Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Trong thời gian qua, việc một số tù nhân lương tâm được trả tự do trước thời hạn tù làm nhiều người lạc quan dù ai cũng biết động cơ chính không phải là nhà cầm quyền thật sự thay đổi mà đó là kết quả của các cuộc mặc cả với quốc tế và nhất là với Hoa kỳ vì miếng mồi TPP (Hiệp Ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương). Dù sao đi nữa thì đây là thời điểm thích hợp để chúng ta thử đánh giá phong trào đấu tranh dân chủ, xem xét những mặt thuận lợi và khó khăn cũng như lạm bàn về một số giải pháp để vượt qua những thách thức đó. Về mặt này thì Nguyễn Vũ Bình đã đi tiên phong với hai bài tiểu luận trong tháng 3 và 4 mang tựa đề “Phong trào Dân Chủ Việt Nam trước vận hội lớn” và “Những thách thức trong việc xây dựng thể chế dân chủ ở Việt Nam”.
Đúng như Nguyễn Vũ Bình nhận xét, phong trào dân chủ đã đạt những bước tiến rõ rệt trong thời gian qua về cả lượng lẫn phẩm. Cho tới năm 2000 thì phong trào chỉ có một vài thành viên thuộc giới trí thức lên tiếng qua hình thức phổ biến các bài viết bày tỏ quan điểm và thái độ phản kháng. Trong thời gian gần đây thì cánh cửa xã hội dân sự đã được mở rộng hơn. Ngày càng có nhiều người tham gia vào phong trào với số lượng thành viên đa dạng gồm có nam, nữ, già, trẻ, giới trí thức, công nhân, nông dân... và nhất là thành phần thanh niên sinh viên góp phần sáng tạo và lan tỏa trong xã hội công nghệ thông tin hiện nay.
Lãnh vực hoạt động cũng được nới rộng. Nếu như trước đây phong trào chú trọng vào các quyền tự do chính trị ví dụ như qua sự ra đời của Khối 8406 vào năm 2006 thì trong thời gian gần đây các tổ chức như Hiệp hội Dân Oan, Hội Bầu bí Tương thân, Câu Lạc Bộ FC Hoàng Sa, Trường sa, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Văn đoàn Độc lập lại nhắm vào các quyền dân sự và dân sinh thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân. Thật ra, khái niệm nhân quyền rất bao quát và không giới hạn ở các quyền tự do chính trị. Đấu tranh cho các quyền dân sự và kinh tế sẽ thu hút được đông đảo quần chúng. Nếu như hình thức đấu tranh trước đây là “căng băn rôn, khẩu hiệu, tờ rải truyền đơn chẳng những không đạt hiệu quả cao mà còn bị đàn áp nặng nề thì bây giờ là những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, các buổi dã ngoại, hội thảo nhân quyền, tổ chức những buổi Thánh Lễ cầu nguyện cho tù nhân lương tâm và Lễ tưởng niệm liệt sĩ Hoàng sa và Trường sa” vừa đi thẳng vào lòng người mà cũng khó cho nhà cầm quyền thẳng tay trù dập.
Một đặc điểm đáng lưu ý là phuơng diện quốc tế từ những buổi “cà phê” nhân quyền với sự tham dự của nhân viên ngoại giao nước ngoài đến các chuyến công du điều trần trước các phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Thụy sĩ qua cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về thực trạng nhân quyền tại Việt nam và các buổi điều trần trước Quốc hội Hoa kỳ và Âu châu. Chính nhân dân Việt nam tận dụng cơ hội trực tiếp tố cáo trước thế giới về tình trạng đàn áp nhân quyền của chế độ mà Hà nội không còn đường chối cãi. Hình ảnh đau khổ của bà mẹ Việt nam Trần Thị Ngọc Minh bôn ba khắp nơi từ Âu sang Mỹ để kêu cứu cho con gái Đỗ Thị Minh Hạnh đang bị tù đày chỉ vì tranh đấu cho quyền lợi của người lao động đã làm chạnh lòng thế giới văn minh và đánh đúng vào yếu huyệt của chế độ. Thành quả của phong trào đấu tranh trong thời gian qua là niềm hãnh diện chung cho tất cả các chiến sĩ dân chủ trên mọi miền đất nước.
Những thuận lợi cho phong trào
Biến động kinh tế và quan hệ giao thương với các quốc gia khác trên thế giới là những yếu tố có tác động mạnh đến thời cuộc tại Việt nam. Khi Việt nam ráo riết vận động để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì Khối 8406 ra đời. Đây là lần đầu tiên một tập thể đối kháng dân chủ công khai xuất hiện trong xã hội công an trị. Gần đây hơn khi Việt nam đang tìm cách gia nhập Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP thì có nhiều tổ chức dân sự độc lập lần lượt ra mắt. Theo Phạm Chí Dũng thì nợ xấu và nợ công đang đưa kinh tế Việt Nam vào đường cùng và có nguy cơ suy thoái toàn diện đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, “nhóm lợi ích” cố sức thúc đẩy Việt Nam vào TPP bằng mọi giá mà trong đó Việt Nam phải uống liều thuốc đắng nhân quyền và cải thiện quan hệ với Mỹ. Về mặt này thì Việt nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt nam. Nếu Việt nam muốn vào cuộc chơi thì phải chơi đúng luật. Hội nhập là con dao hai mặt. Ngay cả khi trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc là Việt nam đã tự thu hút sự chú ý của thế giới và trở thành cái đích cho các tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín và tầm vóc quốc tế như Tổ Chức Ân xá Quốc tế và Human Rights Watch nhắm vào và lên án vì những hành vi bất xứng của chế độ.
Tư tưởng và ý thức hệ lệ thuộc của Đảng Cộng sản Việt nam trước thái độ hung hăng của đàn anh Trung cộng đang lộ rõ dã tâm thâu tóm cả Biển Đông sẽ dẫn đến sự bất mãn nội bộ và nhất là của giới an ninh và quân đội. Trong bất cứ thời đại nào thì người lính cũng có nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải quốc gia. Với kỹ thuật thông tin điện tử hiện nay thì Đảng sẽ không dễ dàng tuyền truyền hoặc lường gạt họ như trong quá khứ. Nếu có binh biến thì sẽ có cơ hội quân đội quay đầu súng hoặc ít nhất là án binh bất động và như thế thì cũng đủ làm cho chế độ độc tài toàn trị cáo chung mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt nam.
Khó khăn trước mắt
Dĩ nhiên là bên cạnh đó thì phong trào vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy đã có một vài tổ chức dân sự độc lập tự phát ra đời nhưng con số vẫn còn rất khiêm nhường. Một số tổ chức còn gặp nhiều giới hạn về mặt phương tiện và kỹ năng điều hành. Ví dụ như số lượng dân oan tại Việt nam có thể lên tới hàng triệu người nhưng Hiệp hội Dân oan chưa có cơ hội phát huy hết tiềm năng và thu hút được đông đảo dân oan làm thành viên. Nếu các tổ chức hoạt động riêng rẽ thì rất dễ cho nhà cầm quyền kiểm soát và khống chế. Tuy là đã có những buổi gặp mặt của các tổ chức dân sự nhưng chưa có những cơ chế kết hợp và điều hợp sinh hoạt chung giữa các tổ chức. Trong tương lai gần thì vẫn chưa nhìn thấy có một tổ chức có đủ tầm vóc lãnh đạo phong trào và huy động tập thể quần chúng xuống đường hoặc nổi dậy để tạo binh biến hay làm một cuộc cách mạng đổi đời. Vì hệ thống tổ chức yếu kém nên phong trào còn gặp nhiều khó khăn về mặt nhân lực và tài chánh là hai yếu tố quyết định khả năng và tầm vóc ảnh hưởng đến đại cuộc.
Giải pháp đề nghị
Tuy phong trào đã có những bước tiến đáng kể như hành trình dân chủ còn dài. Giai đoạn kế tiếp sẽ có tính cách quyết định. Chúng ta mong nhìn thấy sẽ có thêm nhiều tổ chức dân sự ra đời đặc biệt là các tổ chức mang tích chức nghiệp hoặc nghiệp đoàn ví dụ như các luật sư đoàn độc lập, hội y tế, hội nông gia, hội đại diện cho các công nhân dệt, giày dép và may mặc, hội đại diện cho công nhân kỹ nghệ du lịch, công nghệ thông tin, hội tiểu thương và các phòng thương mại địa phương... Sự hiện hữu của các tổ chức nghiệp đoàn độc lập không chỉ cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong hệ thống kinh tế toàn cầu mà còn là nền tảng xây dựng cơ chế dân chủ không thể thiếu được. Hậu quả nặng nề của chế độ độc tài toàn trị là các tổ chức đảng phái chính trị không có cơ hội thành lập và phát triển để cạnh tranh quyền lãnh đạo đất nước một cách lành mạnh và trong sáng. Trong giai đoạn đầu sau khi chế độ độc tài sụp đổ thì các chính đảng có thể xuất phát từ các tổ chức xã hội dân sự ví dụ như đảng đại diện cho giới nông dân từ hội nông gia, đảng đại diện cho giới công nhân từ các tổ chức nghiệp đoàn...
Tổ chức Cộng đồng Người Việt Tự do Tiểu bang NSW (CĐ/NSW) có hơn 100 hội đoàn sinh hoạt ở mọi lãnh vực tôn giáo, truyền thông, văn hóa, xã hội, chính trị, cao niên, phụ nữ, sinh viên... Sức mạnh tập thể đến từ việc hơn 100 hội đoàn này đoàn kết dưới cái dù cộng đồng. Nhờ vậy mà Ban Chấp hành CĐ có tiếng nói dại diện có trọng lượng với các cấp chính quyền từ địa phương, tiểu bang và liên bang Úc.
Tương tự như vậy, các đoàn thể dân sự trong nước cũng có thể liên kết thành lập liên đoàn và bầu ra một cơ cấu điều hợp vạch ra kế hoạch và đường lối hoạt động. Khi đứng chung với nhau như vậy thì sẽ có tiếng nói đại diện cho đông đảo quần chúng và khó khăn cho chế độ kiểm soát hoặc không chế. Nếu cần thì các tổ chức dân sự trong nước có thể tham khảo văn bản nội quy của CĐ/NSW về hình thức điều hành một tổ chức liên đoàn. Việt nam là một quốc gia đang phát triển có quan hệ giao thương và nhận tài trợ từ nước ngoài. Liên đoàn dân sự Việt nam chắc chắn sẽ có tiếng nói đối trọng với cộng đồng quốc tế.
Các hội đoàn dân sự độc lập trong nước có thể thu hút nhân sự nhưng rất khó gây quỹ gầy dựng nguồn lực tài chánh vì công an và côn đồ lúc nào cũng gần kề. Đây là chỗ mà người Việt hải ngoại với đầy đủ phương tiện có thể thực hiện dễ dàng. Các đoàn thể và cá nhân hải ngoại có thể tiến hành thành lập các quỹ yểm trợ nhân quyền. Trong thời đại hiện nay thì các giá trị nhân quyền ngày càng được nâng cao về mặt pháp lý cụ thể là tính từ đầu năm nay thì Đạo luật Từ thiện Úc (Charities Act 2013) chính thức công nhận các tổ chức bất vụ lợi yểm trợ nhân quyền được hưởng quy chế từ thiện và sẽ được đối xử như các tổ chức từ thiện khác gồm có quyền được cấp giấy phép gây quỹ và miễn thuế. Quỹ yểm trợ nhân quyền tại hải ngoại có thể tài trợ các tổ chức hoặc chương trình hỗ trợ nhân quyền và dân sinh trong nước để giúp đỡ những tù nhân lương tâm và cựu tù nhân lương tâm, những nhóm dân oan bị chính quyền địa phương tước đoạt tài sản và đất đai, những bậc phụ huynh có con trẻ bị chết trong bệnh viện vì sự tắc trách của bộ y tế. Những hành động cụ thể và thiết thực này sẽ giúp cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước cũng như tạo dựng niềm tin và tinh thần liên kết ở trong và ngoài nước.
Có thể là nhà cầm quyền sẽ giở những trò chụp mũ, vu khống là các tổ chức trong nước "nhận tiền của CIA" để chống phá “nhà nước”. Chúng ta hãy vượt qua mọi sự sợ hãi và cứ hành xử trong sáng và minh bạch cũng như lấy sự thật và lòng bao dung để đối đầu với dối trá và bạo lực của chủ nghĩa cộng sản. Bất cứ hội đoàn dân sự nào cũng có thể kêu gọi ủng hộ tài chánh từ những cá nhân và đoàn thể trong và ngoài nước, của người Việt nam cũng như người ngoại quốc. Nếu cần thì các quỹ yểm trợ nhân quyền có thể tố cáo trước công luận quốc tế trực tiếp các viên chức hoặc tờ báo nào của Đảng CSVN có hành vi chụp mũ hoặc vu không vô căn cứ làm tổn hại đến thanh danh và uy tín của các tổ chức đó.
Đứng trước thời khắc lịch sử này thì tất cả mọi người nhất là người Việt hải ngoại với tất cả phương tiện nên tự hỏi có thể làm gì để góp phần vào công cuộc đấu tranh dân chủ hóa đất nước. Không có vai chính hay vai phụ mà đồng bào trong nước và người Việt hải ngoại đều có vai trò quan trọng như nhau.
Đã đến lúc chúng ta cần phải vượt qua mọi rào cản tâm lý, vô hình. Trận tuyến hôm nay không chỉ là Bắc Nam hay Quốc Cộng mà là giữa đồng bào ba miền và khối người Việt hải ngoại yêu chuộng tự do và quyết tâm bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải đối đầu với Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản Việt nam.
Đã đến lúc các đoàn thể đấu tranh hải ngoại tích cực liên lạc và liên kết với các tổ chức đấu tranh trong nước. Sự liên kết không dựa trên yếu tố cá nhân mà là giữa đoàn thể với đoàn thể có cùng mục tiêu chung là chấm dứt chế độ độc tài toàn trị hiện nay và xây dựng một thể chế dân chủ, đa đảng, đa nguyên với tam quyền phân lập.
Chỉ có một thể chế dân chủ, đa đảng, đa nguyên với tam quyền phân lập mới gầy dựng lại được hào khí Diên Hồng trên dưới một lòng quyết chiến đối đầu với giặc xâm lăng từ phương Bắc. Không có lý do gì ngăn cản các Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị và Nạn nhân cộng sản Việt nam tại Úc, Hoa kỳ và Âu châu tiếp xúc và liên kết với Hội Cựu Tù nhân Lương tâm trong nước vừa mới được thành lập. Phương thức đấu tranh có thể khác biệt tùy hoàn cảnh và địa phương. Mọi người nên bắt đầu bằng cách thực thi nguyên tắc dân chủ căn bản nhất là tôn trọng sự dị biệt và đa dạng. Đoàn thể hải ngoại không nên bắt buộc các tổ chức trong nước áp dụng phương thức hoặc chiến thuật đấu tranh giống như mình và ngược lại. Phong trào dân chủ thành công sớm hay muộn tùy thuộc vào mức độ liên kết trong ngoài giữa đồng bào quốc nội và hải ngoại. Trong cuộc sống của một cá nhân cũng như vận mệnh của một dân tộc, cơ hội không đến với chúng ta hàng ngày. Vấn đề là cá nhân hay thành viên của dân tộc đó có vượt qua được những nghi ngại và ngờ vực về chính bản thân họ để nắm lấy cơ hội làm nên lịch sử hay không? Tương lai của đất nước Việt nam sẽ tùy thuộc vào câu trả lời của mỗi người dân Việt ở trong và ngoài nước.