Tòa án
của chế độ ngày 16/5/2013 đã đưa hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh
Nguyên Kha ra xử. Trong phiên tòa một ngày, tại Long An. Sau khi giam giữ hai bị
cáo hơn nửa năm. Thuật ngữ dùng cho các cuộc xử, cả bình thường cả bất bình thường,
gọi đó là kiểu “làm gọn”, có khi chỉ cần “một cái rụp”… là xong. Kiểu “xử gọn”
như vậy có đáng gọi là một việc làm đàng hoàng không? Và ai làm một việc không
đàng hoàng có phải là nhục không?
Mà về
tội gì? Theo tờ Tuổi trẻ,
tức phải là tờ báo của tuổi hai bị cáo, thì là “về tội tuyên truyền chống Nhà
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”. Tin viết là “theo hồ sơ”,
nhưng tờ báo không cho biết “theo hồ sơ” là do được “tiếp cận hồ sơ”, theo đúng
tác phong, chức năng nghề báo. Hay được nghe đọc lúc xử. Hay là không đọc, cũng
không nghe, mà chỉ quen tay viết vậy… Vì toàn bộ bản tin về vụ án chỉ vỏn vẹn
được gói gọn không quá 250 chữ, nằm lọt giữa trang 2. Cho một bản án tổng cộng
14 năm tù, cộng 2, và 6 năm quản chế. Tin về một bản án nặng nề, với một tội danh
không nhẹ là “chống phá Nhà nước”, lại được đem nhét giữa trang 2. Thua cả môt
tin xe đụng… Báo chí cho tuổi trẻ muốn cho tuổi trẻ thấy gì? Và nhất là tờ báo
tự cảm thấy gì? Mà về một bản án được mọi người Việt Nam trong ngoài nước quan tâm, lại
đi loan tin theo kiểu phải vạch mãi để tìm mới lòi ra để đọc?
Về
phiên tòa, thân phụ Phương Uyên cho biết ông và các thân nhân khác không được
cho vào dự khán, chỉ có bà mẹ Phương Uyên được vào. Lại bị bao vây che chắn bởi
một đám thân nhân lạ hoắc, không ai khác hơn là công an mật thám trá hình. Có
người đến ngóng tin bên ngoài tòa án đã bị công an thường phục hốt về đồn. Xử
án, ở đâu cũng vậy, thông thường là để làm gương, chớ không phải để trả thù. Để
làm gương nên có khi còn chọn một pháp đình thật rộng, khi pháp đình quen thuộc
không đủ chỗ cho mọi người. Còn ở đây là để làm gì? Mà lại lén lén, lút lút…
như đem giấu?
Về cái
cách chế độ nầy đã bắt Phương Uyên cũng vậy, cũng thật đáng xấu hổ. Bắt như bắt
cóc. Bắt đi mất tích rồi chối quanh hơn cả chục ngày mới chịu thừa nhận. Để đưa
ra một lô chứng cứ tội phạm và lời thú tội có là công an cũng không thể tin là
đứng đắn. Không thể nghĩ một chế độ tự nhận là Nhà nước pháp quyền mà lại đi
hành xử pháp quyền như… vậy.
Còn
lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nữa? Trước một loạt đối xử không
đàng hoàng đối với một thành viên Ban chấp hành Đoàn thuộc cấp mà vẫn ngậm miệng
nín khe là làm sao? Để làm gì và đang làm gì? Hay là đang sợ đoàn viên, đang sợ
thanh niên cả nước theo gương Phương Uyên và Nguyên Kha, không thể tiếp tục nhẫn
nhục và chịu nhục trước họa mất nước?
Nhắc lại
chuyện này, từ khâu bắt người cho tới khi xử, cho tới nay, trong ngoài nước, ai
cũng thấy không thể chịu nổi những việc làm đáng xấu hổ của không ít người của
chế độ.
Tôi
cũng không thể chịu nổi, nhất là trước những hành động quá ác đối với tuổi trẻ,
nên đã cùng với hơn 150 người khác đứng tên trong kiến nghị gởi Chủ tịch Nước đề
ngày 30/10/2012 yêu cầu can thiệp trả tự do cho Phương Uyên.
Cho tới
nay, ông Chủ tịch Nước vẫn cứ nín khe.
Nhưng
tôi và các bạn tôi đã được tưởng thưởng.
Hãy
nghe chàng trai 24 tuổi Đinh Nguyên Kha nói: “Tôi
không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì
không phải là tội”.
Hãy
nghe Nguyễn Phương Uyên 21 tuổi nói: “Việc
tôi làm thì tôi chịu. Xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của
chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm
lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước
nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Cám ơn
Phương Uyên. Cám ơn Nguyên Kha. Cám ơn những cô gái, những chàng trai yêu nước
Việt Nam .
/.
19/5/2013
Hồ
Ngọc Nhuận
Tác giả
gửi trực tiếp cho BVN.
. . .
. lời nói sau cùng của Phương Uyên mới làm cho cả phòng xử án bàng hoàng và
không khí chùng xuống. Đứng trước vành móng ngựa của cộng sản để nói lời nói
sau cùng thì Phương Uyên dũng cảm tuyến bố: "Việc
tôi làm thì tôi chịu xin nhà cầm quyền đừng làm khó dễ mẹ hay gia đình của
chúng tôi. Chúng tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm
lược đất nước và cuối cùng là chúng tôi làm xuất phát từ cái tấm lòng yêu nước
nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn".Giữa
một rừng công an hùng hổ mà Phương Uyên dám tuyên bố như vậy chứng tỏ bản lĩnh
của Phương Uyên như thế nào. Khác xa chuyện an ninh điều tra ép cung nhục hình
để đưa ra một Phương Uyên theo ý của an ninh là hành động chỉ để nhận 100 USD
và máy chụp hình kỹ thuật số từ phản động hải ngoại. . .
(từ
Facebook LTH)
Nói với
BBC sau phiên tòa, ông Nguyễn Duy Linh, cha của sinh viên Phương Uyên, nói ông
bị "sốc" vì mức án "quá nặng".
Ông
nói chỉ có người mẹ của Phương Uyên được phép vào dự phiên xử, còn ông và người
thân khác chỉ đứng ở ngoài.
“Tầm
hơn 10 giờ, lúc đó phiên tòa gần đến giờ nghỉ trưa, tôi và một số bạn ngồi trước
sảnh của phiên tòa đợi để hỏi thăm một số điều, có mấy nhân viên mặc thường phục
và dân phòng xông vào bắt tôi lên xe và chở về đồn công an Phường 1, thành phố
Tân An, Long An và nói lý do tình nghi chụp hình khu vực tòa án. Đến khoảng hơn
17 giờ, tức chừng sáu giờ giam giữ tôi thì họ thả ra mà không đưa ra lý do gì hết.
”
luật
sư Hà Huy Sơn cho biết một số điểm mà ông nói là không theo đúng qui định của
luật pháp Việt Nam
tại phiên xử:
“Tôi
tham dự phiên tòa và thấy quá trình tố tụng có những điều sai. Sai cơ bản là
theo luật Việt Nam
những chứng cứ không được xuất trình tại tòa để xem xét. ”
Blogger
Huỳnh Công Thuận : « Họ
nói họ ‘‘mời’’ chứ không phải bắt. (…) Đang ngồi bấm điện thoại, thì nó giựt, đẩy
lên xe, đứng cho u cái đầu luôn. (…) Vô đó thì hỏi chuyện tào lao, vớ vẩn,
không có chuyện gì hết trơn. Riêng chị Bùi Hằng, thì chị bị giữ lâu vì chị mang
theo mấy bản "Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền", chị phát, thì nó ghép tội
chị phát mấy tờ đó mà không có xin phép (. . . ).
(Về
phiên tòa) Gần như thân nhân, người nhà không ai vô được hết. Ba cô bé Uyên
cũng không vô được trong tòa án luôn. Mà ở trỏng nó sắp xếp bà con dòng họ…
nhưng mà toàn là người lạ hoắc, còn những người ruột, có giấy mời đàng hoàng,
ba ruột, cậu ruột của Phương Uyên không được vô, chỉ có mẹ.
Phiên
tòa bữa nay mấy anh em nói lại là rất là tốt. Mặc dù bản án kêu cao, nhưng mà
bé Phương Uyên, cùng là Đinh Nguyên Kha trả lời rất dõng dạc, rất là tự tin….
Nó nói nhiều câu rất hay. Luật sư cũng có những lời bào chữa rất hay. Nhưng bản
án đã để sẵn rồi, chỉ đọc lên cho vui vậy thôi, chứ có gì nữa đâu. »
-------------------------------------------------------------
21/05/2013
Hồi ký trên những nẻo đường chiến tranh
http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/05/hoi-ky-tren-nhung-neo-uong-chien-tranh.html
PHẦN
CUỐI: "CUỘC CHIẾN"... GIỮA THỜI BÌNH
Nguyễn
Anh Dũng
1.
Hiện tình đất nước
Những
ai đã từng sống trong cuộc chiến, đều cảm nhận được sự chết chóc và hủy diệt của
chiến tranh. Vì vậy đấu tranh bảo vệ hòa bình không chỉ là tâm nguyện mà còn là
hành động của những người có lương tri trên toàn thế giới.
Việt Nam
cũng không nằm ngoài bối cảnh như vậy, chiến tranh kết thúc cách nay đã 38 năm.
Tuy nhiên dư âm của cuộc chiến vẫn diễn ra, mặc dù không có chiến tuyến, không
có quân ta quân địch. Không có các binh chủng hợp thành với các loại vũ khí hạng
nặng. Nhưng hòa hợp dân tộc vẫn chưa được thực hiện, cuộc chiến giữa thời bình
vẫn diễn ra không kém phần quyết liệt.
Hội
nghị TW 7 là công việc nội bộ của Đảng CS, nhưng vì là lực lượng lãnh đạo Nhà
nước và xã hội (HP 1992), vì vậy người dân không quan tâm nhưng vẫn phải nghe,
nghe rồi phải suy xét để thấy được cái đúng và cái sai, cái tốt và cái chưa tốt,
quan trọng hơn cả là giữa lời nói và việc làm.
Khác với
mọi lần, hội nghị lần này diễn ra một cách lặng lẽ, ít thấy các băng rôn khẩu
hiệu, cờ đèn kèn trống chào mừng. Các cuộc nhảy múa mua vui, ca ngợi hội nghị
thành công tốt đẹp!
Bên
ngoài: Các lực lượng cảnh sát tăng cường hoạt động, để sẵn sàng đàn áp các cuộc
khiếu tố, tập trung đông người được cho là "Mang
mầu sắc chính trị", như
tổng TT CP Huỳnh Phong Tranh đã từng đe dọa.
Bên
trong: Không khí hội nghị nóng lên từng ngày, cuộc chiến tranh giành quyền lực
giữa "Cung vua" và "Phủ chúa" diễn ra quyết liệt tới tận
đêm khuya. Để rồi căn cứ vào đó, các nhóm lợi ích biết đường để "Làm ăn".
Người
dân đã quá khổ bởi sự độc tài chuyên chế của đảng, những điều đã được nêu ra từ
những đại hội, hội nghị nhiều năm về trước nay được "sao lại". Thành
tích chỉ là tưởng tượng, tội lỗi thì ngày càng gia tăng.
Chiến
trường mở rộng:
Biên
giới phía Bắc, hải phận của Tổ quốc bị "Bọn
bá quyền Trung Quốc xâm lược" (HP
1980) lấn chiếm, lừa gạt bằng quan hệ 4 tốt và 16 chữ vàng. Cùng với sự có mặt
của chúng trên khắp miền đất nước đã làm nguy cơ Việt Nam bị phụ thuộc hoàn toàn vào
Trung Quốc là có thật.
"Bảo
vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân" (HP 1992). Khi mà Nhà nước giữ thái độ
im lằng thì người dân lại bức xúc đã xuống đương biểu tình phản đối. Nhà cầm
quyền đã ngăn cản, đàn áp bắt bớ, bỏ tù và ru ngủ bằng luận điệu "Đã có Đảng và nhà nước
lo".
Tham
nhũng được xác định là giặc nội xâm, "Là
một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta" (NQ TW 3-K 10). Tham nhũng giờ đây
không còn là những vụ đơn lẻ, có tính chất ăn mảnh của một vài cá nhân. Mà đã
trở thành có tổ chức từ trung ương tới địa phương, liên quan đến những người đứng
đầu chế độ. Trong đó vụ tham nhũng của CN Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy viên BCĐ
TW về phòng chống tham nhũng Nguyễn Văn Hiện, từ năm 2003 đã bị TW Đảng đánh
"chìm xuồng" là một ví dụ điển hình.
Người
dân chống tham nhũng theo luật định bằng các đơn thư tố cáo và báo tin về tội
phạm. Sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, giữa những người có
trách nhiệm giải quyết, hoặc việc cố tình im lặng về các vụ nghiêm trọng do đảng
viên là cán bộ thuộc diện TW quản lý gây nên... đã chứng minh Đảng CS đã từ bỏ
quyền lãnh đạo, là sự bất lực của Nhà nước CS trong cuộc chiến chống tham nhũng
trên mọi lĩnh vực.
Hệ lụy
của nó là Việt Nam
là nhà nước pháp quyền mà như vô chính phủ, môi trường bị hủy hoại, đạo đức xuống
cấp, lòng tin của người dân bị xói mòn. Không chỉ máu và nước mắt đã đổ, mà cái
chết của người dân cũng đã hiện diện tại vườn hoa, trên đường phố, đồng ruộng
xóm làng, trong đồn công an.
Thương
trường là chiến trường, cuộc chiến giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước, các ngân
hàng để giành giật cho lợi ích nhóm, bất chấp ảnh hưởng của nó tới xã hội và
người dân như thế nào.
Các cuộc
xuống đường diễu hành phản đối công an đánh giết người ở tỉnh Bắc Giang, Vĩnh
Phúc; của dân oan huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, ở Dương Nội quận Hà Đông TP Hà
Nội, ở huyện Tiên Lãng Hải Phòng, ở Thanh Hóa, Nam Định chống cướp đất; của đồng
bào Giáo xứ ở Đồng Chiêm, Cồn Dầu đòi tự do tín ngưỡng; của nhà báo tự do các
blogger; của lớp người trẻ tuổi như NS Việt Khang, NB Nguyễn Đắc Kiên, SV Nguyễn
Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha công khai chống Trung Quốc xâm lược, đòi hỏi tự
do dân chủ, nhân quyền... và còn rất nhiều vụ việc khác đã không thể thống kê
được hết.
Mỉa
mai thay, một hoạt động thể thao lành mạnh ngày 12/5 ở Hà Nội cũng bị lực lượng
an ninh chìm, mang hung khí đến đe dọa, bắt chủ sân phải đình chỉ trận bóng đá
giao hữu giữa đội NO-U FC với đội bạn. Cực chẳng đã, các cầu thủ đã phải có biện
pháp phòng vệ chính đáng (Đ 15 LHS), ghi hình làm bằng chứng, bị bẽ mặt kẻ gây
hấn đã phải bỏ chạy. Nếu không kiềm chế được, có lẽ đây sẽ lại là "Cuộc
chiến" giữa thời bình!
Không
cam chịu bị tước đoạt quyền con người, các cuộc dã ngoại trao đổi về nhân quyền
theo Công ước quốc tế của LHQ và Hiến pháp VN, được thực hiện một cách ôn hòa,
công khai minh bạch để người dân hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình, cũng
bị nhà cầm quyền sách nhiễu, như ở Hà Nội, ngăn cản như ở Nha Trang và đàn áp như
ở TP Hồ Chí Minh.
Thực tế
như trên đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam ,
cộng đồng người Việt ở xa Tổ quốc, đã cùng chung tay, chung sức đồng lòng cất
cao tiếng nói: "Già trẻ
gái trai giơ cao tay, chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam " (CK Anh là ai?) Các cơ quan truyền
thông và tổ chức quốc tế đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng tham nhũng và vi
phạm nhân quyền tại Việt Nam .
2.
Ngày trở về:
Trước
hết tôi phải xin lỗi hẹn về lời mời gọi của bạn bè chiến hữu mời trở về trong
buổi gặp mặt truyền thống kỷ niệm 42 năm ngày nhập ngũ, tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải
Dương.
Hơn ai
hết, các cựu chiến binh trong lực lượng vũ trang đã phải chịu cảnh: "Đường ngập bao xương máu tơi
bời, đồng không nhà trống tàn hoang" (NS
Văn Cao). Nhiều lúc lòng tự vấn: “Hỏi em ai sương gió đường xa / Vai ba lô nặng đầy / Cây súng trong
đêm dài / Miệt mài tranh đấu vì ai?“ (NS
Phạm Thế Mỹ).
Đa số
cựu chiến binh là những người nông dân mặc áo lính. Họ ra đi từ mái tranh
nghèo, xông vào cuộc chiến theo khẩu hiệu "Người
cày có ruộng". Sau cuộc chiến trở về khi sức khỏe đã giảm sút, tuổi
xuân đã qua đi, cơ hội được đào tạo để hòa nhập với cộng đồng cũng không còn,
tài sản không có, với 2 bàn tay trắng họ nghèo vẫn hoàn nghèo.
Cũng
không có ước vọng gì nhiều. Họ cũng chỉ mong được đối xử như những con người thực
sự, theo chế độ chính sách chung nhưng đâu có được. Ruộng đất đã bị thu hồi,
nguồn sống không còn, họ bị đẩy ra đường và trở thành người thất nghiệp. Phải
chịu bao tầng áp bức, bóc lột bởi quốc nạn tham nhũng.
Dường
như họ phải "Đi xin" những thứ của chính mình – Quyền con
người. Duy nhất được"Tự do" nghe
theo lời tuyên truyền của Đảng, để làm những điều ngang trái với Hiến pháp và
Công ước quốc tế, không bàn cãi!
"Cuộc
chiến" giữa thời bình không chừa một ai và ngày một lan rộng. Người cựu
chiến binh năm xưa, nay lại phải tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì "Tôi không thể ngồi yên, để đời
sau cháu con tôi làm người. Cội nguồn ở đâu khi thế giới này đã không còn Việt Nam " (CK VN tôi đâu?).
"Cuộc
chiến" giữa thời bình là một tất yếu khách quan, là sự đòi hỏi tháo dỡ độc
tài, xây nền dân chủ, hướng tới mục đích cao đẹp và tự nhiên là nhân quyền và công
lý. Ở đó mọi người dân đều có quyền hưởng thụ thành quả lao động, làm chủ đất
nước. Góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của đất nước.
Hà Nội,
ngày 12 tháng 5 năm 2013
Blogger N.A.D.
Nhà
giáo - Cựu chiến binh
------------------------------------------------------------
19/05/2013
Nhân ngày 19.5
http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/05/nhan-ngay-195.html
“PHẠM TỘI GÌ ĐÂY? TA THỬ HỎI
TỘI TRUNG VỚI NƯỚC, VỚI DÂN À?”
Tương
Lai
Câu
thơ Hồ Chí Minh viết trong “Ngục trung nhật ký” cách nay đúng 70 năm bỗng
ngân vang trong những ngày tháng Năm cháy bỏng qua lời của Phương Uyên trước
tòa án Long An ngày 16.5: “Tôi
yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị bỏ tù vì thể hiện
lòng yêu nước ấy... Chúng
tôi làm để thức tỉnh mọi người trước hiểm họa Trung Quốc xâm lược đất nước,
chúng tôi làm xuất phát từ tấm lòng yêu nước nhằm chống cái xấu để làm cho xã hội
ngày càng tốt đẹp tươi sáng hơn”.
Nếu 88
năm trước, Nguyễn Ái Quốc đau đớn thốt lên: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại!
Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”
* thì hôm nay, những Phương Uyên, Nguyên Kha, và nhiều, rất nhiều bạn đồng
trang lứa với họ không còn phải “hồi sinh” mà đang dõng dạc trước vành móng ngựa
những lời đanh thép, biểu hiện ý chí, trí tuệ và khí phách của thế hệ trẻ trước
cường quyền và tội ác. “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân
tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi”, lời củaNguyên Kha đã khẳng định
thế thượng phong của công lý và chính nghĩa trước sự chà đạp lên pháp luật của
những thủ đoạn vu khống, lừa mị và tàn ác nhưng hết sức vụng về và mong manh!
Chỉ có
một điểm khác, một điểm khác đau đớn và xót xa, oái oăm và uất ức là những lời
đanh thép đó không nói trước tòa án của thực dân cướp nước, lại nói với tòa án
của một nhà nước nhân danh là “của dân, do dân và vì dân” mà xương máu của bao
thế hệ Việt Nam cha anh của thế hệ trẻ hôm nay đã đổ ra để có nó, nhưng rồi hôm
nay kết án Phương Uyên, Nguyên Kha lại là một tòa án của chế độ toàn trị phản
dân chủ, phản nhân dân.
Bằng bạo
lực và những công cụ quen thuộc của cường quyền nhằm khuất phục ý chí, nguyện vọng
và sức phản kháng quyết liệt của tuổi trẻ, phiên tòa đáng xấu hổ ở Long An và
những người giật dây cho những “rô bốt” ngồi ghế quan tòa đã không lường được bản
lĩnh, trí tuệ và sức mạnh của hai sinh viên, một nữ, một nam tuổi đời còn rất
trẻ. Có thể nói, đó cũng là bản lĩnh và trí tuệ của tuổi trẻ Việt Nam
trong thời đại của nền văn minh mới với cuộc cách mạng thông tin mà chuẩn mực
chính là sự thay đổi.
Không
một thế lực tàn bạo nào có thể ngăn cản được dòng thác của những biến động
trong một thế giới không ngừng vận động mà kiểu tư duy tuyến tính tỏ ra bất lực
và lạc hậu với tiến trình phi tuyến tính với những bước hợp trội nhằm tạo ra những
đột phá không sao lường trước được. Sinh lực của tuổi trẻ đã đem lại cho họ khả
năng nắm bắt được nhịp sống của thời đại để họ có thể vụt lớn lên, đủ sức đương
đầu với mọi thử thách, đẩy tới sự phát triển của đất nước.
Hình ảnh
sáng ngời của họ, tiếng nói dõng dạc của họ khác nào một tiếng sét giữa bầu trời
u ám báo hiệu một cơn dông bão của lòng phẫn nộ đang dâng lên. Phẫn nộ của công
luận xã hội về một bản án phi lý và bất công phơi bày đường lối sai lầm nhân
danh ý thức hệ để biện hộ cho thái độ ngang ngược, xảo quyệt của Trung Quốc xâm
lược. Phẫn nộ của giới trẻ tràn đầy xung lực muốn hiến dâng sức trẻ của mình
cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc đang bị ngăn chặn, trấn áp và khủng bố dưới nhiều
hình thức đê hèn và xảo trá. Phẫn nộ của giới trí thức đang ưu tư về vận nước,
hiểu rõ đất nươc đang bị tụt hậu ra sao do duy trì quá lâu một mô hình thể chế
lạc hậu phản dân chủ.
Càng xấu
hổ và tệ hại hơn nữa khi cáo trạng nhân danh luật pháp luận tội các sinh viên
yêu nước đã “nói những điều không hay về Trung Quốc”, phơi bày quá lộ liễu sự mờ
ám trong việc câu kết với kẻ thù xâm lược bằng những cam kết dại dột về “giữ
gìn tình đoàn kết hữu nghị” với tập đoàn hiếu chiến Bắc Kinh đang thè cái lưỡi
bò ham hố và bẩn thỉu mưu toan liếm trọn Biển Đông, ngang nhiên hoành hành trên
vùng biển thuộc chủ quyền lãnh hải của tổ quốc. Trước phản biện quyết liệt của
luật sư, tòa phải chống chế rằng truy tố các sinh viên không phải vì hành vi khẩu
hiệu chống Trung Quốc để rồi buộc phải rút bỏ cáo buộc ê chệ và nhục nhã đó!
Trên
cái nền của sự rút bỏ bất đắc dĩ cáo buộc dại dột ấy đã nổi rõ lên dòng chữ viết
bằng máu của cô nữ sinh viên Phương Uyên chống Trung Quốc xâm lược. Màu máu đỏ
của trái tim yêu nước của cô gái Việt Nam kiên cường và xinh đẹp ấy mạnh
hơn bất cứ loại vũ khí nào. Sức vẫy gọi của khẩu hiệu viết bằng máu ấy nối liền
với truyền thống quật cường của ông cha ta từng khắc trên cánh tay hai chữ “Sát
Thát” thể hiện khí phách hiên ngang trước một kẻ thù từng làm bằng địa nhiều
vùng lãnh thổ từ Á sang Âu để rồi đánh cho chúng tan tác, không chỉ một mà là
ba lần trong ba thập kỷ nửa sau thế kỷ XIII. Sức vẫy gọi của khí phách ấy sẽ vượt
qua mọi rào cản được dựng lên khắp nơi nhằm ngăn chặn sức lan tỏa của tinh thần
yêu nước “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự
nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”
như Hồ Chí Minh đã từng viết.
Và cô
gái mảnh mai ấy ngẩng cao đầu trước vành móng ngựa cường quyền phản dân chủ
dõng dạc nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh: “Một năm bắt đầu từ mùa xuân,
con người bắt đầu từ tuổi trẻ”. Để
rồi hiên ngang tuyên bố: “Tôi là sinh viên có lòng yêu nước. Nếu phiên
tòa hôm nay kết tội tôi, thì mọi người trẻ sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ
quyền của đất nước”. Đấy
là một lời cảnh báo đanh thép của một cô gái từng bị đọa đày trong tù ngục
không thiếu những thủ đoạn xấu xa nhằm lung lạc tinh thần và hành hạ thể xác,
song đã không những không gục ngã mà còn sáng suốt chỉ ra được hệ lụy của những
sai lầm không thể biện hộ của bạo quyền phản dân hại nước.
Không
gì mỉa mai hơn ngày cô sinh viên yêu nước dũng cảm chống xâm lược ấy ra tòa để
nhận lĩnh bản án khắc nghiệt cũng là ngày bắt đầu của lệnh cấm đánh cá trên Biển
Đông mà nhà cầm quyền Bắc Kinh công bố, một hành động ngang ngược xúc phạm đến
lòng tự tôn dân tộc, đòi hỏi phải dấy lên mạnh mẽ tinh thần yêu nước và ý chí
chống ngoại xâm của mỗi người Việt Nam có lương tri, đặc biệt là của thế hệ trẻ.
Và có lẽ phải nói thêm: ngày này cũng là ngày người ta long trọng trao giải thưởng
sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”, không hiểu
trong những sáng tác được trao giải ấy có nhắc đến điều cốt lõi nhất phải học tập
và làm theo chính là ý chí “Hễ còn một tên xâm lược nào trên đất nước
chúng ta, thì chúng ta còn phải chiến đấu, quét sạch nó đi”. Ở điểm cốt lõi này thì ai? Người vừa bị
kết án tù do hành động yêu nước quyết “chiến
đấu, quét sạch” quân xâm lược, hay người ngoan ngoãn chăm chút trên
trang giấy những lời tụng ca quen thuộc, cần được tôn vinh?
Bản án
dành cho Phương Uyên và Nguyên Kha chính là bản án đối với truyền thống dân tộc
yêu nước chống ngoại xâm, cũng là bản án đối với khát vọng dân chủ và quyền con
người đang là một đòi hỏi bức xúc của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của thế
hệ trẻ Việt Nam. “Bản án này cho thấy sự phá sản của thành tích nhân quyền
của Hà Nội. Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam nói họ hành xử theo luật pháp
và tôn trọng nhân quyền thì các bản án này chứng tỏ họ chỉ hành xử theo quyền lợi
của đảng cộng sản cầm quyền, bất chấp quyền căn bản của con người bị chà đạp”
như tổ chức Human Rights Watch cáo buộc.
Sự phẫn
nộ dâng trào với bản án bất công, kết tội lòng yêu nước chống ngoại xâm, phản
dân chủ, chà đạp lên quyền con người đang kết thành một làn sóng mà sức lan tỏa
của nó sẽ vô cùng rộng lớn. Khi phong
trào dân chủ gắn làm một
với tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, sẽ hình
thành những bước hợp trội, tạo ra những đột phá như đã nói ở trên, đẩy tới những
chuyển biến không thể tiên liệu được!
Kết
thúc “Ngục trung nhật ký” có câu “Sự vật vần xoay đà định sẵn,
Hết mưa là nắng hửng lên thôi.”. Quả có thế thật, nhưng hình như những
ngày tháng năm nóng bỏng này lại đang báo hiệu những cơn dông!
Tương
Lai
--------------------------------------------------------------
20/05/2013
Phải chăng cô gái nhỏ đe dọa nhà nước?
http://boxitvn.blogspot.com.au/2013/05/phai-chang-co-gai-nho-e-doa-nha-nuoc.html
Kính
Hòa, phóng viên RFA
Nữ
sinh viên 21 tuổi Nguyễn Phương Uyên vừa bị tòa án nhân dân tỉnh Long An kêu án
6 năm tù vì tội tuyên truyền phá hoại nhà nước. Có phải sự đe dọa của cô gái
này đối với nhà nước CHXHCN VN lớn hơn các mối đe dọa khác.
Nguyễn Phương Uyên và Nguyễn Đình Kha tại
phiên tòa sơ thẩm Tòa Án Long An hôm 16/5/2013. AFP photo
Như vậy là vụ án xử hai sinh viên Nguyễn
Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha đã được tiến hành với mức án được coi là nặng nề
cho hai người tuổi trẻ này. Nhất là với một điều luật khá mơ hồ như điều 88 bộ
luật hình sự của nước CHXHCN VN về việc tuyên truyền chống phá nhà nước. Những
người ủng hộ hai sinh viên này cho rằng họ chỉ bày tỏ lòng yêu nước. Thậm chí
luật sư Hà Huy Sơn biện hộ cho sinh viên Phương Uyên đã nói trước khi phiên tòa
diễn ra rằng,
“Theo
quan điểm của tôi thì Phương Uyên vô tội, những hành động yêu nước như vậy đáng
lý ra còn phải được khuyến khích.”
Việc
trấn áp các nhóm đối lập đã tăng lên trong những năm vừa qua. Nhiều người đã bị
bắt. Nhà nước Việt Nam còn huy động hệ thống truyền thông mà họ độc quyền làm
chủ để tấn công vào những nhóm có ý kiến khác biệt. Ví dụ như nhóm 72 nhân sĩ
trí thức với đề nghị sửa đổi Hiến pháp 1992.
Trong
hai năm qua nền kinh tế Việt Nam đã bị khựng lại sau hơn một thập niên phát triển.
Lạm phát gia tăng đi kèm với sự phá sản của nhiều đại công ty do nhà nước làm chủ.
Thị trường bất động sản vẫn đóng băng chôn vùi hàng ngàn tỉ đồng tín dụng chằng
chéo qua lại giữa các ngân hàng. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Dự án thành lập
công ty quản lý vốn đã không thực hiện được vào cuối tháng ba vừa rồi để giải
quyết vấn đề nợ đó. Phát biểu với phóng viên Nam Nguyên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh
nhận định về tình hình kinh tế Việt nam như sau,
“Điều
đáng chú ý của nhận định mới đây của IMF là đã giảm mức dự báo tăng trưởng của
Việt Nam từ 5,8% xuống 5,2% và cũng giảm dự báo của năm 2014 xuống 5,2% thay vì
mức tăng cao như trước đây và điều này cũng phù hợp với các dự báo khác của các
ngân hàng tư nhân như HSBC hay các tổ chức tín dụng khác. Điều đó cho thấy một
mặt tình hình kinh tế thế giới có khó khăn phức tạp và nó cũng phù hợp với xu
thế chung, song điều đáng chú ý là mức giảm của Việt Nam rất cao, cao nhất sau
Singapore và Singapore có đặc thù là phù hợp rất nhiều vào thị trường quốc tế
còn các nước Đông Nam Á khác thì vẫn có tốc độ tăng trưởng cao. Quĩ Tiền tệ Quốc
tế có lưu ý là các cải cách của Việt Nam như vậy là chậm. Nếu như không giải
quyết sớm các cải cách ngân hàng và giải quyết nợ xấu thì nền kinh tế Việt Nam
khó có thể lấy lại được đà tăng trưởng trước đây.”
Hồi
năm ngoái ký giả Ben Bland viết trên tờ Foreign Policy rằng,
Mọi
người, từ cố vấn chính phủ cho đến nhà đầu tư nước ngoài đều biết là phải chỉnh
lại nền kinh tế cho đúng đường. Hà Nội phải chấm dứt ban phát sự độc quyền, tín
dụng dễ dãi, và bao nhiêu thứ ưu tiên khác cho các doanh nghiệp nhà nước và các
tay cánh hẩu của chúng. Lĩnh vực ngân hàng phải được tái cơ cấu vốn, phải được
khích lệ để đua vốn vào các doanh nghiệp có hiệu quả. Chính phủ phải chống tham
nhũng một cách nghiêm chỉnh, vì nó quan hệ hữu cơ với tất cả các bệnh hoạn khác.
Sau
hai kỳ hội nghị trung ương đảng cộng sản Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay
với bộ máy nhân sự và chưa tìm được các giải pháp để thúc đẩy cải cách, giải
quyết các vấn đề mà các chuyên gia nêu ra như trên đây.
Bên cạnh
đó sức ép về lãnh hải trong tranh chấp với Trung quốc dường như càng lúc càng
tăng. Ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đuổi đánh diễn ra thường xuyên ở những
nơi là ngư trường quen thuộc của mình. Các động thái xác định chủ quyền của
Trung Quốc trên biển Đông trở nên ngày càng mạnh bạo, từ việc kéo dàn khoan dầu
khổng lồ vào họat động trong vùng, đến tăng cường lực lượng hải giám, tổ chức họat
động du lịch ở Hoàng Sa. Và hiện nay quân đội Trung quốc đang tập trận bắn đạn
thật trên biển Đông cùng với đội tàu cá hùng hậu tràn xuống Trường Sa. Lệnh cấm
đánh cá kể từ 16/5 đến 1/8 đã được Trung Quốc ban hành trên hầu như tòan bộ biển
Đông.
Chính
phủ do đảng cộng sản VN nắm giữ phải giải quyết những vấn đề về cải tổ kinh tế
rất quan trọng, và phải tìm kiếm giải pháp đối đầu với sức ép lớn từ quốc gia
khổng lồ phương bắc. Không rõ việc bắt giam các nhóm đối kháng, hay tấn công những
người bất đồng chính kiến có nhằm giải quyết hai vấn đề trọng đại mà họ phải
đương đầu hay không trong cương vị lãnh đạo quốc gia. Nói như ký giả Ben Bland,
“Vậy
mà chả lo gì về việc nền kinh tế đang vật lộn và căng thẳng xã hội gia tăng, bộ
công an lại tăng cường trừng trị các nhà đối lập. Gần đây nhất là họ bỏ tù, với
tội trạng tuyên truyền chống phá nhà nước, hai nhạc sĩ và một cô nhóc sinh viên
còn chụp hình với một con gấu bông.”
K.
H.
Nguồn: rfa.org