“Đại hội tốn 2.000 tỷ đồng,
chất lượng chưa tương xứng!“
VOV.VN - Ông Vương Bích Thắng cho rằng việc tổ chức đại hội là cần thiết nhưng phải có những điều chỉnh phù hợp với tình hình
Trả lời báo chí về vấn đề kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản và tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng, cho biết, con số này lên tới hơn 2.000 tỉ đồng nhưng chất lượng chưa tương xứng.
Cung Thể thao Nam Đinh trong buổi lễ bế mạc Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7
(Ảnh: Y Trang)
Đây là lần thứ 7, Đại hội TDTT toàn quốc được tổ chức, với chu kỳ 4 năm/lần, nhằm tạo sân chơi tranh tài đỉnh cao cho các VĐV trong nước, phát hiện tài năng để bồi dưỡng, rèn luyện. Quyền đăng cai Đại hội lần thứ 8-2018 đã được giao cho An Giang.
Tuy nhiên, ông Vương Bích Thắng cho rằng việc tổ chức đại hội TDTT là cần thiết, nhưng cách thức tổ chức sẽ phải có những điều chỉnh phù hợp với tình hình. Cụ thể là các đơn vị tham dự Đại hội phải phân bổ hợp lý nguồn lực, chọn lọc VĐV và các môn thi đấu, tổ chức điểm thi đấu không được gây lãng phí, và phải tính tới việc phát huy các công trình thể thao sau khi đăng cai đại hội.
Để tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7, tỉnh Nam Định đã đầu tư khoảng gần 1.500 tỉ đồng phục vụ sự kiện. Bên cạnh đó, các địa phương, như Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng... trợ giúp đăng cai một số môn, cũng phải bỏ ra một khoản kinh phí không nhỏ để tổ chức thi đấu các môn.
Mặt khác, việc tổ chức Đại hội đang trở nên thiếu tính cạnh tranh, kém ganh đua lành mạnh, có dấu hiệu của việc chạy theo thành tích. Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục TDTT, cho biết: “Sự cố VĐV đánh trọng tài rồi HLV và trọng tài đánh nhau ở môn vật cho thấy nhiều địa phương sẵn sàng dùng tiền để thuê VĐV theo thời vụ và mua thành tích. Không phải VĐV của họ nên họ cũng không quan tâm đến chuyện giáo dục tư cách đạo đức”.
Ông Nguyễn Hồng Minh bình luận: “Các VĐV đỉnh cao không có cơ hội rèn luyện nâng cao trình độ và thực tế thành tích cho thấy họ giành HCV, nhưng đó cũng không phải là những thành tích xuất sắc, vượt qua bản thân. Khi bước ra các đấu trường quốc tế, các VĐV vẫn thường có xu hướng đánh mất huy chương quý giá vào thời điểm quyết định”.
Ông Nguyễn Hồng Minh cũng cho biết: “Đa phần các công trình thể thao đều “đắp chiếu” sau đại hội và xuống cấp rất nhanh, thậm chí có công trình vừa nghiệm thu đã hư hỏng”./.
Thành Lương/VOV - Trung tâm Tin