Thương Nữ có người dịch là kỹ nữ, có người dịch là ca nữ, có người gọi là con hát. Có người bảo Thương Nữ là con gái nhà thương gia…
Nguyên văn câu thơ:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa.
Tôi như là Khương Hữu Dụng dịch rằng.
Con hát biết chi hờn mất nước
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa.
Cách sông còn hát Hậu Đình Hoa.
Kể về một giai thoại của thời Đường, giặc đã đến bên kia sông, bên này sông vua quan nhà Đường vẫn còn say sưa yến tiệc nghe ca hát.
Tôi vẫn thích ai đó dịch Thương Nữ là một người con gái đẹp, dễ thương. Từ kỹ nữ, con hát nghe khinh miệt quá. Một người con gái dễ thương, chỉ biết ca hát, không biết đến chuyện quốc gia đại sự, sơn hà nguy biến nghe dễ vào hơn. Phận đàn bà, con gái thường vẫn thế. Câu thơ hàm ý chê trách người con gái đang hát, nhưng nếu hiểu rõ chế độ phong kiến thì hiểu câu thơ là trách kẻ nghe hát chứ không phải người hát. Bởi kẻ nghe hát đây là cả một triều đình, vua chúa và lũ bầy tôi không màng đến vận nước suy vong cận kề. Những kẻ ngồi trên ngôi cao chỉ lo hưởng thụ, những kẻ có quyền bính trong tay , có trách nhiệm phải giữ gìn xã tắc… câu thơ mượn người con gái để trách, nhưng thực ra là trách bọn vua quan triều đình.
Thương nữ bất tri vong quốc hận trở thành một điển tích tiêu biểu của sự mất nước, vong quốc.
Một điển tích khác mà nhiều người làm nghề sử chắc phải biết đó là điển tích Thôi Trữ giết vua.
Thôi Trữ giết vua Tề. Sử gia chép rằng Thôi Trữ giết vua. Thôi Trữ chém chết sử gia, cho người em sử gia chép sử, người em chép y nguyên vậy, bị chém chết, người em sau cũng vẫn chép vậy cũng bị chém chết. Đến người em thứ tư vẫn chép vậy, Thôi Trữ đành chấp nhận sự thật không giết sử gia nữa.
Hai điển tích này thì liên quan gì đến nhau?
Ở Việt Nam thì có liên quan chút ít, bởi Việt Nam của chúng ta ngày nay có rất nhiều đàn bà, con gái phải vào chốn lao tù, chỉ vì họ nặng lòng với non sông. Họ không phải là kẻ bất tri với nỗi nhục vong quốc. Và họ lần lượt người này vào lao tù, người khác lại tiếp tục. Từ Phạm Thanh Nghiên đến Tạ Phong Tần đến Nguyễn Phương Uyên. Rồi còn bao nhiêu người con gái khác cũng tại chữ “quốc” mà chịu cảnh lao tù như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Hồ Thị Bich Khương.
Đất nước nào trên thế giới này có số phụ nữ vào tù nhiều nhất vì tội danh chống chế độ? Có ai đặt ra câu hỏi đó chưa nhỉ? Người ta thường nói “ôi trời, ở đâu cũng có ăn cắp, ở đâu cũng có giết người, Mỹ cũng thế, tư bản cũng thế”. Vậy bạn nào nói cho tôi là “ối trời đâu cũng thế ở Xu dan, Sy Ry, Ả Rập, Mỹ cũng đầy bọn phụ nữ chống phá chế độ bị bắt bỏ tù”.
Khi viết bài này, tôi đã hỏi tổ chức ân xá quốc tế, tổ chức nhân quyền quốc tế, một vài tổ chức quốc tế khác theo dõi về vấn đề này. Để biết trong năm qua nước nào trên thế giới này có số phụ nữ bị vào tù nhiều nhất vì chống chế độ hiện tại ở nước nọ. Câu trả lời thật buồn, không phải ở Xu Dan, Sy Ry, Mỹ…
Không nói chế độ sai, chưa nói những người phụ nữ chống chế độ là đúng. Nhưng một đất nước mà có quá nhiều phụ nữ phải vào tù vì chống cái chế độ đang cầm quyền đất nước ấy. Thiết nghĩ những người có lương tri phải nên suy ngẫm. Vì phụ nữ xưa nay hiền lắm. Nhất là phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhẫn nhịn có truyền thống. Lịch sử chỉ cho thấy khi nào có ngoại xâm những người phụ nữ Việt Nam mới trở nên kiên cường, dũng cảm chấp nhận hy sinh, tù đầy để bảo vệ non sông đất nước.
Nếu chế độ ngày nay đúng, những người phụ nữ bị bỏ tù kia là bởi họ sai. Có lẽ đây là lần duy nhất trong lịch sử là “truyền thống” của người phụ nữ Việt Nam đã không có đáp án trùng lặp. Lịch sử và truyền thống lẽ nào cũng có lúc sai?
Chúng ta thấy sự kiên định trong quan điểm Thôi Trữ giết vua, hẳn chúng ta cũng thấy cái kiên định của Phạm Thanh Nghiên, Tạ Phong Tần, Nguyễn Phương Uyên ở quan điểm của họ.
Bất luận đúng sai thế nào thì những người con gái Việt Nam mềm yếu kia cũng đã vào tù vì chữ “quốc”. Không phải như thương nữ nhà Đường chỉ biết ca hát, chẳng màng “vong quốc”. Bất luận đúng sai thế nào thì họ cũng nối tiếp nhau kiên định với quan điểm của mình như những nhà chép sử thời Tề cách đây khoảng 2600 năm.
Trong những cuộc biểu tính phản đối Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam chúng ta thấy rất nhiều phụ nữ là bà già, là trung niên, là thanh nữ, là thiếu nữ…
Những người phụ nữ đang ở trong lao tù kia, những người phụ nữ đang bị sách nhiễu hàng ngày và những người phụ nữ trong những tấm ảnh này,chẳng phải họ đang biết đến hờn mất nước sao.?
Nghĩ đến những người phụ nữ chân yếu tay mềm đang ở chốn lao tù. Rồi bỗng nghĩ đến bà Phó Doan phát biểu “đất nước ta dân chủ gấp ngàn lần tư sản”.
Thấy bản dịch của những người dịch trên là đúng với câu thơ. Chỉ có mình đa sự bày đặt thương nữ , nữ thương này nọ. Kỹ nữ hay con hát cũng thế mà thôi,chỉ có cái loại ấy mới ca được trong lúc nước mất nhà tan.