Chúng ta đạp lên nhau mà sống?


e3397-be1bb8bc491c3a1nhche1babftvc3actre1bb99mchc3b3te1baa1inghe1bb87an
(Người Việt) – Mấy ngày nay chuyện người dân ở Hà Nội tranh cướp áo mưa trong một buổi lễ phát tặng áo mưa của Đại sứ quán Hà Lan, đứng xếp hàng mua bánh Trung thu gia truyền thì cãi vã tới mức phô cả chỗ kín ra giữa bàn dân thiên hạ khiến cho ai biết chuyện cũng không khỏi phiền lòng. Có phải đã đến thời chúng ta đạp lên nhau mà sống?
Họa sĩ Lê Thiết Cương vừa kể lại một câu chuyện buồn trên trang cá nhân của anh, chuyện mới vừa xảy ra chiều tối 18/9: “Lâu quá không đi xe máy, hết xăng từ lúc nào không biết, dắt ra cây xăng ngay gần Bảo tàng Lịch sử, xếp hàng, độ mươi người.
Bỗng có hai cô gái phóng vào, hàng không xếp, thản nhiên chen lấn. Tôi bảo nếu các cháu vội sao không nói với chú một câu, cô ấy bảo có, tôi lùi xe xuống, nhường. Nhưng cô ấy không mở mồm nói một lời cảm ơn…”.
Họa sĩ bất bình: “Hết thuốc chữa rồi, một đất nước có  truyền thống văn hóa như thế, chỉ mấy chục năm đổi mới, được bát cơm đầy hơn, miếng thịt to hơn, nhiều “bình bịch” hơn mà mất hết văn hóa thì chẳng bõ. Được thế thì được làm gì?”.
Xếp hàng dài trên phố để chờ mua bánh Trung thu.
Người dân xếp hàng dài trên phố để chờ mua bánh Trung thu.
Nghe ra thật là chua chát. Câu chuyện của họa sĩ Lê Thiết Cương lại khiến tôi nhớ đến bài báo gây sốt trong ngày, kể lại vụ xô xát trong đám xếp hàng mua bánh Trung thu gia truyền trên phố Thụy Khuê giữa một thanh niên và một phụ nữ đứng tuổi.
Chẳng là hàng người xếp hàng dài chờ mua bánh đã chắn ngang qua cửa một cửa hiệu tạp hóa ngay gần đó khiến cho công việc kinh doanh của cửa hàng này gần như đình trệ, thế là người chủ cửa hàng, nghe đâu là một phụ nữ đã ngấp nghé 70 cãi vã với một nam thanh niên xếp hàng.
Đỉnh cao của mâu thuẫn là cả hai đã tụt quần phô hết cả chỗ kín ra với nhau. Đúng là chưa khi nào thấm thía cái câu “miếng ăn là miếng nhục” đến thế.
Chắc cũng nhiều người giống như tôi, không hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra với cuộc sống xung quanh mình. Cũng giống như cảnh tượng người ta đổ xô lên tranh cướp cuộc phát tặng áo mưa của Đại sứ quán Hà Lan khiến cho ai là người Việt Nam cũng cảm thấy xấu hổ và nhục nhã.
Tại sao con người chúng ta lại ngày càng trở nên tồi tệ như vậy? Những phẩm chất cao quý, tính người đâu hết rồi? Gặp việc tốt không biết mở miệng nói một lời cảm ơn. Ứng xử với nhau man di mọi rợ như thời ăn lông ở lỗ. Bất cần thể diện, tự trọng và liêm sỉ, thấy chút lợi là mờ mắt lao vào hành xử như kẻ cướp đường cướp chợ.
Chưa khi nào chúng ta thấy xã hội đói văn hóa trầm trọng như ngày hôm nay, càng ở những chỗ đông người, những sinh hoạt cộng đồng đông đúc càng thấy hoảng sợ. Vì những thú tính lúc đó dường như trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, giẫm đạp lên nhau, chà đạp nhau, lạnh lùng vô cảm với nhau, tất cả đều không nhìn quá được chút lợi cỏn con của mình.
Chúng ta không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác ngoài chính bản thân mình. Vì chúng ta hèn nhát, không dám đấu tranh với cái xấu, cái sai để bảo vệ lẽ phải và cái đẹp để rồi lâu ngày, đã quen với cái xấu, đã không còn thấy nó là một cái gai độc cần nhổ bỏ khỏi cơ thể cuộc sống này. Đó thực sự là một điều nguy hiểm, không khác chuyện tự tay tiêm vào mình mỗi ngày một chút độc dược.
Với những câu chuyện về văn hóa ứng xử này, tôi đã cảm thấy quá mệt mỏi với những bình luận liên quan đến chuyện vùng miền, vì thể nào rồi cũng có vài người “Hà Nội gốc” bất bình: Người Hà Nội chúng tôi đâu có thế, chắc chỉ dân ngoại tỉnh thôi, và vài chục “người ngoại tỉnh” sẽ xông lên phản bác, rồi lại dắt tay nhau vào một vũng lầy.
Hãy nhìn rộng ra một chút để rồi cùng xấu hổ, ở đâu trên khắp đất nước này mà chẳng là người Việt Nam, làm sao có thể phân biệt nổi khi chúng ta cùng đang hít thở một bầu khí trời.
Chỉ mong sao những người làm cha, làm mẹ hãy cứu lấy những thế hệ người Việt của tương lai khi gắng gỏi dạy bảo con cháu mình, trước khi trở thành những “ông nọ bà kia” trong xã hội thì hãy sống sao cho ra một con người có văn hóa.
Còn nếu cứ để cho bản năng thấp hèn xui khiến thế này, cứ dẫm đạp lên nhau, mạnh ai nấy sống thế này, chúng ta sẽ chẳng còn chút di sản tử tế tốt đẹp nào cho con cháu mai sau. Và đó chính là dấu chấm hết cho một dân tộc.
Mi An