Đức Thành
Thời còn bé tôi có người bác ruột làm nghề sửa chữa đài bán dẫn (radio). Không hiểu sao tôi lại rất thích được đeo những cái đài này. Bác tôi cũng rất yêu quí tôi, mỗi lần sửa xong đài của khách là bác lại cho tôi đeo đài chạy quanh sân để chơi (sau này lớn lên tôi mới hiểu bác cho tôi đeo đài chạy nhảy trong sân là để kiểm tra chất lượng sửa chữa của mình vì thời đó có mốt đeo đài đi xe đạp).
Khi được đeo đài bao giờ tôi cũng có thêm câu “bác cho con nhé!”, bác tôi cũng rất sẵn lòng “ừ bác cho, nhưng phải ngoan”. Đấy là sự xin - cho giữa “một đứa trẻ nít” là tôi và một người lớn. Nói dại, giả thử tôi là thằng bất hảo, khi lớn lên tôi cướp đoạt đài của bác bằng vũ lực rồi lý giải với thế giới rằng “bác tôi đã cho” thì liệu có thứ pháp luật nào trên thế giới hiện đại ngày nay hay có những ai đứng đắn lại đứng ra bênh vực cho tôi?!
Ở cấp độ quan hệ các quốc gia với nhau cũng vậy, một quốc gia đã dùng vũ lực đi ăn cướp cái mình thích của một quốc gia khác nay lại lấy lý do ngày xưa anh đã “cho tôi rồi” để lu loa là của mình thì trong bàn dân thiên hạ có ai nghe được không?
Với bản chất tham lam vô độ của giới cầm quyền cộng sản Bắc Kinh từ chỗ muốn dùng Bắc Việt Nam là vùng đệm an toàn để thế giới tư bản không gây ảnh hưởng đến lục địa của mình. Ngày nay lại thèm muốn nhiều phần lãnh thổ của các nước khác nên họ đã không từ một thủ đoạn nào kẻ cả trò con nít (xin khi biết cái đó không phải của người cho) ngày xưa và bỉ ổi đểu cáng nhất hiện nay để lý sự cùn rằng “Phạm Văn Đồng đã cho” thì không có tranh chấp và không cần phải bàn cãi trong vấn đề lãnh thổ với người Việt Nam nữa!?
Vừa qua, theo dõi thấy rằng Tàu Cộng vừa trình lên Liên Hiệp Quốc những chứng cứ chứng minh rằng Việt Nam đã dâng Hoàng Sa, Trường Sa (Tây Sa, Nam Sa) cho Trung Quốc từ thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nào là công thư của Phạm Văn Đồng, nào là sách giáo khoa Địa lý lớp 9 năm 1974, nào là bản đồ quân sự 1972…
Họ làm như vậy , không phải là họ sợ Nhân dân Việt Nam, cũng như không sợ cộng đồng thế giới chưa biết các vấn đề đó mà thực chất họ tung ra để răn đe, ru ngủ những người đồng chí cộng sản “bốn… dốt” của họ đang độc quyền lãnh đạo tại Việt Nam rằng “các đồng chí muốn tồn tại độc quyền một mình một cỗ thì hãy căn cứ vào những cái đó mà bài binh, hoãn kiện càng lâu càng tốt!”.
Thực vậy trong thời gian vừa qua biết rằng dùng các biện pháp xâm lăng văn hóa, kinh tế giáo dục và chính trị, cho dù có ru ngủ được không ít quan chức Việt Nam, nhưng Trung Quốc không thể nào mua chuộc được lòng dân Việt Nam trong ý chí độc lập tự chủ vẹn toàn lãnh thổ nên Trung Quốc đã dần dần công bố các tài liệu chứng cứ dù bất cứ là tài liệu gì miễn là để Trung Quốc nói lấy được, dù biết rõ nói ra, nêu ra cũng chẳng có tý tác dụng pháp lý nào cả.
Vì sao lại khẳng định các chứng cứ trên không có tác dụng pháp lý?
Rất đơn giản vì các tài liệu mà Trung Quốc công bố, gửi lên LHQ mà cụ thể là công thư Phạm Văn Đồng 1958, sách giáo khoa Địa lý 1974, bản đồ quân sự 1972 nếu có được làm ra và được viết ra thật thì đều dưới thời của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) mà VNDCCH vào giai đoạn đó chưa được cộng đồng thế giới, đặc biệt trong đó có chính Trung Quốc công nhận có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa vì quần đảo này không nằm phía ngoài vĩ tuyến 17. Chính Trung Quốc đã đặt bút thừa nhận Hoàng Sa lúc đó thuộc Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Cứ theo hiệp định Gieneve 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia đã ký kết thì sẽ rõ.
"Tấm thẻ này chứng minh Bắc Kinh đã cài cắm người sang Cục Bản đồ của Phủ Thủ tướng từ những năm 1960-70 để rồi bản đồ Hoàng Sa-Trường Sa bị ghi là củaTrung Quốc”. Nguồn ảnh: nhà báo Lê Đức Dục.
Vậy thì có thứ pháp luật quốc tế nào dám bênh vực cái sự cho của một ai đó đã cho cái mà người đó không có?
Cũng có thể có người lập luận rằng, cho dù VNDCCH lúc ký công thư, viết sách địa lý cũng như lúc vẽ bản đồ đều chưa quản lý Hoàng Sa, Trường Sa thì sau này khi thống nhất đất nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước kế thừa của VNDCCH do đó tính hiệu lực của văn bản có tính liên tục. Mặt khác CHXHCNVN chưa bao giờ có các ý kiến về việc hủy bỏ các tài liệu trên!
Lúc này cần viện dẫn đến Hiến chương LHQ để bác bỏ việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của VNCH tháng 1/1974 và cưỡng chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa tháng 3/1988.
Bị vong lục năm 1975 mà Đặng Tiểu Bình đề cập đã thừa nhận TQ có tranh chấp với VN về vấn đề biển đảo vậy thì nay phải cùng với VN và các bên liên quan ngồi vào bàn đàm phán. Tại sao lại khăng khăng là không có tranh chấp.
Vấn đề ở đây là, chỉ vài tài liệu chứng cứ mà Tàu cộng nêu ra từ trước tới nay chẳng đi đến đâu, không đánh lừa được ai dù là những người bình thường ít học nhất.
Nhưng nó lại làm cho các học giả là giáo sư tiến sĩ, luật gia, nhà nghiên cứu hay cán bộ từ thấp đến cao trong đảng ăn lương nhà nước, hưởng bổng lộc do nhân dân đóng góp lại đề cao nó quá mức như vậy để đi đến nhận định việc kiện TQ là việc rất khó khăn, cần cẩn thận không thì mất cả chì lẫn chài!
Vài tài liệu đó thôi mà có vị tiến sĩ lý giải rằng đó chỉ là những tài liệu có tính tham khảo thì cũng rất nguy hiểm bởi nếu cứ theo tư duy đó là tài liệu tham khảo thì thua kiện là cái chắc.
Một điều nữa là đã tuyên truyền cho dân rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, đã biết được thằng Tàu cướp biển, đảo của mình mà không có động thái lấy lại, ngoài ra lại còn từng đoàn rồng rắn sang Tàu cầu thân xin làm bạn bè “bốn tốt’’ với nó. Làm ngơ cho chúng ngấm ngầm hoặc công khai, triệt phá kinh tế, an ninh quốc phòng bao nhiêu năm nay, dẫn đến mọi mặt đời sống dần bị lệ thuộc vào chúng mà không có biện pháp gỡ ra thì chỉ có thể là những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống trong lịch sử mà thôi chứ làm sao còn đủ uy tín lãnh đạo đất nước.
Nay ngoài lòng mong mỏi của đông đảo đồng bào ở trong và ngoài nước còn có cộng đồng bạn bè thế giới cũng khuyên ta là cần nhanh chóng khởi kiện Trung Quốc vào giai đoạn này là thích hợp nhất. Nhưng không hiểu Bộ Chính trị và Đảng cầm quyền Việt Nam có vì dân vì nước hay không mà chưa có động thái nào khởi kiện lại Trung Quốc.
Nếu sợ chi phí pháp lý cho vụ kiện cao thì liệu chi phí đó có cao hơn việc mất chủ quyền biển đảo mãi mãi?
Việc kiện những cái gì và lựa chọn kiện ra tòa án nào, sẽ do đội ngũ chuyên môn bàn bạc thảo luận lựa chọn nếu chúng ta có quyết tâm khởi kiện.
Tranh kiện pháp lý được cộng đồng thế giới coi là một biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Đối với những nước nhỏ yếu hơn, biết không thể thắng bằng vũ lực và ngoại giao trong giải quyết tranh chấp thì việc kiện ra tòa án quốc tế là biện pháp hữu hiệu và văn minh nhất.
Không hiểu có còn lý do nào khác mà Đảng cầm quyền Việt Nam vẫn chưa quyết định khởi kiện lại Trung Quốc! Chẳng lẽ chúng ta lại cam tâm là tập thể Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống?
Dân tộc Việt Nam ta phải làm gì nếu Đảng quyết tâm không dám kiện Trung Quốc?
Đ.T.
Tác giả gửi BVN