Viết về dân chủ bị đưa vào trại Giám Định Tâm Thần
Thanh Trúc (RFA) - "Cảm giác rất đau khổ rất đau đớn, vì tôi nghĩ cái danh dự của tôi quan trọng hơn chuyện ngồi tù. Ngay ở trại tam giam Hỏa Lò các ông quản giáo bảo là "giam anh chẳng qua là thử thách". Thế rồi vào Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần Trung Ương thì các bác sĩ ở đó họ bảo "chẳng qua họ đàn áp anh thôi", còn các y tá họ bảo là"anh bệnh gì đâu mà chữa" . Tôi thì chỉ lo ngại cái danh dự của tôi thôi, họ làm thế để bôi nhọ và dìm tôi xuống..." - Kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh
Kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh là một trong những người được nêu tên trong phúc trình Bloggers Và Cư Dân Mạng Bị Cầm Tù của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền (FIDH) thực hiện hôm 13 tháng Hai ở Paris.
Kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh là một trong những người được nêu tên trong phúc trình Bloggers Và Cư Dân Mạng Bị Cầm Tù của Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền (FIDH) thực hiện hôm 13 tháng Hai ở Paris.
Vi phạm Điều 88
Vì những bài viết về dân chủ và đa nguyên phổ biến trên mạng, kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh, bị bắt năm 2011 và bị chuyển về Trại Giám Định Tâm Thần Trung Ương trước khi được thả hôm 17 tháng Mười Hai năm 2012, chia sẻ cảm nghĩ của ông về điều gọi là xu hướng phát triển đương nhiên của con người, và của truyền thông Việt Nam trước trào lưu dân chủ tự do trên thế giới.
KS Nguyễn Trung Lĩnh: Trước kia tôi học ở Cộng Hòa Czech, sau đó sang Cộng Hòa Liên bang Đức gần sáu năm, về Việt Nam từ năm 1997.
Tôi hay quan tâm và lên tiếng rất nhiều về các vấn đề chính trị xã hội, rất mong muốn xã hội Việt Nam ngày càng có dân chủ, tự do, đa đảng phái chính trị và được bầu cử tự do minh bạch. Năm 1998 tôi bị công an bắt tạm giam tại trại B14 ở Thanh Trì, Hà Nội, vì tôi đã viết một bài 15 điểm phê phán Bộ Chính Trị và hệ thống chính trị ở Việt Nam, gởi cho các Ủy Ban Nhân Dân ở 63 tỉnh thành Việt Nam.
Năm 2011 họ bắt tôi lần thứ hai, từ ngày 22 tháng Mười Hai năm 2011 đến ngày 17 tháng Mười Hai năm 2012 vừa rồi. Những vấn đề tôi nêu lên mười mấy năm nay thông qua những bài viết là những vấn đề ở các nước phương Tây văn minh và phát triển người ta đã làm cách đây một hai trăm năm rồi, những vấn đề mà xã hội Việt Nam đang tồn đọng. Tôi nghĩ mình nêu ra tất cả là cái tốt thôi, cho mọi người dân và cho đất nước, không xuyên tạc, mà giả sử có giải quyết được thì có lợi cho người dân và cho đất nước thôi. Thế mà họ lại bắt tôi.
Thanh Trúc: Lý do họ nêu ra để bắt ông và họ gán cho ông tội gì?
KS Nguyễn Trung Lĩnh: Họ bảo tôi vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự, tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Họ bắt và giam trong trại tạm giam số Một của Hà Nội tức là nhà tù Hỏa Lò ở dưới Cầu Diễn độ năm tháng. Họ phỏng vấn rất là nhiều, sau đó họ gởi tôi xuống Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần Trung Ương, họ giam giữ và giám định tôi ở đấy ba tháng. Sau ba tháng họ lại chuyển về Hỏa Lò mười bảy ngày, rồi lại chuyển xuống Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần Trung Ương thêm bốn tháng nữa.
Thanh Trúc: Ông được trả tự do tháng Mười Hai năm 2012, ông có tiên liệu mình được trả tự do vào lúc đó không vì thông thường, tội gọi là vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự thì mức án tù là 3 tới 5 năm hoặc nhiều hơn?
KS Nguyễn Trung Lĩnh: Tôi biết thừa cái chuyện ở Việt Nam họ thích cho nặng tội thì nặng tội và cho nhẹ tội thì nhẹ mà. Tôi nghĩ chắc tôi chỉ bị giam vài ba tháng là về thôi, không ngờ họ giam đến một năm. Cái việc giám định tại Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần Trung Ương là tôi cũng không ngờ được. Ngay trong trại giam Hỏa Lò thì những bác sĩ kiểm tra tôi bốn lần và kết luận trí nhớ của tôi cực kỳ tốt. Tôi hiểu mình bị bắt giam và bị cách ly, không có điện thoại không liên lạc được gì với ai cả thì mình nằm trong tay họ thôi, họ thích đưa đi đâu thì đưa, thích chuyển đi đâu thì chuyển và thích thả lúc nào thì thả thôi.
Qua điều tra thì người ta hỏi về hoạt động dân chủ 2005, rồi việc thành lập nhóm Việt Nam Yêu Nước 2006-2007, rồi những bài viết liên quan đến đối lập. Tôi nói suy cho cùng thì tôi vẫn chưa vi phạm pháp luật Việt Nam, bởi vì bài trên mạng chứ chưa có triển khai gì trên thực tế thì sao có thể bảo là tôi vi phạm Điều Luật 88? Từ ngày còn ở Đông Âu đến khi về nước tôi thấy có lý thì tôi làm thôi.
Hù dọa, bôi nhọ
Trang bìa của bản Phúc Trình "Bloggers and netizens behind bars" . RFA photo.
Thanh Trúc: Đang từ một con người tỉnh táo mà lại bị đưa vào Viện Giám Định Tâm Thần Trung Ương vì cho rằng có vấn đề tâm thần tức là người điên, lúc đó cảm giác của ông như thế nào?
KS Nguyễn Trung Lĩnh: Cảm giác rất đau khổ rất đau đớn, vì tôi nghĩ cái danh dự của tôi quan trọng hơn chuyện ngồi tù. Ngay ở trại tam giam Hỏa Lò các ông quản giáo bảo là "giam anh chẳng qua là thử thách". Thế rồi vào Viện Giám Định Pháp Y Tâm Thần Trung Ương thì các bác sĩ ở đó họ bảo "chẳng qua họ đàn áp anh thôi", còn các y tá họ bảo là"anh bệnh gì đâu mà chữa" . Tôi thì chỉ lo ngại cái danh dự của tôi thôi, họ làm thế để bôi nhọ và dìm tôi xuống.
Qua rất nhiều người thì tôi được biết là xưa nay những người trái chính kiến, hay phê phán đảng cộng sản, phê phán cái hệ thống chính trị trong xã hội Việt Nam thì họ gán cho nào là tâm thần, nào là thần kinh các thứ. Đấy là công cụ để họ hù dọa, trấn áp, tiêu diệt những cá nhân nào có những tư tưởng mong muốn chế độ đa đảng ở Việt Nam. Đụng chạm đến cái vị trí độc tôn của đảng cộng sản thì họ gán cho những cái như thế.
Nhưng mà hiện nay tình hình những người bất đồng chính kiến, những người mong muốn đa nguyên đa đảng ở Việt Nam thì rất là nhiều. Thí dụ hiện đang có phong trào và thời gian để đóng góp ý kiến về việc sửa đổi Hiến Pháp, và vừa rồi là các trí thức nòng cốt ở Việt Nam, một lực lượng rất lớn, đề nghị thay đổi Hiến Pháp và sửa Điều IV Hiến Pháp. Đó là chuyện đa đảng cạnh tranh lành mạnh, và xã hội Việt Nam ngày càng mở ra là hướng đi rất đúng.
Cũng như vừa rồi, trong bài chúc mừng năm mới của ông Trương Tấn Sang thì ông không nhắc gì đến chuyện đảng phái cả, chỉ nói đến vấn đề dân và nước thôi. Đấy là những tiến bộ rất tốt cho xã hội Việt Nam.
Thế còn truyền hình ở Việt Nam thì người ta cũng nói đến bầu cử tự do, tỉ như bầu cử tổng thống ở Mỹ cũng được trình bày rất kỹ. Rồi những báo VietnamNet hay VNExpress cũng trình bày về những chiến dịch bầu cử tự do ở Mỹ, và các nước trên thế giới sẽ càng ngày càng ảnh hưởng và làm cho dân Việt Nam quen dần với chuyện bầu cử tự do cũng như đa đảng. Đấy là mong muốn của rất nhiều người đấu tranh và mong muốn của nhân dân Việt Nam.
Thanh Trúc: Vừa rồi bản phúc trình về các bloggers và công dân mạng bị giam cầm ở Việt Nam, do Ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền thực hiện, trong đó có nêu tên kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?
KS Nguyễn Trung Lĩnh: Cộng đồng người Việt ở hải ngoại và các tổ chức quốc tế góp sức tranh đấu cho nhân quyền của người Việt Nam ở trong nước là một điều rất tốt, rất cần thiết.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn kỹ sư Nguyễn Trung Lĩnh.