Người không có Tết

Tác giả Huỳnh Công Thuận viếng nghĩa trang Biên Hòa

Huỳnh Công Thuận - Đêm nay là 28 tháng chạp, năm nay không có ngày 30 vậy mai là giao thừa rồi.

Những ngày cuối năm, trong khi mọi người đang chuẩn bị vui mừng về quê tảo mộ đón tết thì trái lại đối với tôi lại là những ngày cay đắng buồn đau sầu thảm nhất. Sau bao nhiêu năm sống kiếp không nhà, phải sống ly hương trên chính quê hương mình, đối với tôi những tiếng “về quê, về nhà, gia đình” đã không còn! Dù đã cố quên nhưng khốn nạn thay ngày mà người ta đưa ông táo lại là ngày giổ nội tôi, nội tôi mất đúng vào ngày 23 tết năm 1978 – đó cũng là năm cuối cùng tôi được hưởng không khí gia đình ấm cúng dưới mái nhà trong phần đất hương hỏa của gia tộc họ HUỲNH chúng tôi. Nhớ lại những ngày ấy với những thời khắc cuối năm bên bàn thờ tổ tiên với những ngôi mộ đã được con cháu tảo mộ chu toàn với khói hương và với sự tưởng nhớ thành kính.

Thắm thoát đã mấy mươi năm từ một thanh niên sống có lý tưởng, tôi đã phải bỏ nửa cuộc đời với những nỗi truân chuyên phải liên tục đấu tranh chống áp bức bất công, nhưng chẳng những không kết quả ngược lại còn bị rơi vào những “cuộc chiến” không lối thoát. Tôi đã mất quá nhiều thời gian của đời mình cho việc này, giờ không còn nhiều thời gian nữa nhưng vẫn không biết đến bao giờ mình mới được “về quê, về nhà, về gia đình”, không biết bao giờ mới được tự do thanh thản thắp những nén hương viếng mộ tổ tiên trong những ngày lễ giổ vì những ngôi mộ của gia tộc chúng tôi hiện đang bị chiếm đoạt…

Trong nghĩa trang gia tộc họ Huỳnh của chúng tôi hiện có 8 ngôi mộ, tất cả đều có mộ bia với hình ảnh đầy đủ, nhưng chỉ mộ bia Ba tôi với hình mặc quân phục là bị đập phá, người ta dùng vật sắc nhọn gạch trầy các chử trên bia mộ và đục vào mắt di ảnh người quá cố…


Kính xin hương hồn tổ tiên hãy tha thứ cho con không thể thắp hương viếng mộ tổ tiên gia tộc. 
Xin hãy tha thứ con bất lực để mộ bia người chết vẫn không được yên. 
Mong rằng các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ 
còn phải sống dưới bất kỳ hình thức áp bức bất công phi lý nào.

Thiết nghĩ mồ mả không chỉ là tài sản riêng của một gia tộc mà còn là niềm tự hào của cả quốc gia dân tộc. Trong thời chiến tranh loạn lạc, bản thân người sống lo còn không xong, nên không lo cho mồ mả người chết chu toàn là điều có thể chấp nhận được. Ngày nay, đang ở thời bình trị, ổn định thì việc làm trước hết là phải khôi phục lại truyền thống văn hoá dân tộc lâu đời đã bị xâm hóa nghiêm trọng sau những thăng trầm của đất nước. Giữ gìn và bảo quản cúng viếng mồ mả tổ tiên là giử cho con cháu đời sau một truyền thống văn hóa đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Hiện con cháu gia tộc họ HUỲNH chúng tôi không được quyền giữ gìn bảo quản cúng viếng mồ mả tổ tiên nằm trong phần đất hương hỏa của gia tộc chúng tôi nhưng tôi vẫn cố gắng lưu truyền gìn giử được gia phả của gia tộc mình trên phần đất ảo. Những người con đi xa, nếu bị thất lạc thông tin về gia tộc họ HUỲNH có thể dễ dàng tìm lại được nguồn cội của mình trên website Việt Nam gia phả tại đây:


Người Việt Nam chúng ta có câu: “Sống cái nhà – Thác cái mồ” nhưng với những gì đã xảy ra đối với tôi và gia tộc tôi, cả với người sống lẫn người chết quả thực là đã quá sức chịu đựng!. Thiết nghĩ cướp nhà người sống và nhất là cướp mộ người chết là một trọng tội cần phải trừng trị một cách thật nghiêm khắc. Tôi luôn tin tưởng rằng: quyền bảo quản giử gìn mồ mả tổ tiên trong phần đất hương hỏa của gia tộc họ “HUỲNH” rồi thế nào cũng trở về với con cháu họ HUỲNH chúng tôi và khi đó tôi sẽ vô cùng mãn nguyện.

Và khi nhìn lại “đoạn trường truân chuyên” trong suốt bao nhiêu năm qua dường như có giọt lệ nào, không chảy xuống mà chảy ngược vào tim tôi, lăn mãi, và lăn mãi... Người ta có thể tách quê hương ra khỏi con người nhưng không thể tách niềm đau nỗi nhớ ra khỏi tâm hồn.

Một ngày cuối năm.