Tập Cận Bình: “Tham nhũng có thể làm đảng tiêu vong”
Sau Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, tại Ðại hội 18 vừa qua, tân Tổng Bí Thư Tập Cận Bình cũng cảnh báo nguy cơ tiêu vong vì nạn tham nhũng. Hơn một tháng sau khi họ Tập lên lãnh đạo đảng Cộng Sản, người ta chỉ thấy sức mạnh của tham nhũng và nạn kiểm duyệt báo chí. Hồ Sơ Người-Việt tìm hiểu về hiện tượng này.
Ðại hội đảng và lãnh đạo mới
Theo thông lệ thì trước và trong đại hội đảng, Bộ Chính Trị đề cử ra tổng bí thư mới cho trung ương đảng biểu quyết và tổng bí thư cũ lặng lẽ nhường lại quyền lãnh đạo đảng cho người kế vị. Ðầu năm sau, là đến tháng 3, Quốc Hội mới nhóm họp và chính thức đề cử tổng bí thư mới làm chủ tịch nhà nước thì chủ tịch cũ mới ra về. Nhưng ông ta vẫn lãnh đạo hai cơ chế có cùng một tên và một thành phần là Trung Ương Quân Ủy Hội, của đảng và của nhà nước. Một hai năm sau, ông ta mới trao cho chủ tịch mới vai trò lãnh đạo quân đội.
Trường hợp ấy đã xảy ra sau Ðại hội 16 vào năm 2002, khi Giang Trạch Dân chỉ nhường chức lãnh đạo Quân ủy cho Hồ Cẩm Ðào vào năm 2004. Lần này thì khác hẳn.
Hồ Cẩm Ðào lập tức trao lại quyền lãnh đạo Quân ủy cho Tập Cận Bình. Nhiều nhà quan sát bèn kết luận rằng họ Hồ yếu thế phải ra đi trước sức ép của cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân và phe “Thái tử đảng” của Tập Cận Bình. Người ta cũng nghĩ là cánh bảo thủ đã thắng khi quyết định là Thường vụ Bộ Chính Trị chỉ có bảy người thay vì là chín người như trước đây và hai nhân vật tương đối cởi mở trong Bộ Chính Trị đã không được vào Thường vụ, đó là Bí Thư Quảng Ðông Uông Dương và trưởng ban tổ chức trung ương Lý Nguyên Triều.
Những dự kiện ấy đã được thời sự quốc tế bình luận khá nhiều. Nhưng sự thật có khi lại phức tạp hơn vậy.
Lãnh đạo Bắc Kinh đang phải giải quyết hai mục tiêu song hành mà hơi trái ngược. Thứ nhất là phải tìm đủ cách ổn định tình hình xã hội và chính trị khi đà tăng trưởng kinh tế sẽ sút giảm kể từ năm nay. Thứ hai, cùng lúc đó họ phải cấp tốc hiện đại hóa quân đội và biểu dương sức mạnh quân sự để bảo vệ quyền lợi kinh tế trong khu vực Ðông Á, trước khi Hoa Kỳ và các nước khác có thể lập ra một thế liên kết có khả năng đối trọng với sự bành trướng của Trung Quốc.
Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh mới cấp tốc hoàn tất việc chuyển giao quyền lực chứ không thể trì hoãn và đấu đá hoặc vận động bên trong hậu trường như trước đây.
Thành phần lãnh đạo mới - gọi là thế hệ thứ năm sau Mao Trạch Ðông, Ðặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Ðào - gồm có 1. Tập Cận Bình; 2. Thủ tướng sắp tới là Lý Khắc Cường; 3. Cựu bí thư Trùng Khánh và chủ tịch sắp tới của Quốc Hội là Trương Ðức Giang; 4. Bí thư Thượng Hải và chủ tịch sắp tới của Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị (hay Chính Hiệp) là Du Chính Thanh; 5. Phó thủ tướng kiêm bí thư Ban Kỷ Luật và Kiểm Tra Trung Ương là Vương Kỳ Sơn; 6. Bí thư Thiên Tân là Trương Cao Lợi; và 7. Lưu Vân Sơn, nguyên là trưởng ban Tuyên Truyền Trung Ương nay là bí thư thứ nhất của Ban Bí Thư Trung Ương.
Thật ra, ưu tiên trong mọi ưu tiên của lớp người lãnh đạo mới là phải tân trang lại bộ mặt của đảng sau quá nhiều tai tiếng trong hai năm gần đây. Việc cải cách chính trị trong đảng là một bài toán lâu dài hơn, nhu cầu củng cố uy tín của đảng mới là cấp bách. Vì vậy, ta mới thấy Tập Cận Bình nhắc lại lời báo động của Hồ Cẩm Ðào, rằng tham nhũng có thể làm nhà nước và đảng sụp đổ. Sau đó, ông ta làm được những gì?
Chế độ song quy hai còng
Hôm mùng 5 tháng trước, người ta được tin phó bí thư tỉnh Tứ Xuyên là Lý Xuân Thành bị câu lưu vì “vi phạm kỷ luật đảng”, chỉ vài tuần sau khi được đưa lên làm ủy viên dự khuyết của trung ương đảng. Thế nào là vi phạm kỷ luật đảng? Người ta không có chi tiết chính thức nào về vụ này. Hôm đó, Tân Hoa Xã chỉ loan một tin ngắn rằng Lý Xuân Thành đã lỡ một buổi hội quan trọng trong tỉnh và không hề thấy xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 19 tháng 11. Sau đó chính bản tin này cũng bị bốc mất!
Nhưng Trung Quốc không chỉ có hệ thống thông tin quốc doanh mà còn gặp hiện tượng hiện đại là mạng lưới thông tin điện tử và các trang blog độc lập. Nhờ đó, người ta mới được biết Lý Xuân Thành bị kỷ luật vì tội tham nhũng và hiện đang bị điều tra trong một chế độ đặc biệt gọi là “song quy” (shuanggui), nôm na là hai còng. Hôm mùng 5, tờ Nam Hoa Tảo Báo (South China Morning Post) xuất bản tại Hong Kong đã loan tin này nhờ các nguồn tin độc lập ở bên trong.
Dưới tên gọi tắt là “Trung Kỷ Ủy”, Ủy Ban Kỷ Luật và Kiểm Tra Trung Ương - nay thuộc quyền chỉ huy của Vương Kỳ Sơn - có nhiệm vụ thi hành kỷ luật với các đảng viên và có một chế độ điều tra đặc biệt gọi là song quy. Ðây là nơi mà nghi can bị tra tấn, bị bỏ đói, tâm thần bị uy hiếp đến độ mất ăn mất ngủ và chẳng còn biết gì về ngày đêm. Nếu không chết trong ngục thì việc gì cũng khai, tội gì cũng nhận! Chỉ cần được thông báo về thời giờ và địa điểm trình diện - ý nghĩa của chữ song quy - là các can phạm đều biết rằng mình bước xuống thềm địa ngục.
Trong hệ thống hình sự của Trung Hoa thời cổ đại, việc tra tấn để lấy cung là điều bình thường và hợp với đạo lý của Thiên tử. Dưới chế độ cách mạng của Cộng Sản, kỹ thuật hình sự này vẫn được duy trì và đã từng được Hồng quân áp dụng trong thời nội chiến quốc cộng. Sau khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách và bãi bỏ những thái quá của Mao Trạch Ðông trong 10 năm Ðại Văn Cách (Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại) nhằm thanh trừng các đối thủ chính trị, chế độ tra tấn hợp pháp này vẫn tồn tại. Nhưng được cải tiến cho tinh vi hơn và chỉ áp dụng trong hàng ngũ đảng viên. Cựu Bộ Trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân và cựu bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai đã nếm mùi “song quy” trước khi bị bay chức vào năm 2011 và 2012...
Vì vậy, dường như quyết tâm diệt trừ tham nhũng của tập đoàn lãnh đạo mới là điều gì đó có thật.
Nhưng vì sao một người có tỳ vết như Lý Xuân Thành lại được cất nhắc vào trung ương đảng trước đó có mấy tuần? Tại sao việc điều tra và tuyển chọn nhân sự cao cấp trong đảng lại có sự hớ hênh như vậy sao? Sự thật có khi còn tệ hại hơn thế: Ðảng viên cao cấp nào cũng có thể là đối tượng của chế độ “song quy” vì tham nhũng là một thuộc tính của độc tài.
Một xã hội đen trên thượng tầng đỏ
“Hồ Sơ Người Việt” không nhắc lại nội dung của hai số báo mới đây trên tờ The New York Times và của hệ thống tin tức kinh doanh Bloomberg về sự giàu có đáng nghi ngờ của gia đình Thủ Tướng Ôn Gia Bảo, tổng lý Quốc Vụ Viện. Hai số báo phanh phui tình trạng tham ô của thân nhân lãnh đạo đã bị Bắc Kinh tịch thu và báo chí trong nước bị kiểm duyệt để không được phép nhắc tới bản tin của Bloomberg.
Nhưng chế độ kiểm soát thông tin của Trung Quốc vẫn không thể ngăn được làn sóng tin tức từ thị trường xám của các mạng điện tử độc lập. Nhờ vậy, ngươi dân Trung Quốc mới biết nhiều chi tiết động trời khiến cho “trời và người cũng đều oán hận”.
Thí dụ như một nữ đại gia rất trẻ đã bị điều tra vì nuôi “nam thiếp”, nôm na là đĩ đực. Hoặc một viên chức địa phương có cả thẩy 47 nhân tình. Một đảng viên cao cấp của Trùng Khánh là Lôi Chính Phú vừa mất chức vì một đoạn phim 12 giây được tung lên mạng Vi Bác Weibo: Năm năm trước, họ Lôi bị quay hình đang ăn nằm với một thiếu nữ vị thành niên. Cô bé là của đút do một công ty xây cất dâng cho Lôi Chính Phú để giành được hợp đồng và sau đó hình ảnh được công ty tung ra để tống tiền Thiên Lôi!
Nhờ những phanh phui liên tục trên mạng điện tử, người ta mới thấy mặt trái của chế độ cách mạng. Ðó là một xã hội đen, nơi mà tiền bạc và tội ác đã trở thành món hàng phổ biến và các đảng viên là người có lợi nhất trên thị trường.
Ðảng Cộng Sản Trung Quốc có 80 triệu đảng viên. Theo Tân Hoa Xã thì trong năm năm từ 2003 đến 2008 đã có 880 ngàn đảng viên bị kỷ luật. Không biết là trong số này có bao nhiêu bị khai trừ khỏi đảng, nhưng Tân Hoa Xã chỉ cho biết là có 25 ngàn đảng viên bị truy tố trước tòa án hình sự. Tỷ lệ lọt lưới có thể là rất cao và năm qua Trung Quốc bị tuột điểm về sự minh bạch trong sáng của hệ thống công quyền, theo Transparency International thì từ hạng thứ 75 bị sụt xuống hạng 80.
Phải chăng là vì thế mà lãnh đạo mới lại tăng cường hệ thống kiểm duyệt thông tin. Ðó là nội dung bản tin thời sự tuần qua khi tờ báo thông thoáng nhất nước là tuần báo Nam Phương Chu Mạt (Southern Weekend) tại thành phố Quảng Châu đã bị chiếu cố. Bài xã luận chính thức của tờ báo bị bóc và thay vào đó là một bài quan điểm có nội dung ca tụng chế độ với đầy thông tin sai lạc. Biến cố ấy khiến 51 nhân viên của tờ báo viết thư ngỏ để phản đối ban tuyên truyền của tỉnh Quảng Ðông và hăm dọa đình công.
Tân bí thư Quảng Ðông là Hồ Xuân Hoa, thuộc thế hệ lãnh đạo thứ sáu, người vừa lên thay Uông Dương, đã phải đấu dịu và tìm giải pháp dung hòa.
Quảng Ðông là một tỉnh cởi mở nhất Trung Quốc về kinh tế và chính trị. Năm kia, khi vụ Ô Khảm bùng nổ khiến dân làng nổi loạn và bắt nhốt công an, Bí Thư Uông Dương đã không mạnh tay đàn áp mà còn cho người nổi loạn cái quyền quản lý ngôi làng. Lần này cũng thế, lãnh đạo của tỉnh đã nhượng bộ những người phản đối trong tờ tuần báo.
Tin đó lập tức lan rộng trong cộng đồng dân mạng và trở thành nguồn cổ võ cho sự chống đối.
Hòa giải với cua đồng
Chúng ta đang chứng kiến một sự bất thường trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
Lãnh đạo đang ráo riết thanh lọc hàng ngũ và diệt trừ tham nhũng để vãn hồi uy tín của đảng. Kết quả là người ta được biết nhiều hơn về chế độ điều tra mà thật sự là tra tấn của Ban Kỷ Luật Ðảng gọi là “song quy”. Không thấy ai than phiền gì về tình trạng vi phạm nhân quyền hay hình pháp mờ ám khi nghi can có thể bị tra cho đến chết - nhiều người đã thực tế đứng tim mà chết. Lỳ lợm và đầy bản lĩnh như Bạc Hy Lai mà còn phải xếp giáp quy hàng!
Nhưng chế độ trừng trị ghê gớm ấy vẫn chỉ là liều thuốc ngoài da vì căn bệnh tham nhũng đã ăn vào lục phủ ngũ tạng và lên tới thượng tầng. Nếu mà “pháp bất vị thân” và không chừa những tay chân thân tín của lãnh đạo thì toàn thể các ủy viên trong Bộ Chính Trị đều có thể bị thanh lọc. Nghĩa là thượng tầng sẽ thành kẻ không đầu và đảng không thể tồn tại. Ðấy là một sự bất thường khiến uy tín đảng càng sa sút khi tệ nạn tham ô được lôi ra ánh sáng.
Kết cục thì chỉnh phong hay không, đảng đều bị mắc kẹt.
Trong khi ấy, cộng đồng dân mạng hay “netizens” đã tích cực phát huy sáng kiến để chế giễu lãnh đạo và sáng tạo ra nhiều ngôn từ hay hình ảnh linh động về một hệ thống chính trị bất động.
Một thí dụ là khẩu hiệu “xã hội hài hòa” hay “hòa giải” đầy tính chất nghiêm túc của lãnh đạo đã được cộng đồng dân mạng đọc trại. “Hòa giải” được họ đọc thành “hà giải”, con cua sông, cua nước ngọt. Họ tự xưng là cua đồng! Một thí dụ khác là cách gọi tôn quý như “quý đảng” hay “quý quốc”, “quý tánh” cũng được hiểu nghiêng. Quý là tốn kém là đắt giá và quý quốc là cái nước của quý vị ăn trên ngồi trốc, quý đảng là cái đảng của quý vị tham ô.
Và “quý quốc” tất nhiên là phải đối với “thí dân”.
Năm 2008, một đảng viên cao cấp đã hà hiếp một bé gái 11 tuổi trong một tiệm ăn ở Thâm Quyến. Khi thân phụ của em nhỏ cự nự thì được đồng chí đảng viên chỉ mặt mắng: “Mày có biết tao là ai không? Tao là từ trên Bộ Giao Thông Vận Tải xuống, có quyền hành ngang hàng thị trưởng của mày. Tao nắm cổ con gái của mày đấy, mày làm gì được? Mày chỉ là cái rắm của tao!” May là cả sự việc này đã được thâu vào máy truyền hình trong tiệm và giai thoại đã đưa đến chữ “thí dân”. Người dân chỉ là cái rắm trước đảng và nhà nước tôn quý.
Kết luận ở đây là gì?
Lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Hoa lâm thế kẹt vì uy tín suy sụp trước phản ứng tinh ma của người dân. Trong khi ấy, họ lại ngổn ngang những vấn đề rất khó giải quyết, mà thời gian lại chẳng còn nhiều khi kinh tế bắt đầu trở chứng. Chuyện rất đáng theo dõi từ Hà Nội văn hiến.