Chờ đợi gì từ phiên toà ở Đồng Tháp?















Lê Anh Hùng - Sau hai lần tạm hoãn, phiên toà phúc thẩm xét xử chị Bùi Thị Minh Hằng, anh Nguyễn Văn Minh và chị Nguyễn Thị Thuý Quỳnh sẽ diễn ra ở Tp Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vào ngày mai.

Đây là vụ án mà ngay từ đầu đã khiến dư luận bất bình, phẫn nộ vì lý do bắt, tạm giam và khởi tố rất mơ hồ và lố bịch của nó – người ta gọi đó là vụ án “hai xe máy đi hàng ba”. Rõ ràng, vụ án này là một màn kịch vụng về nhằm mục đích trả thù người người yêu nước Bùi Thị Minh Hằng cùng hai đồng đội của cô.

Phiên toà sơ thẩm diễn ra tại Cao Lãnh ngày 26.8.214 đã ra bản án dành cho ba người là Bùi Thị Minh Hằng 3 năm tù giam, Nguyễn Văn Minh 2 năm 6 tháng tù giam và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh 2 năm tù giam.

Phiên toà phúc thẩm diễn ra trong bầu không khí khủng bố bao trùm cả nước thời gian gần đây. Ngày 2.11 ký giả Trương Minh Đức bị 7-8 côn đồ (có cả công an đội lốt côn đồ) hành hung dã man ở Bình Dương; ngày 5.11, LS Nguyễn Bắc Truyển, bà Lê Thị Kiều Oanh (vợ cựu TNLT Phạm Minh Hoàng) bị đe dọa hành hung, ngăn chặn quyền tự do đi lại, và ngay cả ông Tổng Lãnh sự quán Pháp đến thăm LS Nguyễn Bắc Truyển cũng bị đe dọa.

Ngày Quốc tế Nhân quyền 10.12 vừa qua, các nhà hoạt động trên khắp 3 miền đều bị giám sát chặt chẽ bởi một lực lượng an ninh đông đảo. Thật mỉa mai, các sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền lại không thể diễn ra ở một quốc gia vẫn vỗ ngực tự hào là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Thậm chí, chiều 9.12 ở Sài Gòn, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Hoàng Vi còn bị côn đồ hành hung dưới sự bảo kê của công an. Ngày hôm qua, ông Trương Minh Hưởng, một người tích cực đấu tranh cho nhân quyền và chống tham nhũng ở Hà Nam, đã bị côn đồ đánh đập dã man.

Gần đến phiên toà phúc thẩm lại diễn ra hai vụ đàn áp khiến dư luận trong và ngoài nước bất bình, không chỉ các tổ chức nhân quyền quốc tế mà ngay cả chính phủ Mỹ cũng phải lên tiếng. Đó là vụ bắt giam GS/blogger Hồng Lê Thọ, chủ blog Người Lót Gạch, ngày 29.11 và vụ bắt giam nhà văn/blogger Nguyễn Quang Lập, chủ blog Quê Choa, ngày 6.12.

Những gì diễn ra thời gian gần đây hoàn toàn không phải là bất thường mà nó phù hợp với một xu hướng gần như “bất di bất dịch” bắt đầu từ năm 2009 đến nay: nhà cầm quyền Việt Nam ngày càng tăng cường đàn áp phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam. Khi cần “ghi điểm” với Mỹ và phương Tây trong một vụ gì đó thì họ lại lùi một bước, thả vài tù nhân lương tâm, để rồi gần như ngay lập tức lại tiếp tục gây tội ác với nhân dân, với đất nước.

Nhà cầm quyền cộng sản ở Việt Nam đã cho nhân dân và cộng đồng quốc tế thấy rõ là họ ngày càng lui vào tử thủ trong cái lô cốt độc tài, bất nhân, tham nhũng và bán nước.

Mặc dù phải chịu sự đàn áp, khủng bố ngày càng tăng từ phía nhà cầm quyền, với đủ trò hèn hạ, đê tiện khác nhau, nhưng mấy năm gần đây phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam lại phát triển chưa từng thấy. Nhiều tổ chức xã hội dân sự độc lập lần lượt ra đời: No-U FC, Hội Anh em Dân chủ, Hội Bầu bí Tương thân, Hội Nhà báo Độc lập, Văn đoàn Độc lập, Hội Cựu Tù nhân Lương tâm, Hội Phụ nữ Nhân quyền, Hiệp hội Dân oan, v.v.

Sự dấn thân và đổ máu của bao người con ưu tú của đất nước trong công cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản đã không hề uổng phí: sự thật về một chế độ độc tài, tàn ác và tham nhũng không ngừng bị phơi bày trước mắt dân chúng và cộng đồng quốc tế; ý thức về nhân quyền, dân quyền trong dân chúng ngày càng được nâng cao; lằn ranh đỏ giới hạn hoạt động đấu tranh dân sự ôn hoà không ngừng bị đẩy lùi.

Với những gì đã trình bày trên đây, điều mà người ta có thể chờ đợi từ phiên toà phúc thẩm ở Đồng Tháp vào ngày mai thật không khó để hình dung: bản án “nghiêm khắc”, “đúng người đúng tội” dành cho nhà yêu nước Bùi Thị Minh Hằng cùng hai đồng đội của cô trong phiên toà sơ thẩm được giữ nguyên; dòng người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền vẫn đổ về Cao Lãnh bất chấp sự đàn áp khốc liệt mà họ đã nhìn thấy trước cũng như đã từng “nếm trải” trong phiên toà sơ thẩm; nhà cầm quyền cộng sản lại được một dịp tự “tô son, trát phấn” vào bộ mặt nhân quyền “khả ái” của mình; và phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam lại càng trưởng thành, lớn mạnh sau một thử thách mới./.