Nỗi đau thời cuộc
Hồ Bất Khuất
Trước đây còn blog “Nghệ Nhân Huyện Quỳnh” mà tôi là chủ nhân, tôi thường viết để bày tỏ nhận thức của mình. Từ ngày blog bị dẹp, tôi ít viết. Nhưng nay thấy im lặng cũng không tiện, xin được nói đôi điều.
Tình hình xấu hơn chúng ta tưởng!
Cách đây khoảng 15 năm, trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân, tôi có nói, đại ý: Khi ở một dân tộc, một đất nước mà những người ưu tú không nằm trong bộ máy quyền lực thì an ninh của quốc gia đó bị đe dọa.
Nay xét tình hình của Việt Nam, dường như điều đó đang xảy ra. Tôi đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, tham gia các hội thảo... và khẳng định: Việt Nam không thiếu người tài. Nhưng nhìn vào cách quản lý, điều hành đất nước hiện nay, không thấy người tài đâu?!
Bàn về việc sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm hiện nay là một quyết định không mấy sáng suốt vì tình hình và điều kiện chưa phù hợp. Tình hình kinh tế - chính trị chưa thuận lợi để chúng ta làm việc này một cách có hiệu quả. Kết quả là việc góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp mâu thuẫn đến mức đối địch. Đã thế, một số người ra sức nói những điều nhảm nhí và nói lấy được. Ví dụ, GS.TS. Hoàng Chí Bảo nói: “Tuy nhiên, Đảng với nhân dân là thống nhất, với nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc. Phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Vì bảo vệ dân mà phải hiến định nó”.
Đây là ví dụ điển hình cho việc nói lấy được. Thời mà cả dân tộc thống nhất để bảo vệ Tổ quốc, người ta cũng chỉ dám nói “Ý Đảng, lòng dân”, chứ không dám nói “Đảng với dân là một”. Nếu muốn nói như vậy, ít ra phải làm một cuộc trưng cầu dân ý; kết quả thế nào mới nói được.
Kinh tế trì trệ, nợ công tăng, bọn tham nhũng lộng hành, dân mất lòng tin... đang là những cái xấu đáng lo ngại. Nay phát hiện ra là trong việc quản lý điều hành đất nước thiếu trí tuệ lớn, thiếu dũng khí, thiếu bản lĩnh. Như vậy tình hình tốt đẹp ở chỗ nào?!
Ngạc nhiên vì một nghịch lý: Cứ có chức, có quyền là người ta kém đi, hèn đi
Trong mấy chục năm đi học và đi làm, tôi quen biết nhiều người, trong đó có những người rất khá về trí tuệ và đáng trân trọng về nhân cách. Ấy là lúc họ còn làm giảng viên đại học, làm báo. Nhưng đến khi họ làm lãnh đạo thì họ lại tỏ ra rất hèn kém, thậm chí không nhận thức được những điều mà người có trí tuệ trung bình đều nhận thức “ngon lành”.
Thoạt đầu, tôi cứ nghĩ, khi họ ngồi vào những vị trí quan trọng, có đầy đủ thông tin, có điều kiện, có quyền lực thì họ phát huy được những phẩm chất tốt đẹp của mình, phục vụ đất nước tốt hơn. Nhưng thực tế diễn ra ngược lại, khiến tôi vừa mất bạn, vừa buồn lo và không thể nào hiểu nổi tại sao lại như vậy?!
Việc thiếu trí dũng đã lộ rõ
Phân tích những diễn biến Đại hội XI và các Hội nghị Trung ương Đảng gần đây thì thấy rõ điều đó. Chỉ nguyên việc bầu Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bộc lộ đầy đủ. Đại hội XI dự kiến bầu 17 Ủy viên Bộ Chính trị. Kết quả chỉ bầu được 14. Rõ ràng là thiếu người tài, người tốt ở trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng mới không bầu đủ số lượng dự kiến. Đến Hội nghị 7 bầu bổ sung, nhưng cũng chỉ bổ sung được thêm 2 người là 16, chưa đủ con số dự định.
Điều đáng nói là người được kỳ vọng nhất là ông Nguyễn Bá Thanh lại không được bầu. Nhiều người rất thất vọng về điều này, kể cả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nguyễn Bá Thanh được xem là người tài, người tốt. Vậy tại sao người tài và người tốt lại không được lựa chọn? Chỉ có thể suy ra câu trả lời: Những người không lựa chọn ông không cùng đẳng cấp như ông. Hay nói thẳng ra là họ không tài, không tốt như ông nên họ không bầu ông.
Thật ra đây là điều hợp logic. Ông Nguyễn Bá Thanh được kỳ vọng là “bàn tay sạch” chống tham nhũng có hiệu quả. Bản thân ông cũng từng tuyên bố nhiều lần như vậy. Chống tham nhũng là chống ai? Chống những người có chức, có quyền. Đại đa số các Ủy viên Trung ương Đảng thuộc loại này. Ông Nguyễn Bá Thanh không vào được Bộ Chính trị là điều mà những người biết quan sát và có đầu óc phân tích biết từ trước. Thậm chí người dân thường cũng có thể suy ra điều này: Chúng ta chưa thấy ai mài dao đưa cho kẻ sẽ cắt cổ mình.
Làm gì để bớt nỗi đau?
Một số người có vẻ hoan hỉ về việc blogger nổi tiếng Trương Duy Nhất vừa bị bắt. Riêng tôi thấy rất buồn. Buồn không chỉ vì một người dám nói thẳng, nói thật bị bắt, mà còn buồn về việc lớn hơn thế, sâu hơn thế, xa hơn thế...
Có thể những bài viết của Trương Duy Nhất làm một số người không thích. Nhưng rõ ràng Trương Duy Nhất muốn góp tiếng nói của mình làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đất nước phát triển vững vàng hơn. Anh không chống phá Nhà nước. Điều này cơ quan an ninh cũng công nhận và họ bắt không phải căn cứ vào Điều 88 Bộ Luật hình sự, mà căn cứ vào điều 258.
Không nên đẩy những người có trí tuệ, có dũng khí sang “bên kia chiến tuyến” – đối lập với chính quyền. Nếu làm căng quá, đẩy họ ra nước ngoài thì chính những người làm việc này mới là những người “xâm phạm lợi ích Nhà nước”. Đã có tiền lệ rồi. Mấy chục năm trước, nữ thanh niên xung phong, nữ nhà văn Dương Thu Hương bị bắt, bị tù đày, bị đẩy ra nước ngoài. Bây giờ bà ấy ngồi ở Paris, muốn nói gì thì nói mà chẳng ai trong hệ thống an ninh làm gì được. Vì sống xa đất nước nên bà ấy nói có những điều không đúng, không thật, có hại cho Việt Nam. Giá cứ để bà ấy sống ở Hà Nội, trầm mình trong thực tế sôi động ở Việt Nam và viết văn có tốt hơn không?
Bắt bớ, bỏ tù những người trung thực, có trí tuệ, có dũng khí, không hèn nhát là điều dễ. Nhưng thử hỏi: Đất nước, xã hội ta được lợi gì về điều đó?
Làm gì cũng vậy, kể cả làm công tác an ninh thì cần phải đặt ra câu hỏi: Việc mình làm có lợi nhiều hơn hay có hại nhiều hơn?
Tôi nghĩ, việc bắt Trương Duy Nhất có hại nhiều hơn (nhất là trong vấn đề tôn trọng nhân quyền, dân chủ, xây dựng xã hôi văn minh...). Hình như Trương Duy Nhất không sợ hãi, buồn lo về chuyện mình bị bắt, thậm chí anh còn khoái chí nữa là khác?! Những bức ảnh cho thấy anh đàng hoàng, đĩnh đạc, thoải mái ngẩng cao đầu; còn những người áp tải ảnh lại có vẻ lúng túng, đầu hơi cúi. Rồi thông tin cho hay anh hợp tác với công an, thực hiện mọi yêu cầu của họ cũng nói lên rằng biết rất rõ việc mình đang làm.
Tôi “đau” nhất khi thấy có người so sánh Trương Duy Nhất với Nguyễn Văn Trỗi – một người đồng hương Quảng Nam nổi tiếng khắp thế giới của anh. Họ chỉ so sánh Nguyễn Văn Trỗi – Trương Duy Nhất, còn so sánh những cái khác là việc của chúng ta. Mà càng so sánh, càng “đau”.
Có thể làm gì để nỗi đau bớt đi được không?
H.B.K.