Sử Việt theo cách mới (kỳ 3) TTXVA.ORG


KỶ NHÀ TRIỆU (207 tr.CN – 111 tr.CN)

Có nhiều cách diễn giải khác nhau về sơ kỳ hình thành quốc gia – con người Việt Nam : từ giai đoạn Lý-Trần trở về trước, sự kiện Triệu Đà xưng đế và sáng lập nước Nam Việt (207 tr.CN) được xem là dấu mốc bắt đầu chính sử nước ta ; tuy nhiên, sau khi triều Nguyên suy yếu thì ý thức tự chủ về chính trị – văn hóa gia tăng ở những nước lân bang, trong đó có Đại Việt (quốc hiệu thời Trần), cho nên từ thời mạt Trần về sau thì thời điểm khởi đầu chính sử Việt Nam được xem là ngày 10 tháng 3 năm 2879 tr.CN – Kinh Dương Vương lập nước Xích Quỷ. Quan điểm này càng được cổ vũ bởi hệ thống truyền thuyết Hồng Bàng thị (được sự hô ứng bởi các cuốn sách Việt Nam thế chíViệt Điện u linh tậpĐại Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mụcViệt sử lượcViệt sử thông luận…) ; ở giai đoạn hậu Đệ nhất Thế chiến, những khám phá về nền văn hóa Đông Sơn đã làm dấy lên làn sóng hướng về cội nguồn trong lớp học giả và một bộ phận dân chúng, cho đến nay, Hồng Bàng thị vẫn được người Việt Nam coi là một giai đoạn lịch sử đáng tự hào. Dầu vậy, trong mấy thập niên gần đây, dưới ánh sáng khoa học tân kỳ, luồng ý kiến phản bác về sự trung thực của Hồng Bàng thị ngày càng mạnh mẽ. Trên tinh thầntrung thực – khách quan – đa chiều, BBT TTXVA tạm bỏ ngỏ Hồng Bàng thị để chờ quan điểm phản hồi của quý bạn đọc ; lúc này đây, giai đoạn lịch sử từ nhà Triệu cho đến đầu triều Nguyễn được đề cập dựa trên các cuốn sách sau : An Nam chí lượcĐại Việt sử lượcĐại Việt sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mụcĐại Việt thông sửViệt sử tân biênNam triều công nghiệp diễn chíViệt sử tiêu ánViệt sử toàn thưBài sử khác cho Việt NamSử Việt đọc vài quyển… Mọi quan điểm góp ý cũng như phản biện, quý bạn đọc vui lòng comment lịch thiệp bên dưới bài viết hoặc gửi thư về địa chỉ thongtanxavanganh@gmail.com, BBT TTXVA chân thành tiếp nhận !

Bản đồ nước Nam Việt.
Lịch sử nước Nam Việt bắt đầu khi Triệu Đà xưng đế (207 tr.CN) và kết thúc khi Hán tướng Lộ Bác Đức diệt xong nhà Triệu (111 tr.CN). Lãnh thổ Nam Việt bao gồm khu vực Lưỡng Quảng (Trung Quốc) và Bắc Bộ (Việt Nam), Triệu Đà cũng là nhân vật lịch sử đầu tiên xưng đế ngang hàng với vua chúa Trung Hoa, cho nên các sử gia Việt Nam thời quân chủ thường coi Lưỡng Quảng là đất cũ của người Việt, tuy nhiên, đến nay nhà Triệu vẫn không được công nhận về mặt chính thống ở cả hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Với quan điểm khách quan hóa sự thực lịch sử, TTXVA nhận thấy cần phải coi nhà Triệu là mốc khởi đầu cho thể chế quân chủ ở Việt Nam. Hơn thế nữa, những di chỉ được tìm thấy tại Quảng Châu (kinh đô Phiên Ngung thời nhà Triệu) cũng chứng minh rằng, nhà Triệu đã đem văn hóa cung đình tới mảnh đất phương Nam này, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ sự thống nhất các bộ lạc Bách Việt (vốn dĩ triền miên xung đột suốt nhiều thế kỷ). Thứ tự các đời vua Nam Việt :
• Vũ Đế (húy Triệu Đà, 207 tr.CN – 137 tr.CN)
• Văn Vương (húy Triệu Hồ/Mạt/Muội, 137 tr.CN – 124 tr.CN)
• Minh Vương (húy Triệu Anh Tề, 124 tr.CN -113 tr.CN)
• Ai Vương (húy Triệu Hưng, 113 tr.CN – 112 tr.CN)
• Thuật Dương Vương (húy Triệu Kiến Đức, 112 tr.CN – 111 tr.CN)
Văn Đế hành tỉ (文帝行璽) – Ấn của Triệu Văn Vương, được tìm thấy trong lăng mộ khai quật (di tích thành Phiên Ngung).
Năm 214 tr.CN, Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân đánh chiếm vùng Dương Việt, đặt ra Tượng quận (nay là Hồ Nam), Quế Lâm quận (nay là Quảng Tây), Nam Hải quận (nay là Quảng Đông). Sau khi bình định xong đất Dương Việt, Đồ Thư cử thuộc tướng chia giữ các nơi xung yếu. Tại quận Nam Hải có Quận úy Nhiệm Hiêu (任囂, cháu 7 đời của Nhiệm Bất Tề – một trong 72 môn đồ của Khổng Tử) mưu đồ cát cứ. Năm 210 tr.CN, Nhiệm Hiêu theo Đồ Thư đi đánh nước Âu Lạc nhưng bị thua trận, Đồ Thư chết và quân Tần phải rút về. Cùng năm đó, Tần Thủy Hoàng băng hà, Trung Nguyên rối loạn. Nhiệm Hiêu chưa kịp nổi dậy thì sinh bệnh hấp hối, trước khi chết, Nhiệm Hiêu trao lại binh quyền cho con nuôi là Lệnh úy huyện Long Xuyên (cũng thuộc quận Nam Hải) tên Triệu Đà, khuyên Triệu Đà chiếm lấy đất Âu Lạc mà xưng vương. Để gầy dựng thế lực, Triệu Đà tấu xin nhà Tần đem khoảng 50 vạn dân xuống Bách Việt với chính sách “Hoa Việt dung hợp” – đây có thể xem là cuộc di cư lớn đầu tiên của người Trung Nguyên vào đất Việt. Sẵn có lực lượng này dưới trướng, Triệu Đà nhanh chóng thống nhất được các bộ lạc Dương Việt và đến năm 208 tr.CN thì sáp nhập thêm Âu Lạc để lập nên nước Nam Việt. Đến năm 207 tr.CN, Triệu Đà xưng đế (thường gọi Triệu Vũ Đế, Nam Việt Vũ Đế), định đô tại thành Phiên Ngung (nay thuộc Quảng Châu – Trung Quốc). Ông được xem là thủy tổ của dòng họ Triệu Việt Nam. Cũng từ Triệu Đà trở đi, các vua Việt Nam thường xưng đế với thần dân và các nước phiên thuộc, riêng đối với vua chúa Trung Hoa thì chỉ xưng vương.
Năm 206 tr.CN, nhà Hán được thành lập tại Trung Nguyên. Năm 196 tr.CN, Hán Cao Đế nhận thấy không thể dùng vũ lực bức hàng Nam Việt, mới sai Thái trung đại phu Lục Giả sang thông sứ – đây có thể xem là sự kiện mở đầu cho lịch sử bang giao Việt Nam – Trung Quốc. Lục Giả thay mặt hoàng đế Hán sắc phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương, trao “tỉ thụ và phẫu phù” cho vua Triệu, lại khuyên vua giữ yên đất Việt và không gây sự tại biên giới. Theo cuốn Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Triệu Vũ Đế tỏ ý không muốn thần phục nhà Hán, khi Lục Giả đến yết kiến thì ngồi xổm mà tiếp. Đến lúc họ Lục về thì đút lót nhiều vàng bạc để y nói tốt về mình trước mặt hoàng đế Hán.
Trong một bức thư gửi Hiếu Huệ Đế, Triệu Vũ Đế bộc bạch : “Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà, mạo muội đáng chết, hai lạy dâng thư lên hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là lại cũ ở đất Việt, Cao Đế ban cho ấn thao làm Nam Việt Vương. Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ tuyệt nên ban cho lão phu rất hậu. Cao Hậu lên coi việc nước lại phân biệt Hoa – Di, ra lệnh không cho Nam Việt những khí cụ làm ruộng bằng sắt và đồng ; ngựa, trâu, dê nếu cho thì cũng chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở đất hẻo lánh, ngựa, trâu, dê đã già. Tự nghĩ nếu không sắm lễ vật cúng tế, thì tội thực đáng chết, mới sai Nội sử Phan, Trung úy Cao, Ngự sử Bình, ba bọn dâng thư tạ lỗi, nhưng đều không thấy trở về. Lại nghe đồn rằng, phần mộ của cha mẹ lão phu bị đập phá, anh em họ hàng đều bị giết. Vì vậy, bọn lại bàn nhau rằng : “Nay bên trong không được phấn chấn với nhà Hán, bên ngoài không lấy gì để tự cao khác với nước Ngô”. Vì vậy mới đổi xưng hiệu là đế, để tự làm đế nước mình, không dám làm điều gì hại đến thiên hạ. Cao hoàng hậu nghe tin cả giận, tước bỏ sổ sách của Nam Việt, khiến cho việc sai người đi sứ không thông. Lão phu trộm ngờ là vì Trường Sa Vương gièm pha, cho nên mới đem quân đến đánh biên giới. Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi, những vẫn phải dậy sớm, ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không trông sắc đẹp, tai không nghe tiếng chuông trống, chỉ vì không được làm tôi nhà Hán mà thôi. Nay may được bệ hạ có lòng thương đến, được khôi phục hiệu cũ, cho thông sứ như trước, lão phu dù chết xương cũng không nát. Vậy xin đổi tước hiệu, không dám xưng đế nữa. Kính cẩn sai sứ giả dâng một đôi ngọc bích trắng, 1000 bộ lông chim trả, 10 sừng tên, 500 vỏ ốc màu tía, một giỏ cà cuống, 40 đôi chim trả sống, hai đôi chim công. Mạo muội liều chết, hai lạy dâng lên hoàng đế bệ hạ“. Từ lúc này, bang giao Hán – Triệu được cởi mở ; để vỗ về vua Triệu, nhà Hán hạ lệnh tôn tạo mộ phần tổ tiên Triệu Vũ Đế tại huyện Chân Định (nay là huyện Chính Định, địa cấp thị Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc – Trung Quốc), anh em họ mạc của ông thì được phong tập tước.
Triệu Vũ Đế (257 tr.CN/239 tr.CN – 137 tr.CN).
Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên chép : Đà nhân đó, dùng uy lực uy hiếp nơi biên giới, đem đồ đạc của cải đút lót các nước Mân Việt, Tây Âu để bắt họ lệ thuộc theo mình. Đất đai của Đà chiều ngang có hơn vạn dặm. Đà bèn đi xe mui lụa mầu vàng cắm cờ tả đạo, mệnh gọi là “chế”, chẳng kém gì Trung Quốc.
Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét : Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ [như Trung Hoa], đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ Đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam Đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, người Hoa hay Di, chỉ xem ở đức mà thôi. Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là “lão phu”, mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét : Truyện [Trung Dung] có câu : “Người có đức lớn thì ắt có ngôi, ắt có danh, ắt được sống lâu”. [Vũ] Đế làm gì mà được như thế ? Cũng chỉ vì có đức mà thôi. Xem câu trả lời Lục Giả thì oai anh vũ kém gì Hán Cao. Đến khi nghe tin Văn Đế đặt thủ ấp trông coi phần mộ tổ tiên, tuế thời cúng tế, lại ban thưởng ưu hậu cho anh em, thì bấy giờ vua lại khuất phục nhà Hán, do đó tông miếu được cúng tế, con cháu được bảo tồn, thế chẳng phải là nhờ đức ư ? Kinh Dịch nói : “Biết khiêm nhường thì ngôi tôn mà đức sáng, ngôi thấp mà không ai dám vượt qua”. Vua chính hợp câu ấy.
Triệu Vũ Đế ở ngôi đến năm 137 tr.CN thì băng, kế ngôi là cháu đích tôn Triệu Hồ (do cha là Triệu Trọng Thủy đã mất) – lấy hiệu Triệu Văn Vương.
Năm 135 tr.CN, vua Mân Việt (nay thuộc tỉnh Phúc Kiến – Trung Quốc) là Vô Sính đem quân quấy rối Nam Việt. Triệu Văn Vương giữ giao ước với nhà Hán, sai sứ giả tấu trình sự việc với hoàng đế Hán chứ không tùy tiện động binh. Hiếu Cảnh Đế khen vua Triệu biết trọng nghĩa, sai Vương Khôi từ Dự Chương, Hàn An Quốc từ Cối Kê cùng hợp sức với Nam Việt đánh Mân. Tuy nhiên, Hoài Nam Vương Lưu An dâng sớ can gián. Nội dung như sau :
Việt là đất ở ngoài cõi. Dân cắt tóc vẽ mình, không thể lấy pháp độ của nước đội mũ mang đai mà trị được. Từ thời Tam đại thịnh trị, người Hồ, người Việt đã không nhận chính sóc, không phải là vì mạnh mà không hàng phục được, uy không chế ngự được, mà vì đất ấy không thể ở được, dân ấy không thể chăn được, không bõ làm phiền đến Trung Quốc vậy. Nay họ đánh lẫn nhau mà bệ hạ phát quân đến cứu, thế là trái lại đem Trung Quốc mà phục dịch di dịch vậy.
Vả người Việt khinh bạc, tráo trở, không theo pháp độ, không phải mới có một ngày. Nay mới không vâng chiếu mà cất quân đi đánh giết, thần sợ sau này việc binh cách không biết đến lúc nào thôi. Vừa rồi mấy năm liền không được mùa, sinh kế của dân chưa lại như cũ, nay phát binh lấy lương, đi mấy nghìn dặm lại thêm rừng sâu tre rậm, nhiều rắn độc thú dữ, tháng hè mùa nắng, các bệnh thổ tả hoặc loạn phát ra luôn, tuy chưa từng ra quân đọ kiếm mà chết chóc tất đã nhiều rồi. Thần nghe rằng sau việc quân lữ, tất là mất mùa, là bởi cái khí sầu khổ phá sự điều hòa của khí âm dương, cảm đến tinh khí của trời đất, tai biến do đấy mà sinh ra. Bệ hạ đức sánh trời đất, ơn đến cỏ cây, một người đói rét không được hưởng trọn tuổi trời mà chết, bệ hạ cũng lấy làm thương xót trong lòng. Hiện nay trong nước không có tiếng chó sủa báo động mà khiến quân lính phải dãi dầu ở đồng nội, ngấm ướt ở núi hang, khiến dân ở biên cương phải đóng cửa sớm mở cửa muộn, bữa mai không kịp bữa hôm, thần An trộm xin bệ hạ thận trọng việc đó.
Vả người Việt nhân tài vật lực yếu mỏng không biết đánh bộ, lại không biết dùng xe ngựa cung nỏ, thế mà không thể đem quân vào được, là vì họ giữ được đất hiểm, mà người Trung Quốc thì không quen thủy thổ.
Thần nghe ở đường sá người ta nói rằng : Mân Việt Vương bị em là Giáp giết chết, Giáp cũng đã bị giết rồi, dân nước ấy chưa thuộc về ai. Nếu bệ hạ sai trọng thần đến nơi thăm hỏi, ban đức cấp thưởng để chiêu dụ họ, thế tất họ sẽ dắt trẻ dìu già theo về thánh đức. Nếu [bệ hạ] không dùng đất ấy làm gì, thì nước đã mất làm cho còn, dòng đã tuyệt khiến nối lại, phong làm vương hầu, như thế tất họ phải đem mình làm tôi, đời đời nộp cống. Bệ hạ chỉ dùng cái ấn vuông một tấc, dây thao một trượng hai, mà trấn vỗ được đất ngoài, không phải nhọc mệt tên lính nào, không phải cùn một chiếc giáo nào, mà uy đức đều được cả. Nay đem quân vào đất họ, họ tất sợ hãi, trốn vào rừng núi ; nếu ta bỏ về, thì họ lại họp đàn tụ lũ, nếu ta ở để giữ, thì hết năm này sang năm khác, quân lính mệt mỏi, lương thực thiếu hết, một phương có việc gấp, thì bốn mặt đều sợ. Thần sợ rằng biến cố sẽ sinh, gian tà sẽ nổi, đều là bắt đầu từ đấy cả.
Thần nghĩ rằng : Quân của thiên tử chỉ đi đánh kẻ dưới phạm lỗi, chứ không đi đánh nhau để tranh giành, vì là không ai dám đọ sức. Nếu người Việt làm liều chống lại quan chấp sự mà trong quân kiếm củi đẩy xe có kẻ nào không về đủ thì dù có chém được đầu của Việt Vương, thần cũng lấy làm xấu hổ. Bệ hạ lấy chín châu làm nhà, sinh dân đều là thần thiếp cả, đất của di địch nào có đủ làm nhàn hạ được một ngày mà phải phiền đến ngựa đổ mồ hôi mệt nhọc ? Kinh Thi có câu : “Đạo vương tin thực, đất Từ theo về”. Ý nói vương đạo rất lớn mà phương xa mến phục. Thần An trộm lo rằng tướng lại đem 10 vạn quân đi chỉ làm cái trách nhiệm của một người sứ giả mà thôi.
Khi quân Hán còn chưa kịp vượt đèo vào đất Mân thì một người em của Vô Sính là Vô Dư Thiện bàn với người trong họ rằng : “Chỉ vì vua tự tiện đem quân đánh Nam Việt không xin phép nhà Hán, cho nên nhà Hán đem quân đến đánh. Quân Hán nhiều và mạnh, dù may mà mình có đánh được chăng nữa sau họ lại kéo sang nhiều hơn, chung quy nước cũng bị diệt, chi bằng giết vua để tạ lỗi với nhà Hán mà xin bãi binh“. Vô Sính bị sát hại, thủ cấp dâng cho tướng Vương Khôi. Hiếu Cảnh Đế cử sứ thần Trang Trợ sang báo cho Triệu Văn Vương biết việc, vua Triệu rập đầu nói : “Thiên tử vì quả nhân đem quân giết vua Mân, quả nhân dù chết cũng không báo đáp được ân đức ấy“. Triệu Văn Vương dự định tới Trường An (kinh đô nhà Hán) triều kiến Hiếu Cảnh Đế, nhưng quần thần can ngăn, nhà vua phải thác bệnh và cử thái tử Anh Tề sang làm con tin.
Triệu Văn Vương (175 tr.CN – 124 tr.CN).
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét : Văn Vương giao thiệp với nước láng giềng phải đạo, nhà Hán khen là có nghĩa, đến mức dấy binh đánh giúp kẻ thù ; lại biết nghe lời can, thác bệnh không sang chầu nhà Hán, giữ phép nhà để mưu cho con cháu, có thể gọi là không xấu hổ với ông nội.
Năm 124 tr.CN, Triệu Văn Vương băng hà, thái tử Anh Tề được nối nghiệp – hiệu là Triệu Minh Vương. Minh Vương phong Lữ Gia (hiệu Bảo Công, ? – 111 TCN) làm Thái phó, người thiếp yêu là Cù Thị được phong hoàng hậu (thường gọi Cù hậu), con của Cù Thị với Minh Vương là Triệu Hưng được chỉ định ngôi thái tử. Cù hậu vốn người Hàm Đan (kinh đô nước Triệu), thành thân với Minh Vương khi ông làm lính túc vệ ở Trường An ; trước khi sang đất Hán làm con tin, Triệu Minh Vương đã có một người con là Kiến Đức với vợ Việt – cần biết rằng, hầu hết các vua Triệu chỉ lập hoàng hậu người Việt. Việc Minh Vương lập hoàng hậu người Hán và thái tử chỉ là con thứ đã gây nên sự bất bình trong quần thần. Vào năm 113 tr.CN, Triệu Văn Vương băng, thái tử Hưng nghiễm nhiên được nối ngôi – hiệu là Triệu Ai Vương. Năm ấy, Ai Vương mới lên 5 tuổi. Cù Thị được sắc lập thái hậu. Mầm loạn bắt đầu nổi sóng từ vương cung nhà Triệu.
Triệu Minh Vương (? – 113 tr.CN).
Đại Việt sử ký toàn thư phê rằng : Vua (Triệu Minh Vương) không cẩn thận mối vợ chồng, gây thành loạn cho quốc gia, không có gì đáng khen.
Trước khi làm vợ Minh Vương, Cù hậu có tình nhân tên là An Quốc Thiếu Quý. Năm 113 tr.CN, Hán Vũ Đế phong Thiếu Quý làm sứ thần, sang Nam Việt dự tang lễ Triệu Minh Vương, đồng thời chiêu dụ Cù hậu và tân vương về chầu. Hoàng đế Hán cũng cử thêm một biện sĩ là Chung Quân làm Giám đại phu để thuyết phục, cử thêm dũng sĩ là Ngụy Thần để hộ tống, Vệ úy Lộ Bác Đức được lệnh đóng quân ở quận Quế Dương để phòng xa. Như vậy, ý đồ gồm thâu đất Nam Việt của nhà Hán đã lộ rõ.
Cù thái hậu tư thông với An Quốc Thiếu Quý, khuyên Triệu Ai Vương và triều thần nội thuộc nhà Hán, đồng thời dâng thư lên Hán Vũ Đế xin ba năm về chầu một lần, bãi bỏ cửa quan ở biên giới. Thừa tướng Lữ Gia dâng sớ can gián nhưng vua và thái hậu không nghe. Lữ Gia bất bình giả ốm, ngầm mưu khởi sự. Năm 112 tr.CN, Lữ Gia cùng một người em trai đem quân ập vào cấm cung, xử tử vua, thái hậu và tất cả sứ Hán, đưa Vệ Dương Hầu Kiến Đức lên ngôi – hiệu là Triệu Thuật Dương Vương (hoặc Triệu Vệ Dương Vương).

Thái hậu Cù Thị.
Đại Việt sử ký toàn thư phê rằng : Mẫu hậu ngang nhiên dâm loạn, quyền thần chuyên chính, vua hèn tuổi trẻ, giữ nổi thế nào được.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét : Tai họa của Ai Vương, tuy bởi ở Lữ Gia mà sự thực thì gây mầm từ Cù hậu. Kể ra sắc đẹp đàn bà có thể làm nghiêng đổ nước nhà người ta thì có nhiều manh mối, mà cái triệu của nó thì không thể biết trước được. Cho nên các tiên vương tất phải đặt ra lễ đại hôn, tất phải cẩn thận quan hệ vợ chồng, tất phải phân biệt hiềm nghi, hiểu những điều nhỏ nhặt, tất phải chính vị trong ngoài, tất phải ngăn ngừa việc ra vào, tất phải dạy đạo tam tòng, thì sau đó mối họa mới không do đâu mà đến được. Ai Vương ít tuổi không thể ngăn giữ được mẹ, Lữ Gia coi việc nước, việc trong việc ngoài lại không dự biết hay sao ? Khách của nước lớn đến, thì việc đón tiếp có lễ nghi, chỗ ở có thứ tự, cung ứng có số, thừa tiếp có người, sao đến nỗi để thông dâm với mẫu hậu ? Mẫu hậu ở thẳm trong cung, không dự việc ngoài : khi nào có việc ra ngoài, thì có xe da cá, có màn đuôi trĩ, cung tần theo hầu, sao để đến nỗi thông dâm với sứ khách được ? Bọn Gia toan dập tắt lửa cháy đồng khi đang cháy rực, sao bằng ngăn ngay cái cơ họa loạn từ khi chưa có triệu chứng gì có hơn không ? Cho nên nói : Làm vua mà không biết nghĩa Xuân Thu tất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác ; làm tôi không biết nghĩa Xuân Thu tất mắc phải tội cướp ngôi giết vua, tức như là Minh Vương, Ai Vương và Lữ Gia vậy.
Biết tin mẹ con Cù hậu và đám sứ thần bị giết, Hán Vũ Đế sai tướng Hàn Thiên Thu và Cù Lại (em trai Cù hậu) đem quân sang đánh Nam Việt, cuộc chiến tranh Hán – Triệu bắt đầu. Quân Hán bị quân của Thừa tướng Lữ Gia tiêu diệt ở nơi cách Phiên Ngung 40 dặm. Năm 111 tr.CN, nhà Hán lại phong Lộ Bác Đức làm Phục Ba tướng quân, đem chừng 10 vạn quân (có chiến thuyền) tấn công thành Phiên Ngung, trong đạo quân này có cả hàng tướng người Việt và tội nhân người Ba Thục. Quân Hán hầu như không gặp trở ngại gì, chỉ trong mùa đông năm ấy đã chiếm được Phiên Ngung, Thuật Dương Vương và Thừa tướng Lữ Gia phải chạy ra cửa biển. Hiệu úy Tư mã Tô Hoằng (hàng tướng người Việt) bắt được vua Triệu, quan lang Đô Kê (người Việt) bắt được Lữ Gia. Nhà vua, Thừa tướng và một vài thuộc hạ bị xử tử. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ba sứ giả của ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam đem 300 con trâu, 1000 chung rượu và sổ hộ khẩu dâng lên Lộ Bác Đức, xin nội thuộc nhà Hán. Lộ Bác Đức cử ba sứ giả làm thái thú các xứ ấy, cho chẩn trị như lệ cũ. Nước Nam Việt diệt vong, những người còn lại của vương thất Triệu phải tản mát lên rừng núi phía Tây, tạo ra dòng họ Triệu rất có thế lực từ bấy về sau (trong ngôn ngữ Thái, “Triệu” phát âm là “Đèo” ; ngôn ngữ Lào phát âm là “Chao”). Nhà Hán chia đất Nam Việt thành chín quận, bao gồm : Nam Hải (nay là Quảng Đông), Thương Ngô (nay là Bắc Bộ), Uất Lâm (nay là Quế Lâm), Hợp Phố (nay là Liêm Châu), Giao Chỉ (nay là Bắc Bộ), Cửu Chân (nay là Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (nay là Nam Trung Bộ), Châu Nhai (nay là đảo Hải Nam), Đạm Nhĩ (nay là đảo Hải Nam). Đứng đầu mỗi quận là Thái thú (do triều đình trung ương chỉ định). Dưới quận là châu, đứng đầu mỗi châu là Thứ sử (do Thái thú chỉ định). Năm 111 tr.CN có thể xem là dấu mốc khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc lần I cũng như trường kỳ Ngàn năm Bắc thuộc.

Triệu Thuật Dương Vương (? – 111 tr.CN)
Cuốn Sử ký của Tư Mã Thiên nhận định : Úy Đà làm vương vốn do ở Nhiệm Hiêu, gặp lúc nhà Hán mới bình định thiên hạ, ông được liệt vào hàng chư hầu. Lâm Lư Hầu ngại khí thấp, bệnh dịch, không đi đánh, Đà càng được thể kiêu căng. Âu Lạc đánh nhau làm rung động nước Nam Việt. Quân nhà Hán tới cõi. Anh Tề vào chầu, sau đó mất nước, nguồn gốc đều do Cù Thị. Lữ Gia giữ lòng trung nhỏ mọn, khiến cho Đà không có người nối dõi. Lâu thuyền tướng quân làm theo ý muốn không biết tiết chế, lười biếng, kiêu ngạo, thành bị nhầm nhỡ. Phục Ba tướng quân gặp khốn cùng, càng nảy trí mưu, nhân họa thành ra phúc. Sự việc xoay vần thành và bại, ví như cái thừng, cái sợi, xoắn xuýt lấy nhau.
Đại Việt sử ký toàn thư phê rằng : Xã tắc họ Triệu, Cù hậu làm cho nghiêng, gốc đã nhổ trước rồi, ngọn cũng theo mà đổ.
Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét : Lữ Gia can ngăn Ai Vương và Cù thái hậu không nên xin làm chư hầu nhà Hán, đừng triệt bỏ cửa quan ở biên giới, có thể gọi là biết trọng nước Việt vậy. Song can mà không nghe, thì nghĩa đáng đem hết bầy tôi đến triều đình, trước mặt vua trình bày lợi hại về việc nước Hán, nước Việt đều xưng đế cả, có lẽ Ai Vương và thái hậu cũng nghe ra mà tỉnh ngộ. Nếu lại vẫn không nghe theo, thì nên tự trách mình mà lánh ngôi [Thừa tướng], nếu không thế thì dùng việc cũ họ Hoắc, chọn một người khác trong hàng con của Minh Vương để thay ngôi, cho Ai Vương được như Thái Giáp và Xương Ấp mà giữ toàn tính mệnh, như thế thì không lỗi đường tiến thoái. Nay lại giết vua để hả lòng oán, lại không biết cố chết để giữ lấy nước, khiến cho nước Việt bị chia cắt, phải làm tôi nhà Hán, tội của Lữ Gia đáng chết không dung.
Sử gia Ngô Sĩ Liên nhận xét : Ngũ Lĩnh đối với nước Việt ta là ải hiểm cửa ngõ của nước cũng như Hổ Lao của nước Trịnh, Hạ Dương của nước Quắc. Làm vua nước Việt tất phải đặt quân chỗ hiểm để giữ nước, không thể để cho mất được. Họ Triệu một khi đã không giữ được đất hiểm ấy thì nước mất dòng tuyệt, bờ cõi bị chia cắt. Nước Việt ta lại bị phân chia, thành ra cái thế Nam-Bắc vậy. Sau này các bậc đế vương nổi dậy, chỗ đất hiểm đã mất rồi, khôi phục lại tất nhiên là khó. Cho nên Trưng Nữ Vương tuy đánh lấy được đất Lĩnh Nam, nhưng không giữ được nơi hiểm yếu ở Ngũ Lĩnh, rốt cuộc đến bại vong. Sĩ Vương tuy khôi phục toàn thịnh, nhưng bấy giờ còn là chư hầu, chưa chính vị hiệu, sau khi chết lại mất hết ; mà các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần chỉ có đất từ Giao Châu trở về Nam thôi, không khôi phục được đất cũ của Triệu Vũ Đế, cái thế khiến nên như vậy.
Quan điểm của TTXVA : Nhà Triệu tồn tại ngót một thế kỷ (97 năm), chỉ vì mâu thuẫn nội bộ mà suy vong, để đến nỗi vùng đất tự chủ cuối cùng của không gian văn hóa Bách Việt cũng biến mất, mọi nỗ lực kiến tạo nền tự chủ của Triệu Đà xem như tan tành mây khói. Tuy nhiên, trong suốt quá trình chống mưu đồ thôn tính của nhà Hán, không hề thấy sự phản kháng nào từ cộng đồng Bách Việt, duy chỉ vua tôi nhà Triệu chống cự một cách yếu ớt ; bởi thế, người Việt ở vào cái thế bị động trước cuộc xâm lăng và tự thua trước khi quân Hán tràn vào Phiên Ngung. Điều này cho thấy, thời điểm Triệu Đà lập nước Nam Việt, khối Bách Việt vẫn chỉ là một cộng đồng bán khai, con người tụ cư trong những bộ lạc nhỏ bé và bị chia cắt bởi hệ thống núi non, sông ngòi chằng chịt, lại dễ dàng xung đột lẫn nhau. Rõ ràng, người Việt không đủ sức tự vệ trước sức ép từ bên ngoài, cho nên, cuộc xâm lăng của nhà Hán tuy vội vã và quy mô không lớn nhưng vẫn uy hiếp được các bộ lạc Việt (vốn dĩ không thể hợp nhất vì mục tiêu chung), chỉ vừa nghe tin nhà Triệu sụp đổ thì những vùng đất ở xa đã chủ động xin quy phục nhà Hán. Đó chính là sự thắng thế của nền văn minh lớn trước một tiểu khu văn hóa, nhưng dù sao sự xâm nhập của nhà Hán cũng khiến người Việt tiếp cận ánh sáng văn minh sớm hơn các cộng đồng Đông Nam Á khác.

Xem thêm :
✿ Sử Việt theo cách mới (kỳ 1)