Chuyện đổi tên nước, thay đổi hiến pháp, điều 4, quân đội của ai… coi như giải quyết gọn nhẹ ngay từ vòng … gửi xe ở nhà Quốc hội. Thôi thì ta bàn chuyện trên trời cho vui. Với lại chủ nhà cũng hết…”zốn”. Trong bối cảnh hiện nay, sự lựa chọn thể chế Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị, cho con đường đi lên của một quốc gia là vô cùng quan trọng.
Nhân trị
Đó là cách cai trị dựa vào đạo đức của con người thuở Nho giáo thịnh hành cách đây mấy ngàn năm. Họ đưa ra bốn biện pháp quản lý xã hội: lễ, nhạc, chính, hình. Như vậy lễ, nhạc đứng đầu rồi mới đến hành chính và hình pháp. Yếu tố con người được đề cao, nhất hàng ngũ lãnh đạo.
Nhân trị cho rằng “lãnh đạo thích gì thì đó là luật”. Trong xã hội dựa vào Nhân, không có hạn chế về sự việc lẫn phương cách nhà lãnh đạo có thể làm.
Vua chúa phong kiến thời xưa và các quốc gia độc tài thời nay là điển hình của xã hội Nhân trị.
Pháp trị
Trong thể chế Pháp trị, luật pháp phải độc lập. Pháp trị là công cụ điều chỉnh quyền lực, đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật và có quyền tài phán. Không ai có quyền ngồi trên pháp luật.
Pháp trị giúp giới hạn sự chuyên quyền và lạm quyền, giúp cho lãnh đạo sáng suốt và tạo ra được những chính sách khôn ngoan.
Các nước văn minh phương Tây đang đi theo thể chế pháp trị, tam quyền phân lập, và lấy báo chí là quyền lực thứ 4.
Như vậy, Pháp trị và Nhân trị khó mà đi với nhau.
Kỹ trị
Cuộc cách mạng KHCN phát triển mạnh mẽ cuối những năm 1950 đã làm cho một số người nghĩ đến dùng kỹ thuật để lãnh đao. Thế là thuyết Kỹ trị ra đời, lấy nhân tố “Vật” làm chính mà xem nhẹ nhân tố “Người”.
Phương pháp cai trị xã hội bằng giới khoa học kỹ thuật, là một xu hướng mới trong quản lý nhà nước hiện nay. Kỹ trị là việc đưa giới trí thức tinh hoa lên nắm quyền và áp dụng tri thức – kỹ thuật vào quản lý. Họ phải hội đủ hay yếu tố: hiểu biết về chính trị và thấu đáo về khoa học.
Nếu trong Hội nghị TW 7 vừa qua và được quyền bỏ phiếu bổ sung cho thành viên BCT, giữa anh Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Bá Thanh, tôi sẽ chọn anh Nhân. Bởi đơn giản, anh là người thuộc phái Kỹ trị (Technocrat).
Chuyện nước mình
Ví dụ về khai thác Bauxit Tây Nguyên. Nếu như đó là dự án của các nhà Kỹ trị, thì phải được tính toán kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế và kỹ thuật tối ưu.
Tuy nhiên, bởi hệ thống chính trị quyết định, nên dự án này là sự mặc cả giữa các thế lực chính trị, xem thường yêu cầu hiệu quả kinh tế, để đổi lấy sự đồng thuận.
TBT, rồi Thủ tướng VN từng nói, khai thác Bauxit là một chủ trương lớn của đảng.
Hậu quả thiệt hại về kinh tế thế nào sau vài năm đã rõ. Sự thiếu vắng của giới Kỹ trị đã làm cho dự án đang bên bờ vực thẳm, chưa nói đến chuyện quốc phòng và an ninh quốc gia.
Vinalines, Vinashin và nhiều dự án lớn hàng tỷ đô la dựa trên quyết tâm chính trị nên cuối cùng thất bại, người ta chỉ chịu trách nhiệm…chính trị.
TBT Nguyễn Phú Trọng từng nghẹn ngào khi bế mạc Hội nghị TW 6 khi ông và BCT đã lấy chữ “Nhân” (Nhân trị) làm trọng, để giải quyết tham nhũng, làm trong sạch đảng, mà không phải là Pháp trị để thẳng tay với quốc nạn đục khoét đất nước.
Sau Hội nghị TW 7, kết quả thế nào cũng đã rõ. Sự nhóm lò của ông đã tắt ngóm sau nửa năm, hết mọi hy vọng về một cuộc “tắm rửa”.
Nhân trị, Pháp trị hay Kỹ trị luôn là câu hỏi lớn cho mỗi vị khi ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất. Mỗi thời, mỗi quốc gia, mỗi hoàn cảnh đều có lựa chọn riêng cho mình.
Những quyết định liên quan đến hàng chục hay hàng trăm tỷ đô la không thể bỏ phiếu bởi sự đồng thuận bằng cách giơ tay trên hội trường, nếu người bỏ phiếu không hiểu gì về kinh tế, môi trường và chỉ dùng ý chí giúp cho lá phiếu.
Đã dùng ý chí cho lá phiếu rồi, khi “ý chí” nhầm tai hại, chẳng ai lại bỏ phiếu tín nhiệm một cách công bằng nữa.
Không thể để Pháp trị ghi trong Hiến pháp nhưng ngoài đời lại dùng Nhân trị một cách không đến nơi đến chốn, chỗ này dùng luật khắt khe, ác độc, chỗ kia tha thứ vì bạn bè đồng chí, một cách tùy tiện.
Xu hướng thời nay, khoa học kỹ thuật, internet phát triển như vũ bão, không còn chỗ đứng cho những lãnh đạo không biết đến máy tính hay Google.
Giới Kỹ trị có học hành và hiểu biết thế giới phẳng với biển thông tin sẽ đóng vai trò đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, tụt hậu và dẫn dắt quốc gia đi lên.
Chủ nghĩa lý lịch, cơ cấu hay hạt giống đỏ… thế nào cũng lỗi thời, chẳng chóng thì chầy. Trong khi đó, Kỹ trị tinh hoa không thể móc trong túi ra là có ngay. Đó là một quá trình đào tạo qua vài thế hệ.
Nếu không hiểu những bài học vỡ lòng về “Trị” (Nhân, Pháp, Kỹ) và không biết rằng, công nghệ đang “Trị” thế giới, thì khó nói đến sự tồn vong của chế độ như chính các vị lãnh đạo cấp cao từng than trên truyền thông.
Hiệu Minh. 16-05-2013 (nguồn: blog Hiệu Minh)
*****