Nghi vấn đường dây vũ khí hóa học Triều Tiên - Syria LÂU NAY ĐÃ CÓ NHIỀU NGHI NGỜ VÀ CÁO BUỘC CHO RẰNG CHDCND TRIỀU TIÊN GIÚP SYRIA XÂY DỰNG KHO VŨ KHÍ HÓA HỌC.



Sơ đồ những cơ sở hóa học của Syria - Ảnh: Natethayer/Đồ họa: Du Sơn  
Trong chuyến thăm Trung Quốc đang diễn ra, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ James Miller đã tuyên bố một cuộc tấn công nếu có vào Syria sẽ là “biện pháp răn đe ngăn chặn Triều Tiên sử dụng vũ khí hóa học”, theo AP. Trước đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến mối liên hệ về vũ khí hóa học giữa Triều Tiên và Syria. Lâu nay có nhiều thông tin cho thấy hai nước đã hợp tác khá chặt chẽ trong việc sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt nhưng Damascus lẫn Bình Nhưỡng đều im lặng.
Triều Tiên chưa bao giờ thừa nhận sở hữu vũ khí hóa học nhưng Reuters dẫn Sách trắng quốc phòng Hàn Quốc năm 2010 loan tin miền Bắc có khoảng 2.500 - 5.000 tấn vũ khí hóa học, bao gồm khí độc sarin. Trong khi đó, theo số liệu của tình báo phương Tây, Syria hiện có khoảng 1.000 tấn vũ khí loại này.
Hỗ trợ sản xuất
Theo tờ Global Post, với quan hệ gần gũi suốt 5 thập niên qua, Triều Tiên đã góp phần quan trọng giúp Syria xây dựng kho tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học vào loại lớn nhất Trung Đông. Các kỹ sư tên lửa và chuyên viên kỹ thuật Triều Tiên được cho là đang đóng tại ít nhất 3 căn cứ tên lửa và vũ khí hóa học của Syria.
Các nguồn tin quân sự, tình báo nước ngoài và phe đối lập Syria cho biết các căn cứ trên bao gồm al-Safir gần thành phố Aleppo, cơ sở chế tạo vũ khí hóa học lớn nhất Syria. Tờ Al-Sharq al-Awsat hồi tháng 6 loan tin các sĩ quan Triều Tiên đang sát cánh cùng lực lượng chính phủ trong các cuộc giao tranh ở Aleppo. Những người này được cho là có hợp đồng với Trung tâm nghiên cứu khoa học Syria (SSRC), cơ quan chuyên trách phát triển vũ khí hủy diệt của Syria và báo cáo trực tiếp với Tổng thống Bashar al-Assad.
SSRC được cho là đầu mối liên lạc chính với phía Triều Tiên nhằm bí mật thu mua công nghệ cũng như các thành phần tên lửa đạn đạo và vũ khí hóa học. Về phần mình, những kỹ sư, nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật quân sự Triều Tiên được giao nhiệm vụ hỗ trợ dưới vỏ bọc nhân viên của Tổng công ty Tangun và một số tập đoàn bình phong. LHQ và nhiều nước đã liệt Tangun và SSRC là đối tượng phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và cấm giao dịch với hai tổ chức này.
Theo tạp chí Jane’s Defense Weekly, một sự cố hồi tháng 7.2007 đã hé lộ sự hợp tác giữa hai nước. Lúc đó, ít nhất 3 chuyên gia Triều Tiên đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại căn cứ al-Safir. Tai nạn xảy ra khi những người này được cho là đang nạp khí độc vào đầu đạn tên lửa Scud C do Bình Nhưỡng cung cấp. Vụ việc đã không gây trở ngại cho chương trình hợp tác khi hai nước sau đó ký thỏa thuận mới nhằm nâng cấp tên lửa đạn đạo để có thể mang đầu đạn hóa học.
“Dịch vụ hậu mãi”
Theo tạp chí Forbes, gần đây đã xuất hiện nhiều thông tin cáo buộc Triều Tiên không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vũ khí hóa học cho Syria mà còn hỗ trợ sử dụng. Các báo cáo do Ủy ban về trừng phạt CHDCND Triều Tiên của LHQ đệ trình vào các năm 2010 và 2012 cho hay giới chức Hy Lạp hồi tháng 11.2009 từng chặn một con tàu xuất phát từ Triều Tiên và hướng tới Syria chở theo 13.000 áo bảo hộ dùng để chống vũ khí hóa học, cùng 23.600 ống thuốc tiêm. Hồi tháng 4 năm nay, đến lượt Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện một lô hàng chở vũ khí, đạn dược và mặt nạ chống độc từ Triều Tiên hướng đến Syria trên một chiếc tàu mang cờ Libya, theo tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản. Nếu được xác nhận, vụ việc ở Thổ Nhĩ Kỳ là ví dụ mới nhất về mối liên hệ gần gũi giữa Syria và Triều Tiên, đặc biệt sau khi hai nước được cho là đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự mới trong năm 2012.
Trùng Quang/Thanh Niên