Với lập luận trên của nhà cầm quyền thì các hộ dân đã phản đối “vào năm 1993, nhà nước chưa bồi thường hoặc chỉ mới bồi thường một phần nhỏ. Nay Nhà nước thu hồi đất tiếp thì phải bồi thường, ra quyết định thu hồi dân mới chịu.”
Các hộ dân khẳng định: “Đất của họ nằm trong diện được bồi thường theo Luật đất đai và các văn bản pháp luật liên quan. Một số hộ còn giữ một văn bản trong đó UBND huyện Quỳnh Lưu, Hội đồng Bồi thường, UBND xã “chứng nhận phần đất của họ chưa được bồi thường là đúng”. Nếu thực sự đã bồi thường và đã có quyết định thu hồi đất, yêu cầu UBND đưa quyết định thu hồi hoặc biên lai trả tiền đền bù thời điểm đó để làm bằng chứng. Nếu đã bồi thường và thu hồi, tất nhiên sổ đỏ đã bị thu và cấp lại theo diện tích mới (nguyên tắc thu hồi đất) – tuy nhiên ở đây dân vẫn giữ sổ đỏ nguyên trạng bao gồm cả phần diện tích 13.5m. Điều này là một bằng chứng cho thấy đất chưa được bồi thường – thu hồi.”
Các hộ dân đưa ra các căn cứ pháp lý chứng minh đất của người dân thuộc trường hợp được bồi thường: “Thứ nhất, đất của dân nằm trong diện được bồi thường: theo Luật đất đai, Điều 75, Khoản 1: Hộ gia đình có bìa đỏ hoặc có đủ điều kiện để cấp bìa đỏ (quy định tại Khoản 1, 2 và 3 của Điều 100 Luật đất đai) mà chưa được cấp thì được bồi thường. Như vậy, có bìa đỏ thì tốt, nếu không chỉ cần các giấy tờ hợp pháp là được. Trường hợp các hộ ở Quỳnh Lưu đều thuộc dạng được bồi thường.
Thứ hai, các hộ dân có phần diện tích đất thực tế lớn hơn diện tích trong bìa đỏ cũng được bồi thường căn cứ vào Điều 12, Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định: “Bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đo đạc thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất. 1. Nếu diện tích đo đạc thực tế nhỏ hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế. 2. Nếu diện tích đo đạc thực tế nhiều hơn diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất do việc đo đạc trước đây thiếu chính xác hoặc do khi kê khai đăng ký trước đây người sử dụng đất không kê khai hết diện tích nhưng toàn bộ ranh giới thửa đất đã được xác định là không thay đổi, không có tranh chấp với những người sử dụng đất liền kề, không do lấn, chiếm thì bồi thường theo diện tích đo đạc thực tế.”
Giả thiết như nhà cầm quyền đã bồi thường, có quyết định thu hồi, nhưng không thực hiện thu hồi để cho người dân lấn chiếm đất, hoặc tái lấn chiếm nên nhà cầm quyền quyết định không bồi thường. Vậy tại sao UBND huyện Quỳnh Lưu không bảo vệ khu đất mà lại cho dân lấn chiếm như vậy? Trách nhiệm của UBND huyện Quỳnh Lưu ở đâu? Trong khi đó, các hộ dân khẳng định, họ đã sống ở khu đất này trước năm 1980.
Vào tháng 4.2014, lần lượt từng hộ dân đã viết đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu yêu cầu tiến hành bồi thường và thu hồi đất đúng theo quy định của pháp luật.
Tiếp đến vào ngày 24.06.2014, các hộ dân lại có đơn khiếu nại chung gửi Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị giải quyết việc đất đai hợp pháp của họ bị thu hồi nhưng không được đền bù thỏa đáng. Nhưng UBND huyện không giải quyết đơn khiếu nại của các hộ dân.
Vì thời hạn khiếu nại đã hết mà đơn thư chưa được giải quyết, nên vào ngày 18.08.2014, các hộ dân đã đệ đơn lên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An để giải quyết. Nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lại ‘đá bóng’ cho Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu. Điều này khiến các hộ dân bất bình và khẳng định tiến trình làm thủ tục khiếu kiện là “đúng với quy định của pháp luật” [căn cứ Khoản 1, Điều 7 và Điều 28 của Luật Khiếu Nại số 02/2011/QH13].
Tuy nhiên, từ đó đến nay, các hộ dân đã không nhận được hồi đáp nào từ Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Các hộ dân cho biết: “chúng tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại này để yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giải quyết minh bạch, thỏa đáng đơn khiếu nại, nhằm bảo vệ quyền lợi và đem lại ổn định cho đời sống của chúng tôi.” Do đó, vào ngày 07.11.2014, các hộ dân đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và đang chờ hồi đáp.
Ông Nguyễn Minh Lương -đại diện cho các hộ dân gửi Đơn khiếu nại lên UBND tỉnh Nghệ An- nhấn mạnh: “Trong thời gian chúng tôi đang khiếu nại, UBND huyện Quỳnh Lưu đã nhiều lần tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ làm chúng tôi rất bất bình và hoang mang.”
Các hộ dân ký tên trong đơn khiếu nại
Vào ngày 22.10.2014, Các hộ dân đã gửi thư ngỏ đến Đức Cha Phaolô, Giám Mục Giáo Phận, quý Đức Cha, quý Cha và toàn thể cộng đoàn dân Chúa Giáo Phận Vinh, để trình bày sự việc với mong muốn, “Đức Cha, Quý Cha và những người yêu chuộng công lý hiệp lời cầu nguyện và lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho chúng con là những người dân thấp cổ bé miệng.”
Sau đó, vào ngày 12.11.2014, Cha Antôn Nguyễn Văn Đính, linh mục Quản hạt Thuận Nghĩa, đã gửi đơn khiến nghị lên UBND huyện Quỳnh Lưu và đề nghị: “UBND huyện giải thích về nội dung “Biên bản xác định diện tích bị lấy đất để mở rộng Quốc lộ 1A theo chủ trương của tỉnh Nghệ An” đã được lập giữa Đại diện UBND huyện Quỳnh Lưu, Hội đồng Bồi thường huyện Quỳnh Lưu, Đại diện UBND cấp xã và chủ hộ có đất, trong đó ghi rõ “UBND huyện chứng nhận diện tích đất bị lấy chưa được đền bù là đúng”. Tôi cũng đã yêu cầu UBND huyện chứng minh đất của các hộ đang khiếu nại là đã được thu hồi, đền bù qua các thời kỳ nay do các hộ này tái lấn chiếm. Khi chứng minh được điều này UBND huyện mới có thể áp dụng Khoản 3 Điều 5 Quyết định số 04/2010/QĐ-UBND ngày 19/01/2010 của UBND tỉnh Nghệ An để từ chối đền bù.”.
Cần nhấn mạnh, về pháp lý, Điều 21 Luật Đất đai 1993 và Điều 32 Luật Đất đai 2003 qui định: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”. Như vậy, giả thiết có bồi thường rồi vào năm 1993, nhưng hiện tại người dân “đang sử dụng”, thì nay, để giao đất làm đường, vẫn phải có quyết định thu hồi đất. Hoặc giả thiết, người dân lấn, chiếm đất, thì theo qui định khoản 6 Điều 38 và Điều 39 Luật Đất đai 2003, cơ quan chức năng vẫn phải có quyết định thu hồi đất. Chưa kể khoản 3 Điều 26 Luật Đất đai 1993 qui định “Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp.. Đất không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền…” và công nhận đất cho người đang sử dụng thực tế là người dân theo qui định tại khoản 3 Điều 49 và Điều 50 Luật Đất đai 2003.
Tiếp đến vào ngày 14.11.2014, 15 Quý linh mục đoàn giáo hạt Thuận Nghĩa cũng có văn bản lên tiếng và nhận định rằng, “việc UBND huyện Quỳnh Lưu chủ trương thu hồi đất của dân không theo tiến trình pháp luật quy định, không có quyết định thu hồi và bồi thường thỏa đáng cho dân là trái pháp luật.” Và phản đối: “nhiều lần UBND huyện Quỳnh Lưu đã tổ chức các lực lượng có vũ trang để cưỡng chế đất của dân khi chưa giải quyết xong khiếu nại là hành vi lạm quyền.”
Do đó, Quý linh mục yêu cầu nhà cầm quyền: “Thứ nhất, dừng ngay hành vi cưỡng chế bất hợp pháp. Thứ hai, đề nghị xét đơn khiếu nại và giải quyết theo đúng trình tự mà Luật Khiếu nại –Tố cáo đã quy định. Thứ ba, rà soát lại những quy định của luật Đất đai hiện hành để có quyết định chính xác trên cơ sở pháp luật, đền bù thoả đáng cho những hộ dân đang có quyền sử dụng đất hợp pháp.”
Bản lên tiếng của linh mục đoàn Thuận Nghĩa
Trước khiếu nại của người dân và ý kiến của Quý Linh mục, thay vì giải quyết khiếu nại đúng pháp luật, UBND trả lời quanh co, bám vào lý do ‘đã bồi thường. Ngoài ra, UBND huyện Quỳnh Lưu nói rằng: “một số hộ giáo dân bị xúi dục, kích động, đưa ra các yêu sách không đúng với chính sách Nhà nước về bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Vậy các yêu sách nào là không đúng với chính sách nhà nước? Theo hồ sơ, nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu khẳng định, “vào năm 1993 đất này đã được bồi thường và thu hồi”. Còn các hộ dân lại yêu cầu, “nhà cầm quyền cần đưa ra bằng chứng là đã bồi thường và có quyết định thu hồi vào năm 1993. Nếu không đưa ra được thì phải bồi thường cho dân là đúng căn cứ pháp luật. Vì đất của dân ở đây đều thuộc dạng được bồi thường khi Nhà nước thu hồi để phục vụ lợi ích công cộng.” Nếu nhà cầm quyền không chưng dẫn ra được chứng cứ đã bồi thường cho các hộ dân, có quyết định thu hồi đất mà lại đi cưỡng chế đất của người dân thì nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu đã vi phạm pháp luật. Do đó, người dân đã thực hiện đúng quyền khởi kiện và quyền khiếu nại của họ theo đúng quyền của họ đã được Hiến Pháp và Luật Khiếu Nại quy định.
Bên cạnh đó, UBND yêu cầu cha Đính “chỉ đạo Hội đồng mục vụ giáo xứ Thuận Nghĩa, Hội đồng mục vụ giáo họ Tân Lập, giáo họ Yên Lưu vận động các hộ còn lại không cản trở thi công”. Để trả lời điều này thì chính cha Đính khẳng định, “đây là một đề nghị vô lý”. Cha Đính giải thích: “Việc nhân dân bất bình với cách hành xử của chính quyền thì chính chính quyền phải giải thích, làm rõ để dân tin phục. Cán bộ UBND huyện Quỳnh Lưu được trả lương (là tiền thuế của dân) để phục vụ nhân dân, vậy đây là việc của chính quyền với dân, tôi cũng như Hội đồng mục vụ không có trách nhiệm phải làm thay công việc của UBND huyện Quỳnh Lưu. Mặt khác, tôi nhận thấy UBND huyện Quỳnh Lưu đang cố ý làm trái pháp luật, không tôn trọng sự thật, quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Vì vậy, tôi xin nói rõ: Tôi sẽ không bao giờ cộng tác để tiếp tay cho những hành vi sai trái như thế!”.
Được biết, nhà cầm quyền huyện Quỳnh Lưu đã cưỡng chế thu hồi đất của các hộ dân này vào ngày 14.08.2014, vào ngày 07.09.2014, và vào ngày 09.10.2014 nhưng các hộ dân nơi đây kiên quyết đòi UBND phải bồi thường thỏa đáng cho họ đối với phần đất đã bị cưỡng chế thu hồi trái pháp luật này.
HT VRNs