2. Ghé Thăm Bạn Hiền Tại MONTPELLIER
Chúng tôi lấy xe lửa thường TER của SNCF từ Marseille đi Montpellier, cách 150 km, mất một tiếng rưỡi đồng hồ và tốn 29.5 Euro đôla (1 Euro đô = 1.32 USA đô) cho một bận đi. Montpellier hiện hữu từ năm 985, hiện nay là thành phố lớn thứ 8 của Pháp và có hơn ¼ triệu dân. Montpellier nổi tiếng vì có trường y khoa lâu đời nhất châu Âu, được xây dựng từ thế kỷ thứ 13.
Sau thế chiến thứ hai (sau 1945) con cháu của người Việt sinh sống ở miền nam nước Pháp học lên cao, rồi các đợt du học của sinh viên miền nam ViệtNam dưới thời VNCH [Đệ-nhất (1954) và Đệ-nhị (1963) cộng-hòa] tiếp tục theo trường Y Khoa Montpellier (Faculté de Médecine), tạo nên một số y sĩ người Việt tốt nghiệp ở đây. Anh Nguyễn Thành Khương đã tốt nghiệp y sĩ vào đầu thập niên 1970 ở trường này, nay đã về hưu. Năm trước, chúng tôi hân hạnh được quen biết với anh Khương, được anh mời đến thăm quê hương thứ hai của anh, và được anh làm thổ địa hướng dẫn đi thăm phong cảnh vùng này.
Trước hết, anh Khương muốn giới thiệu cho chúng tôi biết ngôi trường y khoa mà ảnh đã trải qua và làm việc cả chục năm trời trong bệnh viện, nằm trên Boulevard Henri IV. Chúng tôi dùng xe trem (tramway) tới khuôn viên đại học, rồi đi bộ vô trường. Kiến trúc cổng nhà thương (Hopital Général) rất cổ kính, chắc cũng cả trăm năm. Nó nằm đối diện với những dãy học khu cao ba, bốn tầng lầu. Hai bên đường đầy cây xanh cho nhiều bóng mát. Xe hơi đậu chật nứt mà không thấy bóng dáng con người. Chắc là thầy và trò đang gò bài trong lớp. Đi hết cuối đường là đến khu nội trú của sinh viên. Băng qua đường là một vườn bông đầy thơ mộng.
Tên của vườn bông này là Jardin des plantes de Montpellier và nó được thiết lập từ năm 1593 kể từ đời vua Henry IV. Vườn này còn xưa hơn cả vườn bông của Paris (1626) và hiện do phân khoa thảo-học (botany) của L’Université Montpellier I điều hành. Dưới gốc một cây to sát cạnh lề đường là một xe bán phó-mát (fromage) và thịt nguội, còn xe kế bên thì bán toàn rau cải tươi, theo kiểu chợ trời. Tôi không thấy nhà hàng chung quanh học khu này. Chắc là học trò nghèo
thích loại quán cốc lưu động như vầy. Hồi xưa tôi đi học cũng sống như vậy. Ít khi đi ra quán ăn,
ngoại trừ muốn làm le với đào! Có sao nói vậy, người ơi!
Hết khu đại học, chúng tôi lội bộ tiếp sang công viên Place Royale du Peyrou, kế bên trường y khoa, không xa cho lắm! Place Peyrou được xây dựng hồi thế kỷ 17 từ trên địa điểm cao. Đứng trên cao điểm của công viên, ta có thể nhìn xa cả một phần của thành phố chung quanh. Ở hướng đông của Place Peyrou là khải hoàn môn Arc de Triomphe, chỉ cách nhau bởi con đường Boulevard du L.Vialleton.
Ở giữa công viên Peyrou có tượng của vuaLouis XIV (1638-1715) cưỡi ngựa rất uy nghi, và cuối vườn có nhiều kiến trúc ảnh hưởng từ thời La-mã, với hai hàng cây cao rợp bóng. Các nấc thang lên xuống đài Château d’Eaubị lem ố vì phong sương và rêu mốc. Trong tương lai chắc phải tốn thêm ngân sách nhà nước để bảo trì các di tích này. Và cuối công viên là Saint-Clément Aqueduct (cầu cống dẫn nước) dài 800 mét nổi tiếng, được xây theo kiểu La-mã vào năm 1772. Nhưng sao khu lịch sử này vắng vẻ quá, chẳng lẽ bà con du khách không còn để ý đến thời vàng son của đế chế Pháp quốc? Chúng tôi nhủ lòng ngày mai sẽ viếng các khu có đông người hơn. Ra ngoài chợ chắc sẽ thấy số đông!Hôm sau, chúng tôi đi thăm hai khu trung tâm hiện đại hơn. Đó là khu chợPolygone và khu gia cư Antigone. Kiến trúc phố xá khá đẹp. Khu nhà ở được xây theo hình vòng cung thật rộng rãi, lại có vài biệt thự với kiểu mái hiên cong cong, chìa ra bên ngoài không giống ai. Thật là lạ! Hồi xưa, tôi đã theo nghề xây cất mà nghĩ hoài cũng không ra cách làm. Mái cong cong, giống như đôi mắtmơ-huyền của người đẹp, được gắn thêm cặp lông mi giả. Hết chỗ chê!
Còn khu chợ thương mại thì được xây dựng với cổng vào bằng loại kính râm, trông mát mắt và rất thẩm mỹ. Tuy mới 6 giờ chiều mà chợ búa lại vắng hoe, không thấy thiên hạ qua lại. Hôm qua tôi đã đoán sai. Tưởng ngoài chợ thì đông người. Có lẽ kinh tế sa sút nên bán buôn cũng không còn đông đúc. Thôi thì đi xem cảnh cũng được!
Có bản đồ trong tay, chúng tôi cứ tha hồ lội bộ, chừng nào mẳng-hai-cái-cỏi (tức là mỏi hai cái cẳng) thì dừng lại chừng mươi phút, dùng đôi tay xoa bóp cặp chân chút xíu cho giãn gân cốt, rồi lên đường đi tiếp. Thường thì tôi hay dừng chân ở mấy tượng đài kỷ niệm để chiêm nghiệm và nghiên cứu thêm chuyện hay, việc lạ, trong thiên hạ, hầu kể lại cho các bạn nghe.
Thí dụ tượng thứ nhất: hình người đang cõng một con ngựa chết (hay đang bệnh). Dưới bệ tượng có bảng ghi như vầy: ORLANDO FURIOSO / Apel Les FERNOSA (1889-1988) / D’aprés l’Arioste / Poète italien du XVIème Siecle. Ông Apel Les Fernosa sinh tại Barcelona năm 1889, là một điêu khắc gia từ Tây Ban Nha. Ông chỉ được nổi tiếng sau khi sang sống tại Paris và được quen với Pablo Picasso. Một trong những tác phẩm đặc sắc của Fernosa là Orlando Furioso. Orlando Furioso là tên của một thiên hùng sử thi (epic poem) do Ludovico Ariosto (1474-1533) người Ý sáng tác, và được William Stewart Rose (1775-1843) dịch thuật và trình làng vào năm 1823-1831. Còn về ý nghĩa của tượng hình này thì xin cho bạn đọc được quyền phát triển.
Thí dụ tượng thứ nhì: hình nữ thiên thần với đôi cánh nhưng bị cụt đầu, được đặt trước Place de l’Europe. Dưới bệ có hàng chữ: Victoire De Samothrace. Đây là tên của nữ thần chiến thắng trong thần thoại Hy-lạp vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, và bức tượng điêu khắc này được sao lại từ bản chánh rất nổi tiếng (cũng bị cụt đầu), hiện đang được cất giữ ở bảo tàng việnLouvre của thủ đô Paris. Không biết cái đầu của bà tiên này trôi về đâu rồi?
Công trường Place de la Comédie nổi tiếng nhộn nhịp cũng ở gần đây, nên chúng tôi quá bộ cho biết tình hình. Đây là khu cổ với nhiều khu nhà xưa cũ. Giữa đường đi: xe hơi, xe trem và người bộ hành chen lẫn vào nhau như một khúc hòa tấu lạc điệu. Không đèn đường xanh đỏ báo hiệu, không tiếng kèn xe inh ỏi ồn ào, cũng không thấy bóng dáng cảnh sát đâu cả, thế mà mọi việc đều trôi chảy êm xuôi, một cách an nhiên tự tại.
Người Pháp, đặc biệt là dân Pháp sống ở Montpellier, khác hẳn một trời một vực với dân Parisien. Thiệt tình, tôi không biết ai hiền hơn ai! Nhưng xét bề ngoài thì Montpellier có lẽ hiền hơn. Đây là thành kiến chủ quan của tôi, mà nhiều khi trúng phóc!
Gần bên công trường Place de la Comédie là một vài biệt thự xây theo kiểu hiện đại, cao hơn khu nhà cổ và hình thù cũng lạ hơn. Với số dân ngày càng gia tăng, một số kiến trúc mới được xây dựng chen lẫn vào những dãy phố cũ kỹ tạo cho Montpellier thành loại tân cổ giao duyên.
Hệ thống xe điện tramway (xe trem) gồm có 4 đường chính, được dùng làm công quản chuyên chở cho địa phương, có thể đưa cư dân đến mọi địa điểm trong thành phố Montpellier. Cả 4 tuyến này đều đi ngang nhà ga Saint-Roch, rồi từ đây có thể dùng xe lửa để đi khắp mọi miền nước Pháp. Nhà ga này đang được chỉnh trang, xây cất cho lớn thêm, và xử dụng các bảng thông báo thời biểu toàn bằng điện tử hiện đại. Montpellier muốn biến các dịch vụ chuyển vận hành khách giữa thành phố to và thành phố nhỏ một cách dễ dàng, thuận lợi.
Cách trang trí trên vỏ xe trem (xe điện tramway) rất là lạ. Có xe sơn đủ màu technicolor (đỏ, cam, vàng, xanh, lam, chàm, tím) và có chiếc sơn toàn bông hoa tươi thắm. Các kiểu sơn này không lòe loẹt và chói mắt bằng các chiếc xe đò bên Bangkok – Thái-lan.
Sáng sớm ngày mai, chúng tôi sẽ thử leo lên tuyến xe trem số 2, và ngồi từ trạm đầu tiên đến trạm cuối cùng, trước là để cảm giác xe chạy êm đến độ nào, và sau là để thấy rõ được một phần của vòng thành phố. Mỗi lần leo lên xe chỉ tốn có 1.8 Euro mà thôi!
Tôi ca không hay, nhưng rất hay ca! Và ca rất lớn trong phòng tắm. Đang đợixe trem (tramway) tuyến số 2, bỗng thấy một anh chàng lãng tử, cũng đang đợi xe trem, tay ôm đàn guitar thùng và tự dạo lên điệu xì-lô-róc (slow rock), tông đô thứ, nghe buồn não nuột, nhưng rất gợi cảm; tôi nổi hứng ê a ca bài Diễm xưa của nhạc sĩTrịnh Công Sơn (lời Việt) theo điệu nhạc lắc lư(rock) và chầm chậm(slow). Lắc lư chầm chậm nên gọi là điệu ‘slow rock’ (xì-lô-róc). Tiếng hát và tiếng đàn guitar quyện lẫn vào nhau, đón chào buổi sớm mai không thua gì chim hót ngoài sau vườn.
Đây là lần đầu tiên tôi hát ở chỗ công cộng, tại trạm đón xe trem, không một khán giả ái mộ vây quanh, ngoại trừ ca sĩ Vĩnh Thanh Thảo đang đứng chụp hình và phải xem màn biểu diễn bất-đắc-dĩ của chúng tôi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi trình diễn với một nghệ sĩ ngoại quốc mà tôi chưa biết danh tánh. Nhưng không sao! Giọng tôi cao vút, ăn khớp với điệu nhạc trầm buồn. Cặp chúng tôi có thể trở thành một show hát của nghệ sĩ hè phố trên kinh đô Paris! Chỉ thiếu là một cái nón lá sấp ngửa đặt dưới sàn đất, chờ khách mộ điệu đoái hoài. Ở đời: ai mà biết được !?$
Tiếng bánh xe nghiến nghe ken-két đã đem chúng tôi về thực tại. Chúng tôi bước lên xe, nhạc công tùy hứng và ca sĩ gan lì, cả hai bắt tay nhau rồi tự giới thiệu. Ảnh là người Pháp-gốc-Madagascar, nói tiếng Pháp và sinh ngữ phụ là tiếng Anh. Tôi người Mỹ-gốc-Việt, nói tiếng Anh và sinh ngữ phụ là tiếng Pháp. Hai người giao lưu với nhau bằng sinh ngữ phụ của mình. Mạnh ai nấy nói và cấp độ hiểu nhau thì tùy hỉ. Tôi còn khoe là tôi cũng có thể ca bài Diễm xưa bằng tiếng Nhật, vì hồi xưa tôi có chu du bên Nhật. (Tôi rất rành tên các món ăn sashimi bằng tiếng Nhật). Ảnh lại khen: tôi hát không tệ! Ngược lại, các cháu tôi bên Mỹ, mỗi lần nghe tôi ca, chúng thường chê: bác ca, không những tệ mà rất tệ! Ở đời: ôi! hơi đâu mà nghe tiếng thị phi @%&#Tên của anh bạn lãng tử là Ranaivoson Jacques “Coco”. Có lẽ Coco là biệt hiệu văn nghệ của anh Jacques. Tôi sẽ nhớ mãi tên của anh ta, vì không có anh thì biết ai dám bạo gan đánh đàn cho tôi hát? Và vì 100 năm trước đây, xứ của anh Coco (Madagascar) và xứ của tôi (ViệtNam) đều nằm dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Cha ông chúng tôi đồng cảnh ngộ. Ngồi chung trên xe trem độ 15 phút thì phải chia tay. 15 phút phù du! Quí mến nhau sao cho vừa!
Tôi suy nghĩ vẩn vơ về anh Coco, về dân tộc Madagascar, về 100 năm về trước, về sự tinh ranh của đế quốc Pháp, về phương pháp cai trị thuộc địa của đế quốc Pháp. Đế quốc Pháp nói riêng và các đế quốc thực dân nói chung. Chúng đều giống nhau một điểm: lấy dân xứ này đi đàn áp dân xứ khác. Thí dụ: đem lính chà-gạch-mặt sang cai quản ViệtNam, rồi đem lính an-nam-mít sang cai quản châu Phi, và cả hai đạo quân không-phải-là-người-Pháp đều đặt dưới trướng chỉ huy của các vị sĩ quan nhà nghề người Pháp được xuất cảng từ mẫu quốc.
[Ghi chú 1: chà-gạch-mặt = người da đen từ châu Phi, theo các bộ tộc có tập tục gạch mặt khi thành niên (khoảng 12 tuổi), để chứng tỏ mình là người gan dạ. Chà là gọi tắt của chữ chà-và (Java: đọc là ‘chà-và’, thổ dân da đen của xứ Nam-dương, Indonesian, sống trên đảo Java). Ai đó, đã gọi lầm lộn người da đen ở châu Phi và người da đen ở Java, vì thấy màu da đen của hai bên giống nhau. Thiên hạ theo đó mà gọi trật.
Ghi chú 2: an-nam-mít = annamite (tiếng Pháp, nghĩa là dân An-nam), tên gọi từ quan Pháp thuộc địa dùng để chỉ người ViệtNam vì họ ghi theo sách vở của Tàu. Đời nhà Đường của Tàu (thế kỷ 7) khi đô hộ dân Lạc-Việt thì đặt tên là An-nam Đô hộ phủ; và khi đô hộ dân Cao-ly (Triều-tiên, Đại Hàn) thì đặt tên là An-đông Đô hộ phủ. Tây học theo sách Tàu, gọi dân Ta là An-nam. Từ an-nam-mít là ký âm của annamite xuất hiện từ đó].
Xe trem có nhiều toa. Khi chạy qua một đoạn đường cong, toa này đùn/dồn toa kia làm cho hành khách cảm thấy toàn thân bị giật. Ngồi trên toa chỉ còn hai đứa tôi, còn anh bạn đột xuất Coco thì đã đi rồi! Chúc anh Coco được nhiều điều may mắn.
Nếu anh là một nghệ sĩ hè phố thì tôi ước cho anh trôi dạt tới những chỗ nghỉ mát như Marseille, Nîmes, Le Grau-du-Roi để cho du khách thưởng lãm. Ngày mai chúng tôi sẽ đi chơi vùng Nîmes và Grau-du-Roi. Hy vọng trái đất tròn, chúng tôi còn gặp Coco ở đó. Lần tới, nếu gặp ảnh, tôi sẽ hát tặng bài Giấc mơ ChaPi, nhạc và lời của Trần Tiến. Tôi đã bắt chước được giọng ca khàn khàn và cao vút y như của ca sĩ Y-Moan (đã qua đời), một nghệ nhân hiếm quý thuộc vùng rừng núi Tây nguyên của ViệtNam. (Bài Diễm xưatôi dùng tông đô, còn bài này sẽ xài tông la):
….. Ở nơi ấy
Họ đang sống cuộc sống yên bình ai nghèo cũng có cây đàn ChaPi,
Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy, hồn người Raglai.
Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn ChaPi i ì i í
Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn ChaPi i ì i í
Tôi yêu ChaPi không còn cô đơn không buồn không vui.
Tôi nghe ChaPi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơơớ ôi Chapi …..
Khi rung lên vài sợi dây, đàn đã đong đầy, hồn người Raglai.
Ôi Raglai những rừng cây ngọn núi mang tiếng đàn ChaPi i ì i í
Ai yêu tự do yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn ChaPi i ì i í
Tôi yêu ChaPi không còn cô đơn không buồn không vui.
Tôi nghe ChaPi chợt thấy nao lòng vì một giấc mơơớ ôi Chapi …..
Tôi thích bài ca này vì dân tộc Madagascar và ViệtNam là dân thiểu số ở Pháp, giống như anh Y-Moan là thiểu số ở ViệtNam. Ở Pháp, dân thiểu số sống hạnh phúc vì nhờ chính sách nhà nước dân chủ đãi ngộ. Còn làm dân thiểu số ở ViệtNam như dân Tây nguyên, dân Chăm, hay dân Khơ-me thì tội nghiệp lắm! Họ đang bị đàn áp và bạc đãi dữ dội: đất đai bị cướp đoạt, văn hóa bị hủy diệt và việc thờ phụng bị khinh miệt. Ai muốn biết thêm chi tiết, xin mời qua thăm dân oan ViệtNam đang lánh nạn cộng-sản tại Thái Lan. Tôi biết anh Y-Soái bên đó. Đông lắm!
Dân Tây nguyên còn cây đàn ChaPi và một giấc mơ: ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi …
Ai yêu tự do và yêu rừng xanh thì hãy lên núi… Không biết lên núi để làm cái gì?
Nhà nước cộng-sản ViệtNam đánh lộn thì hay mà xây dựng thì rất tệ! Thật ra, nói đánh lộn hay, cũng không đúng hẳn. Ngày xưa, sáu bảy chục năm về trước, nhờ lợi dụng được tình tự yêu nước của dân tộc, nên mới cự nổi với Tây; còn bây giờ đối với Tàu thì nhát như cáy! Lý do là không lo tạo nội lực, chỉ sống nhờ tá lực (sức của người khác) thì sức đâu mà đánh. Loanh quanh ba cái mẹo vặt như xài ‘nặc danh’, ‘chia để trị’, ‘đu dây’ theo đủ 36 kiểu (tam-thập-lục-kế) của Tôn- Ngô binh pháp thì Tàu cộng nó đâu có e ngại! Trung-cộng là thầy của Việt-cộng mà! (theo lời ông Bảy Trấn kể lại).
Đụng cái gì cũng đổ thừa tại tàn dư chiến tranh. Sao không chịu ngó qua Nam Hàn, Nhật Bổn và Đức quốc kia kìa. Xứ họ cũng bị chiến tranh và tan tành xí quách, mà chỉ sau đôi ba chục năm là khôi phục được liền. Sao không chịu học cách xây chí nhân và dựng đại nghĩa của thầy Nguyễn Trãi? hay kiểu muốn-bắt-thì-hãy-thả-ra của thầy Lão Tử phương Nam?
1. Thăm Cổ Thành NÎMES
Anh Khương đã bỏ nghề lái xe, nhưng rủ anh Paul là người Pháp-trắng (gốc Pháp-Ý, dân Pied-Noir từ Tunisie về) đã về hưu trong nhóm bạn thích chụp hình, đưa chúng tôi đi thăm cổ thành Nîmes và bãi biển Le Grau-du-Roi. Đây là hai nơi nổi tiếng của miền Nam nước Pháp cho khách du lịch. Tôi là tay chụp hình tài tử, thấy đâu chụp đó, và phương tiện là cái máy Canon – PowerShot SD750 cũ kỹ. Còn hai anh bạn tôi thuộc loại nhà nghề, có chân trong hội nhiếp ảnh, trang bị đủ loại máy móc tối tân hiện đại, ngó vô bản lãnh là thấy có vẻ nặng nề và bộn bạc.
Nếu bạn đọc nào chưa hài lòng về những bức ảnh tôi chụp được trong bài ký sự này thì xin vui lòng gửi tặng cho tôi một máy chụp hình khác, mới hơn, tốt hơn và mắc hơn. Tôi rất cảm ơn, nhưng vẫn không chắc bảo đảm được phẩm chất đẹp hơn máy cũ, vì hình chụp là phản ảnh của con mắt, còn khả năng nhiếp ảnh của tôi thì chỉ biết dựa vào ngón trỏ bấm nút của mình. Xin quý bạn thông cảm! Tôi thuộc loại ‘lô-tách’ (low-tech), chỉ biết nhắm rồi bấm.
Tất cả hình ảnh trong bài là do tôi chụp. Thỉnh thoảng để làm rõ nghĩa hơn, tôi xử dụng thêm một vài bức mượn bên ngoài. Nhưng rất ít. Tất cả tài liệu và hình ảnh trích dẫn đều được trưng nguồn để cung ứng giá trị cho bài ký sự theo hai tiêu chuẩn của trường quy: 1. tính hiệu lực (validity) và 2. tính khả tín (reliability).
Kiến trúc đồ sộ nhất của Nîmes là Giải-trí-trường La-mã (l’Amphithéâtre Romain) đã được dùng làm công trường giác đấu từ cuối thế kỷ thứ 1, và nhiều thế kỷ sau lại có thêm màn đấu bò. Giác đấu là trò vui của dân La-mã khi xem người giết người (gladiator), thường là dân nô lệ. Còn đấu bò là trò vui của dân Tây-ban-nha (Spain) khi xem người giết bò mộng; nhưng đôi khi, tay đấu bò (torero, matador) gặp số xui, bị bò báng lòi ruột như chơi! Khi Nîmes thuộc về đất Pháp rồi thì l’Amphithéâtre được dùng cho những buổi hòa tấu âm nhạc ngoài trời (concert).
Hiện thời, thành phố đang bỏ tiền để sửa chữa lại hội trường sau cả ngàn năm phong trần, hầu hấp dẫn thêm du khách và khách đến nghe nhạc. Trong khi chờ đợi năm sau sẽ sửa xong thì đã có ba, bốn bạn homeless (vô gia cư) đến dựng lều ngủ tạm qua ngày.
Vì Giải-trí-trường La-mã được dùng làm chỗ đấu bò trong quá khứ (thế kỷ 19), nên trước cửa vào hội trường, một bức tượng bằng đồng tuyệt xảo được dựng lên. Từ nét mặt cho đến y phục của tay đấu bò này được trình bày một cách chi tiết và tỉ mỉ, khiến du khách ghé xem luôn trầm trồ và thích đứng chụp hình chung với bức tượng. Đi dạo chung quanh vòng đai của hội trường, chu vi dài khoảng 365 mét, giữa trời nắng chang chang thì mệt quá!
Chúng tôi ghé qua quán nước bên đường, đối diện với giải-trí-trường, để tìm một ly nước giải khát. Quán lại không có nước đá !?$ Uống xong, anh Paul hỏi bằng tiếng Pháp: voulez-vous visiter Les Jardins de la Fontaine? Tôi trả lời bằng tiếng Mỹ, và nhờ anh Khương đứng ở giữa làm thông ngôn: đi đâu cũng được, miễn là có bóng cây thì OK! Thế là mọi người đồng ý kéo nhau đi thăm Vườn bông Les Jardins de la Fontaine.
Anh Paul là dân địa phương ở đây đã mấy đời, cho biết: trước cổng vào vườn bông là bãi đậu xe ngầm dưới đất, lớn nhất thế giới! Wow! Không biết anh bạn Pháp-trắng này nói giỡn hay nói chơi đây? Không biết QPark (tên của bãi đậu xe) này chứa được bao nhiêu xe mà đòi giành giải quán quân nhất thế giới. Bên Mỹ, bãi đậu xe ngầm lớn nhất dưới đất là bãi đậu của công ty Microsoft ở Redmond, bang Washington; nó chứa tới 5000 chiếc xe.
Pháp với Mỹ cãi nhau từng li từng tí, từ hồi Mỹ lập quốc tới giờ (1776). Trước đây, trong quá khứ qua nhiều thế kỷ, Pháp với Anh cũng tranh giành từng tí từng li; may mà nhờ cách nhau một con biển, nên lâu ngày cơn giận dữ từ từ nguôi dần. Đến khi dân Mỹ đánh nhau với đế quốc Anh giành độc lập, thì Pháp lại đem quân mình giúp cho Mỹ, phần nào tạo cơ hội để Mỹ chiến thắng. Rồi khi Pháp bị Đức đánh chiếm hồi đệ nhị thế chiến, thì Mỹ cũng đổ bộ ở Normandie, hy sinh biết bao sinh mạng. Có qua có lại, mới toại lòng nhau, nên dĩ hòa vi quý!
Xin trở lại việc đi thăm vườn bông Les Jardins. Trong vườn trồng rất nhiều cây, nên đầy bóng mát. Thiên hạ tụ năm tụ ba ngồi quanh gốc cây to để nghỉ ngơi, trò chuyện hoặc ăn trưa. Rất thanh nhàn và yên tĩnh! Lại có hồ nước nữa, thật là nơi chốn lý tưởng cho các bạn thích ngồi thiền, sau một ngày làm việc đảo điên ngoài phố. Vườn này xây nhiều kiến trúc có từ hồi thế kỷ thứ 18, nhất là dựng các tượng người đứng hai bên đường dẫn vào công viên, như chào đón khách thập phương đến viếng cảnh.
Dưới hồ nước có một bầy cá koi (giống cá Nhật Bổn) đang bơi lội nhởn nhơ. Rất thảnh thơi và nhàn hạ! Anh Paul bèn hỏi tôi: anh không phải là cá, sao anh biết nó nhàn hạ? (lại qua lời thông ngôn của anh Khương). Tôi bèn bắt chước thầy Trang-Tử, đi một hơi: anh không phải là tôi, sao anh biết tôi không biết là cá nó nhàn hạ? Bỗng nhiên, một cặp ngỗng trời (thiên nga) từ trên không sà xuống mặt hồ, khiến bầy cá thơ ngây lặn mất. Và tôi cũng mất hứng lý sự cùn luôn!
Ở một góc công viên là một dàn sân khấu lộ thiên đang được dựng lên với một hệ thống âm thanh và ánh sáng tối tân để chuẩn bị cho một buổi trình diễn hòa nhạc kích động. Tôi biết là họ sẽ chơi nhạc kích động, vì có tới hai dàn trống nguyên bộ (complete drum set). Tôi hồi còn ở trung học cũng có chơi đánh trống, nên ngó vô là biết liền, khỏi cần suy diễn.
Trống Tây, trống Tàu, tôi đều đánh ráo! Trống Tây là để chơi ‘nhạc đại chúng’ (popular music), còn trống Tàu là để múa lân. Tôi không thích dùng chữ ‘nhạc sến’ vì không đúng nghĩa, đụng chạm tâm lý nhiều người. Tôi thường dùng chữ ‘nhạc đại chúng’ nhiều hơn và càng tránh chữ ‘nhạc quần chúng’ vì có người tưởng rằng ‘thiếu áo’ (ngược lại với quần).
Trong vườn bông này còn có Tháp Magne (La Tour Magne) được xây khoảng 10 năm sau khi Đền Nữ Thần Diana (LeTemple de Diane) được dựng lên năm 25 trước công nguyên. Các đền đài này đều là kiến trúc của La-mã thời cổ đại còn sót lại. Cách đây trên hai ngàn năm, những tảng đá nặng cả chục người khiêng, không biết làm sao mà các nghệ nhân La-mã, thật ra là dân nô lệ của La-mã, có thể nâng lên cao, chồng chất vào nhau mà không dùng đến hồ keo, để có thể tạo nên một lâu đài tuyệt kỹ như thế! Tôi liên tưởng đến dân Ai-cập với kim-tự-tháp và dân Champa cùng tháp Chàm vào thời xa xưa.
Chung quanh đền là lớp tường thành đã đổ nát, chỉ còn lại bệ gốc. Nhiều cây cao chen mọc tự nhiên với bóng mát che nắng cho con đường đất sạch sẽ, dắt dạo quanh ngôi đền. Dưới chân tường, cây cỏ mọc xanh rì. Thành phố cho trồng thêm một vài khóm hoa kiểng đua sắc chen màu, khiến khách nhàn du cũng tức cảnh sinh tình:
Rừng hoang vu! Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru! Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù.
(Nguồn: Hai câu đầu trong bài ca Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên, điệu boléro)
Ngoài bờ rào ngôi đền thần nữ, tôi thấy có một phần cột đá, dài hơn năm thước, được kê nằm trên mặt đất. Chắc là cột cái của cổng vào đã bị gãy đổ. Trước cổng thấy vẫn còn một cây cột cái đứng sừng sững, nhưng chỉ cao có phân nửa.
Chúng tôi bắt đầu mỏi chân, chen lẫn với đói bụng. Quyết định: không lên đèo đến Tháp Magne trên cao điểm, vì cần thêm cả tiếng đồng hồ để leo. Chắc phải đi tìm một quán ăn trưa với vài món lót dạ ngay. Anh Paul biết đường ra phố, dẫn đầu đi trước. Chúng tôi đi xen ngang những ngõ hẻm chật hẹp. Không một bóng cây, nhưng đầy những bức tượng nghệ thuật. Dân Pháp tự hào về nghệ thuật đắp tượng của mình là phải!
Một cách chung chung thì người Pháp rất thích các tượng khoả thân. Tôi cũng thích nữa! Anh Paul chụp lia lịa. Anh Paul ở trong nhóm chụp hình nhà nghề của thành phố mà! Anh Khương và tôi cũng đua nhau bấm máy các bức tượng. Còn Vĩnh Thanh Thảo tuy đói meo, nhưng vẫn cố gắng, hoặc đứng, hoặc ngồi một cách điệu bộ để làm người mẫu chụp hình, khi có lời mời.
Nhà cửa san sát vào nhau. Hẻm phía sau nhà, xe hơi đậu đầy, không thấy ai lai vãng. Còn hẻm phía trước nhà thì lai rai một vài người quá bộ. Có người ngồi bệt trước sân nhà để nghỉ mệt. Cuối lộ đường là một thánh đường nho nhỏ. Nếu không quá đói thì tôi sẽ ghé vào nhà thờ để cầu nguyện và nhớ thương về người thân đã khuất. Còn bây giờ thì, xin lỗi, dĩ-thực-vi-tiên!
Bên trong nhà, đồ đạc không biết trưng bày hoặc diện mạo như thế nào, mà cổng vào và cửa cái bên ngoài thông vào nhà, trông rất trang nhã, đàng hoàng và bệ vệ. Thường là cửa hai cánh, bằng sắt nặng hoặc bằng gỗ tốt. Dân Pháp tự hào về nghệ thuật nhà cửa của mình là đúng!
Ăn trưa xong, chúng tôi rảo bước chung quanh khu phố nhỏ, vừa xem các cửa hiệu, vừa xem dân tình, và nhất là, vừa cho tiêu hoá mấy ổ bánh mì Tây, ngon nhất thế giới! Hàng quán nhỏ nhắn, xinh xắn, chỉ coi qua cho biết giá cả . Thứ gì cũng mắc. Mắc quá trời!
Mắc thì mắc, nhưng vì thèm cà-rem (ice cream), nên tôi cũng thử một muỗng nhỏ kem vanilla của địa phương cho biết, giá 2 €. Kem Pháp không ngon bằng kem Mỹ. Cả đời tôi lớn lên với cà-rem Mỹ, ai nói gì thì nói, cà-rem Mỹ vẫn ngon hơn cà-rem Pháp. Và cà-rem California, đối với tôi, vẫn là ngon nhất thế giới !
Thử kem Nîmes rồi, thì đã 2 giờ trưa. Chúng tôi lại lội bộ tới đền thờ La Maison Carrée. Đây là nhà thờ La-mã, xây dựng vào năm thứ 4 sau công nguyên. Nhà thờ gồm có hai phần. Phần một: phía trước đền (ngoại đền = portico, pronaos) với vùng đất rộng bao quanh bên ngoài, là nơi công cộng để thiên hạ tụ tập. Phần hai: phía trong đền (nội đền = shrine room, cella) với các bậc thang có lính La-mã gác dàn ngoài để bảo vệ cho hàng tư tế hành lễ bên trong.
Maison có nghĩa là Nhà.Carrée có nghĩa là vuông vức, hình thể có bốn cạnh vuông. Hình chữ nhật và hình vuông trong hình học đều có thể gọi là ‘carrée’ (ca-rê).
Ngày nay, đền thờ không còn dùng làm chỗ thờ phụng nữa, mà là thắng cảnh để khách thập phương đến thăm viếng. Các cột của phần ngoại đền đã bị hư hại toàn diện, chỉ còn để lại một vài gốc bệ mà thôi, còn phần nội đền thì vẫn còn tốt. Du khách có thể ngồi vòng ngoài đền, bây giờ trở thành các quán ăn, để uống cà-phê và ngắm cảnh thiên hạ: ông-đi-qua-bà-đi-lại; hoặc có thể mua vé vào trong đền để xem lại các tài liệu về những di tích lịch sử của thành phố Nîmes như các trận giác đấu và các trận đấu bò giải trí, vào thời cổ đại và cận đại.
© Trương Như Thường
© Đàn Chim Việt