diện Hán Nôm cho biết về một lý do trực tiếp là dân oan kéo tới:
“TIN HOT: ĐÓNG CỬA TRIỂN LÃM CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT (CẬP NHẬT LÚC NỬA ĐÊM)
Sáng nay 11.9.2014, bà con dân oan Dương Nội đã đến Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phố 25 phố Tôn Đản, Hà Nội để xem triển lãm Cải cách ruộng đất.
Đoàn người đi bộ đến bảo tàng, đứng trước cổng để xem các thông tin về cuộc triển lãm trưng bày về Cải cách ruộng đất. Lúc đó đã 11h trưa, bảo vệ nói đã hết giờ xem, hẹn bà con đến vào lúc 2h chiều. Bà con Dương Nội tản ra vườn hoa Cổ Tân gần đó để ăn và nghỉ trưa đợi đến giờ vào xem.
2h chiều, bà con vào thăm triển lãm thì lực lượng bảo vệ triển lãm bắt dân cởi áo mới cho vào bảo tàng. Khi bà con cởi áo xong để vào thì họ nói với bà con: Triển lãm Cải cách gặp sự cố về ánh sáng nên tạm đóng cửa.
Được biết, bà con sẽ quyết tâm xem bằng được cuộc triển lãm này.
Cập nhật lúc 12h đêm 11.9.2014:
Chiều 11.9, sau 14h, TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) đến xem triển lãm được bảo vệ bảo tàng cho biết bảo tàng đóng cửa triển lãm để sửa chữa hệ thống đèn.
Tối 11.9, tin từ nhà báo Hoan Le cho biết: Cả chiều nay họp gồm cả đại diện Ban Tuyên giáo TW và Bộ VHTTDL cùng Bảo tàng tìm lý do hợp lý để đóng cửa. Lệnh cho làm ngay một triển lãm cổ vật để thay thế…”(hết trích)
Tuyệt vời… cả thế giới đều thấy, trong khi “cụ Hồ bịt râu tới xem đấu tố cụ bà Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long” (theo sách Đèn Cù của Trần Đĩnh), chính phủ CSVN thế kỷ 21 bịt miệng các sử gia ngành bảo tàng.
Chúng ta nghe ý kiến chính thức như thế nào?
Hãy nghe những lời sau đây, lời rất mực tha thiết của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết.
“Thực tế chúng ta đã tiến hành sửa sai, nhưng với những người bị oan thì nỗi đau còn âm ỉ dai dẳng, nặng nề trong thân nhân họ. Nếu nói còn trăn trở, day dứt gì cho giai đoạn này thì đó chính là việc chính sách, chế độ dành cho gia đình người chịu oan sai chưa được làm đầy đủ, trọn vẹn. Hẳn đó cũng là điều mà người thân của những người phải chịu oan sai còn lấn cấn”, ông Lê Như Tiến nói như thế.
Ông Lê Như Tiến là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Hãy nghĩ, câu nói này có khi ấp ủ cả gần trọn đời người, mới có dịp cho ông Tiến nói.
Hay là câu nói sau của nhà khoa học ngành bảo tàng:
“Tại triển lãm này chúng tôi cũng muốn đưa đến cho công chúng một cái nhìn đa chiều và toàn diện hơn, những bước đi sai lầm trong việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thì cũng đã có những chỉ đạo từ trung ương trong việc chấn chỉnh khắc phục sai lầm, oan sai”, TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Thế đấy nhé… Phong Trào Chúng Tôi Muốn Biết đấy nhé… Cái nhìn đa chiều và toàn diện…
Đa chiều? Toàn diện? Thực ra chưa đủ… Nhưng đây là độc chiêu, nói như Mỹ, là “xoay cái bàn,” nghĩa là đổi chiều, để nhân dân kể tội chính phủ…
Báo Nông Nghiệp VN còn liều mình đặt tên cuộc triển lãm này là “ Cuộc triển lãm đặc biệt: Nước mắt một thời.”
Bản tin NNVN kể:
“Không chỉ là nụ cười mà phía sau những hình ảnh, tư liệu tại Triển lãm “Cải cách ruộng đất 1946-1957″ còn chứa đựng cả những giọt nước mắt.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội (số 25 Tông Đản, Hà Nội) vừa khai mạc triển lãm mang tên “Cải cách ruộng đất 1946-1957″ với mục đích “cung cấp thông tin đa chiều về một giai đoạn đặc biệt trong tiến trình lịch sử dân tộc”. Đằng sau những hiện vật này là nụ cười và không ít những giọt nước mắt.
Có mặt tại triển lãm từ rất sớm, thế hệ thứ ba của những gia đình bị xét oan vào thành phần “tư sản cường hào gian ác” chọn gian trưng bày “Sai lầm và sửa chữa sai lầm” để nán lại thật lâu trước những tư liệu. Những sự thật được phơi bày làm thức dậy những nỗi đau tưởng đã ngủ yên.
Trong đợt triển lãm này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu đến công chúng gần 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và bảo tàng ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình.
150 hiện vật không phải là con số lớn đối với 11 năm cải cách ruộng đất tại các vùng nông thôn Bắc bộ. Nhưng đây là những tư liệu vô giá bởi việc tìm kiếm hết sức khó khăn do sức tàn phá của thời gian.
TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, giải thích những thắc mắc về số lượng hiện vật: “Thật ra tài liệu, tư liệu còn nhiều lắm, triển lãm mới chỉ giới thiệu một phần. Trong đó chúng tôi giới thiệu thành tựu là chính, còn sửa sai thì triển lãm chỉ tiếp cận một phần. Những tài liệu, hiện vật liên quan đến việc đó không thể nào đưa ra hết và cho phép công chúng tiếp cận được.”…”(hết trích)
Nghĩa là, còn nhiều bí mật chưa đưa ra… Hãy hình dung, trong đó có bản thảo viết tay kể tội điạ chủ Nguyễn Thị Năm, ký tên C.B. (một ông Hồ tàng hình) còn cất giữ trong Viện Bảo Tàng.
Tuyệt vời là cuộc triển lãm, đáng được ghi nhận là một sự hưởng ứng vừa lặng lẽ, vừa vang đội của phong trào Chúng Tôi Muốn Biết.
Ảnh: Dân Làm Báo