Họp mặt kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền bằng một cuộc “chạy ma ra tông” giữa phố xá Thủ đô

Nguyễn Huệ Chi

08-12-2014
H1Cầm bút ghi lại cuộc gặp mặt sáng nay, 7-12-2014, của một nhóm trí thức Thủ đô Hà Nội, nhằm kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc ra Tuyên ngôn Nhân quyền mà giờ đây tôi vẫn chưa hết cảm giác buồn cười, chỉ chực bật lên thành tiếng, làm vợ tôi ngạc nhiên cứ phải lân la dò hỏi: “Có gì mà anh vui thế? Ăn lẩu dê ngon lắm hay sao?” Tôi không nhịn được nữa phải cười to: “Ôi, ngon quá đi chứ! Dê núi kia mà!” Hết trận cười thì đành bấm bụng cầm chuột máy ghi lại đầu đuôi chuyện đã xảy ra.
Mấy hôm trước, vài người bạn nhắn miệng cho biết: “Đến Chủ nhật tới sẽ họp mặt kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, thế nào anh cũng phải có mặt… Thì lâu ngày không gặp, cũng chỉ cốt để trò chuyện cho vui rồi cùng nhau kết thúc bằng một bữa lẩu dê”. Nghe nói tôi sướng rơn, ha ha, thế là được một bữa thoát khỏi chế độ “thực dưỡng” bằng rau củ quả suông do bà vợ Tổng bí thư của tôi nghe lời con gái đưa ra điều lệ bắt Ủy viên trung ương đảng gia đình là tôi phải thực hiện, đang chán đến phát ốm. Nay có dịp “tham nhũng” một bữa lẩu dê thì còn gì bằng! Nhưng cái tật đi ngủ quá muộn vì thói quen đọc sách trong màn vẫn không sửa được, nên sáng đến gần 7 giờ rồi mà cứ còn ngon giấc. Thình lình tiếng điện thoại réo làm giật thót cả mình. Tưởng nghệ sĩ Kim Chi đã đến gọi xuất hành, tôi hoảng quá, chồm ngay dậy. Hóa ra đầu dây bên kia là một giọng đàn ông: “Cháu H. đây, bác dậy chưa?” Ô, thì ra là anh cảnh sát địa phương. Tôi đáp: “Vừa mới mở mắt. Có gì thế cháu?” “Cháu muốn mời bác đi uống cà phê…”. “Bác không quen uống cà phê buổi sáng đâu”. “Thì uống trà vậy. Cháu sẽ đến thăm bác ngay bây giờ”. Thôi rồi, anh ta đến quản chế mình không cho ra cửa đây. Tôi nhắn vào điện thoại cho chị Kim Chi: “Tôi được thăm hỏi”. Rồi trở dậy đánh răng, súc miệng, để kịp đón anh cảnh sát đã bấm chuông ở cổng dưới. Chúng tôi gặp nhau rất vui, riêng tôi thì “bên ngoài cười nụ” mà bên trong đang phải nhẩm tính rất dữ. Thật ra, với cảnh sát nào ở khu phố mình ở, tôi cũng thấy họ đều nhã nhặn với mình, kể cả anh cảnh sát Q. năm 2009 vừa chân ướt chân ráo đến địa phương này, đang được anh cảnh sát cũ dẫn đi giới thiệu từng nhà, mới bước vào nhà tôi chừng 5 phút thì bỗng đâu một đoàn cảnh sát trên Bộ quần áo chỉnh tề dáng bộ uy nghi, bước vào đọc lệnh khám nhà, làm anh ta cứ đứng ngây ra, không biết đầu đuôi xuôi ngược ra sao nữa. Hôm nay, anh cảnh sát này cũng là “lính mới” song cũng đã gặp nhau vài ba bận. Rất vui tính và cởi mở, vì thế chuyện con cà con kê chẳng ai giữ kẽ với nhau. Nhưng đến 9 giờ, nhân anh ta hỏi: “Bác có bận đi họp hành gì không?” tôi liền quyết định phải nói thẳng: “Tớ bận một cuộc họp, đi ngay bây giờ đây”. Và nói tiếp: “Họp kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền, là một ngày trọng đại đấy, vắng không được đâu”. Cậu ta đáp: “Họp ở Hà Đông có phải không?”. Thôi thế là anh ta biết hết rồi. Tôi đánh bài ngửa: “Cậu được lệnh đến đây cản mình chứ gì? Tớ đã nói với các cậu việc gì cần là tớ đi, không ai cản được cả”. Nào ngờ anh ta trả lời rất nhẹ nhàng: “Thì bác cứ chuẩn bị đi đi, cháu không làm phiền bác nữa. Nhân phiên trực cháu chỉ đến thăm bác thôi”. Tôi biết cậu ta nói khách sáo chứ ai lại đến thăm đúng vào lúc mình đang phải đi dự một cuộc họp long trọng thế này. Nhưng mà thôi cũng chẳng sao, bởi lời nói của cậu ấy đã là một biểu hiện của sự cởi mở mà tôi mong đợi. Tôi gọi điện cho chị Kim Chi bảo chờ mình, gọi điện cho hãng taxi và xin phép anh an ninh lên thay quần áo. Và hai phút sau đã tề chỉnh, bước ra đường để đón xe, trong khi anh cảnh sát cũng đi theo một quãng rồi gật đầu mỗi bên một đường. Thật là hồ hởi trong dạ. Nào ngờ mọi sự lại không phải như mình mong.
Xe taxi chạy đến Royal City đúng chỗ hẹn quá Ngã Tư Sở thì dừng. Vừa bước xuống đã nhìn thấy bạn già Nguyễn Khắc Mai cũng đang đứng đấy, đang trò chuyện với một người áo xanh lá cây, có lẽ là anh xe ôm. Tôi đã quen dáng chiếc xe dãi dầu của anh Trung chuyên đi phục vụ miễn phí cho anh em nhân sĩ trí thức, nên hút thấy bóng nó đỗ về bên trái liền kéo Mai cùng mình đi sang phía đó. Lên ô tô thì có mấy mặt toàn người quen đang chờ: Kim Chi, Chu Hảo và Nguyên Bình, con gái lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh. Xe lập tức nổ máy chạy ra đường Nguyễn Trãi trực chỉ Hà Đông. Nhưng chợt anh Trung nhìn vào kính chiếu hậu và nói ngay: “Này, xem mà xem, hai vị đèo nhau trên xe máy lại đeo theo mình rồi. Mình dừng họ dừng, mình đi là họ bám đuôi ngay”. Nhìn ra phía sau xe, quả nhiên có hai chàng thường phục trên chiếc xe máy đang chạy cầm chừng sau chiếc ô tô chừng 40 mét. Tất cả nhìn nhau. Anh Chu Hảo bấy giờ mới ghé tai tôi nói: “Khi trước xe chạy không có “cái đuôi” này đâu, nhưng từ khi tôi lên xe thì nó xuất hiện, thế có lẽ là do tôi “mọc đuôi” rồi”. Chưa kịp đáp lời gì thì anh Chu Hảo đã gọi anh Trung cho xe chạy chậm lại, ngoặt vào một con đường khác, và bảo với cả đoàn: “Ta làm một phép thử nhé. Nếu “cái đuôi” là vì có mặt tôi thì tôi sẽ xuống đây để “cắt đuôi” cho các anh chị. Rồi tôi sẽ tìm cách đến sau vậy. Mọi người không biết cản thế nào, đành để anh xuống xe, nhưng khi anh bước xuống thì nghệ sĩ Kim Chi cũng tình nguyện xuống cùng với anh. Xe vòng vèo một lúc để quay trở lại đường cũ và tôi bỗng cảm thấy ngay cái vị hài hước ở đầu lưỡi mình, bèn bật ra một câu: “Vui nhỉ, một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ có khác, con dân đi làm lễ kỷ niệm Tuyên ngôn Nhân quyền là phái người đi bảo vệ. Còn gì oai hơn nữa”. Ai nấy cùng cười và chuyện trò lại râm ran. Đột nhiên một nguời nhắc đến Bọ Lập và mọi tiếng nói cười đều vụt tắt. Chỉ còn tiếng máy xe rù rì cố len qua các dòng người trên con đường có những trụ cầu dự án đường sắt trên cao mọc nghênh ngang như những anh khổng lồ đang đứng dang tay cười nhạo sự tất tả của người đi phía dưới. Hình ảnh một chàng văn sĩ nổi tiếng, liệt nửa người, một tay chống gậy, bước chân tập tễnh theo đoàn công an điều tra dẫn mình về nơi thẩm vấn, còn quay lại dặn vợ: “9 ngày, nếu không thì 3 năm” bỗng hiện rõ mồn một trong trí như là một nghịch lý trớ trêu của cái ngày mà tất cả chúng tôi từ mọi hướng đang cố gắng tìm đến một địa điểm chung để tổ chức lễ kỷ niệm cho nó. Trớ trêu và thật là oái oăm.
Khi xe chạy đến Hà Đông, ngoặt trái một quãng rồi ngoặt phải vào Khu đô thị Xa La, không thấy bóng dáng hai anh xe máy đuổi theo nữa, chúng tôi đã mừng thầm: đúng “đuôi” của anh Chu Hảo rồi. Nhưng hỡi ôi, mừng hụt. Chỉ cần chạy thêm một quãng hơn 100 mét nữa là đến đích: nhà hàng Dê Hoa Lư, tuy nhiên từ xa mọi người đã nhìn rõ một tấm biển to viết nguệch ngoạc: Hôm nay nhà hàng không mở cửa vì hết hàng. Và cửa quán thì đóng chặt. Ngay ngôi nhà bên cạnh, lố nhố kẻ đứng người ngồi có chừng chục chàng mặc nhiều loại áo đang ngó ra phía chiếc xe của chúng tôi. Ai nấy tê điếng cả người. “Cuộc họp long trọng này đã được nước thành viên Nhân quyền LHQ dời sang ngày khác”, ai đó nói thêm một câu đùa chua chát. Thôi, còn xuống mà làm gì nữa. Đi thôi! Xe chúng tôi lăn bánh theo tốc độ rùa bò thêm dăm chục mét thì chợt nhận ra cái dáng đi dẻo dai của anh Nguyễn Quang A. Anh cũng đang hối hả hành tiến về phía quán Hoa Lư. Nguyễn Khắc Mai vội hạ cửa kính xuống gọi và nhanh chóng Nguyễn Quang A chạy tới leo lên xe. Khi biết ra cơ sự, anh cười: “Có hề gì, thì mình đi kiếm một quán khác”. Và thế là mấy người reo lên hưởng ứng. Lại chạy thêm một quãng chừng 3, 400 mét nữa thì đến chiếc cầu Kiên Hưng. Bên kia cầu có một quán thịt cầy, mặt bằng phía trước rất thoáng đãng. “Thôi vào đây đi!”, Quang A quyết định chắc nịch, như anh đã quyết định đi bộ 13 km từ bên kia sông Hồng sang đến tận Giáo xứ Thái Hà lần thuyết trình Nghị quyết của LHQ về bảo vệ người bảo vệ nhân quyền hôm 26-11-2014, mặc cho có đến vài chục anh chức năng săn đuổi và ra sức ngăn cản mình. Nghe lời anh, xe qua cầu Kiên Hưng liền vòng lại, chạy trờ lên hè phố ngay trước quán, đỗ chếch về một bên cửa. Bước xuống thì có hai người từ trong quán đi ra: “Chúng em chờ các bác ở đây lâu rồi. Đặt tại nhà hàng Hoa Lư nhưng họ làm khó dễ, bắt chủ quán đóng cửa, biết thế nào các bác cũng lên đây nên đã đứng sẵn ở đây”. Vui quá là vui, những cái đầu lớn gặp nhau. Chúng tôi ùa vào và các cô tiếp viên chạy ra săn đón, sắp xếp bàn ghế. Chàng Thanh Hà, người đợi chúng tôi, cho biết: “Có anh Phạm Đình Trọng cũng ra dự với chúng ta, vừa đi xe máy tới đây, thầy Vũ Hùng đèo, nhưng hình như ngại công an làm khó dễ sao đấy nên lại đi rồi”. Quang A vội bảo: “Gọi ngay các cậu ấy quay lại. Công an đến ta mời vào luôn. Có gì đâu, càng đông vui. Ngày này là ngày vui của nước ta, một nước thành viên Hội đồng Nhân quyền mà”. Không khí phấn khởi bùng lên trở lại. Trong chốc lát hai anh Phạm Đình Trọng và nhà giáo Vũ Hùng đã dựng xe máy bước vào. Rồi có hai người bạn từ Thái Bình cũng kịp lên nhập cuộc. Chúng tôi gọi điện cho chị Kim Chi, thì chừng 10 phút sau, Kim Chi và anh Chu Hảo đã xuống xe ngay trước quán, mặt tươi hơn hớn, chừng như có chuyện gì đó mà không nói ra lời. Những cốc bia hơi đầy tràn được mang ra và trong không khí nâng ly vui vẻ, Chu Hảo bật mí cho biết: “Một cuộc “cắt đuôi” thật ngoạn mục. Lúc xuống xe ở chỗ anh Trung dừng lại, chúng tôi nhìn thấy hai anh xe máy đèo nhau cũng dừng, biết là mình đoán trúng, bèn đem nhau vào một cửa hàng bán thời trang bên đường để tạm lánh mặt họ. Cô bán hàng trẻ trung, nhìn thấy khách bèn tươi hẳn nét mặt, tưởng hai ông bà này đem nhau đi sắm đồ bộ, đến gần niềm nở mời chào: “Buổi sáng hai bác ăn mặc đẹp đẽ quá, đi sắm đồ bộ thật là hợp. Mời hai bác xem hàng cho em đi”. Chị Kim Chi nhác thấy “cái đuôi” vẫn lấp ló phía xa xa liền thổ lộ: “Em cho chị và anh đây vào ngồi ghế phía trong một tí, anh chị đi dự cuộc họp ngày lễ kỷ niệm Nhân quyền LHQ, nhưng đến đây thì… bỗng mệt quá… mệt muốn đứt hơi… Mà phía trong có cái toilette nào không em?” Cô hàng ý nhị đáp lời: “Có đấy hai bác ạ, hai bác cứ đi vào đi, tận phía trong ấy đấy”. Cô nói đến đấy thì dừng, tin cậy để cho hai người khách lạ đi toilette, tiếp tục trông coi hàng. Hai người vội đi sâu vào trong thì phát hiện ra phía sau toilette lại có một cửa ngách thông sang một con đường khác. Mừng còn hơn bắt được vàng. Chỉ một bước là ra đường, lên ngay xe taxi, trên taxi nhận được điện thoại vội phóng đến đây”. Quá kịch tính! Mọi người lặng ngây ra nghe. Thế này là nội dung cuộc họp mặt kỷ niệm ngày Nhân quyền phong phú quá rồi chứ còn gì nữa. Anh Thanh Hà bèn đứng dậy khai mạc cuộc họp và thông báo các anh Nguyễn Mạnh Hùng, Bà Đầm Xòe và một số người nữa không đến được vì sáng sớm bận có khách thăm hỏi tới tấp (người Tàu xưa gọi là “bất tốc chi khách”), nhưng 15 người thế này cũng đã là đáng quý lắm.
Thầy giáo Vũ Hùng đứng lên mà chẳng nói gì. Sự im lặng nói nhiều hơn nói
Thầy giáo Vũ Hùng đứng lên mà chẳng nói gì. Sự im lặng nói nhiều hơn nói
Ai nấy vỗ tay vang rân. Mọi gương mặt nhướng lên chăm chú nghe, tuy trong lòng vẫn không giấu được tiếng cười, bởi câu chuyện hấp dẫn của hai vị Kim Chi và Chu Hảo vẫn đang nóng hổi, không kém gì câu chuyện anh Quang A mấy hôm trước.
Nhưng rồi bỗng có tiếng còi vang lên ở ngoài. Một xe cảnh sát chạy tới. Một tiếng loa cất lên rất to: “Chiếc xe nào đỗ trên hè ở đây không được phép. Mời lái xe ra đây cho chúng tôi gặp”. Có chuyện rồi. Anh Trung chạy ra gặp họ. Một sự thương lượng nhẹ nhàng nào đấy, lát sau đã thấy chiếc xe do anh Trung lái lùi từ trên hè xuống bờ đường. Tưởng mọi việc thế là xong, anh Trung quay trở vào, cuộc vui lại tiếp tục. Thì bỗng lại có tiếng loa: “Mời lái xe ra để chúng tôi cho cần cẩu tới cẩu xe đi”. Ô hay! Dùng cần cẩu để cẩu xe người ta về đồn ư? Quái nhỉ! Anh Trung lại phải đứng lên: “Đây không có biển cấm, chẳng sao đâu. Để tôi ra nói năng ôn tồn với họ lần nữa”. Anh Trung ra một lúc rất lâu không thấy vào. Chúng tôi nghĩ đến cái kế “cần cẩu” mà cảm thấy trong lòng nơm nớp. Anh Quang A nói: “Tôi phải ra mời họ vào dự cùng cho vui mới được”, và anh đứng dậy sải bước đi ngay, trong khi hai chị Kim Chi và Nguyên Bình thì đã theo ra cùng lúc với anh Trung. Không biết hai bên đã trao đổi như thế nào nhưng trong này nghe ngoài đó anh Quang A tuy giọng nói rất to mà không có vẻ gì là giận dữ.
Thế rồi một chốc thì cả ba người cùng vào, còn anh Trung leo lên lái xe đi. Chiếc xe công an cũng rời khỏi hiện trường. Việc cẩu xe đã không xẩy ra (lấy đâu ra cần cẩu ngày Chủ nhật, dọa nhau cho hoảng chút thôi). Nhưng lấy lý do gần cầu, không được đỗ, dù không có biển cấm, họ vẫn bắt anh Trung đưa xe đi gửi cách nhà hàng khoảng 300 mét. Thì đi gửi rồi quay lại, chẳng sao, anh em công an muốn gì chúng tôi chiều nấy. Mọi người lại tiếp tục hội họp trong khi chờ nhà hàng làm các món ăn trưa theo thực đơn. Cũng chẳng ai nói gì thêm về nội dung bản Tuyên ngôn Nhân quyền. 30 điều của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thì ai mà chẳng nhớ, nào quyền tự do và bình đẳng về nhân phẩm cũng như quyền được mưu cầu hạnh phúc. Nào quyền được có quan điểm chính trị khác biệt, được tham gia vào các tổ chức mà mình muốn, được hội họp, đi lại và phát ngôn, được bình đẳng và bảo vệ trước pháp luật…, và trong lúc này, dù có chạnh lòng nghĩ đến điều 30 “Không một điều nào trong Bản Tuyên ngôn này được hiểu và hàm ý cho phép một nước, một nhóm hay một cá nhân nào được quyền có những việc làm hay hành động nhằm hủy diệt nhân quyền và tự do được thừa nhận trong bản Tuyên ngôn này” như một cái gì đang mơ hồ bày ra thấp thoáng, thì ai nấy cũng chỉ để bụng, xem đám người chức năng sẽ còn làm chuyện gì đây.
H1Tôi để ý thấy cậu Long ngồi bên cạnh tôi hình như có điều gì lo lắng. Cậu ta nhấp nhổm đi ra đi vào và ghé tai tôi nói nhỏ: “Ông chủ nhà hàng được công an gọi điện rồi. Ông đang nghe điện đấy”. Chốc sau, ông chủ, nét mặt không vui ra cáo từ với khách: “Xin lỗi các bác, chẳng may món ăn các bác đặt nhà hàng em hết cả, mong các bác thông cảm”. Đám đông ồ lên: “Thế à?”. Nhiều người lên tiếng: “Hết thì thôi chứ có gì đâu, chỉ cần uống bia với lạc rang cũng đủ”; “Cốt nhất là được ngồi vui với nhau chứ thật tình cũng có ai đói đâu, mà cũng chẳng có chuyện gì để nói cả”; “Ngày Nhân quyền là ngày vui của cả nước ta, Nhà nước vui trước nhất. Vui thì không còn thấy đói”. Lại tiếp tục gọi bia và mỗi người buông ra một vài câu đùa, chẳng ai có tâm địa gì mà giận. Người ta hỏi thăm anh Trọng, người trước đây mấy hôm còn bị kèm cặp sát nút. Anh Trọng không thay đổi nét mặt và khuôn miệng dệch xuống, mới nhìn tưởng như rầu rĩ, nói: “Đã được thả lỏng một thời gian rồi”. “Hoan hô! Chúc mừng!”.
Nhưng anh Thanh Hà thì không vui vì món ăn bị từ chối. Cái lý của anh là đúng bữa thì phải được ăn chứ, trưa rồi còn gì. “Trời đánh cũng tránh bữa ăn kia mà”. Anh bèn gọi điện đến một nhà hàng khác, gần quán Hoa Lư, hỏi xem còn gì để ăn không. Nhận được trả lời là vẫn còn, anh bảo mọi người: “Gặp mặt thế này coi như cũng là mỹ mãn. Xin mời tất cả chúng ta đi bộ trở lại, cách đây chừng 300 mét để ăn trưa trước khi ai về nhà nấy”. Có vài lời bàn ra nhưng ý kiến chóng vánh ngã ngũ. Trước khi giã từ quán bia chúng tôi chụp ảnh chung kỷ niệm cuộc họp mặt kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền để rồi lại tiếp tục cuốc bộ đến hàng ăn Thảo Nguyên trong khi anh Trung và vài người lật đật đi lấy xe.
Bốn chàng đủ Đông Tây Nam Bắc chụp chung tấm ảnh kỷ niệm ngày vui.
Lên đường. Vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đã gần đến nơi. Khi đi qua nhà hàng Hoa Lư thì tấm biển báo hết thức ăn đã được cất bỏ, tuy cửa hàng vẫn kéo sập xuống như cũ. Kể cũng tội nghiệp cho ông hay bà chủ hàng phải một ngày mất khách, thôi thì hy sinh vì nhân quyền cũng là một đóng góp cho nước nhà.
Anh em đi trước ra đón tại nhà hàng Thảo Nguyên, tiếp viên cũng ân cần xuống đón chúng tôi lên cầu thang tầng hai. Bàn ghế lại được dịch lại và mọi người ngồi xuống ăn tạm món nem, lạc rang, trong khi các chị gọi thực đơn “gà đồi đệ nhất”.
Nhưng chờ khoảng 20 phút mà không thấy động tĩnh gì, một người có kinh nghiệm bèn bảo: “Có anh nào xuống gặp ông chủ trực tiếp hỏi xem, chứ có thể là “họ” lại can thiệp rồi đấy. Nếu không hỏi thì có khi ngồi đây nửa tiếng nữa người ta cũng cứ để yên mà mình chẳng có gì vào bụng đâu”. Một anh đứng dậy đi xuống. Quả nhiên chốc sau một cậu tiếp viên trẻ măng nhô đầu lên với nét mặt cười có vẻ ái ngại: “Các bác ơi, món gà đồi lại không có rồi. Chủ cháu có lời xin lỗi các bác. Món khai vị hết 40 nghìn thôi không tính các bác nữa”. Lời nói dễ thương làm sao! Thì đành đứng dậy và quyết định chia tay nhau ở đây bởi cũng đã qua cơn đói hay gọi là “quá đói”. Không thấy cồn cào nữa.
Thôi thì quyết định chia tay nhau ở đây.
Khi chúng tôi xuống cầu thang vẫn còn kịp nhìn thấy hai chàng đội mũ bảo hiểm từ phòng chủ quán bước ra. Nhìn thấy chúng tôi họ quay mặt vội đi, leo lên xe máy lủi mất. Anh Quang A giở máy ảnh ra chỉ bấm được một “pô” hai cái lưng đang cong lên như lưng tôm chạy tít.
H1Chia tay. Trên xe anh Trung chỉ còn lại vẻn vẹn 6 người. Chúng tôi quyết định rời Hà Đông và anh lái sẽ đưa từng người về tận nhà. Nhưng xe chưa đi khỏi Hà Đông thì lại đã thấy phía sau vài “cái đuôi” lộ diện. Chúng tôi đi chậm “đuôi” cũng đi chậm, dừng lại, “đuôi” lại cũng dừng. Thì bắt chước anh Quang A xuống xe chụp một “pô” ảnh, nhưng chụp để vui, biết chắc hai anh này vì phận sự theo đuổi chúng tôi cũng đã phải đói mèm, đáng thương hơn là đáng giận.
“Đuôi” và “đuôi”. Xe dừng, “đuôi” cũng dừng.
Mãi khi về đến đường Đào Duy Anh, yên trí không còn “đuôi” nào nữa, trước lúc anh Nguyễn Khắc Mai rời xe, chị Kim Chi đề nghị tìm một quán ăn vào ăn chút gì đỡ mệt, kẻo chị thấy không đành rời nhau mà trong bụng không có chút chất bột nào. Anh Mai chỉ tay vào một quán phở ngay trước mặt đề rõ to “Phở ngon”. Ai nấy đều ồ lên vui mừng. Anh Trung cũng nhìn thấy một xe tải to đùng đỗ gần phía trước nên yên tâm dừng xe. Chúng tôi thong thả bước vào, chân bước đã có hơi lãng đãng. Quả là một nhà hàng ít khách, nhưng nhìn vào cách bày biện và trang trí thì dám chắc cửa hàng này không phải dành cho khách ít tiền. Cầu thang đi lên gác bằng lim sáng bóng và trên tầng hai hoàn toàn tĩnh lặng, không có khách ăn. Chúng tôi yên tâm ngồi xuống để lấy lại chút thoải mái cho mình mà có lẽ trong bọn, từ sáng đến giờ anh Trung là người cực nhọc nhất. Gọi mỗi người một tô phở, riêng anh Mai xin ăn bún mọc. Đây, cái quyền được ăn và được nghỉ hoàn toàn nằm trong 30 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền.
Vậy mà cả 6 nhân mạng vẫn không đạt được mục tiêu ăn ngon. Một tiếng còi toe từ phía dưới cùng với tiếng loa cất lên làm anh Trung giật bắn người khi chưa kịp ăn hết nửa bát. Anh vội chạy xuống và lên ô tô rồi… biến đâu không thấy. Nhìn xuống, lại một xe công an đã đỗ ngay dưới tầm mắt của mình. Rồi cậu thanh niên bưng phở cho chúng tôi bước lên, nở nụ cười, ngập ngừng, nói ngắt quãng những lời chúng tôi đều đã biết trước. Không đợi cậu nói hết, chúng tôi xua tay cười xòa. Nhưng chúng tôi cũng ngồi đủng đỉnh ăn cho xong vì đằng nào thì cũng ăn rồi, mà chủ nhà tuy báo cho biết thế nhưng cũng không giục thêm lần nữa. Đến lúc này mới thấy cái câu tục ngữ “Trời đánh cũng tránh bữa ăn” thật là thiêng liêng.
Khi bước xuống chào các chủ nhân để ra đường, chị Kim Chi chỉ kịp nói một câu: “Chúng tôi đi họp mặt ngày Quốc tế Nhân quyền, đói quá ghé vào ăn tô phở làm các chú công an phải đợi”. Và chị chỉ tay ra ngoài: hình như họ đã phải kiên nhẫn đợi vì anh mặc áo xanh trong xe đang nhổ râu. Các chủ nhân không nói gì chỉ dùng nụ cười tiễn cả bọn.
Anh Trung lái xe đến đón chúng tôi, cho biết: anh đã phải chạy lòng vòng, do chỗ anh vừa gửi xe xong, toan lên ăn tiếp thì nhà gửi đã lại chạy theo vẫy tay rối rít báo: “Phiền anh quá, trả lại tiền anh, chỗ đậu xe… không còn nữa”. Hay thật! Tuyệt là hay! Nói như võ thuật thì… tuyệt chiêu!
Từ đấy cho đến khi về không còn chuyện gì để nói nữa. Về đến nhà mình tôi kịp nhìn đồng hồ. Đã ngót 3 giờ chiều.
Đúng là một ngày cảm nhận thấm thía cái quyền được làm người. Càng thấy tin con người, những người Việt thầm lặng, bình tĩnh và yêu đời hơn.
N.H.C.