Trận chiến quyết định


Trần Việt Hoàng (Danlambao) - Một trận chiến dữ dội sẽ xảy ra ở Việt Nam. Nó sẽ quyết định số phận tương lai của một dân tộc có quá nhiều lầm than nầy. Một tương lai khi mọi người dân Việt sẽ được sống trong tự do, no ấm, với đầy đủ nhân phẩm, nhân quyền, hay một tương lai khi Việt Nam đã trở thành một vùng tự trị của Trung Quốc và mọi người dân phải cúi đầu vâng phục, sống trong sự bất công và tủi nhục như những người dân Tây Tạng hay Tân Cương bây giờ.

Trận chiến ấy có lẽ đã bắt đầu và dường như không cân sức giữa một bên là những người dân không súng đạn và một nhà nước đầy quyền lực với xe tăng, đại bác, công an, quân đội và đầy đủ công cụ đàn áp trong tay. Sự chênh lệch nầy càng thêm to lớn vì người dân không phải chỉ chống lại giặc ngoại xâm mà phải đương đầu với một chính quyền buôn dân, bán nước. Tuy nhiên ý dân là ý trời. Sức mạnh của dân nằm ở ý nguyện toàn dân, và nhất định sự chiến thắng sẽ thuộc về dân tộc.

Để chiến thắng trận chiến quyết định nầy, không gì bằng là người trong cuộc làm đúng theo những lời dạy của tiền nhân. Và một trong những câu châm ngôn rất chính xác, đó là: “Biết Địch Biết Ta, Trăm Trận Trăm Thắng”.

Vậy thì ai là địch, ai là ta trong trận chiến nầy?

Ta đây là dân tộc Việt Nam với cùng chung một tổ quốc và truyền thống, văn hóa do cha ông để lại. Ta cùng đấu tranh cho một mục đích là giữ gìn và phát triển Việt Nam để mọi người dân Việt được sống trong an vui, hạnh phúc và đầy đủ nhân phẩm, nhân quyền.

Địch rõ ràng là Trung Cộng, kẻ luôn tìm mọi cơ hội thôn tính nước ta. Họ đã tấn công nước ta rất nhiều lần bằng quân sự, nhưng có khi chỉ dùng thủ đoạn lũng đoạn chính trị, bao vây hay làm chúng ta hoàn toàn lệ thuộc về kinh tế. Họ quả thật là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên Trung Cộng chỉ có thể lũng đoạn chính trị và bao vây kinh tế nước ta một cách hiệu quả khi mà trong nước Việt Nam có những người lãnh đạo đất nước sẵn sàng làm tay sai cho giặc mà quên đi nguồn gốc của mình. Họ là những người vì quyền lợi của cá nhân mà quên đi tổ quốc. Với một hoàn cảnh như vậy thì người dân có thể nói địch ở đây vừa là Trung Cộng vừa là đảng Cộng Sản và nhà nước Việt Nam đã và đang có những hành vi bán nước và hợp tác với giặc. Và muốn tránh khỏi sự lệ thuộc hay xâm lấn của Trung Cộng thì trước hết chúng ta phải thoát ra khỏi chế độ do đảng Cộng Sản áp đặt ở Việt Nam.

Biết địch, biết ta là biết được cái mạnh và cái yếu của ta và địch và có những phương cách làm cho ta mỗi ngày một mạnh thêm lên và làm cho địch mỗi ngày một suy yếu đi để công cuộc đấu tranh có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

Vậy thì cái mạnh và cái yếu của ta là ở những điểm gì?

Cái mạnh căn bản đầu tiên của người dân Việt Nam là một khát vọng được sống tự do với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của một con người trong một nước Việt Nam thật sự có độc lập, tự do và dân chủ. Đó không phải là một ước mơ viển vông nhưng là một hiện thực mà nhiều dân tộc trên thế giới đang được thừa hưởng. Đấu tranh cho cái khát vọng nầy là đấu tranh cho một chính nghĩa đầy đúng đắn. Và sức mạnh của chính nghĩa là một sức mạnh vô địch khó có thế lực nào có thể đè bẹp. Bằng chứng là tất cả sự đàn áp của bạo quyền dù cho hung hăng tàn bạo đến đâu cũng không làm nao lòng những người dân đứng lên đòi quyền sống, quyền được biết, quyền được nói và quyền tham gia bảo vệ đất nước của mình. Vì chính nghĩa mà luật sư Lê Thị Công Nhân không ngần ngại một thân một mình đương đầu với một bộ máy công an sừng sộ. Vì chính nghĩa mà luật sư Nguyễn Văn Đài, luật sư Cù Huy Hà Vũ, thương gia Trần Huỳnh Duy Thức, nhà báo Huỳnh Ngọc Tuấn, nhạc sĩ Việt Khang, nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và nhiều người khác đã bỏ lại vợ con mà bước vô nhà tù Cộng Sản một cách hiên ngang không sợ hãi. Vì chính nghĩa mà Nguyễn Phương Uyên lấy máu mình mà viết nên câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Tàu Khựa cút khỏi biển Đông” và “Đảng Cộng Sản đi chết đi” để bị bắt vô tù khi tuổi còn rất trẻ. Vì chính nghĩa mà biết bao nhà đấu tranh dân chủ vẫn kiên cường tranh đấu và quyết theo đuổi lý tưởng của mình sau khi đã bị đọa đày trong nhà tù Cộng Sản như Đổ Thị Minh Hạnh, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Công Định, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, nhà giáo Vi Đức Hồi, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Kim Thu, luật sư Nguyễn Bắc Truyển, nhà báo Trương Minh Đức, nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, chị Bùi Thị Minh Hằng và nhiều người khác nữa.

Cái mạnh thứ hai là truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha ông ta đã và đang truyền lại cho con cháu. Cái truyền thống đó sẽ làm cho dân Việt hội tụ đoàn kết với nhau khi đã nhận rõ kẻ thù và những ai đan tâm bán nước.

Cái mạnh thứ ba là các nhà đấu tranh cho dân chủ đã biết vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại như internet, email, tin nhắn, twitter, facebook để liên lạc, tìm hiểu và vận dụng những bài học đã xảy ra trên thế giới cho công cuộc đấu tranh cho dân tộc mình. Thông tin và kiến thức sẽ đánh tan sự bao bít của các thế lực độc tài toàn trị và làm cho phong trào đấu tranh của nhân dân ngày càng lan rộng và có hiệu quả.

Cái mạnh thứ tư là sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế cho công cuộc đấu tranh đòi nhân quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam. Một thí dụ điển hình là sự lên tiếng nhiều lần về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam của nhiều tổ chức tầm cỡ trên thế giới như tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Thế Giới, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Ân Xá Quốc Tế, và nhiều tổ chức khác. Gần đây nhất là sự lên tiếng của tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Thế Giới về tình trạng hành hung, tra tấn, gây thương tích, hay làm thiệt hại tính mạng của người dân trong các đồn Công An ngày càng nhiều. Họ đã mạnh mẽ tố cáo với thế giới về tình trạng trên ở Việt Nam sau nhiều ngày tháng điều tra với đầy đủ bằng chứng và đề nghị các nước trên thế giới nên lên tiếng phản đối nhà nước Việt Nam và có những hành động thích đáng như xét lại các chương trình viện trợ hay các hợp tác thương mại có lợi cho Việt Nam. Những việc làm như trên của các tổ chức quốc tế và của các nước văn minh tiến bộ trên thế giới đã và đang đóng góp một cách đáng kể vào tiến trình dân chủ cho Việt Nam.

Cái mạnh thứ năm là sự đồng tình ủng hộ hay nói đúng hơn là tham gia mạnh mẽ của khối người Việt ở hải ngoại cho công cuộc đấu tranh ở quê nhà. Sự kết hợp trong ngoài làm cho kẻ địch không khỏi nao núng trong những vận động tuyên truyền ra thế giới hay trong việc đàn áp những người đấu tranh ở trong nước. Và chính việc nầy càng làm cho phong trào đấu tranh mạnh mẽ lên thêm.

Còn cái yếu của chúng ta là ở những vấn đề gì?

Cái yếu của ta là ở cái thế luôn bị kèm kẹp theo dõi làm cho sự phát triển của phong trào phải đi dần từng bước chậm rải. Các phương tiện truyền thông thì không được tự do và thường xuyên bị phá hoại. Người tham gia đấu tranh thì bị bao vây kinh tế, gây khó khan, bị khủng bố, đánh đập hay bị bắt đi tù vì bất cứ lý do gì. Để vượt qua điểm yếu nầy thì cần có sự liên lạc và nương tựa vào nhau của mọi người dân cùng đứng chung một chiến tuyến và người Việt ở hải ngoại càng làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ bảo vệ đồng bào mình đang đấu tranh trong quốc nội. Cần tiếp tục tố cáo với thế giới với những bằng chứng rõ ràng về những hành vi đàn áp và vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam. Và thu nhập cũng như lưu trữ những bằng chứng cũng như tài liệu về từng cá nhân trong hệ thống nhà nước đã có những hành vi khủng bố hay làm hại người dân để có thể truy tố hay xét xử sau này.

Cái yếu của ta là sự thiếu tổ chức vì cái tính cách tự phát một phần, nhưng phần chính là do sự ngăn cấm, bắt bớ hay đe dọa của nhà cầm quyền. Chỉ gần đây các tổ chức dân sự mới bắt đầu ra đời nhưng sự phát triển và hoạt động còn ít ỏi vì cả hai phía còn đang trong tình trạng thăm dò. Phe địch thì luôn đưa mắt dòm ngó còn phe ta thì vẫn dè chừng vì không muốn bị đàn áp khi còn non trẻ. Mặc dầu còn non trẻ nhưng các tổ chức dân sự đã có những chương trình hành động khá ngoạn mục như sự công khai họp mặt hàng tháng, sự lên tiếng chính đáng và kịp thời về những hành động vi phạm nhân quyền hay luật pháp quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã ký kết, hay sự xâm lấn của Trung Cộng đến biển đảo của Việt Nam và sự nhu nhược của nhà nước Việt Nam. Gần đây phong trào “ Tôi muốn biết” do mạng lưới bloggers ở Việt Nam chủ xướng đã được tham gia đông đảo và đang làm cho đảng Cộng Sản Việt Nam lo sợ. Một khi phong trào lan rộng và mọi người dân đều quan tâm tới vận mệnh đất nước thì đảng Cộng Sản không thể nào che đậy hay lặng yên về những hành động bán nước của mình. Tuy nhiên để phát triển các tổ chức dân sự và bảo vệ mọi người tham gia thì cần có sự kết nghĩa, bảo trợ của những tổ chức dân sự trên thế giới hay của những tổ chức của người Việt ở hải ngoại. Ví dụ như mỗi tổ chức dân sự trong nước có thể được sự kết nghĩa của một tổ chức cộng đồng ở hải ngoại. Ngoài những tổ chức dân sự, các tôn giáo cũng cần có thêm những tiếng nói và hành động quyết liệt đến những vấn đề liên hệ đến sự tồn vong của dân tộc, của những bất công, hay tệ nạn xã hội, như những sự lên tiếng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hay của giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy trong thời gian vừa qua.

Cái yếu của ta là chưa phá được toàn bộ bức tường sợ hãi mà địch đã bao vây dân tộc trong mấy chục năm qua. Bức tường ấy đã có nhiều lỗ hổng to lớn nhờ công lao của những dũng sĩ đi đầu như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, Huỳnh Thục Vy, Phạm Thanh Nghiên, và đặc biệt là Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, Đổ Thị Minh Hạnh, và Bùi Thị Minh Hằng. Nhưng nó vẫn còn là một cản trở to lớn cho phong trào đấu tranh của dân tộc Việt. Chừng nào bức tường đó ngả sụp hoàn toàn như sự sụp đổ của bức tường Bá Linh thì khi ấy cuộc cách mạng sẽ nhanh chóng thành công. Bức tường sợ hãi sẽ không còn đứng vững với thời gian khi mà càng ngày càng có nhiều người can đảm lên tiếng. Sự lên tiếng của người dân có thể bắt nguồn từ nhiều lý do, những lý do đơn giản và tự nhiên như sự bất công trong công ăn việc làm, sự vô trách nhiệm trong các vấn đề y tế, giáo dục của những người có chức có quyền, sự bất lực của chính quyền trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm hay an ninh xã hội, cho đến những vấn đề lớn lao hơn như sự im hơi lặng tiếng của các lãnh đạo nhà nước Việt Nam trước việc Trung Quốc lấn áp xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, tệ nạn tham nhũng trầm trọng ở Việt Nam, chính sách dường như bán nước của đảng Cộng Sản Việt Nam trong lá thư của thủ tướng Phạm Văn Đồng nằm 1958 hay các hiệp ước biên giới với Trung Quốc và cái gọi là “Hội Nghị Thành Đô” nằm 1990, những sự vi phạm nhân quyền trầm trọng, sự đàn áp tôn giáo, cướp đất của dân oan và nhiều vấn đề khác nữa.

Vậy thì cái mạnh và cái yếu của địch là gì?

Cái mạnh của địch là ở công an, quân đội, và mọi công cụ đàn áp trong tay. Tuy nhiên những sự đàn áp của họ đối với những nhà đấu tranh cho dân chủ đã và đang bị thế giới lên án. Không những vậy họ còn bị những vị sĩ quan cao cấp trong quân đội hay công an trước đây lên tiếng phản đối. Một điều cần lưu ý ở đây là mặc dù quân đội là do đảng Cộng Sản nắm giữ, nhưng những người lính lại đến từ nhân dân. Cho nên khi thời cơ chín mùi cho một cuộc cách mạng thì hiện tượng quân đội quay súng lại với Đảng là chuyện có thể xảy ra. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang bị ngoại xâm mà chính Đảng Cộng Sản là kẻ có trách nhiệm trong việc làm mất đất mất biển và tạo điều kiện cho giặc xâm lấn nước nhà.

Cái mạnh của địch là ở sự độc quyền cai trị đất nước dựa trên điều 4 hiến pháp do chính họ đặt ra. Họ nắm tất cả các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp và tất cả các phương tiện truyền thông báo chí cho nên người dân nói chung là không có tiếng nói và một quyền hạn gì ở đất nước nầy. Tuy nhiên xu hướng của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ngày nay là được sống trong một thể chế dân chủ, đa nguyên đa đảng, và người dân có quyền tham gia và lựa chọn những người lãnh đạo cho đất nước mình. Cho nên cái mạnh của một chế độ độc tài toàn trị bỗng nhiên trở nên cái yếu của một chế độ lạc hậu và phản lại trào lưu tiến hóa của nhân loại và sẽ bị loại bỏ không sớm thì chầy.

Cái mạnh của địch là một đảng duy nhất với ba triệu đảng viên và các tổ chức ngoại vi nắm giữ mọi chức vụ quan trọng của chính quyền. Họ từng tự hào là đánh bại các cường quốc như Pháp và Mỹ để dành độc lập cho quốc gia. Sự thật đảng Cộng Sản chỉ làm theo lệnh của quan thầy là Liên Xô, Trung Cộng để bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản, và bây giờ đã lộ nguyên hình là một đảng của những nhóm lợi ích cấu kết với nhau và những cá nhân bất tài nhưng tham quyền cố vị. Cũng vì quyền lợi cá nhân mà đảng Cộng Sản bây giờ đã chia năm xẻ bảy tranh giành nhau đến tận trung ương như trường hợp đồng chí X năm vừa rồi, hay thượng tướng Phạm Quý Ngọ mấy tháng trước. Vì hoàn cảnh lịch sử của đất nước, cũng có những cá nhân lầm lẫn đi theo đảng Cộng Sản vì tưởng họ thật tình yêu nước, bây giờ hiểu ra, những vị ấy đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi thay đổi. Những thỉnh nguyện thư, những lời kêu gọi, những tuyên bố của các đảng viên lâu năm, của các tướng tá đã có những tác động đáng kể cho cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam cho một thể chế dân chủ, cho nhân quyền và cho một nền độc lập thật sự cho nước nhà. Tác động đầu tiên là soi sáng thêm con đường từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản, chủ nghĩa xã hội mà nhiều người trong Đảng chưa nhận ra hay còn đắn đo suy nghĩ. Tác động khác là làm lung lay thêm cái chân đã một phần mục nát do chính các đảng viên tham ô gây ra. Nó đã tạo thêm mâu thuẫn và sự nghi ngờ lẫn nhau trong nội bộ Đảng, và làm mất lòng tin của các đảng viên lên cấp lãnh đạo của họ. Tác động lớn nhất có lẽ là sự cổ võ to lớn cho phong trào đấu tranh đang ngày lớn mạnh của nhân dân. Nó đã xác minh cho sự đấu tranh đúng đắn và chính nghĩa của phong trào và chắc chắn sẽ làm cho nhiều người yêu nước mạnh dạn tham gia.

Cái mạnh của địch là có sự hậu thuẫn của đảng Cộng Sản Trung Quốc đàng sau. Tuy nhiên đó cũng là cái yếu của đảng Cộng Sản và nhà nước mà họ đang nắm quyền vì một sự lệ thuộc ngoại bang, Trung Cộng, một cách quá rõ ràng cũng đồng nghĩa với sự phản bội lại tổ quốc của mình. Họ kết nghĩa anh em với kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. Họ đã nhượng đất nhượng biển và sẵn sàng đàn áp nhân dân để làm vui lòng kẻ thù. Họ đã ký kết những hiệp định bán nước mà chỉ được tiết lộ bởi kẻ thù. Họ đã không còn lừa bịp được ai vì ngay chính đảng viên lâu năm của họ cũng đã mất niềm tin. Không sớm thì muộn mọi người dân Việt sẽ coi đảng Cộng Sản là kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc. Họ tin rằng Trung Cộng sẽ giúp họ giữ vững ngai vàng để kéo dài sự thống trị ở Việt Nam như những thái thú ngày xưa, nhưng họ đã quyên rằng Trung Quốc cũng đang đối đầu với nhiều vấn nạn trầm kha như mầm mống nội loạn, sự ô nhiểm môi trường, bất ổn xã hội, đạo đức xuống dốc, tham nhũng tràn lan, dân tình bất mãn, hàng hóa bị nhiều người tẩy chay vì thiếu chất lượng hay gây tai hại cho sức khỏe. Nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc thì không còn đóng cửa dạy nhau, mà cũng công khai thanh trừng, đấu đá nhau quyết liệt. Họ không tin nhau, thì làm sao họ có thể tin vào những viên chức nhà nước hay đảng Cộng Sản Việt Nam. Chẳng qua chỉ là hai bên lợi dụng lẫn nhau để giữ lấy chiếc ghế quyền lực của mình. Cũng vì vậy mà nhiều người không lấy làm lạ khi một người gọi là phe thân Trung Quốc như ông Nguyễn Bá Thanh lại đi Mỹ chửa bịnh thay vì đi Trung Quốc. Có lẽ ông không tin vào tấm lòng lương y như từ mẫu của các bác sĩ Trung Quốc hay không tin lắm ở khả năng y khoa sao chép của các bịnh viện ở nước nầy, hay không tin vào cả cái chế độ mà luôn dùng thủ đoạn để thống trị người dân và cạnh tranh với quốc tế.

Cái yếu của đảng Cộng Sản là một sự bất tài, thất đức của các tầng lớp lãnh đạo và một hệ thống độc quyền thiếu sự cạnh tranh và kiểm soát. Nó đã dẫn đưa đất nước đến một tình trạng suy yếu về mọi mặt từ kinh tế, giáo dục, y tế, chính trị, quốc phòng. Nó đã sản sinh ra một thể chế tham nhũng nhất nhì thế giới làm cho đất nước kiệt quệ và dân tình điêu linh.

Cái yếu của đảng Cộng Sản là sự cô đơn vô cùng tận khi cả thế giới đang từ bỏ chế độ Cộng Sản thì họ lại kiên quyết đi theo con đường Cộng Sản. Các nước Đông Âu khi từ bỏ chế độ Cộng Sản thì đời sống của người dân các nước đó không ngừng được nâng cao về mọi mặt. Lấy thí dụ của Ba Lan, năm 1990 mức thu nhập trung bình của mỗi người dân chỉ vào khoảng 1.300 Dollars, nhưng đến năm 2013 họ đã có mức thu nhập tăng lên gấp 10 lần là vào khoảng 13.000 Dollars. Không những như vậy, đất nước Ba Lan còn mở rộng quan hệ với quốc tế và họ đã trở thành thành viên của khối Nato, không còn lo sợ bị Nga Sô hay bất kỳ nước nào xâm chiếm. Trong khi Việt Nam, dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản thì mức thu nhập đầu người cũng không qua con số 2000 Dollars cho năm 2013, và luôn ở trong nguy cơ sẽ bị thôn tính bởi anh láng giềng tham lam, Trung Cộng. Người dân Việt Nam đã và đang thấy rõ con đường mà mình muốn đi, họ sẽ không để cho một thiểu số tham lam và thiếu hiểu biết dẫn dắt mình đi mãi trên con đường u tối.

Qua những phân tích trên đây, mặc dù không thể đầy đủ trong một bài báo ngắn gọn, chúng ta cũng có thể thấy rằng trận chiến quyết định của dân tộc đã bắt đầu với những khó khăn và thuận lợi mang tính đặc thù của Việt Nam. Khó khăn thì nhiều, nhưng thuận lợi thì cũng không ít. Điều quan trọng là nhân dân Việt Nam đang có chính nghĩa. Chính nghĩa là yếu tố quyết định cho sự thắng bại cho trận chiến nầy. Chính nghĩa sẽ dẫn đến sự cân bằng lực lượng và hơn thế nữa sẽ làm cho địch ngày thêm phân chia, rối loạn và làm cho ta mỗi lúc một đoàn kết, kiên cường thêm. Và như thế, dân tộc ta sẽ có một chiến công ngoạn mục để sau này còn có hai chữ Việt Nam.